Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 3767/CT-BNN-KL

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Trong thời gian qua Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp để bảo vệ và phát triển rừng. Việc tổ chức thực hiện quyết liệt ở nhiều địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, diện tích rừng tăng liên tục qua các năm.

Mặc dù vậy, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là hành vi khai thác lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội.

Để ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

1) Chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg và số 08/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

2) Tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức thường xuyên, liên tục các biện pháp bảo vệ rừng; tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng.

3) Chỉ đạo các lực lượng Liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ khô hạn; giải quyết kịp thời kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

4) Tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp, đặc biệt là công tác quy hoạch nương rẫy luân canh. Trong thời gian cao điểm khô hạn cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy ở những vùng theo quy hoạch.

5) Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác trái phép, chống người thi hành công vụ; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp.

6) Cục Kiểm lâm đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;       
- Cục kiểm tra văn bản QPPL(Bộ Tư pháp);
- Các Cục, Vụ thuộc Bộ;
- Sở NN&PTNT; CCKL các tỉnh,
TP trực thuộc Trung ương;
- Lưu VT, Cục KL.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 3767/CT-BNN-KL năm 2009 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3767/CT-BNN-KL
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/11/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản