Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4057/TCĐBVN-ATGT

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TIÊU CỰC - CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA VÀ CHỐNG TIÊU CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG KSTTX

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.

Sau hơn một năm (tháng 4/2013 đến hết tháng 7/2014) triển khai công tác KSTTX, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng tiêu cực ngày càng phức tạp và phổ biến trên nhiều địa phương. Để nắm bắt được tình hình, kịp thời chỉ đạo thực hiện phòng ngừa và chống tiêu cực trong hoạt động KSTTX, Tổng cục ĐBVN tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình tiêu cực - đề xuất biện pháp phòng ngừa và chống tiêu cực trong hoạt động KSTTX như sau:

I. TÌNH HÌNH TIÊU CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI VÀ QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG XE

Tổng hợp tình hình tiêu cực trong hoạt động vận tải và hoạt động quản lý, kiểm soát tải trọng xe; từ nguồn tin phản ánh của người dân, lái xe, chủ xe, doanh nghiệp vận tải và Phóng viên báo chí đến đường dây nóng KSTTX; từ công tác giám sát qua phần mềm KSTTX của Tổng cục ĐBVN; từ công tác kiểm tra, theo dõi. Nổi bật một số loại tiêu cực sau:

1. Tiêu cực trong hoạt động vận tải

- Còn rất nhiều tổ chức và cá nhân là chủ bán hàng và chủ mua hàng vẫn cố tình ép chủ xe chở hàng quá tải hoặc không có trách nhiệm trong việc xuất, bốc xếp, giao, nhập, nhận hàng quá tải trọng của xe ô tô, đặc biệt là các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất vật liệu, khai thác mỏ, khai thác lâm, nông thổ sản, xây dựng công trình, dự án ….: Một số nhà máy sản xuất xi măng, mỏ khai thác đá ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Tĩnh …; Một số nhà máy sản xuất thức ăn gia súc ở Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam các kho cảng xuất, nhập hàng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam …;

- Còn một số chủ xe, doanh nghiệp vận tải vẫn cố tình chở hàng quá tải, tìm mọi cách thức, thủ đoạn để móc nối với “cò xe”, “môi giới”, với một bộ phận lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát ATGT và tại các trạm KTTTX, với một số nhân viên bảo vệ, làm nhiệm vụ của dự án xây dựng, khai thác đường để cho xe chở quá tải lưu thông trên nhiều đoạn, tuyến đường bộ, kể cả đường đang thi công chưa được khai thác sử dụng, đường bộ địa phương có cấp kỹ thuật thấp, cầu yếu;

- Nhiều lái xe là người làm thuê vì công ăn việc làm, vì sức ép của chủ xe vẫn chấp nhận điều khiển xe chở hàng quá tải, thậm chí chống đối lực lượng chức năng, cố tình phá hoại thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe, bất chấp nguy hiểm, mất ATGT, sự trừng phạt của pháp luật.

2. Tiêu cực của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ KSTTX và tuần tra kiểm soát ATGT

- Tình trạng xe chở hàng quá tải dễ dàng vượt qua các trạm KTTTX, qua các chốt kiểm tra của CSGT, qua mặt các tổ KTTTX bằng cân xách tay vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp: Từng đoàn xe chở quá tải từ 50% đến 200% vẫn đi trót lọt từ Quảng Ninh, Hải Phòng qua nhiều địa phương, nhiều trạm KTTTX lên Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên; đi từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và ngược lại. Ngược lại, rất nhiều xe chở đúng tải trọng thì bị dừng để cân kiểm tra, trong khi đó vào giờ giao ca, giờ ăn cơm của CSGT, buổi tối, trời mưa thì từng đoàn xe quá tải vượt qua trạm KTTTX không bị dừng cân kiểm tra. Tình trạng ban ngày hàng trăm xe quá tải dừng ở hai phía trạm KTTTX, nhưng chỉ sau một đêm thì hàng trăm xe này biến mất mà không xe nào bị cân kiểm tra. Lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe nhưng không có hiệu lực, các xe vẫn chạy mà lực lượng CSGT không có biện pháp xử lý.

- Theo phản ánh về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN tại một số địa bàn sau có tiêu cực của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ KSTTX và tuần tra kiểm soát ATGT, cụ thể:

+ Tổ KTTTX bằng cân xách tay của tỉnh Bắc Giang trên QL.37, đoạn gần cầu Cẩm Lý: để các xe quá tải qua đây phải làm “luật” từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng;

- Lái xe làm “luật” qua “cò” với lực lượng chức năng tại các Trạm KTTTX địa bàn: Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông ... Mức làm “luật” từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng thậm chí là 5 triệu đồng/xe tùy mức độ khó khăn và đoạn đường vượt qua khu vực có trạm KTTTX.

3. Tiêu cực trong quản lý nhà nước và quản lý địa bàn hành chính

- Nhiều địa phương vì mục đích phát triển kinh tế của địa phương, đã không quan tâm xử lý xe quá tải của địa phương, thể hiện là số lượng xe trong địa phương được kiểm tra rất khiêm tốn, điển hình như: Yên Bái (1,8% và chỉ có 1,0% xe vi phạm), Quảng Bình (2,9% và chỉ có 2,8% vi phạm), TT - Huế (3,0% và chỉ có 3,5% vi phạm), Đà Nẵng (4,2% và chỉ có 2,6% vi phạm), Ninh Thuận (4% và chỉ có 6,1% vi phạm), Đắk Nông (4,3% và chỉ có 4,5% vi phạm), Ninh Bình (6% và có 18,8% vi phạm), Thanh Hóa (4,5% và có 9,7% vi phạm), Hà Tĩnh (6,9% và có 10% vi phạm), Khánh Hòa (5,7% và có 6,2% vi phạm).

- Tình trạng Lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương, Lãnh đạo Công an Tỉnh, TP chưa quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo xử tình trạng xe quá tải tìm mọi cách vượt qua địa bàn tỉnh, đỗ đậu hai đầu trạm KTTTX. Tỉnh TT-Huế có tình trạng này đã kéo dài, đêm ngày 04/8 và sáng ngày 05/8 khi đồng chí GĐ Công an tỉnh trực tiếp ra hiện trường Trạm KTTTX TT-Huế để kiểm tra và chỉ đạo xử lý tình trạng xe quá tải đỗ đậu hai phía và vượt Trạm KTTTX, thì tình trạng xe quá tải qua địa phận TT-Huế đã giảm, tình trạng xe quá tải đỗ đậu hai phía và vượt Trạm KTTTX hiện tại đã chấm dứt. Đây là việc mà các đồng chí lãnh đạo Công an các tỉnh, TP cần thường xuyên thực hiện.

II. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA VÀ CHỐNG TIÊU CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG KSTTX

1. Đối với tiêu cực trong hoạt động vận tải

- Các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động, ký cam kết đối với các tổ chức và cá nhân là chủ bán hàng và chủ mua hàng, các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất vật liệu, khai thác mỏ, khai thác lâm, nông thổ sản, xây dựng công trình, dự án …, chủ xe, doanh nghiệp vận tải và lái xe thực hiện vận tải đúng quy định.

- Các lực lượng chức năng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý hành chính, xử phạt hành chính những tổ chức, cá nhân là những đối tượng nêu trên mà vẫn cố tình vi phạm. UBND cấp tỉnh chỉ đạo CSGT và Thanh tra giao thông, áp dụng nguyên tắc xử phạt quy định trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính đối với tất cả những tổ chức, cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm; Áp dụng biện pháp xử lý hành chính như không thuê xe vi phạm từ 02 lần trở lên, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm trong các khâu xuất, bốc xếp, cân, giao, nhập, nhận hàng quá tải trọng của xe ô tô;

- Công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Cấm các tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng có vi phạm quá tải không cho đấu thầu, tham gia thực hiện các dự án, các gói thầu xây dựng.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng tăng chế tài xử phạt chủ xe, lái xe vi phạm quá tải trọng.

2. Đối với tiêu cực của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ KSTTX và tuần tra kiểm soát ATGT

- Lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ, TTGT, Công chức thanh tra, nhân viên thanh tra có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng, vững vàng, có trình độ chuyên môn tốt để thực hiện nhiệm vụ KSTTX. Ví dụ như Công an TP Hồ Chí Minh lựa chọn những đồng chí là nguồn quy hoạch, đang phấn đấu phát triển để thực hiện nhiệm vụ KSTTX tại các Trạm KTTTX;

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, quán triệt đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm KTTTX và làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát ATGT, kiểm soát tải trọng xe; Những tổ chức, cá nhân vi phạm, cần xử lý kỹ luật ở mức cao nhất, trường hợp vi phạm ở mức đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Bổ sung hệ thống camera giám sát hoạt động của các trạm KTTTX;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát;

- Bộ Công an lập chuyên án đấu tranh phòng và chống tiêu cực trong chính lực lượng CSGT và TTGT; triệt phá các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội tham gia móc nối, dẫn đường cho xe quá tải lưu thông;

- Để giảm, tránh tiêu cực trong môi trường dễ bị đồng tiền cám dỗ và đảm bảo chế độ, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng làm nhiệm vụ KSTTX, cần phải tăng chế độ bồi dưỡng, độc hại, phụ cấp; khen thưởng, động viên kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác KSTTX.

3. Đối với tiêu cực trong quản lý nhà nước và quản lý địa bàn hành chính

- Lãnh đạo Đảng và chính quyền các địa phương cần xác định công tác KSTTX là nhiệm vụ chính trị, thực hiện chỉ đạo của Ban bí thư TW Đảng và Chính phủ, nhằm bảo vệ KCHT công trình đường bộ, ATGT cho chính địa phương mình, đồng thời thực hiện các giải pháp để giảm áp lực cho đường bộ, kết nối, tạo cân bằng và phát huy các phương thức vận tải khác trong địa phương và trong cả nước.

- Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, trong phạm vi quản lý hành chính của mình, không được để các chủ xe, doanh nghiệp vận tải bằng ô tô chở hàng quá tải, không được để các nhà máy, cơ sở sản xuất hàng hóa, các mỏ, khai thác quặng, vật liệu, các khu khai thác lâm, nông, thổ sản, xây dựng công trình, dự án … xuất, bốc xếp, giao, nhập, nhận hàng quá tải trọng của xe ô tô.

- Người đứng đầu Đảng bộ, Chính quyền cấp tỉnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở GTVT phải có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường và tìm mọi biện pháp kiểm soát, không được để tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn.

4. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, truyền thông.

- Nêu cao và tăng cường vai trò giám sát cộng đồng;

- Xác định báo chí là vũ khí sắc bén để phòng ngừa, chống tiêu cực; kịp thời phản ánh, biểu dương những cá nhân, tập thể vượt khó khăn, có hành động kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có giải pháp hay phòng chống tiêu cực; đồng thời phản ánh những biểu hiện tiêu cực gây bức xúc;

- Tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, để mọi người hiểu, ủng hộ, chấp hành tốt quy định của pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe.

5. Biện pháp kỹ thuật và cơ chế chính sách

- Giám sát lộ trình lưu thông của xe quá tải thông qua thiết bị giám sát hành trình kết hợp với phần mềm KSTTX để xác định trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ dừng xe tại trạm KTTTX và các tổ tuần tra kiểm soát giao thông;

- Trang bị tăng cường cân xách tay cho lực lượng Công chức Thanh tra của các Cục QLĐB, lực lượng Thanh tra giao thông phụ trách các quận, huyện, lực lượng Công an cấp huyện để cả xã hội cùng KSTTX;

- Kịp thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản QPPL và văn bản hướng dẫn, điều chỉnh cơ chế quản lý nhà nước để tạo trong tư tưởng, suy nghĩ của chủ xe, doanh nghiệp vận tải, lái xe, chủ mua, bán hàng không muốn, không dám và không thể chở hàng quá tải.

Tổng cục ĐBVN trân trọng báo cáo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ GTVT;
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (b/c);
- Văn phòng Ủy ban ATGT QG (b/c);
- Thanh tra Bộ;
- Các Phó TCT;
- Đài Truyền hình Việt Nam, VTV1, VTV2;
- Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV1, VOV Giao thông;
- Báo Giao thông vận tải;
- Tạp chí ĐBVN;
- Lưu: VT, ATGT.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Huyện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 4057/TCĐBVN-ATGT năm 2014 về tình hình tiêu cực - công tác phòng ngừa và chống tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 4057/TCĐBVN-ATGT
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 14/08/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục đường bộ Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản