UỶ BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83-UB/VKT | Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 1985 |
Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng số 166-HĐBT ngày 15-12-1984 về "Cải tiến quản lý xây dựng cơ bản" và Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 167-CT ngày 28-4-1984 về "tăng cường quản lý đơn giá, dự toán các công trình xây dựng cơ bản", sau khi bàn bạc thống nhất với các ngành có liên quan, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước hướng dẫn một số biện pháp trước mắt về quản lý đơn giá, dự toán nhằm tăng cường quản lý vốn đầu tư và tạo điều kiện để các tổ chức xây lắp cơ sở thực hiện hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ QUẢN LÝ DỰ TOÁN CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN
1. Trong xây dựng cơ bản dự toán giữ vai trò giá cả của sản phẩm xây dựng, là căn cứ để Nhà nước quản lý vốn đầu tư và tổ chức xây lắp cơ sở thực hiện hạch toán kinh tế. Vì vậy dự toán các công trình xây dựng cơ bản phải được quản lý chặt chẽ theo đúng điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định số 232-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ và Điều lệ quản lý giá ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBT ngày 2-2-1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Các công trình thiết kế theo hai bước thì phải lập tổng dự toán theo thiết kế kỹ thuật và dự toán xây lắp hạng mục công trình theo thiết kế bản vẽ thi công. Công trình thiết kế một bước thì lập dự toán xây lắp hạng mục công trình theo thiết kế kỹ thuật thi công và từ đó lập bản tổng hợp dự toán của toàn bộ công trình.
Tổng dự toán của thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền xét duyệt là cơ sở để ghi vào kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản và là căn cứ ký hợp đồng giao thầu và nhận thầu xây lắp toàn bộ công trình.
Trường hợp thiết kế kỹ thuật được duyệt nhưng tổng dự toán chưa hoàn chỉnh thì vẫn có thể tiến hành ký kết hợp đồng xây lắp toàn bộ theo vốn đầu tư ghi trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt và sau đó được điều chỉnh hợp đồng theo tổng dự toán chính thức. Chậm nhất là sau 1/3 thời gian xây dựng công trình chủ đầu tư phải lập và trình duyệt xong tổng dự toán chính thức của công trình. Những công trình được phép tiến hành thiết kế kỹ thuật theo đợt hoặc giai đoạn xây dựng, thì tổng dự toán cũng được lập cho từng đợt hoặc giai đoạn.
Dự toán xây lắp hạng mục công trình lập theo thiết kế bản vẽ thi công hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công (sau đây gọi tắt là dự toán xây lắp) là căn cứ để lập hoặc điều chỉnh kế hoạch xây lắp công trình trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm và thanh toán sản phẩm xây lắp hoàn thành giữa chủ đầu tư và tổ chức nhận thầu xây lắp.
Tổng số giá trị dự toán xây lắp của tất cả các hạng mục công trình cộng với chi phí thiết bị và chi phí kiến thiết cơ bản khác của công trình không được vượt tổng dự toán được duyệt (kể cả 10% dự phòng). Trường hợp vượt tổng dự toán thì chủ đầu tư phải giải trình để xin duyệt bổ sung tổng dự toán và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư (theo mục IV của Thông tư này).
Để xác định được chi phí xây lắp hợp lý trong điều kiện xây dựng chưa ổn định hiện nay, việc xác định dự toán xây lắp được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Lập dự toán theo thiết kế bản vẽ thi công (hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công) do cơ quan thiết kế thực hiện trong giai đoạn thiết kế.
b) Thống nhất dự toán xây lắp giữa chủ đầu tư và tổ chức nhận thầu xây lắp trước khi ký kết hợp đồng giao nhận thầu xây lắp (hoặc hợp đồng khoán gọn).
c) Bổ sung dự toán (nếu có) trong quá trình xây lắp hoặc khi thanh toán sản phẩm xây lắp hoàn thành.
1. Đơn giá xây dựng cơ bản:
a) Nguyên tắc chung là dự toán các công trình xây dựng phải lập theo đơn giá xây dựng cơ bản khu vực thống nhất và các hệ số điều chỉnh kèm theo (nếu có) trong từng tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh) nơi xây dựng công trình do Uỷ ban Nhân dân các tỉnh ban hành. Các hệ số điều chỉnh đơn giá xây dựng cơ bản khu vực thống nhất của các tỉnh ban hành để điều chỉnh dự toán phải bảo đảm các nguyên tắc điều chỉnh đơn giá quy định trong điểm 2 mục V của Thông tư này.
Những công việc chưa có đơn giá trong bộ đơn giá của tỉnh thì tổ chức thiết kế phải lập đơn giá tạm tính trình Uỷ ban Xây dựng cơ bản tỉnh (hoặc Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước đối với các công trình quan trọng của các ngành Trung ương) tạm duyệt để làm căn cứ tính dự toán.
b) Những công trình xây dựng theo tuyến đi quan nhiều khu vực đơn giá thì có thể phân đoạn công trình để lập dự toán theo đơn giá khu vực thống nhất của từng tỉnh hoặc có thể tính theo đơn giá bình quân của toàn công trình sau khi đã thống nhất với Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước về phương pháp tính toán đơn giá bình quân đó.
c) Những công trình lớn, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp cần có đơn giá riêng để lập dự toán phải được sự đồng ý của Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước (đối với công trình Trung ương) hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh (đối với công trình địa phương). Đơn giá riêng đó được Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt và ban hành.
d) Những công trình do nước ngoài thiết kế mà các tổ chức trong nước đảm nhận việc lập dự toán phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước về lập dự toán.
2. Các khoản mục chi phí trong dự toán :
Nội dung và các định mức tỷ lệ cho các khoản mục chi phí trong dự toán áp dụng theo các văn bản hướng dẫn thống nhất của Nhà nước (các văn bản hiện hành trong phụ lục số 1 kèm theo).
Việc thay đổi, điều chỉnh và bổ sung nội dung hoặc định mức tỷ lệ của các khoản mục chi phí này do Uỷ ban Xây dưng cơ bản Nhà nước và các cơ quan tổng hợp của Nhà nước ban hành.
III. NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT DỰ TOÁN XÂY LẮP GIỮA CHỦ ĐẦU TƯ VÀ TỔ CHỨC NHẬN THẦU XÂY DỰNG
Bảo đảm tính pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng giao nhận thầu xây lắp công trình, việc bổ sung giá trị dự toán xây lắp trong quá trình thi công được thực hiện theo những quy định trong Nghị quyết số 166-HĐBT và Điều lệ quản lý giá của Nhà nước, cụ thể là:
Chủ đầu tư phải giao cho tổ chức nhận thầu xây lắp hồ sơ thiết kế, dự toán và danh mục vật tư, thiết bị do mình đảm nhận cung ứng (nếu có) trước khi tiến hành ký hợp đồng giao nhận thầu xây lắp theo đúng thời hạn được quy định trong Nghị quyết số 166-HĐBT (2 tháng). Trên cơ sở đó, tổ chức nhận thầu xây lắp được quyền xem xét lại và thống nhất với chủ đầu tư về dự toán xây lắp công trình theo những nguyên tắc và trên các mặt sau đây:
1. Bổ sung khối lượng tính thiếu, tính sai và kiến nghị sửa đổi những giải pháp kết cấu xây dựng không phù hợp với năng lực thi công của mình. Nếu tổ chức xây lắp có sáng kiến thay đổi thiết kế, thay đổi vật liệu quý, hiếm mà không ảnh hưởng đến yêu cầu kỹ thuật xây dựng, chất lượng công trình và tiến độ thi công, được cơ quan thiết kế và chủ đầu tư chấp nhận thì được hưởng toàn bộ số tiền tiết kiệm được.
2. Sửa đổi các đơn giá áp sai và các khoản chi phí khác tính không đúng quy định của Nhà nước.
3. Đề xuất thay đổi các biện pháp thi công do cơ quan thiết kế lập cho phù hợp với điều kiện thi công cụ thể của công trình và được điều chỉnh chi phí theo đơn giá phù hợp với biện pháp thi công mới sau khi đã thống nhất với cơ quan thiết kế và chủ đầu tư.
Trường hợp đơn vị nhận thầu xây lắp phải thuê thiết bị thi công của các tổ chức xây lắp khác thì chi phí thuê máy được tính toán theo hướng dẫn của Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.
4. Đề xuất việc điều chỉnh chi phí vật liệu trong dự toán do cơ quan thiết kế lập cho phù hợp với điều kiện sản xuất và cung cấp vật liệu cụ thể của công trình. Tổ chức xây lắp căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch vật tư của Nhà nước cấp cho công trình, dự kiến những thay đổi về: nguồn cung ứng, số lượng cấp không đủ... mà đơn vị phải tự tìm kiếm và những thay đổi khác về giá để bổ sung trực tiếp cho từng loại vật liệu trong dự toán hoặc có thể tính trước thành hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu, trình cơ quan quản lý đơn giá xây dựng cơ bản xét duyệt để thống nhất giá dự toán giao nhận thầu.
Việc điều chỉnh bổ sung chi phí vật liệu theo các nguyên tắc sau đây:
a. Đối với việc thay đổi nguồn cung cấp vật tư vật liệu và thay đổi khung giá.
Khi nhận được chỉ tiêu phân phối theo kế hoạch Nhà nước mà địa điểm cung ứng vật tư, vật liệu trái với nguồn cung ứng đã được quy định trong đơn giá khu vực thống nhất và đơn giá công trình thì được bổ sung chi phí tăng thêm cho khối lượng vật liệu phải nhận trái nguồn.
Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền thay đổi khung giá vật tư vật liệu thì được bổ sung giá trị dự toán xây lắp theo giá thực mua trong khung giá mới.
b. Đối với giá vật liệu
- Những vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối (xi măng, sắt thép, gỗ, xăng dầu, than, nhựa đường v.v...) thì tính theo giá bán buôn vật tư của Nhà nước. Trường hợp đặc biệt, tổ chức cung ứng không giao vật liệu đúng địa điểm được cơ quan cấp trên của tổ chức cung ứng đó xác nhận bằng văn bản thì tổ chức xây lắp được nhận khoản trừ lùi phí lưu thông theo Chỉ thị số 94-CT ngày 6-4-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Phần chênh lệch giữa phí lưu thông được trừ lùi nhận từ tổ chức cung ứng với phí lưu thông thực tế của tổ chức xây lắp do phải thay đổi phương tiện và cự ly vận chuyển xa hơn được bù theo khối lượng vật liệu thực tế đã nhận và được bổ sung vào dự toán xây lắp.
- Những vật tư, vật liệu do Nhà nước hoặc Nhà nước phân cấp cho các ngành và địa phương cân đối và cung ứng theo kế hoạch (gạch chỉ, ngói, cát đen, cát vàng, đá hộc, đá dăm, vôi...) thì tính theo giá chỉ đạo do các cơ quan quản lý giá có thẩm quyền quy định. Trường hợp chưa có giá chỉ đạo thì tính theo giá tạm tính của cơ quan cung ứng vật tư, vật liệu theo Điều lệ quản lý giá. Phần vật tư, vật liệu không được cân đối đầy đủ hoặc cơ quan cung ứng không đảm bảo cung ứng đủ số lượng và đúng thời gian theo chỉ tiêu kế hoạch thì căn cứ xác nhận của cơ quan kế hoạch ngành, địa phương hoặc của cơ quan cấp trên của tổ chức cung ứng và tính theo giá thực mua ghi trong hợp đồng kinh tế với các đơn vị liên doanh liên kết (theo khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định).
- Những vật tư, vật liệu được cân đối một phần hoặc không cân đối trong kế hoạch và những vật liệu tự tìm kiếm khác (Gạch trang trí, tiểu ngũ kim, thiết bị vệ sinh, bột màu, đá chẻ, đá mạt, ngói âm dương...) thì tính theo giá thực mua trong khung giá do các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
- Những vật liệu chủ yếu do các tổ chức xây lắp tự sản xuất tại chỗ để xây dựng công trình (gạch, đá, cát, sỏi, vôi... )thì được tính theo đơn giá vật liệu đến chân công trình (bao gồm giá gốc và chi phí vận chuyển) trong đơn giá khu vực thống nhất. Trường hợp giá các loại vật liệu tự sản xuất này cao hơn giá vật liệu đến chân công trình thì phải được cơ quan quản lý giá có thẩm quyền quy định.
- Những vật liệu phải mua của dân (tranh, tre, nứa, lá, rơm, phân hữu cơ...) thì tính theo giá của địa phương.
5. Đối với công trình thực hiện chế độ tổng nhận thầu xây lắp, tổ chức đảm nhận nhiệm vụ tổng nhận thầu xây lắp được tính thêm chi phí tổng nhận thầu xây lắp, bao gồm 0,5% tính trên giá trị của những khối lượng xây lắp giao thầu lại và 5% tính trên chi phí tiếp nhận vận chuyển và bảo quản vật tư thiết bị mà tổ chức tổng nhận thầu xây lắp đảm nhận. Chi phí tổng nhận thầu xây lắp nêu trên được tính thành một khoản riêng ngoài giá trị dự toán xây lắp và chủ đầu tư phải đưa chi phí này vào phần chi phí của Ban quản lý công trình trong tổng dự toán xây dựng công trình.
6. Trong trường hợp khoán gọn công trình (hạng mục công trình) thì có thể dựa trên dự toán xây lắp đã được thống nhất theo các nguyên tắc nêu trên và tính thêm chi phí dự kiến những biến động không lường trước trong quá trình thực hiện theo quy định của quy chế khoán sản phẩm trong xây dựng cơ bản. Trong trường hợp này, giá khoán chỉ thay đổi khi Nhà nước thay đổi giá cả và tiền lương hoặc phải bổ sung thiết kế làm thay đổi số lượng và chất lượng xây lắp so với điều kiện giao khoán ban đầu.
IV. NGUYÊN TẮC BỔ SUNG GIÁ TRỊ DỰ TOÁN XÂY LẮP TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG
Giá dự toán xây lắp đã thống nhất giữa chủ đầu tư và tổ chức xây lắp sau khi được duyệt là căn cứ để ký kết hợp đồng thi công xây lắp và thanh toán.
Trường hợp đặc biệt trong quá trình thi công có những chi phí phát sinh chưa tính được khi thống nhất dự toán xây lắp hoặc chưa tính trong hệ số điều chỉnh đơn giá thì phải báo cáo cơ quan quản lý đơn giá xây dựng cơ bản xét giải quyết việc bù theo khối lượng thực tế khi thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành.
1. Đối với đơn giá công tác xây lắp tạm tính
Nếu trong quá trình thi công đơn giá tạm tính trong dự toán xây lắp do cơ quan thiết kế lập chưa phù hợp thì tổ chức xây lắp cùng với chủ đầu tư và Ngân hàng đầu tư và xây dựng tính toán lại những đơn giá đó để trình cơ quan quản lý đơn giá xây dựng cơ bản xét điều chỉnh.
2. Đối với vật liệu
Chi phí vật liệu trong dự toán xây lắp chỉ được bổ xung điều chỉnh khi Nhà nước thay đổi giá cả và nguồn cung cấp vật liệu không đúng với quy định trong đơn giá xây dựng cơ bản và dự toán xây lắp đã duyệt.
Việc bổ sung, điều chỉnh này phải đúng quy định ở điểm 4 phần III của Thông tư này.
3. Đối với tiền lương:
Chi phí tiền lương trong dự toán xây lắp công trình xây dựng chỉ được bổ sung điều chỉnh khi Hội đồng Bộ trưởng hoặc các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền quyết định sửa đổi bổ sung các chế độ tiền lương, tiền thưởng.
Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước sẽ có hướng dẫn thống nhất việc áp dụng đối với từng quyết định cụ thể liên quan đến chế độ tiền lương, tiền thưởng trong xây dựng cơ bản.
Trong khi Nhà nước chưa cải tiến tiền lương, đối với một số công trình xây dựng trọng điểm của ngành và địa phương, nếu có yêu cầu bức thiết phải đẩy nhanh tiến độ thi công đưa nhanh công trình vào sản xuất, sủ dụng để sớm phát huy hiệu quả thì chủ tư cần bàn bạc thống nhất với Bộ Lao động, Bộ Tài chính trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép điều chỉnh đơn giá nhân công trong dự toán.
Đối với những công trình xây dựng cho cơ quan nước ngoài đóng trên đất nước ta hoặc ở ngoài nước tính theo quy định riêng của Nhà nước.
Trường hợp lực lượng xây lắp quốc doanh không đảm nhận được xây lắp các công trình trong kế hoạch Nhà nước, tổng thầu hoặc chủ đầu tư được phép thuê khoán nhân công của các hợp tác xã, hoặc sử dụng lao động hợp đồng. Chi phí tiền lương khoán cho lực lượng này được xác định theo đơn giá tiền lương đối với lực lượng quốc doanh và tính thêm khoản bù các mặt hàng cung cấp theo định lượng ở từng tỉnh và thành phố, và các chế độ bảo hiểm xã hội chung của Nhà nước. Chủ đầu tư phải sử dụng các khoản chi phí khác trong dự toán (trực tiếp phí khác, phụ phí thi công, v.v...) để bù đắp các khoản chênh lệch này, bảo giá trị dự toán xây lắp công trình không vượt quá dự toán được duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trường hợp đặc biệt cần tăng vốn xây lắp của công trình thì chủ đầu tư phải giải trình và được chủ quản đầu tư xét duyệt khoản tăng đó trước khi khởi công xây dựng công trình (trong giới hạn vốn được sử dụng).
4. Đối với việc bổ sung thiết kế
Để nâng cao chất lượng thiết kế, hạn chế việc sửa đổi thiết kế tuỳ tiện làm tăng chi phí và gây trở lại cho quá trình xây lắp, các cơ quan xét duyệt thiết kế chỉ chấp nhận những thay đổi có căn cứ chính đáng và chủ đầu tư thống nhất với tổ chức nhận thầu xây lắp và các thay đổi đó. Chi phí cho khối lượng tăng thêm do thay đổi thiết kế được bổ sung vào dự toán.
V. PHƯƠNG THỨC CHỈNH BỔ SUNG DỰ TOÁN
Việc chỉnh bổ sung dự toán xây lắp do Nhà nước thay đổi giá vật liệu, tiền lương, thay đổi nguồn cung ứng vật liệu hoặc thay đổi khung giá và do bổ sung thiết kế đã nói trên đây được tiến hành theo các phương thức sau:
1. Khi đã xác định những trường hợp cần bổ sung dự toán trước lúc khởi công xây dựng công trình, thì tổ chức xây lắp thống nhất với chủ đầu tư đưa những khoản cần bổ sung đó vào dự toán khi thống nhất giá dự toán xây lắp công trình. Những chi phí phát sinh trong quá trình thi công được bù theo khối lượng thực tế khi thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành. Chủ đầu tư có trách nhiệm theo dõi và tổng hợp các khoản bù chênh lệch này để làm thủ tục bổ sung dự toán.
2. Từng thời kỳ, căn cứ vào những yếu tố biến động hợp lý hợp pháp và có tính phổ biến và thay đổi giá vật tư, vật liệu (theo các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền ban hành giá) Uỷ ban xây dựng cơ bản tỉnh, thành phố tính toán hệ số điều chỉnh đơn giá khu vực thống nhất theo phương pháp do Uỷ ban Xây dưng cơ bản Nhà nước hướng dẫn và thoả thuận với Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước trước khi trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành.
Trước mắt, các tỉnh cần làm việc với Uỷ ban Vật giá Nhà nước để thống nhất mức giá, khung giá các loại vật liệu do địa phương sản xuất như: gạch chỉ, đá dăm, cát đen, cát vàng, vôi v.v... trên cơ sở đó tính toán và ban hành hệ số điều chỉnh đơn giá khu vực thống nhất đã được xây dựng theo hệ thống giá năm 1982 đưa về mặt hàng giá đầu năm 1985 để làm căn cứ xác định vốn đầu tư và điều chỉnh dự toán cho khối lượng xây lắp thực hiện từ 1-1-1985. Những hệ số điều chỉnh đơn giá khu vực thống nhất nêu trên được đưa vào dự toán xây lắp do cơ quan thiết kế lập. Khi thống nhất dự toán giữa chủ đầu tư và tổ chức nhận thầu xây lắp, cũng như khi bổ sung dự toán trong quá trình thi công không được tính những thay đổi giá vật tư, vật liệu đã được đưa vào hệ số điều chỉnh đơn giá.
3. Việc điều chỉnh chi phí nhân công, chi phí sử dụng máy thi công theo sự hướng dẫn thống nhất của Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.
4. Đối với các công trình độc lập đơn giá riêng, việc bổ sung dự toán, điều chỉnh đơn giá, bù chênh lệch vật liệu do các cơ quan quản lý đơn giá (Uỷ ban Xây dựng cơ bản tỉnh hoặc Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước đối với công trình quan trọng) xem xét và giải quyết .
5. Chi phí xây lắp tăng thêm do các khoản bổ sung dự toán đã kể trên, sử dụng trong nguồn kinh phí dự phòng của công trình; nếu vượt quá tổng số vốn đầu tư (kể cả kinh phí dự phòng) được duyệt thì chủ đầu tư phải giải trình xin điều chỉnh vốn.
Trường hợp Nhà nước thay đổi hệ thống giá cả, thay đổi chế độ tiền lương thì vốn đầu tư của các công trình sẽ được điều chỉnh riêng theo hướng dẫn thống nhất của Nhà nước. Khi có thay đổi lớn về thiết kế thì vốn đầu tư, tổng dự toán và dự toán xây lắp các hạng mục công trình phải được xét duyệt lại cùng với việc xét duyệt lại thiết kế của công trình.
1. Quản lý đơn giá, dự toán xây dựng trong điều kiện giá cả còn chưa ổn định là công việc rất phức tạp. Yêu cầu chung là phải tính đúng, tính đủ những chi phí phát sinh hợp lý để thúc đẩy sản xuất, đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật giá của Nhà nước. Vì vậy đề nghị các ngành, địa phương tăng cường công tác công tác thẩm tra, xét duyệt dự toán theo đúng Nghị quyết 166-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Chỉ thị 167-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đối với những công trình nhỏ, đơn giản, các ngành và địa phương cần quy định mức giá tối đa cho 1 đơn vị diện tích hoặc chiều dài (như m2 nhà cấp bốn, mét dài đường nông thôn v.v...) làm căn cứ để cấp dưới xét duyệt theo quy định phân cấp của ngành và địa phương.
Khi giao kế hoạch xây dựng cơ bản cho đơn vị trực thuộc đề nghị các ngành, địa phương quy định rõ danh mục, số lượng vật tư, vật liệu được cân đối để Ngân hàng đầu tư và xây dựng và cơ quan quản lý xây dựng cơ bản có căn cứ theo dõi giải quyết việc điều chỉnh và bổ sung dự toán.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn và vướng mắc đề nghị các ngành, địa phương phản ánh kịp thời cho Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước để cùng phối hợp nghiên cứu giải quyết.
Đỗ Quốc Sam (Đã ký) |
- 1Quyết định 44/2002/QĐ-BCN về Đơn giá XDCB chuyên ngành Lắp đặt thiết bị nhà máy nhiệt điện do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Nghị định 232-CP năm 1981 Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 167-CT năm 1984 về tăng cường quản lý đơn giá, dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Nghị quyết số 166-HĐBT về cải tiến quản lý xây dựng cơ bản do Hội Đồng Bộ trưởng ban hành
- 5Chỉ thị 94-CT năm 1983 về việc lập lại trật tự trên lĩnh vực giá bán buôn vật tư do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 83-UB/VKT-1985 hướng dẫn quản lý đơn giá, dự toán xây lắp các công trình xây dựng cơ bản do Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 83-UB/VKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/04/1985
- Nơi ban hành: Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước
- Người ký: Đỗ Quốc Sam
- Ngày công báo: 30/07/1985
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 09/05/1985
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định