Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 21 tháng 02 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự công cộng và việc phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nguyên nhân trên do công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chưa quan tâm, chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp công dân, còn có tình trạng cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân, đối thoại với dân, tránh né, đùn đẩy trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo”; Thông báo số 202/TB-VPCP ngày 31/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương và của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; mọi khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị phải được xem xét giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật từ cấp cơ sở; lấy kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này.

b) Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, ô nhiễm môi trường...Tổ chức thi hành kịp thời các quyết định đã có hiệu lực pháp luật và thực hiện nghiêm các kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

- Khi xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp ngăn chặn các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở. Phối hợp với Ban tiếp công dân tỉnh, các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý, ngăn chặn các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện đông người vượt cấp lên tỉnh, Trung ương (nhất là trong các dịp diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh). Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải đề cao vai trò trách nhiệm, trực tiếp đối thoại với người dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự. Việc giải quyết phải trên cơ sở pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

- Khi có công dân khiếu kiện vượt cấp phải phân công, bố trí người có đủ thẩm quyền phối hợp cùng với các cơ quan chức năng liên quan trực tiếp vận động, thuyết phục công dân, có biện pháp đưa công dân trở về địa phương giải quyết; đồng thời phải có kế hoạch giải quyết nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, không để khiếu kiện vượt cấp. Đối với các trường hợp tổ chức kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện, để gây rối thì phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

c) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan truyền thông tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về tiếp công dân, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Tăng cường số lượng, chất lượng các tin, bài, chuyên trang, chuyên mục phản ánh, góp ý, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng biểu dương những điển hình tốt, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo gây tác động tiêu cực tới dư luận, để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động.

d) Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; cập nhật đầy đủ, chính xác các vụ việc vào hệ thống phần mềm quản lý về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh để qua đó kết nối dữ liệu với Trung ương nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

2. Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Thực hiện giao ban hàng quý về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn về nghiệp vụ, quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua thanh tra, kiểm tra tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời biểu dương khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Đề nghị Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tích cực phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Đoàn Luật sư và Hội luật gia tỉnh huy động đội ngũ luật sư tích cực tham gia, tư vấn pháp luật cho người dân; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.

4. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm chắc tình hình địa bàn cơ sở, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp xử lý tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, trật tự không để bị động, bất ngờ; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, tổ chức kích động, khiếu kiện đông người, chống đối; lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân.

5. Tổ chức thực hiện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị này đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; hàng quý báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua thanh tra tỉnh).

Giao Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo trên, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Ban Tiếp công dân TW;
- Thường trực TU;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Dân vận, Nội chính, Tuyên giáo TU, UBKT TU:
- CT, các PCT UBND;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Đài PT-TH tỉnh; Báo Ấp Bắc;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VPUB: CVP, các PCVP, BTCD;
- Lưu: VT. (Quang)

CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng