Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 18/CT-CTUBND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 9 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2020-2021 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN

Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019; Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông; thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục; các Kế hoạch của UBND tỉnh: Số 63/KH- UBND ngày 19/5/2014 về thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 20/3/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; số 321/KH-UBND ngày 21/12/2016 về thực hiện Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, một số định hướng đến năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và tập trung vào các nội dung:

a) Thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập và phối hợp thực hiện đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS công lập theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

b) Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề xuất cơ chế phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp bảo đảm thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng chuẩn nghề nghiệp; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Phối hợp rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên, bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

c) Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

d) Đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên có đủ trình độ, kinh nghiệm và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021và tiếp tục triển khai đối với các khối lớp tiếp theo theo lộ trình. Phối hợp với UBND huyện, thị xã thành phố quan tâm thực hiện việc tăng cường cơ sở vật chất (phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch…) và trang thiết bị bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; khắc phục các phòng học tạm, phòng học bán kiên cố trên địa bàn.

đ) Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học; thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

e) Thực hiện hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị các cơ sở giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025.

g) Thực hiện hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm. Chú trọng việc giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa Hưng Yên. Thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh phổ thông; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh.

h) Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp; tổ chức trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát; tăng cường an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Ngay từ đầu năm học, hướng dẫn các nhà trường sử dụng các khẩu hiệu trường học phù hợp, thống nhất; thực hiện đặt tên gọi lớp học đơn giản, khoa học, khuyến khích cách đặt tên lớp học truyền thống (sử dụng chữ cái la-tinh A, B, C...). Các trường có bếp ăn bán trú phải sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường; hiệu trưởng các nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm tại đơn vị.

i) Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trong các cơ sở giáo dục; chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và tham gia Hội khỏe Phù Đổng khu vực và toàn quốc.

k) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ tại các trường phổ thông. Khuyến khích triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) và triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các địa phương có đủ điều kiện; tiếp tục khuyến khích mở rộng đối tượng học sinh học tiếng Anh hệ 10 năm. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên; bảo đảm cơ cấu, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

l) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,tiến tới thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến và quản lý giáo dục trên môi trường mạng; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện trong trường hợp cần triển khai dạy học trực tuyến đáp ứng yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

m) Chỉ đạo, theo dõi các nhà trường thực hiện nghiêm quy định về thu, quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.

n) Chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học; duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo quy định.

o) Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo thông qua hợp tác với các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi học sinh, giáo viên, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, quản lý.

p) Tổ chức Lễ khai giảng bậc học mầm non, phổ thông trên toàn tỉnh vào ngày 05/9/2020. Chương trình Lễ khai giảng ngắn gọn, xúc tích, ý nghĩa (không quá 45 phút), đảm bảo giãn cách và các điều kiện an toàn phòng dịch Covid-19. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng trong suốt năm học.

q) Hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

3. UBND huyện, thị xã, thành phố

a) Thực hiện quản lý nhà nước theo thẩm quyền về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về giáo dục đào tạo; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021;

b) Đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để thực hiện xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, bếp ăn…, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học còn thiếu tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Khẩn trương huy động nguồn lực khắc phục phòng học tạm, phòng học bán kiên cố; cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh, công trình nước sạch đảm bảo nhu cầu của học sinh, giáo viên, nhất là đảm bảo các điều kiện nước sạch rửa tay, vệ sinh trường lớp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

c) Khẩn trương tổ chức tuyển dụng đủ giáo viên (nhất là giáo viên Tiếng Anh) trên cơ sở số lượng người làm việc được giao; bố trí sắp xếp giáo viên phù hợp, đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

4. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc bảo đảm các điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các huyện uỷ, thị ủy, thành uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các ngành, đoàn thể tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội chung tay xây dựng xã hội học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021.

6. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-CTUBND năm 2020 về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 18/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Phóng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản