Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 1 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỐT CÔNG TÁC CUNG ỨNG VẬT TƯ, HÀNG HOÁ GẮN LIỀN VỚI VIỆC THU MUA NÔNG SẢN, LÂM SẢN, HẢI SẢN, ĐẨY MẠNH VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNGKINH TẾ HAI CHIỀU

Chấp hành Chỉ thị số 525-TTg ngày 7 tháng 11 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 1979 một số ngành và địa phương đã có cố gắng chỉ đạo và tổ chức mở rộng thực hiện Hợp đồng kinh tế hai chiều đạt kết quả tốt. Ở những nơi làm tốt đã có tác dụng rõ rệt phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm Nhà nước nắm nguồn hàng chắc hơn, nhiều hơn, đồng thời góp phần cải tiến công tác kế hoạch hoá ở cơ sở và trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong cả nước nhìn chung còn bị hạn chế và không đồng đều giữa các địa phương. Ở miền Bắc, một số tỉnh và nhiều huyện còn lúng túng trong việc chỉ đạo kí kết và thực hiện hợp đồng. Ở miền Nam, nhiều nơi chưa làm theo sự hướng dẫn của Trung ương, phần lớn còn là hình thức, kí rồi không thực hiện được, tác dụng phục vụ sản xuất không rõ, kết quả thu mua được ít. Ở nhiều địa phương, vật tư, hàng hoá của Nhà nước đưa về nông thôn không được quản lí chặt chẽ, bị mất mát, tham ô, hoặc dùng để móc ngoặc khá nhiều; khối lượng sản phẩm thu mua được không tương ứng với số vật tư, hàng hoá đưa ra trao đổi hai chiều.

Sang năm 1980, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và trên cơ sở đó nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước nhiều hơn, đi đôi với việc thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ cung cấp nông sản cho Nhà nước, đẩy mạnh công tác thu thuế nông nghiệp và thu nợ bằng hiện vật, cần phải làm tốt việc cung ứng vật tư, hàng hoá gắn liền với thu mua nông sản, lâm sản, hải sản; đặc biệt là phải mở rộng việc thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều như đã nêu rõ trong quyết định tạm thời số 65-CP ngày 23 tháng 3 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị số 525-TTg ngày 7 tháng 11 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ.

Để làm tốt việc đó, các ngành và các địa phương cần nắm vững và tổ chức thực hiện tốt các công tác cụ thể sau đây:

1. Về yêu cầu và phương thức trao đổi hàng hoá hai chiều: Việc cung ứng vật tư, hàng hoá đối với nông thôn phải bảo đảm các yêu cầu dưới đây:

- Phục vụ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, đồng thời phục vụ đời sống của người lao động ở nông thôn;

- Gắn liền với việc thu mua nông sản, hải sản, lâm sản; nhất thiết phải bảo đảm cho được khối lượng sản phẩm thu mua tương ứng với khối lượng vật tư hàng hoá trao đổi hai chiều.

Xuất phát từ yêu cầu đó, phương thức trao đổi hai chiều được quy định như sau:

- Nhà nước không cung ứng vật tư, hàng hoá theo lối bình quân, mang tính chất bao cấp như trước, mà theo nguyên tắc trao đổi hai chiều. Địa phương nào, đơn vị nào sản xuất tốt, có nhiều sản phẩm hàng hoá bán cho Nhà nước sẽ được phân phối nhiều hơn địa phương khác, đơn vị khác (trừ những vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần giúp đỡ).

- Việc trao đổi hai chiều được tính theo tỷ lệ tương ứng về hiện vật (từng loại vật tư, hàng hoá Nhà nước bán ra phải thu mua được bao nhiêu khối lượng sản phẩm của nông dân, ngư dân). Về mặt thanh toán bằng giá trị thì phần trao đổi hai chiều trong nghĩa vụ và hợp đồng theo giá chỉ đạo của Nhà nước; nếu trao đổi ngoài nghĩa vụ và hợp đồng thì theo giá thoả thuận (có thể cả hai chiều đều theo giá chỉ đạo hoặc cao hơn giá chỉ đạo nhưng thấp hơn giá thị trường tự do).

- Tích cực mở rộng việc kí kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa Nhà nước và nông dân, ngư dân để cho việc trao đổi hai chiều được chủ động, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước, nhưng không gò ép, không hạn chế việc trao đổi trực tiếp, không qua hợp đồng.

Cần làm cho các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên ở cơ sở và người sản xuất hiểu rõ việc trao đổi hai chiều và chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều là biện pháp cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa chính trị và kinh tế rất quan trọng, một chế độ quản lí kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhằm thắt chặt quan hệ giữa các tổ chức kinh tế Nhà nước với khu vực sản xuất tập thể và cá thể ở nông thôn, giữa công nghiệp với nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh cuộc cách mạng ở nông thôn. Phải nắm vững yêu cầu bảo đảm sự nhất trí giữa lợi ích của Nhà nước và của nông dân trong việc trao đổi hàng hoá, thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều. Chỉ nhìn một mặt, nhấn mạnh một phía thì sẽ dẫn đến chủ trương và hành động không đúng, gây tổn hại cho lợi ích của cả Nhà nước và nông dân.

Theo tinh thần đó, các cơ quan quản lý và các tổ chức kinh tế của Nhà nước phải đi sâu, đi sát điều tra nghiên cứu nắm vững khả năng và yêu cầu thực tế về vật tư, hàng hoá của các đơn vị và người sản xuất ở từng vùng, trong từng mùa vụ. Phải tích cực chuẩn bị các nguồn vật tư hàng hoá cần thiết với mức cố gắng cao nhất (kể cả hàng của Trung ương và hàng của địa phương) để đưa vào hợp đồng hai chiều, tổ chức tốt việc cung ứng cho người sản xuất kịp thời vụ theo hợp đồng đã ký.

Về phía người sản xuất, được Nhà nước đầu tư giúp đỡ rất lớn về các điều kiện vật chất kỹ thuật, được cung ứng vật tư, hàng hoá theo hợp đồng, phải phát huy tinh thần yêu nước, tinh thành làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, trả nợ và bán sản phẩm theo hợp đồng hai chiều đã ký với Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

2. Về các loại vật tư, hàng hoá Nhà nước trao đổi với nông dân, ngư dân:

Nhà nước cung ứng cho người sản xuất các loại tư liệu sản xuất chủ yếu theo yêu cầu của từng ngành, nghề (nông nghiệp, nghề cá, nghề muối, nghề rừng); chất đốt và các loại vật liệu xây dựng như gỗ, xi măng, gạch, ngói, chất lợp và hàng tiêu dùng thiết yếu như đã nêu trong Quyết định số 65-CP.

Về tư liệu sản xuất nông nghiệp (bao gồm các loại phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, giống cây và con, máy móc nhỏ và phụ tùng, công cụ cải tiến, v.v...), ngoài phần dành cho nhu cầu của các nông trường, trạm trại quốc doanh, Nhà nước dành phần lớn các loại phân hoá học (đạm, lân các loại, ka li, vôi) để cung ứng theo hợp đồng hai chiều. Ngoài ra, dành một số phân đạm, gỗ, xi măng và một số hàng hoá khác để cung ứng cho những đơn vị và người sản xuất bán thêm ngoài kế hoạch cho Nhà nước theo giá cả hay tể lệ trao đổi do hai bên thoả thuận.

Về xăng, dầu dùng trong nông nghiệp, thuỷ lợi, Nhà nước phân phối chủ yếu cho các trạm hay tổ hợp máy kéo và máy nông nghiệp, các trạm bơm, các cơ sở xay xát, chế biến (của quốc doanh và tập thể) để ký hợp đồng cung ứng dịch vụ cơ giới cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp, lấy công bằng hiện vật (lúa hay nông sản khác). Chỉ cung ứng trực tiếp một phần cho đơn vị và người sản xuất có xe, máy riêng dùng trong sản xuất, chế biến và vận chuyển sản phẩm.

Về hàng tiêu dùng: các loại hàng bán ra ở nông thôn đều đưa vào hợp đồng hai chiều, trừ những loại sau đây:

- Thuốc bệnh, giấy, vở, bút mực cho học sinh, muối (nơi nào quần chúng yêu cầu mới đưa vào hợp đồng);

- Một số loại hàng thông thường vẫn bán tự do ở các cửa hàng quốc doanh và hợp tác xã mua bán;

- Những hàng hoá dành để bán cho một số đối tượng theo chính sách, chế độ (thương binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ về hưu...)

Dựa vào phương hướng chung trên đây, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng các Bộ có liên quan (Nông nghiệp, Vật tư, Lương thực và thực phẩm, Nội thương, Ngoại thương, Hải sản, Lâm nghiệp, Y tế) xác định cụ thể danh mục vật tư, hàng hoá của Nhà nước dùng để trao đổi hai chiều và tỷ lệ trao đổi tương ứng về hiện vật giữa từng loại vật tư, hàng hoá Nhà nước cứng ứng vào từng loại nông sản, lâm sản, hải sản thu mua. Việc này phải làm xong và trình Chính phủ trong tháng 1 năm 1980.

Trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước phân phối vật tư, hàng hoá năm 1980 cho từng tỉnh, thành phố, cần phải tách riêng khối lượng vật tư, hàng hoá để trao đổi hai chiều, ăn khớp với các chỉ tiêu sản xuất và huy động từng loại nông sản, lâm sản, hải sản, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố dựa vào chỉ tiêu vật tư, hàng hoá được Trung ương phân phối, cộng với nguồn khai thác và sản xuất ở địa phương để phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, hướng dẫn cụ thể cho Uỷ ban nhân dân các huyện chỉ đạo chặt chẽ việc phân phối theo hợp đồng hai chiều, chống mọi hiện tượng lợi dụng, tham ô, móc ngoặc, hoặc để mất mát trong các khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối.

Các địa phương được Trung ương phân phối vật tư, hàng hoá theo kế hoạch, phải bảo đảm đẩy mạnh sản xuất, huy động và giao nộp đủ sản phẩm về cho Trung ương theo chỉ tiêu kế hoạch đã giao.

Các quỹ vật tư, hàng hoá mà các ngành Trung ương và tỉnh đưa xuống nông thôn cần được thống nhất quản lý vào Uỷ ban nhân dân huyện để chỉ đạo các tổ chức cung ứng ở huyện, phân phối theo đúng kế hoạch và chính sách, thực hiện tốt các hợp đồng hai chiều đã ký với người sản xuất, gắn chặt với thu mua nắm nguồn hàng. Uỷ ban nhân dân huyện phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước nhân dân về việc trao đổi hàng hoá, thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều, bảo đảm thu mua được khối lượng nông sản, hải sản, lâm sản tương ứng với khối lượng vật tư, hàng hoá mà Nhà nước bán ra. Sự tương ứng này tính bằng hiện vật theo tỷ lệ do Chính phủ quy định.

Trong khi chưa ban hành quy định đẩy đủ về tỷ lệ trao đổi tương ứng bằng hiện vật trong quan hệ hai chiều, Thường vụ Hội đồng Chính phủ quy định tỷ lệ trao đổi giữa lúa và một số vật tư chính như sau:

1 kg u rê

=

3 - 4 kg lúa

1 kg đạm tiêu chuẩn

=

1,5 - 2 kg lúa

1 kg supe - lân hay tương đương

=

1,5 - 2 kg lúa

1 lít xăng, dầu đi ê den, dầu hoả

=

3 - 4 kg lúa

1m3 gỗ tính theo gỗ tròn (lấy loại gỗ đóng xuồng làm chuẩn)

=

1 tấn lúa

1 kg xi măng

=

1 kg lúa

Thường vụ Hội đồng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Lương thực và thực phẩm ra văn bản hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy định này mà ấn định tỷ lệ trao đổi về hiện vật cụ thể, dứt khoát cho từng huyện.

3. Về cách ký kết và thực hiện hợp đồng hai chiều năm 1980:

Ở miền Bắc và ở những huyện miền Nam mà các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đã được củng cố, bộ máy của huyện đã được tăng cường một bước, thể thức ký kết và cách thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều vẫn áp dụng theo Chỉ thị số 525-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ở các huyện khác nhất là ở Nam Bộ cũ, trong tình hình hợp tác xã và tập đoàn sản xuất chưa được củng cố, nông dân cá thể còn nhiều, tổ chức quản lý và kinh doanh của Nhà nước ở huyện còn yếu, cách làm phải đơn giản và linh hoạt hơn. Đối với các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, nếu xét chưa có điều kiện ký hợp đồng cho cả năm, có thể căn cứ vào kế hoạch sản xuất mà ký với các đơn vị sản xuất những hợp đồng hai chiều và cung ứng thu mua cho từng vụ. Về từng loại sản phẩm, thực hiện đến đâu thanh toán gọn đến đó, rồi lại ký tiếp cho vụ sau. Cần tập trung sức làm tốt hợp đồng hai chiều ở những vùng, những xã, ấp sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm hàng hoá, ở những vùng chuyên canh hay sản xuất tập trung để thu mua được nhiều lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu. Đối với những tập đoàn sản xuất mới xây dựng và các hộ nông dân cá thể, nếu người sản xuất muốn được trao đổi trực tiếp, bán nông sản cho Nhà nước để mua lại số vật tư, hàng hoá cần thiết theo tỷ lệ trao đổi tương ứng bằng hiện vật, không muốn ký hợp đồng, giấy tờ phiền phức, thì các Uỷ ban nhân dân huyện có thể chỉ đạo cho làm như vậy, chứ không nên gò ép. Ở những nơi sản xuất lẻ tẻ và đối với những sản phẩm phụ khác thì thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán tổ chức mua bán bình thường, trực tiếp với người sản xuất, theo giá cả và mặt hàng trao đổi do hai bên thoả thuận, mua đứt bán đoạn từng chuyến, không qua hợp đồng hai chiều.

Đối với những loại hàng có giá trị lớn, các điều khoản ký kết không chỉ giới hạn trong một năm và nếu các hợp tác xã có yêu cầu thì có thể ký hợp đồng dài hạn thực hiện trong vài ba năm.

Để giúp các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất có điều kiện sản xuất kịp thời vụ, Nhà nước thi hành chính sách cho vay vốn và tạm ứng vật tư, đến vụ thu hoạch, hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất trả nợ Nhà nước bằng sản phẩm quy định.

4. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện:

a. Ở trung ương: Văn phòng Phủ Thủ tướng cùng với Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước giúp thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị này.

Các Bộ có liên quan trực tiếp đến việc trao đổi hàng hoá hai chiều phải phân công một đồng chí Thứ trưởng phụ trách và bố trí cán bộ chuyên trách giúp Bộ theo dõi và chỉ đạo công tác này trong toàn ngành được chặt chẽ, liên tục.

b. Ở các tỉnh, thành phố: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác này gắn liền với chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước ở địa phương. Cần thành lập ban chỉ đạo việc trao đổi hàng hoá hai chiều của tỉnh, thành phố do đồng chí Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách tài chính - thương nghiệp làm Trưởng ban và gồm đại diện có thẩm quyền của các ngành có liên quan tham gia. Trong văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, cần phân công một số cán bộ chuyên trách theo dõi công tác này. Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh cần được tăng cường để đủ sức làm nhiệm vụ hướng dẫn ký kết, thanh tra và xử lý các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế hai chiều.

c. Ở các huyện: Uỷ ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo toàn diện, tập trung thống nhất việc trao đổi hàng hoá và hợp đồng kinh tế hai chiều trên địa bàn huyện. Ban thương nghiệp, vật tư, đời sống huyện cần được tăng cường theo Chỉ thị số 344-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1979 của Thủ tướng Chính phủ để giúp Uỷ ban huyện chỉ đạo tốt việc ký kết và thực hiện hợp đồng hai chiều trong huyện. Số cán bộ theo dõi hợp đồng kinh tế trước đây quy định để trong ban kế hoạch huyện, nay chuyển sang ban thương nghiệp, vật tư và đời sống.

Uỷ ban nhân dân huyện được uỷ nhiệm xử lý những vụ vi phạm hợp đồng xảy ra trong quá trình thực hiện theo sự hướng dẫn của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, chỉ chuyển lên Hội đồng trọng tài tỉnh, thành phố xử lý những vụ vi phạm tương đối lớn, cần xử phạt nặng về kinh tế và hành chính, hoặc cần truy tố trước toà án.

Về các tổ chức kinh tế Nhà nước ở huyện làm nhiệm vụ cung ứng, thu mua.

Năm 1980, ở các huyện, trước hết ở các huyện trọng điểm sản xuất hàng hoá, cần tăng cường và chấn chỉnh tổ chức theo hướng phát triển mạng lưới trên địa bàn huyện, nhưng gom bớt các đầu mối kinh doanh ở cấp huyện, vừa gắn chặt hai khâu cung ứng và thu mua, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ vật tư, hàng hoá của Nhà nước, phân phối đúng chính sách, chế độ, đúng đối tượng, thuận tiện cho người sản xuất theo đúng hợp đồng hai chiều đã ký với người sản xuất.

Các tổ chức cung ứng vật tư, hàng hoá và thu mua ở huyện phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân huyện trong việc bố trí mạng lưới cửa hàng hay trạm theo các khu vực kinh tế trong huyện, để thuận tiện cho việc thực hiện hợp đồng hai chiều, phục vụ tốt sản xuất và đời sống của người sản xuất. Mặt khác, cần tận dụng mạng lưới hợp tác xã mua bán xã làm đại lý bán và nhận uỷ thác mua hàng cho thương nghiệp quốc doanh, đồng thời mở rộng kinh doanh hàng ngoài kế hoạch và ngoài hợp đồng theo giá thoả thuận.

Các Bộ chủ quản và các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần xúc tiến việc phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo và quản lý các tổ chức kinh tế ở huyện; đưa cán bộ tốt về tăng cường cho các tổ chức của ngành mình ở huyện, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ cấp huyện về các mặt, tạo điều kiện cho huyện làm được nhiệm vụ.

d. Ở xã: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều trong phạm vi xã, dựa vào các tổ chức hiện có ở xã, ấp để làm.

Nhận được Chỉ thị này, các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu kỹ và đặt kế hoạch thi hành khẩn trương; hàng tháng, hàng quý báo cáo kết quả thực hiện lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

 

 

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29-TTg năm 1980 về tổ chức tốt công tác cung ứng vật tư, hàng hoá gắn liền với việc thu mua nông sản, lâm sản, hải sản, đẩy mạnh việc thi hành chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/01/1980
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản