Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Sơn La, ngày 28 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007

Năm 2006, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 104% so với dự toán ngân sách HĐND tỉnh giao và tăng 13,1% so với thực hiện năm 2005. Đạt được kết quả đó trước hết là có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh; Sự tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế; sự nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2006 của các cấp, các ngành và cố gắng phấn đấu của Ngành thuế trong việc điều hành, quản lý thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách nhà nước tại địa phương năm 2006 vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình nợ đọng thuế, thất thu thuế ở một số lĩnh vực vẫn còn; cơ cấu, tốc độ thu đối với một số khoản thu chưa đồng đều, chưa tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân của tình hình trên là do sự phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan trong quản lý thu thuế chưa chặt chẽ, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được cơ quan chức năng tham mưu giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Năm 2007, dự toán ngân sách nhà nước đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII (kỳ họp thứ 7) phê duyệt và UBND tỉnh đã giao kế hoạch tăng hơn so với mức tăng của những năm trước, do đó đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải tập trung đẩy mạnh các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý thu ngân sách nhà nước quyết tâm cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Để thực hiện vượt mức kế hoạch thu ngân sách năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số công việc sau:

1. Căn cứ vào chỉ tiêu dự toán thu ngân sách năm 2007 đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 10/12/2006, Ngành Thuế và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tiến hành xây dựng chi tiết chỉ tiêu phấn đấu và phương án tổ chức quản lý thu năm 2007 gắn với việc phân tích, đánh giá dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trên từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa bàn, đảm bảo tăng thu ngân sách tối thiểu 5% so với chỉ tiêu cấp trên giao.

2. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2007.

3. Trong công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung sau:

a) Cơ quan Thuế các cấp thường xuyên tổ chức đánh giá, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn, làm rõ những khoản thu còn tiềm năng, những khoản thu còn thất thu; xác định chính xác số thuế nợ đọng, phân tích, phân loại số nợ thuế theo tiêu chí thích hợp để tham mưu với UBND các cấp chỉ đạo các biện pháp quản lý thu hiệu quả, đảm bảo thu đủ, kịp thời các nguồn thu phát sinh, truy thu các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước.

b) Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hiện đại hoá quản lý thuế theo yêu cầu của Chính phủ và phù hợp với điều kiện của địa phương. Có giải pháp thích hợp tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức thuế.

Trên cơ sở đề cao trách nhiệm của người nộp thuế trong việc tự tính thuế, tự kê khai và nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước; đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, hỗ trợ, chính sách pháp luật thuế cho cộng đồng xã hội hiểu rõ và nhận thức đầy đủ công tác thuế là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và của mọi tầng lớp nhân dân.

c) Các ngành: Tài chính, Kho bạc, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Chi cục Quản lý thị trường, các Ngân hàng thương mại… cần tăng cường cải tiến và nâng cao trách nhiệm trong phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý Nhà nước về Thuế. Xây dựng quy chế phối hợp tổ chức thu thập thông tin từ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khác đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác để phục vụ công tác quản lý, phân tích, dự báo, chỉ đạo thu sát với quá trình sản xuất kinh doanh; công tác xử lý vi phạm pháp luật về thuế; chống thất thu NSNN.

d) Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Cục thuế tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường phối hợp để đề xuất các giải pháp nhằm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch; đẩy mạnh việc giao đất, chuyển quyền sử dụng đất, làm các thủ tục địa chính; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hồ sơ thanh quyết toán để có cơ sở thu các khoản thu từ lĩnh vực này.

đ) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất; tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh; tình hình giá cả và lưu thông tiêu thụ hàng hoá trên thị trường; tình hình chấp hành Luật thuế của các cơ sở kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc phát hành, sử dụng hoá đơn và các loại tem, vé; thực hiện tốt công tác xác minh, đối chiếu hoá đơn đối với các loại doanh nghiệp, các đơn vị thụ hưởng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước.

e) Tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp quản lý nguồn thu cho cơ sở; thực hiện tốt việc uỷ nhiệm thu các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác cho UBND cấp xã nhằm khuyến khích và nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý các nguồn thu phát sinh tại địa bàn. Rà soát các khoản phí, lệ phí theo phân cấp thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp thời bổ sung, điều chỉnh đảm bảo việc quản lý thu các khoản phí, lệ phí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

4. Giao Cục thuế chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện thị xã chuẩn bị các điều kiện để chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007.

5. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý thu ngân sách, các cấp, các ngành báo cáo kịp thời bằng văn bản về Cục thuế tỉnh để tổng hợp, báo cáo Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
-
TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh;
- TT. UBND tỉnh; Để báo cáo
- Ban kinh tế NS HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành;
- UBND các huyện, thị xã;
- Lưu: VT, KTTH, Huy Anh 80 bản.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Ngọc Toa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND về biện pháp tăng cường quản lý và chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2007 do tỉnh Sơn La ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/02/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Toa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản