Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2000. Bộ luật thể hiện toàn diện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, là công cụ sắc bén trong đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để triển khai thi hành Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21 tháng 12 năm 1999 của Quốc hội, Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28 tháng 01 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự và để chuẩn bị kịp thời cho việc thi hành Bộ luật Hình sự, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành ngay những việc dưới đây

I. PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HÌNH SỰ, NÂNG CAO Ý THỨC ĐẤU TRANH PHÒNG NGỪA VÀ CHỐNG TỘI PHẠM

1. Công tác phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự phải được tiến hành sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân, làm cho mọi người nắm được nội dung cơ bản của Bộ luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để nghiêm chỉnh chấp hành. Ngay từ qúy I năm 2000, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch cụ thể để tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan khác chỉ đạo triển khai việc phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật trong năm 2000.

Trong khi triển khai tuyên truyền, phổ biến Bộ luật hình sự, phải kết hợp kiểm điểm việc chấp hành pháp luật trong ngành, trong địa phương mình, nhằm giúp cho cán bộ và nhân dân nêu cao ý thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Luật gia Việt Nam, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tổ chức phổ biến tuyên truyền rộng rãi Bộ luật Hình sự.

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ có trách nhiệm xác định nội dung, chương trình phổ biến tuyên truyền Bộ luật Hình sự; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức biên soạn đề cương, tài liệu tập huấn phù hợp với từng loại đối tượng và bồi dưỡng báo cáo viên để phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự.

3. Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng có kế hoạch ưu tiên cho việc phổ biến tuyên truyền Bộ luật Hình sự.

4. Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác ở Trung ương và địa phương thường xuyên có chương trình, chuyên mục giới thiệu, giải thích nội dung Bộ luật Hình sự, nhất là những điểm mới của Bộ luật này.

5. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức việc tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân và nhân viên tư pháp khác, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất Bộ luật Hình sự.

6. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy liên quan đến bộ môn luật hình sự của các trường đại học, cao đẳng và các tài liệu về giáo dục công dân trong các trường phổ thông trung học để có kế hoạch bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với Bộ luật Hình sự.

7. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp lập kế hoạch cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết cho việc triển khai thi hành Bộ luật Hình sự từ việc tổ chức in ấn tài liệu phổ biến đến việc tổ chức các lớp tập huấn và các đợt phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân ở Trung ương và địa phương.

II. RÀ SOÁT CÁC VĂN BẢN HIỆN HÀNH, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BAN HÀNH MỚI VĂN BẢN THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ

1. Song song với việc phổ biến tuyên truyền Bộ luật Hình sự cho toàn thể cán bộ, nhân dân, cần phải khẩn trương rà soát lại các quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành. Trước mắt, cần triển khai ngay việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành những nội dung có hiệu lực sau khi Bộ luật Hình sự được công bố.

2. Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương rà soát các điều khoản của Bộ luật tố tụng hình sự để kiến nghị với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung những điều khoản cần thiết, bảo đảm cho việc thi hành Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2000; rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản do mình ban hành không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự hoặc ban hành văn bản mới theo thẩm quyền; có kiến nghị cụ thể để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên tịch hoặc văn bản của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21 tháng 12 năm 1999 của Quốc hội.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành ngay việc rà soát và lập danh sách những người thuộc diện được miễn áp dụng hình phạt tử hình, miễn chấp hành hình phạt tử hình, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đương nhiên được xóa án tích, kịp thời triển khai để thực hiện Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28 tháng 01 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự.

III. TỔ CHỨC THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ PHẢI GẮN VỚI VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09/1998/NQ-CP VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

1. Tình hình phạm tội hiện nay ở nước ta vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong khi triển khai thi hành Bộ luật Hình sự, cần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự, an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh.

2. Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức hữu quan, thông qua công tác phổ biến tuyên truyền Bộ luật Hình sự sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư, các đoàn thể xã hội trong việc cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức một đợt kiểm tra việc giam giữ người để kịp thời giải quyết những trường hợp giam giữ trái pháp luật.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Bộ luật Hình sự trong ngành và trong địa phương mình.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thi hành Chỉ thị này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)