Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Thái Bình, ngày 31 tháng 05 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Thời gian qua, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, công tác đầu tư xây dựng trong tỉnh cũng phát triển rất mạnh mẽ. Các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng về số lượng; nhiều công trình được đầu tư xây dựng với quy mô, giá trị lớn; yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật ngày càng cao.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã từng bước nâng cao được nhận thức về trách nhiệm của mình khi tham gia hoạt động xây dựng. Công tác quản lý chất lượng công trình xây trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện và nâng cao. Tuy vậy, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, từ khâu quy hoạch, lập dự án, khảo sát thiết kế đến tổ chức thi công, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng. Hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao. Năng lực hoạt động của các tổ chức, năng lực hành nghề của các cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa đáp ứng quy định của pháp luật. Việc triển khai và thực hiện Luật Xây dựng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng chưa được quan tâm đúng mức. Một số đơn vị, cá nhân hoạt động xây dựng chưa làm tròn trách nhiệm, còn vi phạm nguyên tắc quản lý đầu tư xây dựng và để xảy ra sai phạm. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình xây dựng, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng, giảm hiệu quả của dự án.

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhằm đưa công trình xây dựng vào khai thác sử dụng đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả vốn đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Đối với các sở, ban, ngành, UBND huyện và Thành phố:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh về quản lý chất lượng công trình xây dựng đến các cơ quan, đơn vị, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thuộc cấp mình quản lý, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2. Đối với các đơn vị chủ đầu tư:

- Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý toàn diện chất lượng công trình xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật;

- Phải lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện các công việc tư vấn, thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại do việc lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ thi công xây dựng công trình. Thực hiện đúng các quy định của nhà nước về chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chống cháy nổ; an toàn môi trường; an toàn lao động trong thi công xây dựng; chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực đối với các công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng;

- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 26/4/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về phân cấp và trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

3. Đối với các tổ chức tư vấn xây dựng:

- Các tổ chức tư vấn khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với các loại dự án; loại, cấp công trình và công việc theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Chỉ được ký kết hợp đồng thực hiện các công việc khảo sát xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình, thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình xây dựng và các công việc tư vấn xây dựng khác phù hợp với điều kiện năng lực và phạm vi hoạt động của mình theo đúng trình tự và quy định của pháp luật về xây dựng;

- Phải lập hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm tư vấn của mình; trong các sản phẩm về khảo sát, thiết kế xây dựng phải tuân thủ các quy định về chức danh chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế theo từng lĩnh vực chuyên môn đảm nhận; các chức danh này phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng sản phẩm do mình thực hiện;

- Tổ chức tư vấn thiết kế phải thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định; phối hợp với chủ đầu tư khi được yêu cầu để giải quyết các vướng mắc, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công, điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế thi công xây dựng công trình và kịp thời phát hiện, thông báo cho chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc thi công sai với thiết kế được duyệt và kiến nghị biện pháp xử lý;

- Tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình thực hiện công việc giám sát theo đúng hợp đồng đã ký kết, đảm bảo duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống, thường xuyên liên tục trong quá trình thi công xây lắp, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Không được thông đồng với nhà thầu thi công xây dựng, với chủ đầu tư xây dựng công trình hoặc có các hành vi vi phạm khác làm sai lệch kết quả giám sát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả đầu tư;

- Tổ chức kiểm định phải là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng hoạt động trong lĩnh vực kiểm định; tổ chức chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng phải là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận; các tổ chức này phải đảm bảo yêu cầu về tính độc lập, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

- Các tổ chức tư vấn xây dựng không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của nội dung hợp đồng cho một tổ chức tư vấn xây dựng khác thực hiện.

4. Đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình

- Phải quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình theo quy định: lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công xây dựng công trình trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định; chỉ huy trưởng công trường phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với loại công trình và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Trước khi khởi công xây dựng phải có thiết kế biện pháp thi công được duyệt; biện pháp thi công phải thể hiện được các giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động và máy móc, thiết bị thi công đối với từng công việc. Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng. Ở những vị trí nguy hiểm trên công trường thì phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn, nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn;

- Thi công xây dựng phải tuân thủ theo thiết kế được duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về thi công và nghiệm thu;

- Đối với những công trình xây dựng trong các khu vực đô thị phải thực hiện các biện pháp che chắn an toàn, thu dọn phế thải đưa đến nơi quy định; quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải có biện pháp bao che bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường;

- Đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng, phải lập hệ thống quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận trong suốt quá trình thi công. Khi có dấu hiệu bất thường phải tạm dừng thi công và báo cáo cho chủ đầu tư để tìm biện pháp xử lý.

5. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng:

- Sở Xây dựng, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh, UBND huyện và thành phố phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực và địa bàn mình quản lý theo phân cấp. Tập trung kiểm tra, thanh tra sự tuân thủ các quy định về điều kiện năng lực hoạt động của các tổ chức, chứng chỉ hành nghề của cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; kiểm tra điều kiện năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài công trường của nhà thầu thi công xây dựng;

- Củng cố lực lượng thanh tra xây dựng, đảm bảo đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng, trang thiết bị kỹ thuật theo quy định tại Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng;

- Kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở của Chính phủ; Thông tư 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009 của Bộ xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP và những quy định pháp luật khác có liên quan;

- Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh, UBND các huyện và Thành phố phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình chất lượng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc lĩnh vực và địa bàn mình quản lý theo quy định tại Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 26/4/2010 của UBND tỉnh.

6. Đối với Sở Tài chính và Kho bạc nhà nước Thái Bình:

Chỉ thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng đối với các dự án đã tuân thủ đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

7. Việc giám sát đầu tư của cộng đồng:

- Công tác giám sát đầu tư của cộng đồng phải tuân thủ quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và Thông tư số 04/2006/TTLT-BKHĐT-UBTƯMTTQVN-BTC ngày 04/12/2006 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện quyết định số 80/2005/QĐ-TTg;

- Tăng cường công tác giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng trong quá trình đầu tư xây dựng; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các việc làm vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định.

- Phát hiện kịp thời các hoạt động đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình xây dựng.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện và Thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng khẩn trương tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- Đài PTTH tỉnh, báo TB;
- Cổng thông tin điện tử Thái Bình;
- UBND các huyện và thành phố;
- Lưu: VT, XDCB, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Ca

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/05/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Ca
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản