Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
T
ỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2014/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 15 tháng 10 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, như: xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh; công tác giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay đạt kết quả khá; công tác thống kê, kiểm kê đất đai được thực hiện định kỳ; công tác xây dựng Bảng giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản Iý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại và bất cập, như: việc lập quy hoạch sử dụng đất còn chậm, sự phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác lập và quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ; một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất không đúng đối tượng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt tại những địa phương quy hoạch phát triển đô thị; đất do các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng bị lấn, chiếm và sử dụng sai mục đích... làm cho tình hình quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân tồn tại là do ý thức chấp hành pháp luật đất đai của một số tổ chức, cá nhân chưa tốt; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân chưa được quan tâm, chú trọng, việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai chưa triệt để, công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật đất đai chưa được chú ý.

Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh, các cơ quan có liên quan, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ:

a) Tổ chức thanh tra, xử lý tại các tổ chức, đơn vị được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất. Trong đó, tập trung thanh tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, như: sử dụng đất không đúng mục đích, không đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ của dự án, chậm thực hiện nộp tiền thuê đất mà không được cấp có thẩm quyền cho phép...

b) Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện về công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

2. Thanh tra tỉnh:

Thành lập Đoàn Thanh tra chuyên ngành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và quản lý bảo vệ rừng của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

3. Cục thuế tỉnh:

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức kinh tế đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; truy thu đối với các đơn vị còn nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đến năm 2014; thực hiện tốt việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các tổ chức kinh tế được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh sử dụng đất trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện về công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó cần tập trung thanh tra, kiểm tra ở những địa bàn phức tạp, xảy ra nhiều vi phạm; báo cáo kết quả cho Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;

b) Hoàn thành công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện việc công khai và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên kiểm tra và phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai theo thẩm quyền, xử lý nghiêm, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định.

5. Các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình cá nhân sử dụng đất:

a) Tự kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém đảm bảo chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai, như: sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích; thực hiện dự án đầu tư đảm bảo đúng tiến độ theo quy định; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

b) Nghiêm cấm trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích trái pháp luật.

6. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật đất đai phải thực hiện kiên quyết kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm buộc phải thực hiện áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật đất đai gây ra. Khi xem xét vụ việc vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Tập trung xử lý đối với tất cả các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng tại các khu vực đã có quy hoạch, các khu vực để xảy ra nhiều vi phạm, phức tạp, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra xử lý trong năm 2014, đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng đi vào nề nếp, ổn định.

7. Đề nghị các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai; quản lý trật tự xây dựng; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện, đảm bảo yêu cầu và tiến độ. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PTC UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Đài PT, TH tỉnh, Website tỉnh;
- Các phòng: TH, NC, TCTM, NN&MT;
- Lưu: VT, NN&MT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl