Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2008/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 07 tháng 04 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ CÁC CHẤT HỮU CƠ GÂY Ô NHIỄM, KHÓ PHÂN HỦY GÓP PHẦN BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và y tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên việc lạm dụng thuốc BVTV và hóa chất độc hại; sử dụng không đúng yêu cầu kỹ thuật đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, môi sinh và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như thương hiệu của nông sản, thực phẩm sản xuất trên địa bàn.

Để ngăn ngừa tình trạng trên, đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/1998/CT-TTg ngày 25 tháng 8 năm 1998 về tăng cường công tác quản lý việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, và các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy và Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Kiểm tra và xử lý nghiêm mọi trường hợp sản xuất, gia công, đóng gói, nhập khẩu, tàng trữ, mua bán, sử dụng và vận chuyển các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng; thuốc quá hạn dùng; thuốc giả; thuốc không rõ nguồn gốc; không có nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu không đúng theo quy định của pháp luật; thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

2. Tổ chức thu gom kịp thời và triệt để các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng, thuốc quá hạn dùng, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục... và tiêu hủy các loại thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình công nghệ xử lý các chất thải nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; tiến hành kiểm tra, xử lý ô nhiễm tại các kho chứa thuốc bảo vệ thực vật.

3. Nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng. Kiểm tra và xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật chung trên xe khách, xe chở gia súc, gia cầm, lương thực, thực phẩm.

4. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về Luật bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định khác của pháp luật có liên quan và tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe con người. Vận động và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại khác đúng quy trình, quy định, đặc biệt là thời gian cách ly.

5. Quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn như: Cà phê, hồ tiêu, rau quả... và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn. Hướng dẫn triển khai việc áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hành sản xuất tốt (GAP), thực hành vệ sinh tốt (GHP) và hệ thống phân tích mối nguy hiểm và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP).

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng các Sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật và giám sát dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư