Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2002/CT-BKH

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Trong gần 3 năm qua kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, với trách nhiệm được giao là cơ quan đăng ký kinh doanh, các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh, thành phố) đã có nhiều nỗ lực và thành tích đưa Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống. Luật Doanh nghiệp đã thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh; đã khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tinh thần tự lập nghiệp trong các tầng lớp nhân dân; khuyến khích tính sáng tạo và tự chủ trong kinh doanh; làm cho cộng đồng doanh nghiệp tự tin hơn trong hoạt động đầu tư và kinh doanh; củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, trong đăng ký kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế và thiếu sót cần được sớm khắc phục như: Cơ quan đăng ký kinh doanh của nhiều địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ kiểm tra sau đăng ký kinh doanh theo Điều 116 của Luật Doanh nghiệp; Một số người thuộc diện không được quyền thành lập doanh nghiệp vẫn làm đơn đăng ký kinh doanh; Doanh nghiệp không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về những thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh v.v… Những hiện tượng này đã phần nào hạn chế tác dụng tích cực của Luật Doanh nghiệp.

Ngày 2 tháng 8 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2002/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh thi hành Luật Doanh nghiệp. Để thực hiện tốt Chỉ thị 17/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ vào chức năng quyền hạn của mình, triển khai thực hiện những công việc sau đây:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh quận, huyện tiến hành đợt kiểm tra điểm đối với các doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của Điều 116 Luật Doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến những vấn đề về nhân thân của chủ doanh nghiệp, nghĩa vụ góp vốn, các điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ báo cáo khi thay đổi những nội dung đăng ký kmh doanh hay thay đổi Điều lệ doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan để các các hình thức xử lý thích hợp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan nhà nước có liên quan để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời tình trạng lập doanh nghiệp để buôn bán hoá đơn, chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

3 . Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố liên hệ với các cơ quan có liên quan để xác định danh sách những cá nhân, tổ chức không được quyền thành lập doanh nghiệp trên địa phương mình và nối mạng cung cấp cho Trung tâm thông tin doanh nghiệp của Bộ. Cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ vào danh sách này để xác minh lý lịch tư pháp khi cấp đăng ký kinh doanh mà không gây thêm khó khăn cho người xin đăng ký thành lập doanh nghiệp.

4. Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố để làm tốt công tác cấp đăng ký kinh doanh và kiểm tra sau đăng ký kinh doanh. Bổ sung đủ số cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh, đào tạo và nâng cao ứng dụng tin học trong công tác đăng ký kinh doanh. Tăng cường trang thiết bị phục vụ cho công tác đăng ký kinh doanh.

Trung tâm thông tin doanh nghiệp của Bộ lập dự án nối mạng thông tin về đăng ký kinh doanh và tình hình doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh từ Trung ương cho đến tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công việc này phải được hoàn thành trong quý II năm 2003.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố phối hợp với Vụ Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm đào tạo của Bộ tổ chức các lớp tập huấn về công tác đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp cho cán bộ chủ chốt của ngành mình và các ngành khác có liên quan trên địa bàn để thống nhất quán triệt những quy định của Luật Doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh, tạo sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý nhà nước đối với công tác đăng ký kinh doanh.

6. Tăng cường các hình thức thu hút công luận, quần chúng nhân dân vào việc giám sát thực hiện Luật Doanh nghiệp. Sau ngày Chỉ thị này có hiệu lực, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và cấp huyện phải mở các hòm thư để nhận những ý kiến của nhân dân góp ý, phát hiện các vi phạm trong đăng ký và hoạt động kinh doanh. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong thông tin đăng ký hoạt động doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những sai phạm.

7. Trong quý IV năm 2002, Vụ Doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan rà soát lại những quy định về đăng ký kinh doanh; phát hiện những quy định còn chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, làm tăng tính chính xác của những thông tin đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đăng ký kinh doanh và theo dõi kiểm tra sau đăng ký kinh doanh.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác đăng ký kinh doanh nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, không những không hạn chế tư tưởng tự do kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, mà ngược lại sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa tư tưởng này trong cuộc sống. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố và trưởng các đơn vị trong Bộ chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận :
- Các đ/c lãnh đạo Bộ
- Các vụ, viện, đơn vị thuộc Bộ
- Sở KH&ĐT các tỉnh, tp
- Lưu: VP, Vụ TCCB, Viện NCQLKTTƯ

BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ



 
Võ Hồng Phúc