Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 187-HĐBT | Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1982 |
Từ giữa năm 1980 lại đây, việc thực hiện hợp đồng hai chiều có phần lơi lỏng. Tình hình này do nhiều nguyên nhân:
1. Lực lượng vật tư, hàng hoá của Nhà nước giảm sút, việc phân phối lại không bảo đảm cung ứng đến tay người sản xuất theo đúng hợp đồng đã ký, còn để lọt không ít vào tay bọn đầu cơ, lợi dụng. Vì vậy, trong cán bộ và quần chúng nảy sinh thái độ chần chừ, không muốn ký hợp đồng hai chiều.
2. Kế hoạch Nhà nước thường là chưa được xây dựng từ cơ sở lên, nhiều chỉ tiêu kế hoạch về cung ứng vật tư và thu mua giao cho địa phương và cơ sở không đồng bộ, không hiện thực. Chính sách thu mua, giá cả cũng còn một số điểm chưa thật phù hợp.
3. Một số ngành và địa phương chưa nhận thức đúng ý nghĩa của chế độ hợp đồng hai chiều, chưa quyết tâm thực hiện. Một số địa phương thiên về cách chỉ đạo mua bán theo cơ thế thị trường (mua cao bán cao), cho hợp đồng hai chiều là gò bó, không thích hợp. Một số địa phương khác thì ỷ lại vào chế độ nghĩa vụ về lương thực, thực phẩm.
4. Tổ chức bảo đảm thực hiện từ trên xuống dưới chưa chuyển biến kịp với yêu cầu của hợp đồng hai chiều. Sự hiệp đồng giữa các ngành thu mua với các ngành cung ứng vật tư hàng hoá còn nhiều vướng mắc. Việc tranh mua, tranh bán giữa các tổ chức kinh tế, các ngành, các địa phương, đã làm rối loạn và thu hẹp thị trường có tổ chức. Bộ máy của huyện chưa được tăng cường để đủ sức chỉ đạo, tổ chức sự hiệp đồng giữa các tổ chức cung ứng và các tổ chức thu mua trên địa bàn huyện.
5. Công tác quản lý thị trường bị buông lỏng, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và đối với công thương nghiệp ở miền Nam tiến hành chậm đã ảnh hưởng không ít đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng hai chiều.
Các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp cần liên hệ kiểm điểm trong ngành và địa phương mình, có biện pháp khắc phục khuyết điểm, nhược điểm, đẩy mạnh việc thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ và quần chúng, làm cho mọi người thông suốt về quan điểm để có quyết tâm thực hiện.
Cần làm cho mọi người nhận rõ trong tình hình kinh tế nước ta hiện nay, hợp đồng hai chiều:
1. Là hình thức vận dụng có hiệu quả các đòn bẩy kinh tế nhằm làm cho Nhà nước nắm được sản phẩm hàng hoá của kinh tế tập thể và cá thể, đồng thời phục vụ tốt sản xuất.
2. Là phương thức thu mua có lợi nhất đối với người sản xuất cũng như đối với Nhà nước.
3. Là biện pháp có hiệu lực nhằm ổn định thị trường và giá cả.
4. Và là phương thức kế hoạch hoá thích hợp nhất đối với các thành phần kinh tế tập thể và cá thể.
Kinh nghiệm nhiều năm cung ứng vật tư theo lối bao cấp cho mỗi đơn vị diện tích gieo trồng (và cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu cũng theo lối bao cấp - theo đầu dân cư) chẳng những không làm cho Nhà nước nắm chắc được nguồn hàng mà cũng không thúc đẩy người sản xuất cân nhắc hiệu quả đầu tư, quan tâm đến thâm canh và áp dụng kỹ thuật mới. Mấy năm qua, áp dụng phương thức thu mua gắn với cung ứng vật tư hàng hoá đã làm chuyển biến tình hình một cách rõ rệt.
Vật tư hàng hoá của Nhà nước có hạn thì càng cần phải phân phối một cách có trọng điểm, gắn chặt cung ứng với thu mua.
Trước đây, khi chưa gắn mua với bán xem như một thể chế thì một bộ phận khá lớn vật tư hàng hoá của Nhà nước lọt vào tay những phần tử đầu cơ, lợi dụng. Ngay trong số nông dân mua được vật tư hàng hoá của Nhà nước cũng có tình trạng không công bằng, người mua được nhiều không nhất định là người đã bán nhiều cho Nhà nước và ngược lại. Do chỗ nguyên tắc phân phối theo lao động bị vi phạm, cho nên đã không kích thích được nông dân bán sản phẩm cho Nhà nước ngày càng nhiều. Những người vì ý thức nghĩa vụ mà bán nhiều cho Nhà nước thì không phấn khởi sản xuất vì không được Nhà nước đầu tư trở lại một cách thích đáng.
Nhà nước mua tuyệt đại bộ phận sản phẩm hàng hoá của nông, lâm, ngư nghiệp theo giá chỉ đạo và bán vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu cho người sản xuất cũng theo giá chỉ đạo là nhân tố quyết định để ổn định thị trường và giá cả, và là một bảo đảm vững chắc cho lợi ích của người sản xuất tập thể và cá thể cũng như lợi ích của Nhà nước, tránh cho cả hai bên những thiệt hại do sự biến động của giá cả thị trường gây ra. Kinh nghiệm của nước ta cũng như của nhiều nước Xã hội chủ nghĩa đều chứng minh rằng đi theo con đường của thị trường tự do thì nông dân sẽ ngày càng phân hoá, thế lực tự phát Tư bản chủ nghĩa sẽ ngày càng lấn tới. Gắn việc cung ứng vật tư hàng hoá với việc thu mua sản phẩm là một biện pháp có hiệu lực nhằm thu hút nông dân đi vào thị trường có tổ chức, thắt chặt liên minh công nông, thúc đẩy việc xây dựng quan hệ sản xuất mới Xã hội chủ nghĩa.
Hợp đồng hai chiều một khi được thực hiện thành nề nếp thường xuyên, bao quát mọi quan hệ trao đổi chủ yếu giữa Nhà nước và nông dân, giữa công nghiệp và nông nghiệp, thì điều đó cũng có nghĩa là kế hoạch hoá từ cơ sở (cả sản xuất lẫn lưu thông) được thực hiện.
Một mặt, chúng ta phải thông qua hợp đồng hai chiều để bảo đảm cả lợi ích của nông dân, cả lợi ích của Nhà nước, mặt khác, phải không ngừng chăm lo bồi dưỡng cho nông dân ý chí cách mạng, tinh thần làm chủ tập thể, mà biểu hiện quan trọng là ý thức nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá Xã hội chủ nghĩa, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Đối với khuynh hướng tự phát Tư bản chủ nghĩa trong một bộ phân nông dân, phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, bằng giáo dục thuyết phục, và nếu cần thì bằng những biện pháp hành chính thích hợp. Các biện pháp này phải được tiến hành kết hợp với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó, biện pháp kinh tế (hợp đồng hai chiều) là biện pháp cơ bản.
Với những ý nghĩa như trên, cần triển khai phương thức thu mua theo hợp đồng hai chiều trên địa bàn cả nước, đối với tất cả các sản phẩm chủ yếu của kinh tế tập thể và cá thể, nhanh chóng làm cho phương thức thu mua này trở thành phương thức chủ yếu để thu mua đồng thời phục vụ sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển. Dù cho công việc này đòi hỏi phải khắc phục khá nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là về mặt tổ chức thực hiện, cũng phải quyết tâm làm, không vì những khó khăn đó mà trở lại những cách làm dễ dãi như buông trôi theo cơ chế thị trường hoặc giao chỉ tiêu nghĩa vụ theo lối hành chính, mệnh lệnh.
Dưới đây là những chủ trương, biện pháp cụ thể.
A. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG, THỂ THỨC KÝ VÀ THANH TOÁN HỢP ĐỒNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM HỢP ĐỒNG
1. Những loại hàng đưa vào hợp đồng hai chiều.
a) Về phía người sản xuất (bao gồm các hợp tác xã sản xuất, tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất và những hộ gia đình xã viên, những hộ nông dân cá thể được tổ chức lại dưới những hình thức thích hợp để đặt quan hệ hợp đồng kinh tế với Nhà nước, chủ yếu là thông qua các hợp tác xã mua bán):
- Các loại sản phẩm của kinh tế tập thể bán cho Nhà nước theo nghĩa vụ, theo kế hoạch hoặc theo hợp đồng.
- Các loại sản phẩm của kinh tế gia đình xã viên và của kinh tế cá thể mà Nhà nước cần mua, nông dân đăng ký bán theo hợp đồng hai chiều, thông qua hợp tác xã nông nghiệp hay hợp tác xã mua bán xã.
- Cả hai loại sản phẩm nói trên, tuy không có kế hoạch trước, nhưng đến thời vụ thu mua, nông dân muốn bán cho Nhà nước theo điều kiện của hợp đồng hai chiều thì Nhà nước cũng chấp thuận.
b) Về phía các tổ chức thu mua của Nhà nước.
Nhà nước đưa vào hợp đồng hai chiều các loại tư liệu sản xuất, lương thực, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thiết yếu và các loại dịch vụ kỹ thuật (như cày bừa máy, bơm nước, xay xát, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng và gia súc, thiết kế và thi công các công trình xây dựng v.v...)
Tư liệu sản xuất: đối với phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu, về nguyên tắc, không phân phối (bán) nhất loạt cho mỗi đơn vị diện tích gieo trồng theo định mức kinh tế kỹ thuật như trước đây, mà phân phối theo đầu tấn sản phẩm bán cho Nhà nước. (Ngành nông nghiệp vẫn hướng dẫn, chỉ đạo nông dân gieo trồng theo các định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết, nhưng để có được những vật tư kỹ thuật theo các định mức ấy, người sản xuất phải thông qua hợp đồng hai chiều ký với các tổ chức thu mua).
- Phân bón hoá học (đạm, lân, ka-li), vôi, phân hữu cơ (ở những vành đai quanh thành phố).
- Thuốc trừ sâu, ngoài những loại thuốc đặc trị dành để sử dụng tập trung chống sâu rầy, dịch bệnh đột xuất xảy ra, do cơ quan chuyên môn quản lý, còn những loại thuốc thông dụng đều đưa vào hợp đồng theo yêu cầu thực tế của sản xuất từng loại cây trồng. Cần triển khai rộng rãi hình thức tiên tiến hơn, các trạm bảo vệ thực vật nhận khoán việc trừ sâu bệnh cho cả một vùng và đến vụ thu hoạch, được thanh toán bằng sản phẩm.
Ở một số vùng trồng cây lương thực nhưng sản xuất chỉ bảo đảm đủ ăn với mức thấp, được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xác nhận, thì Nhà nước dành một phần phân bón, thuốc trừ sâu để bán (theo giá chỉ đạo) mà không yêu cầu mua lại lương thực; mức bán không quá 50kg SA tiêu chuẩn cho 1 hécta gieo trồng lương thực. Số vật tư dành cho nhu cầu này phải được kế hoạch hoá riêng, tách khỏi quỹ vật tư dành cho thu mua.
- Xăng dầu chủ yếu phân phối cho các trạm và tổ hợp máy kéo và máy nông nghiệp, các trạm bơm, các cơ sở xay xát, chế biến (quốc doanh và tập thể) để ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với các đơn vị sản xuất nông nghiệp, lấy công bằng hiện vật (lúa hay nông sản khác). Chỉ cung ứng trực tiếp theo hợp đồng hai chiều cho những đơn vị và người sản xuất có máy riêng dùng trong sản xuất và chế biến sản phẩm, đến mùa thu hoạch sẽ trả bằng hiện vật. Trường hợp nông dân yêu cầu, Nhà nước cũng có thể phân phối trực tiếp cho họ số xăng dầu dùng để cày ruộng, để họ tự mình trao số xăng dầu này cho tổ hợp máy kéo nào làm đất cho họ.
Ngoài những vật tư chủ yếu nêu trên, còn đưa vào hợp đồng các loại hạt giống, cây giống, con giống, thức ăn gia súc (để mua lợn), than để sản xuất gạch ngói hay sấy sản phẩm.
Đối với các ngành sản xuất khác, đưa vào hợp đồng các loại tư liệu sản xuất chuyên dùng cho từng ngành, nghề.
Lương thực chỉ cung ứng cho những nơi không sản xuất lương thực hoặc thiếu lương thực (những vùng chuyên trồng rau, chuyên trồng cây công nghiệp, người làm nghề cá, nghề muối v.v...). Không cung ứng theo nhân khẩu mà theo đầu tấn sản phẩm bán cho Nhà nước. Mức cung ứng tối đa không vượt quá nhu cầu tiêu dùng của bản thân người lao động và gia đình họ.
Vật liệu xây dựng bao gồm gỗ, xi-măng, sắt thép, gạch, ngói, chất lợp (phibrô xi-măng, tôn múi...), cấu kiện bê-tông đúc sẵn, v.v... Mở rộng hình thức thầu xây dựng theo lối chìa khoá trao tay ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, nông dân thanh toán bằng sản phẩm (về việc này, cần ký hợp đồng dài hạn).
Hàng tiêu dùng, trừ thuốc bệnh, giấy học sinh, muối, những loại hàng nhật dụng thông thường và những loại hàng Nhà nước chủ trương bán bình thường hoặc bán theo giá cao ở các cửa hàng, còn các loại hàng thiết yếu khác đều có thể đưa vào hợp đồng hai chiều dưới hình thức trao đổi theo tỷ lệ do Nhà nước quy định, hoặc dưới hình thức gắn mua với bán theo giá chỉ đạo của Nhà nước. Danh mục các loại hàng này tuỳ theo nhu cầu của từng vùng mà định. Ở những nơi nông dân chưa có nhu cầu nhiều về vật tư nông nghiệp (vì chưa dùng nhiều phân bón hoá học, tự làm đất bằng phương tiện của mình và dựa vào nước trời là chính) thì vật tư xây dựng và hàng tiêu dùng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Điều quan trọng là ở chỗ tổ chức phân phối như thế nào để các loại hàng này thực sự đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người mua, mà không biến thành đối tượng đầu cơ, tích trữ, mua đi bán lại. Hợp tác xã mua bán xã cần được củng cố để đảm đương nhiệm vụ này. Hàng năm, các ngành thu mua phải tìm hiểu, xác định nhu cầu của người sản xuất ở từng vùng để có kế hoạch chuẩn bị lực lượng hàng hoá thích hợp, bao gồm cả hàng trung ương đưa về và hàng do địa phương khai thác.
Đối với những mặt hàng quý, hiếm, không đủ để bán theo đầu tấn sản phẩm, thì dành để bán thưởng cho những người thực hiện tốt kế hoạch bán sản phẩm cho Nhà nước.
Dựa vào phương hướng phân phối các loại vật tư, hàng hoá trên đây, các ngành, các địa phương xác định danh mục cụ thể những vật tư, hàng hoá dành cho thu mua từng loại sản phẩm.
Hàng năm, khi Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch thu mua cho các ngành, các địa phương thì đồng thời cũng giao chỉ tiêu về quỹ vật tư hàng hoá dành cho thu mua (có ghi rõ phần dành để mua trong kế hoạch, trong mức nghĩa vụ ổn định và phần dành để mua ngoài kế hoạch, ngoài nghĩa vụ). Tổ chức nào có trách nhiệm thu mua loại sản phẩm gì thì tổ chức ấy được giao kế hoạch quỹ vật tư hàng hoá dành cho thu mua loại sản phẩm ấy. Tỉnh, thành phố cũng như thế đối với huyện.
Để bảo đảm có vật tư hàng hoá trao đổi, các ngành có trách nhiệm ở trung ương phải căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, ra sức phấn đấu tạo nguồn hàng và tổ chức vận chuyển, phân phối về các địa phương theo kế hoạch đã định, phục vụ kịp thời cho sản xuất và thu mua. Ngoài nguồn hàng trung ương phân phối về, các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã phải ra sức khai thác tiềm năng của địa phương, làm phong phú thêm quỹ vật tư hàng hoá dành cho thu mua.
Phải tổ chức và quản lý thật chặt chẽ vật tư hàng hoá của Nhà nước, chống ăn cắp, móc ngoặc, để thất thoát ra ngoài, bảo đảm phân phối đúng mục đích, đúng đối tượng, kịp thời vụ, đến tay người sản xuất có quan hệ hợp đồng với Nhà nước.
3. Về cách ký hợp đồng, thanh toán hợp đồng, xử lý những vụ vi phạm hợp đồng.
Phải tuỳ tình hình cụ thể của từng nơi mà lựa chọn hình thức hợp đồng thích hợp.
- Ở những nơi đã có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất thì các tổ chức này đứng ra ký hợp đồng bán các sản phẩm của kinh tế tập thể. Hợp đồng ký cho cả năm, có chia ra từng vụ, và ký trước khi bắt tay vào sản xuất. Đối với sản phẩm của kinh tế gia đình xã viên hay của các hộ nông dân cá thể, nếu hợp tác xã hay tập đoàn sản xuất có thể thu gom được thì cũng đưa luôn vào hợp đồng. Nếu không thì tổ chức thu mua của Nhà nước phải ký hợp đồng với hợp tác xã mua bán xã, uỷ thác cho tổ chức này đứng ra thu gom rồi trao đổi với Nhà nước.
- Ở những nơi Nhà nước đã giao mức nghĩa vụ ổn định trong 5 năm cho các đơn vị sản xuất thì cơ quan thu mua ký hợp đồng dài hạn để ổn định mức cung ứng tư liệu sản xuất cho người sản xuất. Để mua phần sản phẩm ngoài nghĩa vụ, hai bên ký hợp đồng bổ sung hàng năm hay từng vụ (Nhà nước cung ứng thêm tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng tương ứng với số sản phẩm bán thêm).
- Trong tình hình vật tư hàng hoá của Nhà nước chưa dồi dào, nông dân thì có nhiều nông sản hàng hoá, cần vận động nông dân ký hợp đồng dài hạn, nông dân giao sản phẩm trước, Nhà nước thanh toán một phần hợp đồng bằng vật tư hàng hoá, phần còn lại sẽ thanh toán tiếp vào các năm sau.
- Ở những nơi quan hệ sản xuất mới chưa được xây dựng vững chắc, trình độ kế hoạch hoá còn thấp, năng lực cán bộ huyện, xã có hạn, nếu xét chưa có điều kiện ký hợp đồng cho cả năm hoặc hợp đồng dài hạn thì ký hợp đồng từng vụ, về một số sản phẩm quan trọng, và cũng chỉ tập trung làm ở những xã, ấp có nhiều sản phẩm hàng hoá. Nơi nào không kịp ký hợp đồng từ đầu vụ sản xuất thì đến khi thu hoạch, tạm thời có thể dùng hình thức trực tiếp trao đổi vật tư hàng hoá lấy sản phẩm, theo những điều kiện quy định cho hợp đồng hai chiều ở địa phương.
- Đối với những sản phẩm ngoài hợp đồng hoặc ở những nơi sản xuất lẻ tẻ, thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán thông qua mua bán bình thường, mua đứt bán đoạn theo giá thoả thuận mà nắm hàng.
b) Để gắn chặt việc cung ứng vật tư hàng hoá với việc thu mua, về nguyên tắc, tổ chức thu mua đứng ra ký hợp đồng hai chiều phải nắm được các vật tư hàng hoá đưa vào hợp đồng để bảo đảm cung ứng cho người sản xuất theo đúng hợp đồng đã ký. Trừ một vài ngành vừa làm nhiệm vụ trực tiếp cung ứng các loại tư liệu sản xuất chuyên dùng vừa trực tiếp thu mua sản phẩm như thuỷ sản, lâm nghiệp, các ngành thu mua khác, nói chung, chỉ nắm vật tư hàng hoá trên chỉ tiêu kế hoạch, quyết định việc phân phối cho các cơ sở sản xuất theo hợp đồng, còn vật tư hàng hoá thì vẫn do các tổ chức chuyên doanh nắm và tổ chức việc cung ứng đến người sản xuất theo kế hoạch phân phối cụ thể của các tổ chức thu mua. Không nên biến tổ chức thu mua thành một tổ chức kinh doanh tổng hợp cả mua lẫn bán đủ mọi thứ.
Riêng đối với một số xí nghiệp chế biến nông sản và một số tổ chức xuất khẩu có điều kiện nắm những tư liệu sản xuất chủ yếu để trực tiếp đầu tư cho một số vùng sản xuất tập trung, trên một số địa bàn tương đối gọn, thì có thể vừa làm nhiệm vụ thu mua, vừa nhận vật tư hàng hoá của các tổ chức cung ứng cấp I để trực tiếp tổ chức vận chuyển, bảo quản và phân phối đến tay người sản xuất.
c) Để giúp các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất có điều kiện triển khai sản xuất kịp thời vụ, loại trừ tệ cho vay lãi nặng ở nông thôn, Nhà nước thi hành chính sách cho vay vốn để mua vật tư hoặc ứng trước vật tư, đến vụ thu hoạch mới thanh toán bằng hiện vật, theo mấy cách sau đây:
- Ngân hàng trực tiếp cho những đơn vị sản xuất tập thể có tài khoản ở ngân hàng vay vốn để thanh toán cho các cơ quan cung ứng vật tư, các trạm máy kéo, trạm bơm... Sau khi thu hoạch, hợp tác xã bán sản phẩm cho cơ quan thu mua và thanh toán tay ba giữa hợp tác xã, cơ quan thu mua và Ngân hàng.
- Trường hợp đơn vị sản xuất không có tài khoản ở Ngân hàng thì Ngân hàng cho cơ quan thu mua vay vốn để mua vật tư, ứng trước cho đơn vị sản xuất.
- Các trạm máy kéo, trạm bơm, các xí nghiệp hay tổ hợp xay xát, chế biến có ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với các cơ sở sản xuất, nói chung không lấy công bằng tiền mặt mà đến mùa lấy công bằng hiện vật; toàn bộ số hiện vật này do cơ quan thu mua nhận và thanh toán bằng tiền theo giá chỉ đạo cho xí nghiệp. Ngân hàng ứng vốn cho xí nghiệp để bảo đảm các chi phí sản xuất và trả lương công nhân. Đến vụ thu hoạch, xí nghiệp kết hợp với các cơ quan thu mua để thu hồi nợ, thanh toán tay ba giữa xí nghiệp, cơ quan thu mua và Ngân hàng.
d) Về thanh toán hợp đồng, xử lý các vụ vi phạm hợp đồng.
- Bên nào vi phạm hợp đồng thì bên ấy phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ.
Đối với những vụ vi phạm cần xử phạt nặng về kinh tế thì Uỷ ban nhân dân huyện chuyển hồ sơ đến trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố.
B. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN
Để bảo đảm chế độ hợp đồng hai chiều, cần chấn chỉnh tổ chức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng:
- Gắn cho được hai khâu cung ứng và thu mua từ trung ương đến cơ sở, mà huyện là cấp thực hiện có vai trò đặc biệt quan trọng. Tổ chức nào có trách nhiệm thu mua, tổ chức đó phải nắm được quỹ vật tư hàng hoá dành cho thu mua để có cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng. Vật tư hàng hoá nằm trong quỹ thu mua (theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước) dù do bất cứ ngành nào kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) đều phải phục tùng sự điều động và phân phối của tổ chức thu mua được giao quỹ vật tư hàng hoá đó.
- Điều chỉnh sự phân công giữa các ngành thu mua cho hợp lý nhằm giảm bớt đầu mối giao dịch với các hợp tác xã và nông dân, tránh tình trạng cùng một mặt hàng ở cùng một địa bàn lại do nhiều tổ chức của Nhà nước thu mua. Thực hiện rộng rãi việc ngành nọ đại lý mua cho ngành kia, hợp tác xã mua bán xã nhận uỷ thác mua cho các tổ chức quốc doanh.
- Tôn trọng sự phân công chuyên môn của các ngành và các tổ chức kinh doanh, đồng thời phát huy vai trò chỉ đạo tập trung thống nhất, điều hoà phối hợp của Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là cấp huyện, nhằm bảo đảm thực hiện đúng những cam kết của các tổ chức kinh tế Nhà nước với những người sản xuất tập thể và cá thể.
1. Về phân công thu mua giữa các ngành.
- Ngành lương thực mua lương thực và nhập kho thóc thuế nông nghiệp. Ngành tài chính chịu trách nhiệm thu thuế nông nghiệp và nợ thuế nông nghiệp.
- Nội thương và ngoại thương mua các loại nông sản để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo sự phân công cụ thể về mặt hàng và về địa bàn do hai Bộ thoả thuận. Đối với những mặt hàng liên quan đến phạm vi kinh doanh của một Bộ khác thì hai Bộ bàn thêm với Bộ đó để quy định cụ thể.
- Y tế mua dược liệu (trừ hồi, quế vẫn do ngoại thương mua và giao lại một phần cho y tế theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước).
- Các xí nghiệp và liên hiệp xí nghiệp (công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm) mua nguyên liệu ở những vùng sản xuất tập trung được quy hoạch làm vùng nguyên liệu cho xí nghiệp.
- Lâm nghiệp mua các loại lâm sản chính (gỗ, củi, tre, nứa, nhựa thông, cánh kiến ...), còn những loại khác do ngoại thương, nội thương, y tế, công nghiệp nhẹ trực tiếp mua dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của ngành lâm nghiệp.
- Nông nghiệp mua các loại hạt giống, cây giống, con giống. Riêng về tơ tằm, trước nay vẫn do ngành nông nghiệp mua để giao cho ngoại thương xuất khẩu thì nay giao cho các tỉnh, thành phố mua để xuất khẩu. Những thứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì sử dụng tại địa phương.
- Thuỷ sản mua các loại hải sản ở những nơi mà ngành thuỷ sản nhận trách nhiệm mua. Ở những nơi khác, nội thương mua. Nội thương trực tiếp nhận các loại hải sản chế biến của các tổ chức thu mua cơ sở của ngành thuỷ sản tại nơi phát luồng bán buôn (không qua bất cứ một khâu trung gian nào khác) để phân phối bán buôn và bán lẻ. Bộ Thuỷ sản tiếp tục tổ chức vận chuyển và cung cấp cá tươi cho Hà nội và cho quân đội.
- Ở những nơi đã có Chi cục muối (Nghệ Tĩnh, Hà Nam Ninh) thì Chi cục muối tổ chức thu mua ở đồng muối giao cho ngành nội thương, công nghiệp hoá chất... tại các điểm giao nhận ở nơi sản xuất. Tại các đồng muối khác, ngành nội thương trực tiếp mua và tổ chức bán buôn, bán lẻ.
- Các tổ chức kinh tế quốc doanh và hợp tác xã chỉ được thu mua trong phạm vi những mặt hàng và những địa bàn được phân công và phải chịu sự kiểm soát của Uỷ ban nhân dân và cơ quan quản lý hành chính thương nghiệp các cấp về mặt chấp hành các chính sách của Nhà nước về thu mua, giá cả và quản lý thị trường.
- Ở trung ương, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phân công đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách phân phối lưu thông trực tiếp chỉ đạo công tác hợp đồng hai chiều (bao gồm cả việc thống nhất quản lý và điều động quỹ vật tư hàng hoá dành cho thu mua).
Tất cả các Bộ, Tổng cục có liên quan đến thu mua và cung ứng theo hợp đồng hai chiều phải phân công một đồng chí thứ trưởng phụ trách công tác này.
- Ở cấp tỉnh, thành phố, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo công tác này gắn liền với chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước ở địa phương. Cần phân công đồng chí phó chủ tịch phụ trách phân phối lưu thông trực tiếp chỉ đạo.
- Ở cấp huyện, Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo toàn diện công tác hợp đồng kinh tế hai chiều trên địa bàn huyện. Cần phân công đồng chí phó chủ tịch phụ trách phân phối lưu thông trực tiếp chỉ đạo. Ban thương nghiệp - vật tư - đời sống phối hợp chặt chẽ với Ban kế hoạch và ban nông nghiệp huyện, giúp Uỷ ban chỉ đạo việc ký kết và thực hiện hợp đồng, gắn chặt ba khâu sản xuất, cung ứng và thu mua.
- Ở xã, Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng hai chiều trong phạm vị xã, kịp thời phát hiện với huyện những khó khăn, mắc mứu để huyện xử lý.
3. Về tổ chức bảo đảm thực hiện.
Các tổ chức cung ứng và thu mua trên địa bàn huyện cần được chấn chỉnh và tăng cường theo hướng gom bớt đầu mối lại.
Những ngành có khối lượng thu mua không lớn, không thường xuyên (hoặc ở những nơi có khối lượng thu mua không lớn, không thường xuyên) thì không nên tổ chức trạm thu mua đến huyện mà uỷ thác cho công ty thương nghiệp huyện làm đại lý mua cho mình.
Các tổ chức cung ứng, thu mua, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải ở huyện cần phối hợp chặt chẽ để bố trí hợp lý mạng lưới các cửa hàng và trạm thuận tiện cho việc thực hiện hợp đồng hai chiều.
Tất cả các địa phương cần phải củng cố và phát triển mạng lưới hợp tác xã mua bán xã, tận dụng mạng lưới này làm đại lý bán và nhận uỷ thác mua cho quốc doanh các sản phẩm của kinh tế gia đình xã viên và của kinh tế cá thể.
Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban Nhà nước có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp nghiên cứu kỹ nghị quyết này và có kế hoạch triển khai càng sớm càng tốt việc ký hợp đồng hai chiều đối với tất cả các loại nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu.
Các quyết định trước đây trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.
định mức vật tư, hàng hoá cung ứng cho một tấn sản phẩm bán cho nhà nước.
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 187-HĐBT ngày 22-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng)
- Đơn vị tính vật tư, hàng hoá : kilôgam
- A: các tỉnh miền Bắc
- B: các tỉnh miền Nam
Sản phẩm bán cho Nhà nước (tấn) | Phân |
| Phân Ka-li | Thuốc | Xăng dầu |
|
| Lương thực |
|
1. Lúa (1) | 400 | 120 |
|
|
|
|
|
| Thêm |
2. Ngô | 200 | 60 |
|
|
|
|
|
| công |
3. Đậu nành | 100 | A: 600 |
| A: 10 | 50 |
|
|
| cày |
|
| B: 350 |
| B: 20 |
|
|
|
| bừa |
4. Đậu xanh | 100 |
|
| 20 | 60 |
|
|
| bằng |
5. Lạc vỏ | 80 | A: 300 | 100 | 20 | 40 |
|
|
| máy |
|
| B: 100 |
|
|
|
|
|
| và |
6. Mía | 10 | 5 | 4 | 0,3 | 0,8 |
|
|
| thuỷ |
7. Đay bẹ | 180 | 120 |
|
|
|
|
|
| lợi phí |
8. Cói | 70 | 45 |
|
|
|
| 2 |
| trên 1 |
9. Thuốc lá (lá) | 160 |
| 200 | 7 | 150 | 5000 |
|
| hécta |
10. Thuốc lào | 500 |
|
| 12 |
|
| 20 |
| gieo |
11. Chè búp tươi | 120 | 120 | 60 | 6 | A: 2 |
|
|
| trồng |
|
|
|
|
| B: 12 |
|
|
|
|
12. Dứa | 75 | 50 | 50 | 6 | 30 |
|
|
|
|
13. Chuối | 100 |
| 30 |
|
|
|
|
|
|
14. Dầu dừa | 450 |
| 450 |
|
|
|
|
|
|
15. Tơ tằm | 12000 | 6000 | 3000 | 20 | 350 (dầu hoả) |
|
|
|
|
(1) Nhu cầu về chủng loại và số lượng vật tư nông nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cho cây lúa ở mỗi vùng không giống nhau. Vì vậy, có thể định mức cung ứng vật tư theo yêu cầu thực tế của mỗi vùng, mỗi hợp tác xã, miễn sao bảo đảm những quan hệ tỷ lệ cơ bản sau đây:
- 1 kg u-rê | = | 3 kg lúa. |
- 1 kg phân lân | = | 1 kg lúa. |
- 1 lít xăng | = | 4 kg lúa. |
- 1 lít đi-ê-den | = | 3kg lúa. |
- Công cày bừa bằng máy 1 hécta | = | 200 kg lúa. |
(2) Lương thực chỉ cung ứng cho những vùng thiếu hoặc không có lương thực, vì vậy không quy định định mức chung cho các vùng về từng mặt hàng nông sản.
Các ngành thu mua kết hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tính cân đối lương thực cho từng vùng, rồi dựa vào chỉ tiêu thu mua mà tính ra số lương thực cần cung ứng cho mỗi đầu tấn sản phẩm bán cho Nhà nước.
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 175-TTg năm 1978 thi hành chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với nông dân, những người làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 10-NN_TTKT_CT năm 1984 thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp ban hành
- 3Chỉ thị 525-TTg năm 1978 về mở rộng chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều ở tất cả các tỉnh, thành phố trong thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 175-TTg năm 1978 thi hành chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với nông dân, những người làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên tịch 2-LBTT/TS/LT năm 1984 về việc cung ứng lương thực cho ngư dân theo Nghị quyết 187-HĐBT về đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ Thủy sản- Lương Thực ban hành
- 3Chỉ thị 10-NN_TTKT_CT năm 1984 thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp ban hành
- 4Thông tư 2001-BVT/TT năm 1984 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 187-HĐBT-1982 về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ vật tư ban hành
- 5Thông tư 1-TS/TT-1983 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 187-HĐBT-1982 về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ Thủy sản ban hành
- 6Chỉ thị 525-TTg năm 1978 về mở rộng chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều ở tất cả các tỉnh, thành phố trong thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 187-HĐBT về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 187-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 22/11/1982
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 23
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra