Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ NĂM 2014

Trong những năm qua, công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện và thu được nhiều kết quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC ở một số địa phương, ngành, đơn vị còn nhiều hạn chế; nguy cơ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản còn tiềm ẩn, nhất là ở các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, các kho xăng dầu, khí gas, vật liệu nổ công nghiệp, hầm lò khai thác than, tàu du lịch, cơ sở sản xuất và nhà kho khung thép mái tôn, cơ sở tập trung đông người và khu đông dân cư... trong khi đó trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng ở nhiều nơi còn thiếu, yếu và hoạt động chưa hiệu quả.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật PCCC, Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010, Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Luật PCCC năm 2001, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2003, các văn bản hướng dẫn thi hành, các tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn PCCC và quy định về cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Tập trung tuyên truyền phòng ngừa các sự cố cháy, nổ trong sử dụng ngọn lửa trần, sử dụng điện, hàn cắt kim loại, trong bảo quản, sử dụng chất dễ cháy như xăng dầu, khí gas, vật liệu nổ công nghiệp và các lĩnh vực dễ xảy ra cháy nổ khác. Phản ánh các biện pháp, kinh nghiệm, các điển hình thực hiện tốt công tác PCCC, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC. Hướng dẫn cách thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa, việc tổ chức thoát nạn khi có cháy xảy ra, gọi điện số máy 114 để báo cháy và báo cứu nạn, cứu hộ... Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và toàn thể người dân chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, làm tốt công tác PCCC&CNCH ngay từ cơ sở.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, các cơ quan báo, đài địa phương có kế hoạch tăng thời lượng, mở chuyên mục riêng, tích cực xây dựng phóng sự, đưa tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở thường xuyên phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức ký cam kết và vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh tự đảm bảo an toàn PCCC.

Trong dịp “Ngày toàn dân PCCC” 04/10/2014, tổ chức các hoạt động sôi nổi, khích lệ phong trào toàn dân PCCC như mít tinh, diễu hành, tuyên truyền lưu động về PCCC; treo Panô, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về PCCC; tổ chức hội thao, diễn tập phương án chữa cháy cấp ngành, đơn vị, cơ sở đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành chức năng theo quy định của Luật PCCC, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Chủ động quản lý công tác PCCC ngay từ khi lập dự án, quy hoạch và thiết kế xây dựng các công trình. Tăng cường tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện công tác PCCC, hướng dẫn các cơ sở tự kiểm tra thường xuyên việc đảm bảo an toàn PCCC; trong kiểm tra cần đặc biệt chú ý các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, kiểm tra quản lý chất cháy, chất nổ, quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa, việc tuân thủ chấp hành nội quy, quy định về PCCC, việc xây dựng phương án chữa cháy, trang bị phương tiện và tổ chức hoạt động của lực lượng chữa cháy tại chỗ. Qua kiểm tra cần làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trong công tác PCCC đối với phạm vi, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, đồng thời kiến nghị, khắc phục, xử lý kịp thời mọi sơ hở, thiếu sót, sai phạm về PCCC, hạn chế nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ. Chú trọng hướng dẫn cơ sở củng cố lực lượng, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và chủ động xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

3. Các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp phải duy trì thường xuyên, nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong những ngày lễ, tết và mùa hanh khô. Chủ động và thường xuyên kiểm tra các phương tiện chữa cháy đã được trang bị để phát hiện hư hỏng, sửa chữa, bổ sung, thay thế kịp thời, luôn sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao nhất. Xây dựng quy chế phối hợp hiệp đồng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ giữa các lực lượng; các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia và tổ chức tập luyện thành thục. Đồng thời tổ chức tốt việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn trang bị phương tiện cho lực lượng chữa cháy cơ sở và dân phòng, để lực lượng này có đủ khả năng giải quyết kịp thời các tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

4. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC từ khi thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình và hoạt động của lực lượng PCCC tại cơ sở. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh ngăn chặn cháy lớn theo chỉ đạo của Bộ Công an, tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại và những nguy cơ gây mất an toàn về PCCC đối với lĩnh vực, cơ sở trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về PCCC. Phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1502/KH-UBND ngày 02/4/2013 của UBND tỉnh về thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1110/QĐ-TTg và số 44/2012/QĐ-TTg , trong đó tập trung đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường quân số, đầu tư trang bị phương tiện, xây dựng doanh trại, tập huấn nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

5. Các ngành, địa phương, đơn vị cơ sở tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH, báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 05/09/2014. Trên cơ sở đó tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo PCCC các cấp. Đồng thời có kế hoạch thống nhất chỉ đạo một số công tác trọng tâm về PCCC phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị cho những năm tiếp theo.

6. Giao cho Công an tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2014 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản