Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 167-CT

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐƠN GIÁ, DỰ TOÁN XÂY LẮP CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN

Trong 3 năm 1981-1983, các tỉnh, thành phố và một số công trình trọng điểm lớn của Nhà nước đã lập và áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản theo giá mới. Trên cơ sở đó, dự toán xây lắp các công trình đã được điều chỉnh hoặc lập lại để làm căn cứ cấp vốn, ký kết hợp đồng giao nhận thầu xây lắp và thanh quyết toán.

Nhưng trong hai năm qua, chi phí xây dựng (bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị và kiến thiết cơ bản khác) vẫn có chiều hướng ngày càng tăng lên với nhiều yếu tố bất hợp lý, ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế của công trình. ở nhiều nơi chi phí xây lắp thực tế đã tăng lên 30-40% (một số nơi tới 70 đến 80%) so với dự toán được duyệt theo giá mới.

Tình hình tăng giá dự toán xây lắp hiện nay có phần do tình hình kinh tế chung của cả nước chưa ổn định. Điều kiện sản xuất kinh doanh trong từng ngành, địa phương và đơn vị cơ sở có nhiều khó khăn và giá cả thị trường biến động. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là những thiếu sót trong công tác quản lý xây dựng cơ bản đã có từ nhiều năm nay nhưng chưa được kiên quyết khắc phục như không chấp hành đầy đủ và nghiêm túc trình tự xây dựng cơ bản; sản xuất và cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng không đáp ứng nhu cầu xây dựng; quản lý vật tư, thiết bị lỏng lẻo để lãng phí, hư hỏng, hao hụt và mất mát nghiêm trọng; kỷ luật chấp hành hệ thống giá mới ở các ngành, các cấp không nghiêm và công tác quản lý đơn giá, xét duyệt dự toán và kiểm tra khi thanh toán không chặt chẽ.

Để lập lại trật tự trên lĩnh vực giá cả trong xây dựng cơ bản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương thực hiện những biện pháp cấp bách sau đây về tăng cường quản lý đơn giá, dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản.

1- Chấn chỉnh và tăng cường quản lý theo đúng trình tự xây dựng cơ bản từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi quyết toán bàn giao đưa công trình vào sản xuất, sử dụng.

- Về kế hoạch hoá và quản lý vốn:

Các công trình xây dựng phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt mới được ghi kế hoạch chuẩn bị xây dựng; trước ngày 1 tháng 10 năm trước phải có thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được duyệt cho khối lượng xây lắp trong năm sau mới được ghi kế hoạch xây lắp năm sau. Trường hợp rất đặc biệt cần phải tiến hành chuẩn bị xây dựng khi chưa có luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt hoặc thi công chưa có thiết kế - dự toán được duyệt thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có trách nhiệm cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng đầu tư và xây dựng tiến hành soát xét ngay và báo cáo để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những công trình đã được ghi kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1984 nhưng chưa có luận chứng kinh tế - kỹ thuật và thiết kế - dự toán được duyệt.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh sớm để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng văn bản quy định hạn ngạch công trình và phân cấp xét duyệt vốn đầu tư; nghiên cứu quy chế quản lý các công trình xây dựng bằng vốn tự có để đưa các công trình này đi vào thực hiện các quy định chung của Nhà nước mà không gây trở ngại cho các đơn vị có vốn.

- Về xét duyệt thiết kế - dự toán:

Các công trình xây dựng thuộc ngành và địa phương quản lý phải do chủ quản đầu tư (Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) xét duyệt thiết kế - dự toán, chỉ những công trình nhỏ với mức vốn do Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước quy định mới được uỷ nhiệm cho cấp dưới (Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, Sở, Uỷ ban nhân dân quận, huyện) xét duyệt.

Đối với các công trình xây dựng phổ biến ở nhiều nơi như nhà ở, cửa hàng, trường học, v.v... thì Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định mức giá tối đa cho 1 đơn vị sử dụng để có căn cứ so sánh khi xét duyệt thiết kế - dự toán các loại công trình này.

Các cơ quan thẩm tra thiết kế dự toán cần được tăng cường về năng lực chuyên môn và tiến hành công tác kiểm tra hết sức nghiêm túc và chính xác, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật (cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước), thiết kế - dự toán của các ngành và địa phương. Ngân hàng đầu tư và xây dựng các cấp có trách nhiệm kiểm tra các chi phí trước khi thanh toán và có quyền từ chối thanh toán nếu các khoản chi không đúng với quy định hiện hành của Nhà nước.

- Về quyết toán công trình:

Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, địa phương thực hiện cho được việc quyết toán các công trình hoàn thành. Trong đó phải loại trừ những yếu tố tiêu cực và bất hợp lý ra khỏi giá trị tài sản cố định mới đưa vào sử dụng.

Đi đôi với quyết toán tiền vốn, phải đưa vào nền nếp việc quyết toán vật tư, lao động, quỹ lương cũng như những chỉ tiêu vật chất quan trọng khác.

2- Đẩy mạnh sản xuất đi đôi với tăng cường quản lý cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng.

a) Trước hết phải đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng, nhanh chóng phát triển lực lượng quốc doanh với các hình thức và quy mô thích hợp để sớm thoát khỏi tình trạng khan hiếm, căng thẳng về vật liệu xây dựng hiện nay, đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng tăng của Nhà nước, của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu.

Bộ Xây dựng cần tính toán hết nhu cầu của xã hội và có kế hoạch chỉ đạo thống nhất việc sản xuất và cung ứng các loại vật liệu gạch, ngói, vôi, đá, cát, sỏi của các ngành và địa phương trong cả nước, cả khu vực quốc doanh và khu vực tập thể; phải thống nhất quản lý rất chặt chẽ trên tất cả các mặt quy hoạch sản xuất, sử dụng nguyên liệu, cung cấp nhiên liệu, quy cách, chất lượng giá cả và thu mua sản phẩm.

Bộ Vật tư, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Xây dựng phải bảo đảm cung cấp đúng địa điểm và tiến độ kế hoạch các loại vật liệu do Nhà nước quản lý: sắt thép, xăng dầu, gỗ, xi măng. Từng quý, các ngành trên phải tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trực thuộc, chấm dứt tình trạng chỉ cấp giấy phân phối mà không có vật tư nhất là gỗ xây dựng.

Đối với các loại vật liệu còn phải nhập của nước ngoài như đồ điện, kính xây dựng, vật liệu trang trí hoàn thiện thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Ngoại thương, Bộ Vật tư bổ sung có kế hoạch nhập hàng năm bảo đảm nhu cầu xây dựng. Những loại chưa cân đối nhập được thì các ngành, địa phương xin phép tự cân đối xuất nhập để bảo đảm nhu cầu xây dựng của mình.

Đối với các loại vật liệu khác (tiểu ngũ kim, sơn, que hàn, đất đèn, bột màu v.v...), Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Xây dựng cần khẩn trương lập đẩy đủ danh mục để từ đó phân công sản xuất, cung ứng và chỉ đạo giá cả.

b) Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất phải tăng cường quản lý vật tư, thiết bị trong tất cả các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng; thực hành triệt để tiết kiệm, phấn đấu hạ thấp mức tiêu hao vật chất trong xây lắp công trình.

Trước hết, phải khôi phục cho được việc cân, đong, đo, đếm khi giao nhận hoặc cấp phát vật tư, vật liệu xây dựng. Từ đó xác định trách nhiệm ở từng khâu, xử lý kịp thời các hiện tượng gian dối, lấy bớt, ăn cắp hoặc để hư hỏng.

Việc sử dụng vật tư, vật liệu xây dựng phải tuân theo định mức của Nhà nước, nhất thiết không được tuỳ tiện thay đổi. Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước chịu trách nhiệm chủ trì soát xét lại để sửa đổi các định mức sử dụng vật tư đã lạc hậu và ban hành các định mức mới cần thiết làm căn cứ quản lý.

Khi giao khoán công việc phải giao khoán cả chỉ tiêu vật tư được phép sử dụng và yêu cầu chất lượng, đi đôi với mở rộng các hình thức thưởng tiết kiệm vật tư để thu hồi các vật liệu chủ yếu hoặc quý hiếm tiết kiệm được. Đơn vị nào có sáng kiến dùng các vật liệu thay thế các loại vật liệu hiếm hoặc tiết kiệm vật liệu mà vẫn bảo đảm chất lượng công trình, nếu được cơ quan thiết kế và chủ quản đầu tư chấp nhận thì được thưởng về số tiết kiệm được theo quy định của Nhà nước.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm cùng Bộ Vật tư và các ngành có liên quan tổ chức cho được quyết toán vật tư trong xây dựng cơ bản.

Đối với vật tư, thiết bị nhập theo thiết bị toàn bộ các cơ quan chủ đầu tư vật tải, hoặc cơ quan thi công phải chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng trong khâu được giao phụ trách. Chủ quản đầu tư và chủ đầu tư phải tổ chức theo dõi, kiểm tra và giải trình đầy đủ nguyên nhân xin nhập bổ sung vật tư, thiết bị do hư hỏng mất mát trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm ở từng khâu.

c) Về giá cả vật liệu xây dựng:

- Trước mắt cần giữ hệ thống giá chỉ đạo hiện hành, chỉ điều chỉnh một bộ phận xét thật cần thiết để ổn định đơn giá, dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản.

- Uỷ ban Vật giá Nhà nước cần soát xét lại ngay giá các loại vật liệu gạch, ngói, vôi, đá, cát, sỏi trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quyết định để khắc phục tình hình điều chỉnh giá tràn lan hiện nay đối với các loại vật liệu này. Những trường hợp điều chỉnh sửa đổi giá các loại vật liệu khác phải có phương án tính toán toàn diện và phải theo đúng nguyên tắc, quy chế chung của Nhà nước về quản lý giá. Những vật liệu xây dựng đã được quy định giá bán buôn vật tư cần phải chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 94-CT ngày 6-4-1983 trong việc cung ứng cũng như thanh toán.

Đình chỉ việc áp dụng các loại giá bán vật tư, vật liệu xây dựng ngoài kế hoạch không được cấp có thẩm quyền duyệt và giá bán cho ngoài tỉnh, ngoài ngành; các loại lệ phí, các khoản thu khác về tài nguyên vật liệu xây dựng đang tồn tại ở một số nơi hiện nay.

- Chấp hành giá phải đi đối với bảo đảm chất lượng, quy cách sản phẩm. Những loại vật liệu đã có tiêu chuẩn Nhà nước về quy cách phẩm chất thì phải chấp hành nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn đó; loại nào chưa có thì cơ quan quản lý giá quản lý xây dựng phải quy định phẩm chất, quy cách đi theo với quy định giá. Trường hợp không chấp hành đúng tiêu chuẩn quy định thì phải giảm giá theo mức tương đương với quy cách, phẩm chất đã đạt được.

d) Việc điều chỉnh đơn giá dự toán:

Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn việc thẩm tra, theo dõi thực hiện những đơn giá đã ban hành để trên cơ sở đó hướng dẫn việc điều chỉnh đơn giá theo những nguyên tắc sau:

- Chỉ điều chỉnh đơn giá khi thay đổi nguồn cung cấp vật liệu, thay đổi phương tiện vận tải khác với điều kiện đã tính trong đơn giá hoặc khi Nhà nước thay đổi giá bán buôn, giá cước vận tải, chế độ lương và các chế độ khác.

- Đối với các loại vật liệu Nhà nước không cân đối đủ số lượng, được bù chênh lệch giữa giá chỉ đạo với giá thu mua theo hợp đồng kinh tế liên kết giữa các địa phương hoặc giữa các xí nghiệp. Những loại vật liệu phải mua của dân như tranh, tre, nứa, lá, rơm, v.v... thì được tính theo giá chỉ đạo thu mua từng thời kỳ của địa phương hoặc theo giá được chính quyền cơ sở xác nhận.

- Hàng năm, căn cứ vào tình hình chung và báo cáo cụ thể của địa phương và cơ sở, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước cùng với Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các cơ quan có liên quan hướng dẫn tính toán và áp dụng hệ số trượt giá cho những yếu tố biến động hợp lý và có tính phổ biến, làm căn cứ bố trí kế hoạch vốn điều chỉnh dự toán các công trình xây dựng cơ bản. Đồng thời tiến hành nghiên cứu và ban hành đơn giá tổng hợp bình quân theo những vùng lớn để có căn cứ xác định được tương đối đúng tổng dự toán theo giai đoạn thiết kế kỹ thuật bảo đảm đủ vốn cho quá trình xây lắp.

3- Mở rộng thực hiện khoán trong thi công xây lắp bảo đảm thu nhập hợp lý của công nhân xây dựng để thúc đẩy tăng năng suất lao động, khuyến khích tiết kiệm vật tư, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và sớm đưa công trình vào sản xuất, sử dụng.

Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và Bộ Lao động cùng các ngành có liên quan nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đề án đẩy mạnh làm khoán trong xây dựng cơ bản theo hướng áp dụng các hình thức khoán tiến bộ như khoán công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc lớn v.v... nhằm gắn chặt hơn nữa khoán với kết quả cuối cùng trong xây dựng; kết hợp khoán quỹ lương với khoán vật liệu, chi phí quản lý và giao khoán tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm.

Trước mắt, khi chưa cải tiến chế độ tiền lương, Bộ Lao động, Bộ Tài chính và Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước cần nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong quý II năm 1984 đơn giá khoán hợp lý, bảo đảm sinh hoạt thiết yếu nhất để công nhân xây dựng có thể yên tâm sản xuất trong điều kiện làm việc vất vả, đời sống khó khăn trên các công trường. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước cùng các ngành có liên quan tổ chức và chỉ đạo thí điểm làm khoán ở một số công trình và địa phương để rút kinh nghiệm.

Trong khi thực hiện làm khoán phải chú trọng đầy đủ yêu cầu bảo đảm chất lượng thi công xây lắp công trình. Tại các công trình xây dựng phải chấn chỉnh lại tổ chức, xây dựng nền nếp làm việc nghiêm túc của hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm để tăng cường kiểm tra chất lượng trong quá trình xây lắp công trình và nghiệm thu chặt chẽ khi hoàn thành bàn giao đưa công trình vào sản xuất, sử dụng.

4- Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp đi đôi với tăng cường kiểm tra bảo đảm đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong xây dựng cơ bản.

Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố là chủ quản đầu tư phải trực tiếp chịu trách nhiệm về vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế của các công trình thuộc ngành và địa phương quản lý. Chủ quản đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư quản lý và sử dụng hợp lý vốn đầu tư theo đúng các quy định của Nhà nước.

Các tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp, cung ứng vật tư và vận tải tham gia xây dựng công trình theo nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước thông qua hợp đồng kinh tế ký kết với chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, bảo đảm đưa công trình vào sản xuất, sử dụng đúng thời hạn với chất lượng tốt, chi phí hợp lý.

Các cơ quan tài chính, ngân hàng, quản lý xây dựng cơ bản, phải làm đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thẩm tra dự toán, kiểm tra thanh toán, quyết toán và giám sát chất lượng công trình. Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và Bộ Tài chính nghiên cứu để quy định việc thưởng và phạt vật chất đối với các công tác thẩm tra, kiểm tra và giám định các công trình xây dựng.

Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước làm việc với các ngành, các cấp để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này nhằm bước đầu lập lại trật tự trong quản lý đơn giá và dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản. Đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các ngành tiếp tục nghiên cứu cải tiến toàn diện cơ chế quản lý xây dựng cơ bản theo hướng phù hợp với nguyên tắc hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa với đặc điểm và trình độ kinh tế kỹ thuật của nước ta để trình Hội đồng bộ trưởng chủ trương và những biện pháp cơ bản ổn định giá cả trong xây dựng cơ bản những năm tới.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 167-CT năm 1984 về tăng cường quản lý đơn giá, dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 167-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/1984
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 15/06/1984
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 13/05/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản