Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 4 năm 1981

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ CHUYÊN QUẢN TÀI CHÁNH TẠI XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH, CTHD CỦA THÀNH PHỐ VÀ CỦA TRUNG ƯƠNG ĐÓNG TẠI THÀNH PHỐ

Thi hành nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 10 của Thường vụ Thành ủy về công tác tài chánh, Nghị định 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) trong lĩnh vực quản lý kinh tế và Nghị quyết 108/CP ngày 13-5-1978 của Hội đồng Chính phủ quy định trách nhiệm và quyền hạn quản lý tài chánh và ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong tình hình mới, để tăng cường công tác quản lý tài chánh tại xí nghiệp, góp phần hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất bung ra đúng hướng, thực hành chế độ tiết kiệm, tăng cường hạch toán kinh tế, đưa công tác quản lý xí nghiệp từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo thực hiện đúng đắn 3 lợi ích, tránh tình trạng một số xí nghiệp chưa tạo điều kiện cho cán bộ chuyên quản tài chánh xí nghiệp đi vào thực hiện chức năng của tài chánh, cá biệt xí nghiệp từ chối không cho đi vào chứng từ, sổ sách kế toán, trong khi chờ sự hướng dẫn của Bộ Tài chánh, căn cứ vào quyết định 281/QĐ-UB ngày 8-11-1979 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành bản quy định về tổ chức và hoạt động của Sở Tài chánh, Ủy ban nhân dân thành phố nói rõ thêm về công tác của cán bộ chuyên quản tài chánh của xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh như sau:

I.- Cán bộ chuyên quản tài chánh xí nghiệp của Sở Tài chánh thành phố là người thay mặt ngành tài chánh thành phố giúp vào việc quản lý tài chánh tại các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh địa phương và Trung ương đóng tại thành phố có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Thông qua việc quản lý thường xuyên tại xí nghiệp, cơ sở, qua chứng từ, sổ sách kế toán, báo biểu, báo cáo quyết toán và qua hiện trường… nắm và phản ảnh kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh, việc sử dụng các nguồn vốn, sử dụng lao động, thiết bị, vật tư của xí nghiệp và hướng dẫn giúp đỡ xí nghiệp xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chánh ngắn hạn và dài hạn, kịp thời cấp hoặc đề nghị cơ quan chủ quản cấp đủ các loại vốn theo chế độ cho xí nghiệp.

2- Kiểm tra, giúp đỡ việc chấp hành chế độ kế toán tài chánh, nhứt là kế toán giá thành, phí lưu thông, lỗ lãi, việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn của xí nghiệp, các khoản cấp phát của Ngân sách Nhà nước cho xí nghiệp như vốn lưu động, vốn cố định, vốn kiến thiết cơ bản, vốn chuyên dùng chi ngoài giá thành, cấp bù lỗ, bù giá (nếu có) cũng như các nguồn vốn vay ngân hàng…

3- Với chức năng kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh, phân tích hoạt động kinh tế thường xuyên và định ký tháng, quý…, để phát huy chức năng giám đốc của tài chánh Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, phát hiện khả năng tiềm tàng, nghiên cứu đề xuất với xí nghiệp, và cơ quan chủ quản cấp trên biện pháp quản lý sử dụng nhân lực, vật lực, tài lực có hiệu quả tốt nhất nhằm giúp đỡ xí nghiệp nâng cao vai trò làm chủ tập thể, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kinh tế, thực hiện đúng đắn 3 lợi ích và đề nghị với cơ quan có thẩm quyền xét khen thưởng và xử phạt đối với xí nghiệp theo chế độ hiện hành.

4- Cán bộ chuyên quản tài chánh có trách nhiệm quan hệ hợp tác chặt chẽ với kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán tài vụ xí nghiệp “kiểm soát viên của Nhà nước tại xí nghiệp” để giúp đỡ, hướng dẫn, kiểm tra xí nghiệp trong việc thực hiện chế độ thu nộp nhằm tạo điều kiện cho xí nghiệp nộp đủ, nộp đúng, nộp kịp thời các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước, góp phần đưa việc quản lý kinh tế tài chánh tại xí nghiệp vào nề nếp đúng theo chính sách và chế độ được quy định.

5- Tham gia với các ngành xét duyệt kế hoạch sản xuất kỹ thuật tài chánh, kiểm tra việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm, duyệt quyết toán năm cho xí nghiệp và bảo vệ bí mật Nhà nước.

6- Trong quan hệ, hợp tác chặt chẽ với các ngành và cơ quan quản lý tổng hợp của thành phố như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá… trao đổi bàn bạc những vấn đề có liên quan đến xí nghiệp nhằm tháo gỡ các mắc mứu khó khăn, tạo điều kiện cho xí nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quản kinh tế và qua thực tiễn áp dụng các chính sách, chế độ quản lý kế toán, tài chính Nhà nước tại các đơn vị xí nghiệp mà xem xét đề xuất với cấp trên sửa đổi hoặc bổ sung.

II) Để cán bộ chuyên quản tài chánh xí nghiệp thực hiện tốt chức năng của mình, hướng dẫn và giúp xí nghiệp một cách có hiệu quả trong công tác quản lý tài chánh, các giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ chuyển quản tài chánh xí nghiệp đi sát phân xưởng, kho tàng, các phòng ban trong xí nghiệp; cung cấp các tài liệu cần thiết như chứng từ, sổ sách, kế toán, hợp đồng kinh tế…

- Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo kế hoạch và hệ thống chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chánh hàng năm và kế hoạch điều chỉnh (nếu có), chế độ báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức của xí nghiệp cho cơ quan tài chánh thành phố theo chế độ hiện hành của Nhà nước, tự tính, tự khai, tự nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản phải nộp vào ngân sách Nhà nước, chi đúng nguồn vốn, tiết kiệm, thực hiện đúng 3 lợi ích.

- Đồng chí Giám đốc Sở Tài chánh thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể về lề lối làm việc, chế độ công tác của cán bộ chuyên quản tài chánh xí nghiệp, nhằm đảm bảo cho hoạt động của cán bộ này phục vụ được yêu cầu quản lý tài chánh của thành phố.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT: CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn