Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2003/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2003 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
2. Vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh là các hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính, cụ thể: vi phạm quy định quản lý nhà nước về nhân thân của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; về kê khai trụ sở, địa điểm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; về đăng ký góp vốn vào Công ty; về thay đổi nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; về treo biển hiệu; về đăng báo và báo cáo tài chính.
1. Mọi vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định tại Nghị định này.
3. Một hành vi vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt từng hành vi.
4. Việc xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Điều 8 và Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức và biện pháp xử lý thích hợp.
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh thì bị xử phạt hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
3. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện vi phạm hành chính mới trong cùng lĩnh vực trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
4. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH - HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT
Điều 4. Vi phạm các quy định về kê khai nhân thân của người thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kê khai người không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp;
b) Kê khai người không có thực, người đã chết hoặc mất tích;
c) Mạo danh người khác, giả mạo chữ ký;
d) Mượn họ tên để kê khai thành lập, quản lý doanh nghiệp;
đ) Kê khai không trung thực, không chính xác về nhân thân trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn phải lập lại hồ sơ đăng ký kinh doanh; đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng ký cấp lại.
Điều 5. Vi phạm các quy định về kê khai nhân thân của chủ hộ kinh doanh cá thể
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kê khai người không có quyền đăng ký kinh doanh quy định tại Điều 18 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
b) Kê khai người không có thực, người đã chết hoặc mất tích;
c) Mạo danh người khác, giả mạo chữ ký;
d) Mượn họ tên để kê khai đăng ký kinh doanh;
đ) Kê khai không trung thực, không chính xác về nhân thân trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này, cá nhân vi phạm hành chính còn phải lập lại hồ sơ đăng ký kinh doanh; đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký cấp lại.
Điều 6. Vi phạm các quy định về kê khai trụ sở doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kê khai địa chỉ trụ sở không có thật trên bản đồ hành chính; kê khai trụ sở nhưng thực tế không giao dịch tại trụ sở đó;
b) Kê khai địa chỉ trụ sở mà không thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình;
c) Kê khai không trung thực, không chính xác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại, nơi tạm trú của những người quản lý doanh nghiệp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn phải lập lại hồ sơ đăng ký kinh doanh; đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng ký cấp lại.
Điều 7. Vi phạm các quy định về kê khai địa điểm kinh doanh hộ kinh doanh cá thể
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kê khai địa điểm kinh doanh không có thật trên bản đồ hành chính; kê khai địa điểm kinh doanh nhưng thực tế không giao dịch tại địa điểm kinh doanh đó;
b) Kê khai địa điểm kinh doanh mà không thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình;
c) Kê khai không trung thực, không chính xác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại, nơi tạm trú của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này, cá nhân vi phạm hành chính còn phải lập lại hồ sơ đăng ký kinh doanh; đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký cấp lại.
Điều 8. Vi phạm các quy định về đăng ký vốn góp vào Công ty
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng ký vốn nhưng thực tế không có vốn, đăng ký vốn lớn hơn số vốn có trên thực tế;
b) Không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên có vốn góp;
c) Không lập sổ đăng ký thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên và Công ty hợp danh; sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty cổ phần.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này; vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn phải góp vốn như đã cam kết; vi phạm quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật của Công ty phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp và lập sổ đăng ký thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên và Công ty hợp danh; sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty cổ phần.
Điều 9. Vi phạm các quy định về đăng ký thay đổi nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thay đổi địa chỉ trụ sở, thay đổi tên doanh nghiệp, tên chi nhánh, tên văn phòng đại diện, ngành, nghề kinh doanh, vốn đăng ký, thay đổi người quản lý, người đại diện theo pháp luật, thành viên Công ty mà không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký không trung thực nội dung thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh;
c) Đã thông báo tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn phải thực hiện việc đăng ký để được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh cho đến thời điểm kết thúc tạm ngừng hoạt động ghi trong thông báo của doanh nghiệp.
Điều 10. Vi phạm các quy định về đăng ký thay đổi nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thay đổi địa điểm kinh doanh, thay đổi tên hộ kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh, thay đổi người đại diện hộ kinh doanh mà không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký không trung thực nội dung thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh;
c) Đã thông báo tạm ngừng kinh doanh nhưng vẫn kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, hộ kinh doanh cá thể vi phạm hành chính còn phải thực hiện việc đăng ký để được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, thì hộ kinh doanh cá thể phải ngừng hoạt động kinh doanh cho đến thời điểm kết thúc tạm ngừng hoạt động ghi trong thông báo của hộ kinh doanh cá thể.
Điều 11. Vi phạm quy định về không đăng ký kinh doanh
Các hành vi: kinh doanh không đăng ký kinh doanh, tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
Điều 12. Vi phạm quy định về treo biển hiệu
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không treo biển hiệu tại trụ sở chính của doanh nghiệp và trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn phải thực hiện việc treo biển hiệu tại trụ sở chính của doanh nghiệp và trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện.
3. Việc treo biển hiệu không đúng quy định được xử lý theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin.
Điều 13. Vi phạm các quy định về đăng báo
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không đăng báo nội dung đã đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Doanh nghiệp;
b) Không đăng báo nội dung đã đăng ký thay đổi;
c) Không đăng báo quyết định giải thể của doanh nghiệp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng báo theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Vi phạm về gửi báo cáo tài chính
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không gửi báo cáo tài chính theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều này, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trước pháp luật còn phải thực hiện việc gửi báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Vi phạm về sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động
Các hành vi: viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH
Điều 16. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quyền áp dụng hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Điều 29 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quyền áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này để xử lý vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.
3. Cơ quan Quản lý thị trường trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quyền áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các
Điều 17. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh được thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58, 62, 64, 65, 66, 67 và Điều 68 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 18. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người đã ra quyết định.
Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh thực hiện theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trong thời gian chờ đợi kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh vẫn phải thi hành quyết định xử phạt.
Trong trường hợp không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại thì tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh có thể khởi kiện tại toà hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những hành vi vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.
Việc giải quyết tố cáo của công dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người bị xử lý vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh nếu có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành quyết định xử phạt hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 01/2002/CT-BKH về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Nghị định 53/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
- 3Thông tư 03/2000/TT-BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Thông tư 08/2001/TT-BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 1Chỉ thị 01/2002/CT-BKH về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Luật Doanh nghiệp 1999
- 3Thông tư 03/2000/TT-BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 5Thông tư 08/2001/TT-BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
Nghị định 37/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh
- Số hiệu: 37/2003/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 10/04/2003
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 32
- Ngày hiệu lực: 20/05/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra