ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 01 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI NGUY CƠ HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2024, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, các nhu cầu thiết yếu khác, phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nội dung sau:
1. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
a) Chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
b) Thực hiện chỉ đạo theo phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn; tính toán để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng, chống hạn hán, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và tưới cây công nghiệp lâu năm, các vùng đã sản xuất; rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau.
c) Xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn sẽ xảy ra trong vụ Hè Thu năm 2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước sang trồng loại cây cụ thể. Các vùng có khả năng thiếu nước, không tự chủ được nguồn nước phải chuyển đổi sang cây trồng khác, bố trí giống ngắn ngày hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
d) Tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; chủ động ra quân vớt bèo, rác trên các sông, hói, kênh rạch nội đồng, khơi thông dòng chảy, vệ sinh đồng ruộng; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; triển khai kéo dài mạng lưới đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ khu vực nông thôn; kiểm tra, theo dõi quản lý vận hành đóng các cống trên đê, ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước,… Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
đ) Tăng cường thực hiện việc nạo vét, khơi thông, vớt bèo để thông thoáng dòng chảy các sông, hói, kênh mương nội đồng để tích trữ nước. Chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết.
e) Đối với nuôi trồng thủy sản, những diện tích thiếu nước, tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chủ động chuyển đổi các diện tích không đảm bảo nguồn nước hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng thủy sản tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Thu hoạch sớm, thu tỉa sản phẩm thủy sản thương phẩm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, ao, đầm, vùng trũng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước, điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
b) Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục tổ chức dự báo chuyên ngành, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn (chủ động điều chỉnh thời vụ, diện tích gieo trồng, giống cây trồng phù hợp…).
c) Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thủy điện, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, các nhà máy thủy điện và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên từng lưu vực sông để bổ sung nước cho hạ du, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. đ) Hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng; hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa sử dụng tiết kiệm nước để đối phó với tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài; chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
e) Phối hợp với các địa phương rà soát, xác định vùng trồng lúa chủ động được nguồn nước, vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, xây dựng các mô hình chuyển đổi gắn với liên kết sản xuất và thị trường.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác trục vớt bèo lục bình trên địa bàn tỉnh, nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông, suối,...để đảm bảo vệ sinh môi trường, lưu thông dòng chảy phục vụ cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất trong suốt mùa khô năm 2024.
4. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh
Theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy kịp thời cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
5. Sở Công Thương
a) Chỉ đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô.
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho hạ du với ưu tiên trước hết là bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, sau đó đến các nhu cầu thiết yếu khác.
6. Sở Xây dựng
Chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế căn cứ tình hình nguồn nước hiện nay để xây dựng kế hoạch cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2024.
7. Sở Y tế
Chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở chủ động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cân đối nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án thủy lợi theo kế hoạch năm 2024, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước sản xuất, cấp nước sạch phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
9. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của các địa phương, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
10. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh
Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, kịp thời thống kê thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành đề xuất UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.
11. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện
Thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô năm 2024 theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019.
12. Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh
a) Chủ động phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để áp dụng các biện pháp cấp nước hợp lý.
b) Tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xử lý bèo trên các kênh, rạch, hói chính, hệ thống công trình thủy lợi,... thuộc phạm vi quản lý.
c) Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước. Kiểm tra, kịp thời phát hiện và sửa chữa hư hỏng (nếu có) tại các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cấp nước. Vận hành các công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.
13. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung và Tây Nguyên chi nhánh tại thành phố Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể thường xuyên xảy ra.
14. Các sở, ban, ngành khác có liên quan chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng EL Nino trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 2Chỉ thị 8/CT-UBND năm 2023 về chủ động thực hiện biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2023 về chủ động giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của El Nino trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025
Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2024 chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 01/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/01/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Hoàng Hải Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực