ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Đắk Lắk, ngày 02 tháng 8 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ PHÂN BÓN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý phân bón. Trên địa bàn tỉnh, tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón đã dần đi vào nền nếp. Hầu hết các cơ sở kinh doanh phân bón đã được tập huấn chuyên môn và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán phân bón vi phạm chất lượng, nhãn mác, hướng dẫn sử dụng không đúng nội dung trên bao bì, nhãn mác vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ có tăng lên nhưng vẫn còn thấp. Việc phân công các cơ quan theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý phân bón còn chưa đồng bộ, chặt chẽ.
Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng phân bón có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Nghiên cứu trình UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là đối với các loại phân bón hữu cơ.
b) Có kế hoạch cụ thể thực hiện tiếp nhận, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc công bố hợp quy phân bón của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc thực hiện khảo nghiệm, quảng cáo phân bón tại địa phương đảm bảo kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Sở danh sách các tổ chức, cá nhân đã đăng ký công bố hợp quy phân bón.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón cho tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng; tuyên truyền, hướng dẫn cách thức sử dụng phân bón cho người tiêu dùng.
d) Chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng mô hình và giải pháp sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả để áp dụng tại địa phương.
e) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Giám sát, kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định. Tham gia phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan trong kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm hoạt động sản xuất, buôn bán, quảng cáo phân bón thuộc địa bàn quản lý.
f) Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng; danh sách các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện buôn bán phân bón trên Website của đơn vị.
g) Giao cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện quản lý phân bón tại địa phương theo thẩm quyền và có trách nhiệm báo cáo hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu việc thực hiện nhiệm vụ này cho Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk
a) Theo dõi, tổng hợp, dự báo diễn biến tình hình thị trường, đối tượng, quy luật, phương thức, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh phân bón trên địa bàn phụ trách; kiến nghị, đề xuất các cơ quan có liên quan về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
c) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm về kiểm tra, xử lý vi phạm về phân bón theo Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón và các quy định pháp luật hiện hành.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra phân bón trên địa bàn tỉnh đảm bảo điều kiện để thực thi nhiệm vụ.
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ theo các nội dung quy định tại Điều 4, Điều 6 Luật Trồng trọt, Điều 16 Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
4. Sở Thông tin và Truyền Thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk và các cơ quan thông tin đại chúng
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phân bón nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có tham gia sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra về phân bón để thông tin kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; tuyên truyền, biểu dương những tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt các quy định về quản lý, sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón; những mô hình, cách làm hay có hiệu quả trong thực tiễn.
5. Công an tỉnh
Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân buôn bán, sử dụng phân bón theo đúng quy định của pháp luật. Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
7. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan
- Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón theo đúng phương pháp đã được xác định.
- Tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích nông dân sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt,…để tự sản xuất và sử dụng phân bón đúng cách, thân thiện với môi trường.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Có trách nhiệm tổ chức lực lượng, phân công, giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm; nắm chắc tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón tại địa phương; phát hiện và xử nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây bức xúc trong xã hội theo quy định tại Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón và các văn bản khác có liên quan. Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phân bón trên địa bàn.
d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hội nghị, hội thảo, quảng cáo phân bón tại địa phương theo quy định.
e) Định kỳ 06 (sáu) tháng, hàng năm Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý phân bón trên địa bàn, đồng thời kiến nghị biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc quản lý phân bón về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón
a) Duy trì đầy đủ các điều kiện và trách nhiệm trong sản xuất, buôn bán phân bón quy định tại Điều 41, Điều 42 Luật Trồng trọt; Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ Quy định về quản lý phân bón.
b) Sản xuất, buôn bán phân bón đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.
c) Thu hồi, xử lý phân bón không bảo đảm chất lượng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
d) Chấp hành nghiêm việc thanh tra, kiểm tra và xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
e) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về: phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
g) Hướng dẫn sử dụng và sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Thay thế Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý phân bón trên địa bàn tỉnh./.
| KT CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón và vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản thực vật giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị về phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 3Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý sản xuất, buôn bán và sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 4Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 1Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón và vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản thực vật giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2Luật Trồng trọt 2018
- 3Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón
- 4Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ
- 5Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón
- 6Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị về phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 7Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về tăng cường quản lý sản xuất, buôn bán và sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 8Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Số hiệu: 15/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/08/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký: Y Giang Gry Niê Knơng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực