Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 12/2011/CT-UBND

Yên Bái, ngày 17 tháng 8 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CHỐNG THẤT THU, NỢ ĐỌNG ĐỐI VỚI CÁC LOẠI THUẾ, PHÍ, LỆ PHÍ VÀ CÁC KHOẢN THU KHÁC CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Trong những năm qua, việc thực hiện Luật quản lý thuế trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được tổ chức triển khai, đang từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh luôn hoàn thành vượt mức dự toán thu và đạt được tốc độ tăng thu khá, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về thuế của một bộ phận người nộp thuế còn hạn chế; hiện tượng thất thu về đối tượng nộp thuế và doanh thu, mức thuế vẫn còn, tình trạng nợ đọng thuế và trốn thuế, lậu thuế chưa được khắc phục triệt để; sự phối hợp của các ngành các cấp với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế, trong việc tuyên truyền pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, xử lý các vi phạm pháp luật về thuế...theo quy định của Luật quản lý thuế có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, làm giảm hiệu quả của công tác quản lý thuế trên địa bàn toàn tỉnh.

Để tổ chức thực hiện tốt hơn các quy định của Luật quản lý thuế, đồng thời tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nợ đọng đối với các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của Ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế). Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Cục Thuế tỉnh Yên Bái:

a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và người nộp thuế trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó tập trung vào những sắc thuế, nguồn thu, lĩnh vực có dấu hiệu kê khai, hạch toán không đúng so với thực tế phát sinh làm giảm số thuế phát sinh phải nộp.

b) Triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà nước tỉnh Yên Bái, các tổ chức tín dụng khác trong quản lý thu Ngân sách Nhà nước và thu nợ thuế đảm bảo kịp thời.

c) Tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế chấp hành tốt các chính sách pháp luật thuế; yêu cầu các hộ kinh doanh phải lập hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật về hoá đơn.

d) Chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Thanh tra nhà nước, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng , Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

e) Chủ trì phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh về tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nợ đọng đối với các loại thuế, phí, lệ phí và thu khác của Ngân sách nhà nước.

2. Sở Tài chính:

a) Tăng cường công tác kiểm tra giá hàng hoá dịch vụ, thực hiện kiểm soát chặt chẽ phương án giá, mức giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bình ổn giá theo quy định. Kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan thuế xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng không đúng giá niêm yết dẫn đến kê khai thiếu doanh số khi xác định số thuế phải nộp.

b) Kiểm tra việc thực hiện chế độ hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan thuế xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ không đúng quy định.

3. Sở Công thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc tăng cường quản lý thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

4. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại, các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế các cấp trong việc cưỡng chế thu hồi nợ thuế và cung cấp thông tin về tài khoản của các đối tượng nợ thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.

5. Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh phối hợp với cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan tăng cường đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, gian lận thuế, mua bán hoá đơn bất hợp pháp, thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi các khoản nợ thuế vào ngân sách nhà nước.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp để mua hoá đơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà nước và các tổ chức cá nhân.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm, không đúng mục đích, không hiệu quả để xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý, đồng thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm việc chấp hành nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chống thất thu thuế, tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới.

b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, phường, thị trấn thực hiện việc điều tra thu nhập cá nhân của các cá nhân hành nghề độc lập để yêu cầu kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

c) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan thuế thực hiện điều tra doanh số khoán của các hộ kinh doanh đối với các ngành nghề có dấu hiệu thất thu thuế để điều chỉnh doanh số, số thuế phải nộp sát với thực tế phát sinh.

d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã phường, thị trấn tăng cường quản lý các khoản thu từ đất, phí, lệ phí. Trong đó tập trung vào các nguồn thu gồm: thu tiền sử dụng đất, thuế nhà đất, tiền thuê đất.

e) Thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo Chi cục Thuế, các cơ quan chuyên môn, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện Chỉ thị đạt kết quả.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ ( báo cáo);
- Cục KT văn bản-Bộ Tư pháp (Để K.tra);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (giám sát);
- Bộ Tài chính;
- Tổng Cục Thuế;
- TT Tỉnh uỷ; báo
- TT HĐND tỉnh; cáo
- Sở Tư pháp ( tự kiểm tra văn bản);
- Cục Thuế tỉnh;
- Sở Công thương;
- Sở Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Thanh tra Nhà nước;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VP, TC, TH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Duy Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nợ đọng đối với thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành

  • Số hiệu: 12/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Phạm Duy Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 19/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản