ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 26 tháng 05 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp mới; về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa sở, ngành và các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc thu các sắc thuế theo quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu (như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường) còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng gian lận về hóa đơn, đo lường số lượng, chất lượng, nguồn hàng cung cấp và các hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực này. Trong đó, nổi lên một số vấn đề cụ thể như sau:
Hoạt động kinh doanh xăng, dầu đã xảy ra tình trạng gian lận, trốn thuế của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi (đã được Tổng cục Thuế nêu tại Công văn số 5607/TCT-TTr ngày 28/11/2015).
Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, một số doanh nghiệp là Thương nhân phân phối, Tổng đại lý, Đại lý và Nhượng quyền bán lẻ xăng dầu mua hàng của các doanh nghiệp không có chức năng, thậm chí mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường. Những hành vi này đã vi phạm quy định kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ và Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014 ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại đối với người tiêu dùng và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Một số doanh nghiệp đầu mối ở ngoài tỉnh bán xăng dầu với số lượng lớn trên địa bàn nhưng chưa mở Chi nhánh tại tỉnh để kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa chấp hành đúng quy định về kế toán, hóa đơn chứng từ, kê khai không đầy đủ lượng hàng và doanh số mua vào, bán ra; bán hàng không xuất hóa đơn (nhất là đối với người tiêu dùng và các hộ đánh bắt hải sản); dùng lượng hóa đơn này bán hoặc cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có nhu cầu lấy hóa đơn để hạch toán chi phí làm giảm nghĩa vụ về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, góp phần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, qua đó tăng thu cho ngân sách tỉnh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các ngành chức năng triển khai giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua việc dán tem các đồng hồ tổng (công tơ tổng) trên các thiết bị đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mục đích, yêu cầu
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, ngăn ngừa hành vi kinh doanh xăng dầu nhập lậu, trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu phát triển.
b) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
c) Quản lý chặt chẽ, chính xác số lượng xăng dầu mua vào, bán ra, nguồn hàng cung cấp, qua đó đảm bảo việc thu, nộp ngân sách của hoạt động kinh doanh xăng dầu đầy đủ, đúng quy định pháp luật.
d) Có biện pháp ngăn chặn, xử lý các đơn vị kinh doanh xăng dầu tự ý tháo dỡ tem. Đề xuất xử lý theo quy định đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm pháp luật.
2. Trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh
a) Cục Thuế tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố, tổ chức thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng của các cột đo (trụ bơm) xăng dầu tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên toàn tỉnh; đồng thời, định kỳ tổ chức ghi chỉ số công tơ, xác định số lượng xăng dầu bán ra trong tháng, quý, làm cơ sở để quản lý chặt chẽ số lượng xăng dầu mua vào, bán ra, ngăn chặn việc khai man, trốn thuế, mua bán hóa đơn của các doanh nghiệp, đảm bảo nguồn thu chính đáng của ngân sách tỉnh.
- Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông, Trạm biên phòng) và các ngành chức năng có liên quan... tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ đối với mặt hàng xăng dầu lưu thông trên thị trường từ các tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển xăng dầu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo hoặc quay vòng hóa đơn để hợp pháp số lượng xăng dầu gian lận với mục đích trốn thuế.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nghi ngờ về thuế như: ghi chép sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn bán hàng, kê khai thuế, nộp thuế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ngoài tỉnh có bán xăng dầu vào địa bàn tỉnh để vận động và yêu cầu các doanh nghiệp thành lập Chi nhánh tại địa bàn tỉnh để thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế, phí khác theo quy định.
- Làm đầu mối cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, gian lận thương mại) của các doanh nghiệp cho cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.
b) Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp là Thương nhân phân phối, Tổng đại lý, Đại lý và Nhượng quyền bán lẻ xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp có biểu hiện gian lận thương mại, trốn thuế theo quy định.
Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với cơ quan Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng... tăng cường công tác kiểm tra xăng dầu lưu thông trên thị trường; các quy định về vận chuyển xăng dầu; số lượng, chất lượng, tình trạng hoạt động của thiết bị đong, đếm, bình đong đối chứng, bồn chứa; hợp đồng đại lý với thương nhân cung cấp xăng dầu và các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra sau khi có thông báo thay đổi giá bán xăng dầu của cơ quan chức năng (đặc biệt sau khi có thông báo điều chỉnh giá xăng dầu). Xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ đối với các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Thông báo cho Cục Thuế tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới thành lập đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
c) Sở Tài chính
- Thực hiện việc quản lý giá xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm về giá bán xăng dầu, không thực hiện niêm yết giá bán xăng dầu theo quy định.
- Định kỳ thông báo giá cả xăng dầu trên thị trường theo từng thời điểm để cơ quan Thuế tham khảo, xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, mua đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh kê khai thuế không trung thực.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, đề xuất và trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí phục vụ cho công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
d) Sở Khoa học và Công nghệ
- Tổ chức khảo sát đặc điểm kỹ thuật của tất cả các loại công tơ mà các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đang sử dụng. Trên cơ sở đó, quy định vị trí, cách thức kẹp chì, dán tem đối với từng loại công tơ.
- Chủ trì thực hiện việc kẹp chì, dán tem niêm phong công tơ của các cơ sở kinh doanh xăng dầu; định kỳ kiểm tra niêm phong công tơ.
- Chủ trì tổ chức xử lý tình trạng hư hỏng tem do tác động khách quan, tình trạng hư hỏng, cần sửa chữa, khắc phục của các trụ bơm xăng dầu; Tổ chức dán tem thay thế, mở niêm phong trụ bơm xăng dầu bị hư hỏng đảm bảo nhanh chóng, kịp thời để cơ sở kinh doanh sửa chữa, đồng thời kẹp chì, dán tem công tơ trở lại khi trụ bơm xăng dầu đã sửa chữa xong, đạt yêu cầu quy định.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thực hiện hướng dẫn, cấp giấy phép kinh doanh kịp thời cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thành lập Chi nhánh trên địa bàn tỉnh, cung cấp thông tin cấp giấy phép thành lập mới đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để phối hợp quản lý.
f) Công an tỉnh và Bộ đội biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông; Trạm Kiểm soát biên phòng thông qua công tác tuần tra phối hợp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với các phương tiện vận chuyển xăng dầu lưu thông vào địa bàn tỉnh.
g) Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung liên quan để các doanh nghiệp và nhân dân hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
h) UBND các huyện, thành phố
- Phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và tổ chức thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng của các cột đo (trụ bơm) xăng dầu trên địa bàn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và khuyến khích, vận động mua xăng dầu với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trên địa bàn tỉnh để góp phần tăng thu nguồn thu cho ngân sách địa phương.
- Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại về thuế, nhất là trong khâu lưu thông đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
i) Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh
- Thực hiện nghiêm túc chủ trương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu của Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua việc dán tem các công tơ trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc dán tem các công tơ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho các ngành chức năng khi được kiểm tra.
- Bảo quản nguyên trạng tem dán và kẹp chì theo đúng quy định. Thông báo kịp thời cho Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Sở Công thương về tình trạng hư hỏng tem do tác động khách quan, tình trạng hư hỏng, cần sửa chữa, khắc phục của các trụ bơm xăng dầu để được mở niêm phong và dán thay thế tem mới.
3. Tổ chức thực hiện
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Giao Cục Thuế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị này trình UBND tỉnh ban hành.
Giám đốc các sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành trực thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả về Cục Thuế tỉnh để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2608/QĐ.UBND-CNTM năm 2015 phê duyệt Đề cương Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025
- 2Quyết định 2116/QĐ-UBND năm 2016 sửa đổi Điều 1 Quyết định 2579/QĐ-UBND phê duyệt dự án "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến 2025"
- 3Quyết định 14/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp kiểm tra đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 4Kế hoạch 2676/KH-BCĐ389 kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 5Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 1Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng
- 2Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 3Thông tư 38/2014/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 4Quyết định 2608/QĐ.UBND-CNTM năm 2015 phê duyệt Đề cương Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025
- 5Quyết định 2116/QĐ-UBND năm 2016 sửa đổi Điều 1 Quyết định 2579/QĐ-UBND phê duyệt dự án "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến 2025"
- 6Quyết định 14/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp kiểm tra đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 7Kế hoạch 2676/KH-BCĐ389 kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 8Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Số hiệu: 15/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/05/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Nguyễn Thành Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/05/2017
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực