Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-CTUBND

Bình Định, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRONG BẢO VỆ RỪNG, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG, KHAI THÁC TRÁI PHÉP RỪNG, VẬN CHUYỂN LÂM SẢN TRÁI PHÁP LUẬT, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG VÀ CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Thời gian gần đây, trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh, tình trạng phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật có chiều hướng diễn ra phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại; việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có nhiều tích cực, nhưng đôi lúc đôi nơi hiệu quả chưa cao. Tình hình chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng với tính chất và hậu quả rất nghiêm trọng.

Để lập lại trật tự kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2006 đến nay. Kiên quyết đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với cá nhân và tổ chức, đồng thời thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt.

b. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan khẩn trương kiểm kê, thống kê, rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Ủy ban nhân cấp xã đang quản lý, để tiếp tục có phương án, giải pháp, đề xuất chính sách, cơ chế quản lý cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ổn định, sản xuất kinh doanh.

c. Kiên quyết chỉ đạo các chủ rừng thanh lý hợp đồng khoán bảo vệ rừng không đúng đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng;

d. Việc khai thác rừng tự nhiên phải được thực hiện trên cơ sở có phương án quản lý rừng bền vững được duyệt; tạm thời không cấp phép khai thác chính cho đến khi có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt.

đ. Xây dựng và ban hành ngay quy chế quản lý máy cưa xăng cầm tay và các phương tiện độ chế để đưa vào danh sách quản lý, nhằm giảm dần các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

e. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như: Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003; Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006; Chỉ thị số 270/CT-TTg ngày 12/02/2010; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ và Chỉ thị số 3767/CT-BNN-KL ngày 18/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhân dân biết chủ động phòng ngừa việc sử dụng lửa ven rừng và trong rừng vào những ngày nắng nóng, khô hanh kéo dài dễ xảy ra cháy rừng; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Kiện toàn hệ thống kiểm lâm về tổ chức, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trước công vụ được giao, sàng lọc để đưa ra khỏi lực lượng những kiểm lâm viên thoái hóa, biến chất, móc nối tiếp tay cho lâm tặc để phá rừng; xử lý công chức kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm để rừng bị phá hoặc để quá thời hạn xử phạt, xử phạt không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền hay tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

- Tham mưu cho Ban Chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã và thành phố, các chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng hằng năm và tổ chức, thực hiện tốt phương án, kế hoạch theo phương châm "bốn tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ"; thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành các cấp để tổ chức kiểm tra, truy quét tại các khu vực điểm nóng về phá rừng hiện nay.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện) và lực lượng công an, quân đội tổ chức chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện thường xuyên và đột xuất kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi phá rừng trái pháp luật, khai thác trái phép rừng, vận chuyển, cất giữ, mua, bán gỗ và cây rừng làm cây cảnh, cây bóng mát trái pháp luật; các hành vi mua, bán, vận chuyển động vật rừng hoang dã, các nhà hàng, khách sạn, nơi chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trái với các quy định của Nhà nước và đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản tập kết tại các ga đường sắt trong tỉnh.

- Tăng cường công tác quản lý, lập hồ sơ theo dõi chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, các trại nuôi, nhốt động vật rừng hoang dã; kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật những cơ sở vi phạm.

- Chủ động phối hợp với các ngành liên quan điều tra, xác minh và kiên quyết xử lý nghiêm những phần tử chống đối người thi hành công vụ, các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu” chủ đường dây mua bán trái phép lâm sản.

- Rà soát xử lý hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà hiện nay còn tồn đọng trong năm 2012. Trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành thực hiện quyết định xử phạt thì ban hành quyết định cưỡng chế hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật nhằm giáo dục, răn đe đối tượng vi phạm.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức kiểm lâm toàn lực lượng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, bố trí, phân công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với trình độ, năng lực, chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công tác; hướng dẫn, vận động từng hộ gia đình có canh tác nương rẫy ký cam kết, tổ chức sản xuất theo quy định; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Đài Phát thanh-Truyền hình địa phương phát các bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng vào những ngày cao điểm (cấp IV và V).

- Thiết lập công khai thông tin đường dây nóng (bao gồm số điện thoại di động của lãnh đạo và 01 số điện thoại cố định của đơn vị); trang bị 01 hòm thư góp ý đặt tại cổng cơ quan để quần chúng nhân dân góp ý kiến, nhằm kịp thời xử lý các thông tin có liên quan do quần chúng nhân dân cung cấp, phản ánh.

g. Chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các chủ rừng khác tổ chức thực hiện tốt phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong lâm phận quản lý.

2. Công an tỉnh:

a. Tăng cường tuyên truyền Luật Phòng cháy, chữa cháy; chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng chủ động lực lượng, phương tiện, hậu cần tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

b. Phối hợp cơ quan kiểm lâm và cơ quan liên quan tổ chức điều tra, đấu tranh xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các đối tượng chống đối người thi hành công vụ, bố trí lực lượng đủ mạnh để triệt phá những “đầu nậu”, người chủ mưu, thuê, kích động người dân phá rừng, khiếu kiện, vu khống gây rối trật tự xã hội để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

c. Tham gia truy quét các đối tượng phá rừng, dập tắt các điểm nóng về khai thác, đốt than, săn bắt, mua bán lâm sản và động vật rừng hoang dã trái pháp luật; phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức kiểm tra, kiểm soát lâm sản; tiếp nhận hồ sơ các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chi huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Quy chế phối hợp đã ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực sự hiệu quả, kịp thời giữa các lực lượng kiểm lâm, lực lượng vũ trang ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Huy động lực lượng kịp thời để chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền, tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho tất cả các lượng lượng quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy rừng; Phối hợp tham gia cùng lực lượng kiểm lâm địa phương tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng, dập tắt các điểm nóng về khai thác, đốt than, săn bắt, mua bán lâm sản và động vật rừng hoang dã trái phép.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường kiểm tra xác lập hồ sơ các hành vi vi phạm về việc lấn, chiếm trái phép đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.

b. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thủ tục trình cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng cho tổ chức. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện việc giao đất lâm nghiệp, và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có rừng, đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn.

c. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các doanh nghiệp khi khai thác khoáng sản (đá granit, ti tan …) sau khai thác phải tiến hành hoàn thổ, trồng lại rừng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ cây sống theo quy định.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định, các cơ quan thông tin đại chúng:

a. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm nâng cao ý thức của cá nhân, cộng đồng dân cư chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

b. Trong tuyên truyền cần nâng cao chất lượng, thời lượng dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; thường xuyên đưa tin kết quả thực hiện và kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những điển hình tốt để nhân rộng; đồng thời phê bình những đơn vị, chủ rừng, địa phương, cá nhân thực hiện chưa tốt.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:

a. Chỉ đạo các ngành, hội, đoàn thể của huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng động dân cư thôn, làng nơi có rừng.

b. Kiện toàn Ban Chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với địa bàn để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng địa bàn cơ sở, chủ rừng. Duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban, báo cáo tình hình bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng về Ban Chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh (Văn phòng Thường trực: Chi cục Kiểm lâm) theo quy định.

c. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức chỉ đạo Đoàn Kiểm tra liên ngành cấp huyện, các cơ quan có liên quan cấp huyện, Hạt Kiểm lâm sở tại và các đơn vị chủ rừng ở địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực điểm nóng về phá rừng trong địa bàn quản lý; đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi chống người thi hành công vụ, hành vi phá rừng trái pháp luật, khai thác trái phép rừng, vận chuyển, cất giữ, mua, bán lâm sản trái pháp luật.

d. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà hiện nay còn tồn đọng trong năm 2012. Trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành thực hiện quyết định xử phạt thì ban hành quyết định cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

đ. Chỉ đạo ngành chức năng và chủ rừng phân công trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm nắng nóng, khô hanh; tổ chức canh gác lửa rừng, tuần tra tại những khu rừng phòng hộ đầu nguồn, khu rừng đặc dụng và các khu rừng trồng tập trung, những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, nhằm phát phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời.

e. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ rừng rà soát điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp; có kế hoạch cụ thể triển khai, thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng, phương tiện, dụng cụ, chủ động ứng phó trong mọi tình huống

g. Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn đang quản lý phải chỉ đạo khẩn trương rà soát để tổ chức giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn theo đúng quy định của pháp luật.

h. Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do cả nơi đi và nơi đến; Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trở lại nơi cư trú cũ, trường hợp xác định người dân thực sự không có điều kiện về nơi ở cũ, thì tổ chức ổn định cuộc sống, giải quyết đất phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương cho người dân tại các khu vực được quy hoạch theo Chỉ thị 39/CT-TTg ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố có kế hoạch triển khai, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo dõi, đôn đốc và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này cho UBND tỉnh./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/CT-CTUBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, phòng cháy, chữa chảy rừng và chống người thi hành công vụ do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 15/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lê Hữu Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản