Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Bình Định, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy bên trong của một số sở, ban, ngành từng bước được sắp xếp tinh gọn, phù hợp; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác được phân định và điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan, đơn vị; công tác tổ chức, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Biên chế được bố trí và sử dụng đúng mục đích, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là tổ chức bộ máy của một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, mối quan hệ phối hợp của một số cơ quan, tổ chức chưa thật sự rõ ràng, còn tình trạng bao biện, làm thay, bỏ sót nhiệm vụ; việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, phần lớn kinh phí hoạt động còn dựa vào ngân sách nhà nước, số đơn vị sự nghiệp chuyển sang cơ chế tự chủ kinh phí hoạt động chưa nhiều. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa hợp lý, nơi thừa, nơi thiếu, việc bố trí, sử dụng biên chế ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đúng quy định. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về số lượng cấp phó, tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm. Những tồn tại, hạn chế nêu trên làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của tỉnh.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về công tác tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII), gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015 theo Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (Khóa XI).

2. Thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm tối đa đầu mối bên trong của các sở, ban, ngành; hợp nhất, sáp nhập các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có mối liên hệ chặt chẽ, bảo đảm quy mô hợp lý; giải thể các tổ chức hoạt động không hiệu quả; không đề xuất việc chia tách, thành lập mới làm tăng số lượng các tổ chức và biên chế so với hiện trạng (trừ trường hợp cần thiết khi có chủ trương của UBND tỉnh).

Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm.

3. Xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp theo Quyết định số 1980/QĐ-UBND ngày 02/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; đề án chuyển đổi các trường mầm non, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm đầu mối, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ tài chính để giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp.

- Giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc lĩnh vực nhà nước không nhất thiết nắm giữ; xem xét hợp nhất, sáp nhập các đơn vị cùng ngành, lĩnh vực và hoạt động trên cùng một địa bàn theo quy hoạch được duyệt; chuyển các đơn vị sự nghiệp hoạt động có nguồn thu sang loại hình tự chủ một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đang hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn bộ sang loại hình công ty cổ phần khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

4. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức. Tách rõ biên chế công chức, viên chức với hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 20/11/2000 của Chính phủ; chấm dứt việc ký và sử dụng hợp đồng làm công tác chuyên môn trong cơ quan hành chính (trừ lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP); giải quyết dứt điểm đối với số công chức, viên chức, người lao động vượt quá số biên chế được giao; hoàn thành việc xây dựng bảng mô tả công việc, khung năng lực đối với công chức và đề án vị trí việc làm viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; khảo sát, đánh giá việc bố trí biên chế giáo viên các cấp học; thống kê, xác định nhu cầu giáo viên theo từng môn học, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về tuyển dụng công chức, viên chức, chuyển viên chức và cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh. Cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế được giao cần xây dựng kế hoạch để tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định gắn với kế hoạch tinh giản biên chế được duyệt, nếu không có lý do chính đáng sẽ thực hiện cắt giảm tương ứng với số biên chế chưa sử dụng.

5. Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức:

- Rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, hạn chế tình trạng thừa, thiếu cục bộ, không đảm bảo tiêu chuẩn, hoạt động kém hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm túc quy định tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và quy định về số lượng cấp phó. Trước mắt, giữ ổn định số lượng cấp phó hiện có, chỉ bổ sung trong trường hợp thật sự cần thiết; có phương án sắp xếp, bố trí lại số lượng cấp phó vượt quá quy định, trừ trường hợp đã có thông báo nghỉ hưu, những trường hợp còn thời gian giữ chức vụ còn đủ từ 12 tháng trở lên phải thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái để giải quyết số lượng vượt quá quy định hoặc báo cáo UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

- Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013), trong đó tập trung thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá, bổ sung kịp thời những vấn đề còn tồn tại liên quan đến công tác chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 15/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định.

6. Giao Giám đốc Sở Nội vụ:

- Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của UBND tỉnh trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn công tác quản lý của địa phương.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; chủ động rà soát, đề xuất sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện có hiệu quả kế hoạch tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng chức trách, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2018 về tăng cường quản lý công tác tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 01/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/02/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản