Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 9 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2020-2021 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu năm học 2020-2021 với tinh thần chủ động tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018, toàn ngành Giáo dục Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục và đào tạo căn bản, toàn diện, có chất lượng, có hiệu quả, tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp triển khai các nhóm nhiệm vụ

a) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

Tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao để đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.

Huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư, nâng cấp trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học, ưu tiên cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có tổ chức dạy 2 buổi/ngày, khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập.

b) Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Rà soát, nâng cao chất lượng của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức theo Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên gắn với các quy định về định mức số lượng, vị trí việc làm theo quy mô trường, lớp học; kịp thời tham mưu tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng; rà soát chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học theo Luật Giáo dục năm 2019, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ, tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng đánh giá chuẩn nghề nghiệp gắn với thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước cho đội ngũ nhà giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chương trình, giáo dục phổ thông mới theo lộ trình thay sách giáo khoa bắt đầu từ năm học 2020-2021.

Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện chú trọng công tác tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhất là cơ sở giáo dục (trường học). Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm không đúng quy trình, quy định, thiếu công khai, minh bạch, không kỷ cương. Đảm bảo những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đều được tiếp cận tín nhiệm một cách công bằng. Có được đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trường học có phẩm chất tốt, uy tín cao về chuyên môn và năng lực điều hành là yếu tố quyết định cho sự phát triển của giáo dục.

c) Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực và liên thông với giáo dục tiểu học; thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nhóm trẻ, mẫu giáo, lớp mầm non độc lập; phối hợp, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động, việc nuôi dạy trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt đối với khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp; tiếp tục thực hiện Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tăng cường nền nếp, kỷ cương trong trường học, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; hạn chế các hoạt động hành chính để giáo viên dành nhiều thời gian trau dồi kiến thức, nghiên cứu bài giảng phục vụ công tác chuyên môn; đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực hiện có hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS và THPT, khuyến học, khuyến tài; sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng miền núi; công tác giáo dục dân tộc, rà soát, đánh giá thực trạng và chất lượng của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, có phương án quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tập trung các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường, gắn với trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và đội ngũ nhà giáo, phát huy có hiệu quả vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giáo dục, rèn luyện học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục thể chất, y tế trường học; phát động phong trào dạy bơi - học bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh; tổ chức có hiệu quả các câu lạc bộ thể thao trường học; đảm bảo các điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm; trường, lớp học, môi trường giáo dục thân thiện, nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.

Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020- 2021; xây dựng kế hoạch, rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; dự kiến giáo viên phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình.

d) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ

Phát triển, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; triển khai hiệu quả Chương trình tiếng Anh theo Kế hoạch thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở những nơi có đủ điều kiện.

e) Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục trên môi trường mạng, phát triển kho học liệu số toàn ngành. Tùy theo tình hình dịch bệnh, các trường sẵn sàng dự lường phương án tổ chức dạy học phù hợp trong các tình huống giãn cách xã hội và khuyến khích phát triển các bài giảng điện tử ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Triển khai có hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đại trà thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo phương thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.

Tích hợp, cập nhật hệ thống thông tin quản lý vào cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành trong quản trị trường học, góp phần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải cách hành chính, tiếp cận các tri thức mới, giao lưu, hội nhập, hướng tới xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh.

f) Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo

Tăng cường quyền tự chủ cho các nhà trường trong công tác quản lý giáo dục, xây dựng phát triển nhà trường theo phân cấp; rà soát, hướng dẫn thực hiện, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thành lập và hoạt động của Hội đồng trường theo thời hạn quy định.

Thực hiện đảm bảo việc công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

g) Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với một số trường đại học có uy tín, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi, kinh nghiệm sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản trị trường học, tiếp cận công nghệ mới về đổi mới chương trình, phương pháp dạy học.

Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy. Kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý giáo dục của các địa phương và các cơ quan, cơ sở giáo dục đào tạo của nước ngoài. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh, đào tạo của Trường THPT chuyên Lê Khiết gắn với phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nhà.

Tăng cường công tác quản lý đối với các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo có yếu tố nước ngoài, hoạt động tư vấn du học, trung tâm ngoại ngữ.

h) Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nhất là lớp 1, năm học 2020-2021; rà soát nhu cầu, kinh phí và có kế hoạch bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu, phòng học đối với lớp 2, lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Rà soát, đề xuất đầu tư trường, lớp học, các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư, mua sắm, đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú; xây dựng nhà bán trú cho học sinh trung học phổ thông để các em có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập được thuận lợi. Từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sinh hoạt; không đưa vào sử dụng nhà vệ sinh chưa đảm bảo an toàn theo quy định.

i) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg; khuyến khích nhà giáo, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chuyên môn, kỹ năng ứng dụng và thực hành. Bố trí kinh phí phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao so với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

2. Các sở, ban, ngành

Theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, đặc biệt giao kế hoạch, xây dựng lộ trình đầu tư công, cân đối, bố trí ngân sách, biên chế đội ngũ giáo viên, nhân viên, chế độ chính sách và các vấn đề có liên quan đến hoạt động giáo dục và đào tạo để ngành giáo dục, các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau

Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021 theo chỉ đạo của ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp; rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, giáo viên phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo lộ trình.

Tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất, bố trí giáo viên; tranh thủ mọi nguồn lực hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; huy động công tác xã hội hóa giáo dục; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển giáo dục đã được xây dựng tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của trường học; kiểm tra dạy thêm học thêm trái quy định, lạm thu đầu năm học, kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực về giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội, đoàn thể tỉnh

Tích cực, chủ động phối hợp với ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ năm học; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ cho giáo dục; động viên về vật chất, tinh thần cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, huy động học sinh ra lớp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi

Chủ động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về giáo dục và đào tạo để tạo sự ủng hộ sự nghiệp đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo hiện nay theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; tuyên truyền, nhân rộng những gương điển hình trong giảng dạy và học tập.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các tổ chức chính trị-xã hội và các hội, đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP(KGVX), CBTH;
- Lưu: VT, KGVXhq356.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2020 về triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Ngọc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản