Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/CT-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐỐT RƠM RẠ, CÁC PHỤ PHẨM CÂY TRỒNG VÀ CHẤT THẢI KHÁC KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH NHẰM GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ.

Hiện nay hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt trước khi vận chuyển đến các khu xử lý tập trung diễn ra phổ biến tại các địa phương làm phát sinh các loại khí thải như: CO2, CO, PM2.5, Nox, CH4, NH3, SO2... gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường không khí xung quanh, sức khỏe con người và hoạt động giao thông vận tải. Để kiểm soát các hoạt động này, đã có hệ thống văn bản pháp lý quy định việc xử lý các phụ phẩm cây trồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng trọt, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: Khoản 7 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí”; Khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô ngày 21/11/2012 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường thủ đô; Khoản 1 Điều 16 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 04/4/2015 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt “Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”; Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính về hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc; Khoản 1 Điều 76 Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018 quy định “Phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường”; Thông tư số 19/2019/TT-BTNNPTNN ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TU của Thành ủy và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã liên tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tác động của khói bụi do đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định đối với sức khỏe và môi trường Thành phố. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát tại địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do thiếu chế tài trong việc xử lý vi phạm đối với hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trồng trọt đối với hoạt động này chưa đồng bộ và hiệu quả... Do đó, mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng nhưng hiệu lực thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn.

Tiếp tục thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trồng trọt, các quy định pháp luật, Nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thực hiện quyết liệt các biện pháp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng trên địa bàn Thành phố;

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại do đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định đến môi trường không khí và sức khỏe con người; Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và từng công dân trong công tác thực thi pháp luật, giám sát, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường Thủ đô;

- Các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến ngày 01/01/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn Thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể triển khai, thực hiện Chỉ thị tại địa phương theo lộ trình thực hiện như sau:

a) Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; Xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; Hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; Tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn;

b) Đến ngày 30/9/2020: Tổ chức tuyên truyền thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của Thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo các quy định hiện hành; Đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý;

c) Đến ngày 31/12/2020: Thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2020;

d) Từ ngày 01/01/2021:

- 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố;

- Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng;

- Nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng diễn ra trên địa bàn quản lý.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị;

b) Tổ chức tuyên truyền, soạn thảo và cung cấp tài liệu tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, chất thải khác không đúng quy định đến sức khỏe và môi trường;

c) Nghiên cứu, ứng dụng mô hình phân tích ảnh hưởng của việc đốt rơm rạ đến môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng nhằm đánh giá hiện trạng và ảnh hưởng của đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng và thực thi chính sách, giám sát trách nhiệm thực thi của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố;

d) Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ trong việc xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác cho thành phố Hà Nội;

đ) Tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các Sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Chỉ thị; Báo cáo UBND Thành phố để được chỉ đạo kịp thời;

e) Định kỳ 6 tháng tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị; Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Thành phố về các địa phương, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt Chỉ thị, cũng như các trường hợp vi phạm đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị thông qua biên soạn và cung cấp tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố); các tổ chức, cá nhân có tham gia sản xuất nông nghiệp về phương pháp thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo hướng thân thiện với môi trường.

b) Tổ chức triển khai các mô hình phù hợp và khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân cơ giới hóa trong việc thu gom, xử lý, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu sản xuất như: trồng nấm, làm phân bón hữu cơ, hàng mỹ nghệ, phát điện...

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã; Các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn.

d) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền triển khai thi hành các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng. Nghiên cứu, đề xuất các quy định đặc thù, trình UBND Thành phố và HĐND thành phố phê chuẩn nhằm thực hiện hiệu quả và triệt để việc chấm dứt đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố;

đ) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các chế phẩm thân thiện môi trường để xử lý; Cơ chế hỗ trợ bà con nông dân xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng.

e) Tham mưu trình UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung nội dung “Không sử dụng bếp than tổ ong; không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định” để xét và công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn tiếp theo trong Quyết định số 4212/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2018 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

3. Sở Xây dựng:

a) Tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thu gom hết khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các quận huyện, thị xã;

b) Chỉ đạo thực hiện công tác tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu xử lý tập trung của Thành phố;

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp phục vụ việc thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí thuộc Thành phố, cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố Hà Nội và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền nội dung và công tác triển khai Chỉ thị. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định đối với sức khỏe và môi trường; Tuyên truyền người dân thực hiện phân loại - thu gom - xử lý chất thải sinh hoạt, các giải pháp xử lý rơm rạ khác thân thiện với môi trường.

6. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo UBND Thành phố xem xét, bố trí kinh phí theo phân cấp cho các đơn vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị theo quy định.

7. Công an thành phố Hà Nội:

Chỉ đạo phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Trường Công an quận, huyện, thị xã, Trưởng Công an phường, xã, thị trấn kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và đốt chất thải khác không đúng quy định theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố, Hội Cựu chiến binh:

Xây dựng kế hoạch để triển khai Chỉ thị; Chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về tác hại của việc đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải sinh hoạt không đúng quy định đối với sức khỏe và môi trường; Hướng dẫn triển khai các mô hình thu gom, phân loại, tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt, rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện môi trường và sức khỏe; Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát, tố cáo và công khai các hành vi đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn.

9. UBND quận, huyện, thị xã:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố; Tăng cường tuyên truyền, thông tin về tác hại của việc đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định đối với sức khỏe và môi trường; Các giải xử lý khác thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng;

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo từ ngày 01/01/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn;

b) Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, xuống tận tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, xóm, bản làng; Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các cá nhân, hộ gia đình đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, chủ động có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo, kịp thời giải quyết;

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm đốt chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn quản lý;

d) Chủ động bố trí kinh phí để hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường tại các xã;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi xem xét quyết định tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa hàng năm phải căn cứ vào việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này.

e) Định kỳ tháng 05 và tháng 11 hàng năm, tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã về các cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn quản lý;

f) Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, tố giác của các cá nhân, tổ chức khi phát hiện tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn.

10. UBND phường, xã, thị trấn:

a) Phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Chỉ thị cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn biết và thực hiện nghiêm túc. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định;

b) Theo dõi, khuyến khích, đôn đốc các tổ chức, cá nhân, hộ gia đinh trên địa bàn thực hiện chuyển đổi, áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường;

c) Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn; xử lý vi phạm đối với các hành vi đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức khi phát hiện tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định;

d) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, vận động người dân không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định; Công bố công khai trên hệ thống thông tin của phường, xã, thôn, xóm, bản làng về các đối tượng có hành vi vi phạm đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn;

đ) Báo cáo khối lượng, đề xuất phương pháp xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn trình UBND cấp huyện hỗ trợ kinh phí xử lý.

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi xem xét quyết định tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm phải căn cứ vào việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này.

11. Trách nhiệm của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường:

a) Thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông thường theo quy trình công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo vệ sinh môi trường. Quán triệt toàn thể cán bộ, công nhân viên không được đốt các loại chất thải tại các điểm tập kết, trung chuyển trước khi đưa đến các khu xử lý tập trung theo quy định;

b) Theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, trong đó có hoạt động đốt chất thải, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng có thẩm quyền xử lý.

12. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để báo cáo);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (để báo cáo);
- PCT TT UBND TP Nguyễn Văn Sửu;
- Các PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- VPUBTP: CVP, các PCVP, ĐT, KSTTHC;
- Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế&Đô thị, Cổng Thông tin điện tử Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chì thị 15/CT-UBND năm 2020 về tăng cường biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 15/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/09/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản