Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2010/CT-UBND | Vũng Tàu, ngày 19 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CHO NGƯ DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THÀNH LẬP TỔ ĐOÀN KẾT ĐÁNH BẮT HẢI SẢN TRÊN BIỂN
Thời gian qua, nhất là từ sau cơn bão DURIAN (số 9/2006), chính quyền các huyện, thành phố Vũng Tàu, các xã, phường, thị trấn ven biển, đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản; Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ; Kế hoạch số 177/KH-TKCN ngày 31/5/2007 về phòng tránh lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Góp phần quan trọng làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và của nhân dân, củng cố ổn định sản xuất của ngư dân trên biển.
Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được, công tác phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai vẫn còn một số tồn tại như:
Thông tin 2 chiều và việc kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển khi có bão vẫn còn nhiều bất cập. Trang thiết bị an toàn cho tàu thuyền nghề cá vẫn chưa đầy đủ; chưa nắm được chính xác vị trí hoạt động và số người đi trên từng tàu. Khi xảy ra sự cố tai nạn khó nắm được chính xác tính chất, mức độ thiệt hại để chỉ huy, chỉ đạo huy động các phương tiện hoạt động trong khu vực đến hỗ trợ, ứng cứu. Phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai trên biển chưa được phát huy kịp thời và hiệu quả chưa cao.
Công tác kiểm tra, đăng kiểm đối với tàu cá còn lỏng lẻo. Quy hoạch, quy định sắp xếp các khu vực neo đậu tàu thuyền làm chưa tốt. Trong bão số 9 năm 2006 tại các bến đậu tàu thuyền có nơi tàu thuyền vào neo đậu trú tránh bão với mật độ quá dày, đã va đập vào nhau bị hư hỏng, bị chìm, thiệt hại nhiều.
Một vài địa phương còn chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo và thiếu chủ động sáng tạo về phương pháp phòng tránh. Chưa chú trọng tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn ngư dân thành lập các Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển để tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi có bão, ATNĐ và kịp thời cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Để chủ động phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, ATNĐ và sự cố tai nạn xảy ra đối với ngư dân. Góp phần quan trọng thực hiện tốt ''Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020''. UBND tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành, UBND các huyện ven biển và TP Vũng Tàu thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. UBND các huyện ven biển và TP Vũng Tàu:
Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn ven biển phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng hướng dẫn các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ xây dựng Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển; Quyết định thành lập ''Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển'' cho các chủ tàu đã đảm bảo đầy đủ điều kiện thành lập Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven biển, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh ở xã, phường, thị trấn để tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng hiểu rõ tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của việc tổ chức thành lập Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển.
Trong tổ chức thực hiện lấy 4 tiêu chí cơ bản là Cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa phương cư trú, cùng dòng họ và thân thích làm cơ sở chính để thành lập Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển, trong đó chủ tàu, thuyền trưởng là người chủ trì thống nhất với nhau số lượng tàu trong tổ (mỗi tổ có ít nhất 03 tàu) và bầu tổ trưởng. Chọn địa bàn, đối tượng làm điểm, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình áp dụng với tất cả các tàu thuyền khai thác hải sản của địa phương.
Chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn tổng hợp, tham mưu đề nghị cấp trên ưu tiên hỗ trợ cho Tổ Đoàn kết khai thác hải sản trên biển trong việc vay vốn để nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi nghề, trang bị thông tin, thiết bị cứu sinh, phân cấp kinh phí hỗ trợ khi gặp rủi ro theo thẩm quyền và các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phối hợp với phòng Kinh tế và Hội Nông dân của các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn ven biển, các đồn trạm kiểm soát Biên phòng để hoàn thành công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp sổ danh bạ thuyền viên và quản lý chặt chẽ tất cả số tàu cá và ngư dân của địa phương ngay tại gốc (nơi cư trú). Thống kê, vận động ngư dân có tàu thuyền, phương tiện đánh bắt hải sản trên biển (kể cả số hộ nuôi trồng thuỷ sản, các chủ đăng, đáy, lồng bè ven biển và trong cửa sông) tham gia thành lập các Tổ đoàn kết.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật và ngư trường đánh bắt hải sản, dịch vụ nghề cá, sử dụng các trang thiết bị an toàn, máy thông tin trên tàu cá, kỹ thuật phòng tránh bão, ATNĐ khi đang hoạt động trên biển, kỹ thuật chằng chống, neo đậu tại bến, khu neo đậu tàu thuyền cho các Tổ đoàn kết của các địa phương.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan dự thảo quy chế về tổ chức hoạt động của Tổ đoàn kết trình UBND tỉnh quyết định ban hành.
Chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng phối hợp với các xã, phường, thị trấn ven biển, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hướng dẫn các chủ tàu, thuyền trưởng có phương tiện hoạt động trên biển hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ đề nghị UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập các Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển.
Chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành thống kê, lập danh sách toàn bộ số người; tàu thuyền, nghề nghiệp, chủng loại, tần số máy thông tin, thời gian và phương thức hoạt động của các thành viên Tổ đoàn kết. Chủ động làm công tác hiệp đồng thông tin với chủ tàu, thuyền trưởng và các đài thông tin Duyên hải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để kịp thời thông tin hai chiều với số tàu thuyền của địa phương đang hoạt động trên các vùng biển.
Thống nhất với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động có hiệu quả các Đài thông tin chỉ huy trên bờ đặt tại các đơn vị Biên phòng. Tổ chức trực canh liên tục 24/24 giờ theo các tần số quy định và tần số đã thống nhất trong hiệp đồng thông tin liên lạc giữa đồn, trạm biên phòng với các Tổ đoàn kết. Kịp thời thông báo, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền của ngư dân di chuyển phòng tránh thiên tai, huy động lực lượng, phương tiện đến cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để ngư dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển và thực hiện Quy chế tổ chức, hoạt động của Tổ đoàn kết; các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; quy định đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá.
Phối hợp chặt chẽ với BĐBP tỉnh, đài Khí tượng thuỷ văn khu vực để kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng số người, phương tiện nghề cá của địa phương đang còn hoạt động trên biển trước các cơn bão, ATNĐ nhằm chuyển tải thông tin yêu cầu cấp thiết đối với, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng nhanh chóng liên lạc với thân nhân của mình để đưa phương tiện vào bờ hoặc đi chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
- Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối kế hoạch kinh phí hàng năm đảm bảo cho công tác tập huấn, huấn luyện, đầu tư mua máy móc, thiết bị kỹ thuật thông tin cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và hỗ trợ cho các Tổ đoàn kết khai thác hải sản phục vụ cho phòng chống lụt bão và TKCN trên biển.
- Sở Tài chính phối hợp với BCH Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu đề xuất thực hiện những chính sách hỗ trợ sát thực đối với các thành viên của Tổ đoàn kết. Có kế hoạch từng bước hỗ trợ kinh phí bảo đảm cho tàu của tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác hải sản xa bờ được trang bị 01 máy thông tin (sóng ngắn) để liên lạc 2 chiều thường xuyên với bờ theo quy chế hoạt động và hiệp đồng thông tin với các đồn, trạm Biên phòng.
6. Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh:
Cung cấp kịp thời các tin dự báo thời tiết, dự báo bão, ATNĐ, thuỷ văn cho Sở NN và PTNT và bộ đội Biên phòng để kịp thời thông báo đến các Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển và các tàu, thuyền đang hoạt động, lưu đậu trên địa bàn tỉnh.
7. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện ven biển căn cứ chức năng và nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này theo thời gian quy định sau:
- Cấp tỉnh: triển khai và quán triệt đến cấp huyện xong trước ngày 15/11/2010.
- Cấp huyện: triển khai và quán triệt đến cấp xã xong trước ngày 30/11/2010.
- Cấp xã chủ trì phối hợp với các đồn Biên phòng và Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vận động ngư dân hoàn chỉnh các thủ tục, ra quyết định thành lập các Tổ đoàn kết, tuyên truyền, học tập Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ đoàn kết xong trước ngày 30/12/2010.
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lập kế hoạch triển khai, theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc, các đơn vị kịp thời trao đổi, thống nhất với Bộ Chỉ huy Biên phòng để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 61/2003/QĐ-UB ban hành Qui chế quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ tỉnh Quảng Nam
- 2Quyết định 01/2017/QĐ-UBND Bãi bỏ Quyết định 06/2005/QĐ-UBND quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo tổ, áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2019 bổ sung Điều 1 Quyết định 391/QĐ-UBND về Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 4Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 bãi bỏ Chỉ thị quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016
- 1Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2019 bổ sung Điều 1 Quyết định 391/QĐ-UBND về Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 2Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 bãi bỏ Chỉ thị quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016
- 1Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản
- 2Chỉ thị 22/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 61/2003/QĐ-UB ban hành Qui chế quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ tỉnh Quảng Nam
- 4Quyết định 01/2017/QĐ-UBND Bãi bỏ Quyết định 06/2005/QĐ-UBND quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo tổ, áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Chỉ thị 15/2010/CT-UBND tổ chức cho ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển
- Số hiệu: 15/2010/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/10/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Trần Ngọc Thới
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra