Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 1978 |
Hội đồng Chính phủ đã quyết định cho thi hành trong cả nước bản quy định tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với nông dân, những người làm nghề rừng, nghề muối, nghề cá (dưới đây gọi tắt là người sản xuất).
Việc thi hành chế độ hợp đồng này có ý nghĩa kinh tế và chính trị rất quan trọng, đáp ứng đúng đòi hỏi cấp thiết của đời sống nhân dân, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông công nghiệp. Đó cũng là yêu cầu của các ngành, các địa phương và của những người sản xuất trong quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, trước mắt là để cùng nhau bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1978 và kế hoạch 5 năm 1976 – 1980.
Đây là một công việc mới và phức tạp, lại tiến hành trong hoàn cảnh hai miền còn có những điều kiện khác nhau về quan hệ sản xuất, về tổ chức sản xuất và tổ chức quản lý; cung và cầu nhiều loại vật tư, hàng hoá thiết yếu đang bị mất cân đối; nạn đầu cơ, buôn lậu, móc ngoặc khá phổ biến, làm cho giá cả và thị trường không có tổ chức bị hỗn loạn, tác động tiêu cực đến thị trường có tổ chức, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, cho các công tác thu mua, phân phối và quản lý thị trường trong cả nước; bộ máy của Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cấp huyện và cấp xã nói chung còn yếu v.v…
Cho nên, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Một mặt, phải nắm vững những vấn đề cơ bản có tính chất nguyên tắc trong chế độ hợp đồng hai chiều:
- Hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của chế độ hợp đồng;
- Nắm vững các điều khoản quy định về nội dung hợp đồng, căn cứ để ký kết hợp đồng, người đứng ra ký hợp đồng; thể thức và tổ chức ký kết và thực hiện hợp đồng; trách nhiệm vật chất trong trường hợp vi phạm hợp đồng .v.v…
Mặt khác, phải xuất phát từ thực tế mà vận dụng chế độ cho linh hoạt, sát hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, ở từng địa phương.
Trong chỉ đạo thực hiện, các Bộ, các ngành ở trung ương và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần chú ý những điểm dưới đây :
1. Phải kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, tuyên truyền các cấp tổ chức phổ biến, giải thích sâu rộng chế độ hợp đồng hai chiều trong các ngành, các cấp, trong các lực lượng vũ trang và trong nhân dân, tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của những người có trách nhiệm thi hành chế độ này, về phía cơ quan cũng như về phía người sản xuất. Cần phân biệt rõ đây không phải là hình thức trao đổi hàng hoá thông thường giữa những tư nhân kinh doanh dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, cũng không phải là kiểu dùng hàng đổi hàng như nhiều địa phương đã áp dụng vừa qua, chỉ nhằm mua cho được một số sản phẩm của nông dân, ngư dân. Thực chất đây là một chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đưa các khâu sản xuất và lưu thông phân phối vào tổ chức và kế hoạch, gắn liền các mặt cung ứng vật tư, hàng hoá và thu mua sản phẩm, thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với các hợp tác xã, các tổ chức sản xuất tập thể khác và các hộ sản xuất cá thể, ràng buộc cả hai bên cùng nhau thực hiện thắng lợi kế hoạch theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, đẩy mạnh sản xuất phát triển, tập trung tuyệt đại bộ phận hàng hoá lương thực, thực phẩm, nông sản khác, lâm sản, hải sản trong tay Nhà nước để bảo đảm các nhu cầu của công nghiệp, của xuất khẩu và đời sống nhân dân.
Trên tinh thần đó, các ngành, các cấp phải có quan điểm toàn diện, kết hợp tốt việc thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều với việc thực hiện các chính sách lớn khác (như chính sách giá cả, chính sách lương thực, chính sách thu mua và quản lý thị trường nông sản, hải sản, lâm sản, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp tư doanh…), thông qua đó mà góp phần thúc đẩy đồng thời 3 cuộc cách mạng ở nông thôn, trên địa bàn từng huyện.
2. Việc ký kết hợp đồng hai chiều phải căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm về sản xuất, cung ứng vật tư, hàng hoá và thu mua sản phẩm, cho nên phải ký từ đầu năm, và ký cụ thể trước khi bắt tay vào từng vụ sản xuất. Năm 1978, việc này đến nay mới tiến hành là chậm. Do vậy, các ngành ở trung ương, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thành việc giao chỉ tiêu kế hoạch xuống huyện và hướng dẫn huyện giao kế hoạch cho các tổ chức kinh tế ở huyện, các hợp tác xã, các xã, ấp để các bên hữu quan có căn cứ tiến hành ký hợp đồng, kịp thời phục vụ sản xuất và thu mua lương thực, thực phẩm, các loại rau và sản phẩm cây công nghiệp trong các vụ chiêm xuân, vụ hè thu và vụ mùa năm 1978, nhất là ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phục vụ sản xuất và thu mua hải sản ở những nơi sắp bước vào thời vụ chính; phục vụ việc khai khác và thu mua lâm sản ở những vùng trọng điểm v.v…
Trước mắt, cần thực hiện tốt và khẩn trương việc vận chuyển, phân phối kịp thời đến tay người sản xuất những loại tư liệu sản xuất thiết yếu nhất cho nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và theo yêu cầu thực tế của từng ngành, ở từng địa phương. Cố gắng cung ứng gỗ cho nhu cầu cấp bách về đóng xuồng của nhân dân một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long; cung ứng vải, dầu lửa và một số hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân những vùng có nhiều sản phẩm bán cho Nhà nước.
3. Thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều là trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhưng trực tiếp và toàn diện là của cấp huyện. Phải đặc biệt coi trọng gắn việc thực hiện chế độ hợp đồng với việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện theo chỉ thị của Bộ chính trị và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ; và củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở xã, ấp, Ủy ban nhân dân huyện cần phải phân công một Phó chủ tịch chuyên trách việc này và có một vài cán bộ giúp việc theo dõi, tổng hợp tình hình, giúp thường vụ huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tốt việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng.
Trong quan hệ hợp đồng với những người sản xuất, cần thực hiện đúng những quy định về phân công, phối hợp giữa các ngành sản xuất, cung ứng vật tư, hàng hóa và thu mua dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ủy ban nhân dân huyện. Nơi nào bộ máy của cấp huyện còn yếu, chưa được tăng cường, thì tỉnh, thành phố và các ngành ở trung ương có trách nhiệm phải cử cán bộ xuống giúp huyện hoặc cùng huyện chỉ đạo thực hiện tốt chế độ hợp đồng, qua công tác thực tế mà tăng cường cấp huyện cho tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Nơi nào đã lập các tổ chức kinh tế của Nhà nước ở huyện theo Chỉ thị số 33-CT/TU của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ, thì thông qua các tổ chức mới để thực hiện chế độ hợp đồng; nơi nào chưa tổ chức được thì tạm thời vẫn dựa vào các tổ chức thực hiện có thể làm cho kịp thời vụ.
4. Các Bộ, các ngành ở trung ương và các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chấn chỉnh tổ chức và cải tiến quản lý của ngành ở các cấp, nhằm phục vụ tốt cho công tác của huyện và cơ sở. Phải đề cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành sản xuất, cung ứng và thu mua từ trung ương đến cơ sở, trong việc xây dựng và thực hiện kế họach Nhà nước cũng như trong việc thực hiện hợp đồng hai chiều ký với người sản xuất.
Các Bộ cần ra thông tư hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong ngành thi hành chế độ hợp đồng hai chiều đạt kết quả tốt. Đồng thời, cử cán bộ có năng lực về những vùng trọng điểm thu mua (hoặc cung ứng) để phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan và trực tiếp hướng dẫn đôn đốc việc thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong ngành.
Mỗi tỉnh, thành phố cần chọn một huyện trọng điểm để chỉ đạo riêng, rút kinh nghiệm phổ biến kịp thời cho các huyện khác trong địa phương.
5. Văn phòng Phủ Thủ tướng là cơ quan giúp Thường vụ Hội đồng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều trong cả nước. Văn phòng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Kế họach Nhà nước, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế, Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước và các Bộ có liên quan (như Luơng thực và thực phẩm, Nội thương, Ngoại thương, Vật tư, Nông nghiệp, Hải sản, Lâm nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Ủy ban Vật giá Nhà nước) cho một số cán bộ có năng lực của các ngành bồi dưỡng chu đáo về chính sách và phương pháp công tác, lập thành một số đoàn về cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện chế độ hợp đồng ở một số huyện trọng điểm.
Qua chỉ đạo thực tiễn mà rút kinh nghiệp phổ biến chung, đồng thời tập hợp thêm ý kiến các ngành, các địa phương, nghiên cứu, hoàn chỉnh chế độ hợp đồng hai chiều trình Hội đồng Chính phủ vào cuối năm 1978.
Nhận được Chỉ thị này (kèm theo bản quy định tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều). Các Bộ, các ngành ở trung ương, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và huyện cần tổ chức thi hành ngay và báo cáo kết quả cho Thường vụ Hội đồng Chính phủ.
Chỉ thị này phổ biến toàn văn đến cấp huyện.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 49-TT/PC-1986 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế hai chiều và xét xử kháng cáo đối với các xét xử đó do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành
- 2Chỉ thị 10-NN_TTKT_CT năm 1984 thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp ban hành
- 3Nghị quyết số 187-HĐBT về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Chỉ thị 29-TTg năm 1980 về tổ chức tốt công tác cung ứng vật tư, hàng hoá gắn liền với việc thu mua nông sản, lâm sản, hải sản, đẩy mạnh việc thi hành chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 1-TS/TT-1983 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 187-HĐBT-1982 về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ Thủy sản ban hành
- 1Thông tư 49-TT/PC-1986 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế hai chiều và xét xử kháng cáo đối với các xét xử đó do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành
- 2Chỉ thị 10-NN_TTKT_CT năm 1984 thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp ban hành
- 3Nghị quyết số 187-HĐBT về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Chỉ thị 29-TTg năm 1980 về tổ chức tốt công tác cung ứng vật tư, hàng hoá gắn liền với việc thu mua nông sản, lâm sản, hải sản, đẩy mạnh việc thi hành chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 1-TS/TT-1983 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 187-HĐBT-1982 về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ Thủy sản ban hành
Chỉ thị 175-TTg năm 1978 thi hành chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với nông dân, những người làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 175-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/03/1978
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra