Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2009

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, theo đó Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm” tại kỳ họp thứ 5. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 715 NQ/UBTVQH12 ngày 22/12/2008 về việc thành lập Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội với nhiệm vụ thực hiện giám sát chuyên đề nêu trên, báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo Chính phủ, các bộ có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết 715 NQ/UBTVQH12, Đoàn giám sát đã làm việc tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TW ([1]); làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP); xem xét báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về VSATTP của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 61 báo cáo giám sát của các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 3/4/2009, Đoàn giám sát đã họp để xem xét, thảo luận thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Ngày 20/4/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP. Sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.

Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TỪ 2004 – 2008

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

1.1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Trong 5 năm từ 2004 đến 2008, các quy định liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP đã được ban hành trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác nhau như pháp luật về VSATTP, pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y… Số văn bản QPPL có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP do các cơ quan Trung ương ban hành là 337, do các cơ quan địa phương ban hành là 930 (Xem Phụ lục I.a và I.b).

Nhìn chung, các văn bản QPPL đã ban hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP, nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ([2]), bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện còn bộc lộ một số bất cập, cụ thể là:

- Số văn bản QPPL có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP là quá nhiều([3]). Theo thống kê sơ bộ còn có 48 văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung quy định không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung ([4])...; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP còn chưa đồng bộ giữa các văn bản với cùng một hành vi vi phạm([5]) (Xem Phụ lục II).

- Một số lĩnh vực quản lý còn thiếu quy định cụ thể như quy định về quản lý thực phẩm chức năng, về lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm, về phân công trách nhiệm phối hợp của thanh tra chuyên ngành về VSATTP..; tiến độ ban hành văn bản dưới luật còn chậm([6]).

1.2. Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP

Hiện tại, trên thị trường có hàng chục ngàn loại thực phẩm, tuy nhiên, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng VSATTP còn thiếu và lạc hậu. Tính đến tháng 2/2009 mới có 406 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến VSATTP được ban hành cho sản phẩm thực phẩm (tỷ lệ tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 63%) ([7]).

Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007 thì việc quản lý chất lượng VSATTP phải theo quy chuẩn kỹ thuật và phải công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Nghị định 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/8/2007 hướng dẫn thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã quy định rõ “việc chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) phải hoàn thành trước ngày 31/12/2008” nhưng theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2008 không có QCKTQG nào về VSATTP được thẩm định để ban hành. Việc thiếu QCKTQG trong quản lý VSATTP cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

2. Việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh

Triển khai thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, Chính phủ, các bộ, UBND các tỉnh đã quan tâm, tích cực chỉ đạo việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP. Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh VSATTP; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 43/2006/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm an toàn thực phẩm cho đến năm 2010” và Chỉ thị 06/2007/CT-TTg về triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm VSATTP. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt “Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng VSATTP” làm căn cứ cho hoạt động quản lý chất lượng VSATTP của địa phương. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở Trung ương. Các ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP cũng được thành lập ở UBND các cấp. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành cũng được tăng cường khi có dịch bệnh như phòng chống dịch cúm gia cầm, phòng chống dịch tiêu chảy cấp... (Xem Phụ lục I). Do vậy đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của xã hội về bảo đảm chất lượng VSATTP.

3. Tổ chức bộ máy, năng lực thực thi pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

3.1. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP

Hiện tại, việc quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP được phân công, phân cấp cho các bộ và địa phương theo pháp luật về VSATTP.

Ở Trung ương, có 5 bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung cấp thực phẩm, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP. Tại mỗi bộ có đơn vị đầu mối là cục hoặc vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của bộ([8]). Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP trung ương được thành lập để chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các bộ trong các vấn đề liên ngành về VSATTP.

Ở địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong phạm vi địa phương. Tham mưu giúp UBND tỉnh là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - PTNT, các sở, ban, ngành hữu quan khác. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp (được thành lập tới cấp xã) có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp hoạt động liên ngành tại địa phương. Từ tháng 8/2008 đến nay, triển khai thực hiện Nghị định 79/2008/NĐ-CP đã có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập Chi cục quản lý chất lượng VSATTP trực thuộc Sở Y tế hoặc Khoa VSATTP tại Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh; 16 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, 41 tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT (Xem Phụ lục III.a).

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2008 cả nước có 128 cơ quan chuyên ngành tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến chất lượng VSATTP. Về nhân lực, ở cấp tỉnh, tham gia công tác VSATTP gồm có cán bộ nghiệp vụ quản lý kiêm nhiệm 0,5 người/tỉnh, thanh tra 0,5 người/tỉnh, khoa VSATTP 2,9 người/tỉnh, khoa xét nghiệm 3,2 người/tỉnh. Ở cấp huyện, không kiêm nhiệm quản lý 0,3 người/huyện, kiêm nhiệm y tế dự phòng 0,9 người/huyện ([9]). Cấp xã chỉ có từ 0,5-1 người được phân công giúp UBND xã về công tác VSATTP.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, nhân lực tham gia công tác quản lý chất lượng VSATTP tăng dần hàng năm. Năm 2008, ở cấp tỉnh ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 1.970 người (trung bình là 31,3 người/tỉnh). Ở cấp huyện ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 1.949 người (trung bình là 3,0 người/huyện) ([10]). Ở cấp xã, ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 11.516 người (trung bình là 1,05 người/xã)([11]) nhưng chưa được trả lương vì hiện tại cấp xã/phường không được giao chức năng quản lý về VSATTP. Như vậy, tính đến năm 2008 ước cả nước có 15.435 người tham gia vào công tác quản lý chất lượng VSATTP (Xem phụ lục III.b).

Trên đây là con số ước tính số người tham gia vào công tác quản lý chất lượng VSATTP. Con số này chưa cho thấy số người trực tiếp tham gia công tác quản lý nhà nước về VSATTP và số người tham gia quản lý ở từng công đoạn của chuỗi thực phẩm (như của ngành nông nghiệp, ngành công thương, khoa học và công nghệ,...) để làm căn cứ cho việc tính chi phí cho bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP.

3.2. Về hệ thống tổ chức kiểm nghiệm, trang thiết bị kiểm nghiệm VSATTP

Thực hiện Nghị định 79/2008/NĐ-CP, mạng lưới kiểm nghiệm VSATTP đang được kiện toàn từ TW đến địa phương([12]).Đây là văn bản quan trọng để kiện toàn hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP trong cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 72 cơ sở tham gia kiểm nghiệm VSATTP. Nhưng, qua thực tế giám sát cho thấy, số lượng cơ sở tham gia vào công tác này lớn hơn nhiều. Việc tăng cường trang thiết bị dịch vụ kỹ thuật theo Nghị định này cũng đã góp phần đổi mới phương thức quản lý chất lượng VSATTP, tạo thuận lợi trong kinh doanh, dịch vụ và quản lý hàng hóa thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kiểm nghiệm còn thiếu hóa chất, mẫu chuẩn, thiết bị hiện đại có độ chính xác cao, phân tích nhanh nên gây khó khăn cho công tác quản lý VSATTP, đặc biệt là trong việc xử lý các tình huống trong thực tế.

3.3. Về tổ chức thực hiện

Công tác quản lý chất lượng VSATTP đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ máy tổ chức, trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí đang từng bước được tăng cường cho yêu cầu quản lý; nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về VSATTP đã được bổ sung, ở cấp xã đã có cán bộ kiêm nhiệm theo dõi về VSATTP; các ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã được thành lập và đi vào hoạt động; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật và thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP đã được coi trọng…Tuy nhiên, qua giám sát các bộ và địa phương cho thấy, việc thực hiện công tác quản lý chất lượng VSATTP vẫn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể là: việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật còn chậm, bộ máy tổ chức quản lý còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở địa phương còn chưa tốt (thể hiện rõ qua báo cáo gửi Đoàn giám sát, số liệu chủ yếu là của ngành y tế chưa thấy sự kết nối số liệu giữa ngành y tế với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành công thương, ngành khoa học và công nghệ…); việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm còn chậm; thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; đầu tư kinh phí từ ngân sách còn thấp nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

4. Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý chất lượng VSATTP

Hiện tại, đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kinh phí được cấp cho công tác quản lý chất lượng VSATTP giai đoạn 5 năm (từ 2004-2008) là 329 tỷ đồng, tính bình quân đầu người của cả nước chỉ đạt 780 đồng/người/năm - chỉ bằng 1/19 mức đầu tư của Thái Lan và bằng 1/136 mức đầu tư cho công tác ATVSTP của một cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) của Mỹ.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 54 tỉnh báo cáo về kinh phí cho công tác quản lý VSATTP trong 5 năm từ 2004 đến năm 2008 cho thấy, nguồn ngân sách trung ương cấp cho công tác này là rất thấp, nguồn ngân sách các địa phương dành cho công tác này còn thấp hơn nhiều, chỉ có một số ít tỉnh có đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động này ([13]). Trung bình tổng kinh phí đầu tư cho một tỉnh giai đoạn 2004-2006 là 484,76 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 762,1 triệu/tỉnh/năm (Xem Phụ lục IV.a và IV.b), trong đó:

- Chi cho việc ban hành văn bản giai đoạn 2004-2006 là 1,63 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 3,05 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo giai đoạn 2004-2006 là 24,56 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 54,6 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho kiểm tra, thanh tra giai đoạn 2004-2006 là 108,23 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 184,3 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho mua trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất giai đoạn 2004-2006 là 95,27 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 97,25 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho xét nghiệm, kiểm nghiệm, giám định giai đoạn 2004-2006 là 20,03 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 28,9 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho điều tra ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2004-2006 là 13,97 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 26,1 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho xây dựng mô hình điểm giai đoạn 2004-2006 là 36,1 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 81,15 triệu/tỉnh/năm.

- Chi cho tuyên truyền, giáo dục về VSATTP giai đoạn 2004-2006 là 119,3 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 186,75 triệu/tỉnh/năm.

- Chi khác trong giai đoạn 2004-2006 là 69,2 triệu/tỉnh/năm, giai đoạn 2007-2008 là 94,9 triệu/tỉnh/năm.

Mặc dù trung bình kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP giai đoạn 2007-2008 đã tăng 1,57 lần so với giai đoạn 2004- 2006 nhưng vẫn còn thấp, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về VSATTP tại địa phương.

Mặt khác, qua giám sát tại các tỉnh, thành phố cho thấy, đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP thực tế không chỉ có nguồn đầu tư từ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP (do bộ Y tế chủ trì) mà còn có các nguồn khác như đầu tư cho việc thực hiện các chương trình nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật... do các bộ khác chủ trì thực hiện. Bên cạnh đó còn có sự đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp cho công tác này. Do vậy, Chính phủ cần xem xét để có số liệu báo cáo sát thực, đầy đủ về vấn đề này để thấy rõ hiệu quả của việc đầu tư sử dụng nguồn ngân sách cho công tác quản lý chất lượng VSATTP.

5. Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP

5.1. Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính

Hoạt động kiểm tra, thanh tra chất lượng VSATTP trong thời gian qua đã được tăng cường nên đã phát huy hiệu quả tích cực; đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về VSATTP. Theo số liệu từ báo cáo của các tỉnh, thành phố trong 5 năm 2004-2008 đã tổ chức 1.361.198 lần kiểm tra và 56.113 đoàn thanh tra (Xem Phụ lục V.a và V.b). Trong số 13 loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) liên quan đến bảo đảm chất lượng VSATTP, số cơ sở SXKD được thanh tra hàng năm giai đoạn 2004-2006 là 77.184 cơ sở/năm, giai đoạn 2007-2008 là 123.722 cơ sở/năm. Kết quả thanh tra cho thấy:

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD đạt yêu cầu tăng từ 55,7%/năm (2004-2006) lên 65,0%/năm (2007-2008).

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị cảnh cáo giảm từ 34,0%/năm (2004-2006) xuống 23,6%/năm (2007-2008).

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị phạt tiền tăng từ 5,5%/năm (2004-2006) lên 8,2%/năm (2007-2008), thể hiện tính răn đe mạnh hơn.

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị hủy sản phẩm tăng từ 2,1%/năm (2004-2006) lên 3,0%/năm (2007-2008), thể hiện tính răn đe mạnh hơn.

- Tỷ lệ các cơ sở SXKD bị đình chỉ sản xuất tăng từ 0,1%/năm (2004-2006) lên 0,2%/năm (2007-2008), thể hiện tính răn đe mạnh hơn.

Như vậy, tỷ lệ cơ sở SXKD đạt yêu cầu có chiều hướng tăng ở những loại hình SXKD sau đây: cơ sở SXKD thuốc BVTV; sản xuất rau an toàn (RAT); chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại; nuôi trồng thủy sản; chế biến, bảo quản nông sản; chế biến, bảo quản thủy sản; tầu cá, cảng cá; kinh doanh thực phẩm; cơ sở ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Tỷ lệ cơ sở SXKD đạt yêu cầu có chiều hướng giảm ở những loại hình SXKD sau đây: cơ sở SXKD thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi; chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể kết quả của 56.113 đoàn thanh tra tại 478.966 cơ sở SXKD của 13 loại hình cơ sở SXKD liên quan đến bảo đảm chất lượng VSATTP cho thấy tỷ lệ cơ sở SXKD đạt yêu cầu có xu hướng tăng. Điều này chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các cơ sở SXKD đã được nâng lên.

Bên cạnh hoạt động thanh tra VSATTP của ngành y tế, thanh tra chuyên ngành về thú y, thủy sản, bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nên đã góp phần đảm bảo chất lượng VSATTP, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời ngăn chặn kịp thời hàng hóa không bảo đảm chất lượng vào Việt Nam (như ngăn chặn kịp thời một số lô thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm melamine).

Tuy nhiên, trong hoạt động thanh tra còn bộc lộ một số điểm bất cập, mỗi tỉnh chỉ có 0,5 cán bộ được biên chế làm công tác thanh tra VSATTP. Từ khi có Nghị định 79/2008/NĐ-CP, thanh tra chuyên ngành về VSATTP mới được thành lập ở Trung ương, Bộ Y tế hiện có 9 người, Bộ Nông nghiệp - PTNT có 3 người làm công tác thanh tra chuyên ngành VSATTP, ít hơn rất nhiều so với lực lượng thanh tra VSATTP ở một số nước ([14]). Do vậy, hoạt động thanh tra còn chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào tháng hành động chất lượng VSATTP và các dịp lễ, tết... Mặt khác, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp còn thiếu; việc xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết; mức xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa (giai đoạn 2004-2006 có 9.251 cơ sở SXKD bị phạt tiền, trung bình phạt 542 ngàn đồng/lần; giai đoạn 2007-2008 có 10.928 cơ sở SXKD bị phạt tiền, trung bình phạt 1.071 ngàn đồng/lần) ([15]). Bên cạnh đó, do phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thanh tra chuyên ngành còn chưa chặt chẽ nên có tình trạng trong một năm có nhiều đoàn thanh tra đến 1 doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện thấy các vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện VSATTP, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ ([16]); vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng.

5.2. Về xử lý hình sự

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, về xét xử hình sự đối với các vi phạm trong lĩnh vực VSATTP trong 5 năm 2004-2008 toàn ngành tòa án đã thụ lý 160 vụ (chiếm 0,05% tổng số vụ án hình sự đã thụ lý) với 292 bị cáo. Các Tòa án đã xét xử 152 vụ với 281 bị cáo (đạt tỷ lệ giải quyết xử 95% về số vụ và 96% số bị cáo); đã tuyên phạt tù từ trên 15 đến 20 năm đối với 1 bị cáo, từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 7 bị cáo, từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 47 bị cáo, từ 3 năm trở xuống đối với 90 bị cáo, được hưởng án treo đối với 128 bị cáo, cải tạo không giam giữ đối với 8 bị cáo... Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác xét xử vẫn tồn tại một số bất cập như căn cứ để chuyển các vi phạm pháp luật sang xử lý hình sự; căn cứ xác định mức thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng do vi phạm quy định về VSATTP để khởi tố các vụ vi phạm pháp luật hình sự còn chưa được quy định cụ thể.

6. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

Hoạt động tuyên truyền thời gian qua tập trung vào việc phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm; tập huấn kiến thức cho nông dân, cho người chế biến, kinh doanh thực phẩm... Công tác truyền thông còn được tăng cường trong những thời gian cao điểm như tháng hành động về chất lượng VSATTP, trong những ngày lễ, tết hoặc những thời điểm xảy ra dịch bệnh... Theo báo cáo của Chính phủ, qua 4 năm từ 2005-2008, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên tỷ lệ người tiêu dùng có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 38,3 % lên 48,6%, người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 47,8% lên 55,7%, người kinh doanh dịch vụ có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 38,6 % lên 49,4%.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật chưa thường xuyên. Nội dung tuyên truyền giáo dục chưa chuyên sâu cho các nhóm đối tượng, từng vùng miền; chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức kinh doanh và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Vì vậy, có tình trạng người sản xuất, kinh doanh thực phẩm do lợi ích trước mắt, sẵn sàng bỏ qua hoặc không thực hiện đúng các quy định về VSATTP gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; sự chênh lệch về nhận thức giữa khu vực đô thị và nông thôn còn lớn, tình trạng người dân ăn cá nóc, nấm độc, uống rượu có hàm lượng metanol cao... vẫn xảy ra.

 7. Quản lý hoạt động thông tin, quảng cáo về thực phẩm

Việc quản lý hoạt động thông tin, quảng cáo về thực phẩm còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng phổ biến là doanh nghiệp đăng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, phân phát các tài liệu quảng cáo khi chưa có giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo, chưa được cơ quan y tế thẩm định về nội dung. Nhiều trường hợp lợi dụng các hội chợ để quảng cáo không đúng về tác dụng của sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 2004 - 2008, trong số 3.033 giấy phép quảng cáo được cấp chỉ có 1.867 quảng cáo có giấy tiếp nhận hồ sơ của cơ quan y tế. Tổng số giấy phép quảng cáo thực phẩm đã cấp tăng dần từ 76 (năm 2004) lên 1.028 (năm 2008) và giấy phép cấp cho thực phẩm chức năng tăng từ 0 (năm 2005) lên 20 (năm 2008). Việc đăng tải, thông tin quảng cáo về chất lượng VSATTP trên phương tiện thông tin đại chúng tăng nhanh về số lượng. Tuy nhiên, cũng đã có thông tin, quảng cáo chưa đúng sự thật gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

8. Xã hội hóa công tác quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP

Chất lượng VSATTP chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như điều kiện KT-XH, năng lực quản lý, điều kiện SX-KD, khoa học công nghệ, trình độ dân trí, tập quán, thói quen tiêu dùng,...Quản lý VSATTP đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm. Do vậy, cần huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP.

Hiện tại, quản lý chất lượng VSATTP đã được xã hội hóa trong một số hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn như HACCP, GMP, Viet GAP...; đào tạo, tập huấn kiến thức về VSATTP, tuyên truyền giáo dục pháp luật về VSATTP...Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được đẩy mạnh, nhiệm vụ quản lý nhà nước giao cho các cơ quan quản lý khá nặng nề, trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn chế; chưa có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực từ các đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp... trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP, đặc biệt là trong hoạt động giám sát của cộng đồng.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

1. Quản lý chất lượng VSATTP trong sản xuất rau quả, lương thực, trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm

 1.1. Trong sản xuất rau, quả tươi sống

Hiện nay nước ta sản xuất 11,5 triệu tấn rau các loại. Hiện tại có 43 tỉnh, thành phố đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT). Tuy nhiên, diện tích đất đủ điều kiện trồng RAT mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, số còn lại do sản xuất nhỏ lẻ, không trong vùng quy hoạch nên khó kiểm soát về chất lượng. Một số mô hình sản xuất quả an toàn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, rau quả Việt nam đã xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và một số nước khác ([17]). Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 396 triệu USD ([18]).

Ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ kiểm soát được 20- 30% nhu cầu rau xanh của thành phố.

Về ô nhiễm vi sinh vật: Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại TP. Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh trong Quý 3-4/2008 của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm cho thấy, trong 76 mẫu rau thì 40 mẫu nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,6%); 6 mẫu rau nhiễm Salmonella (chiếm 7,9%) ([19]). Số liệu trên cho thấy, môi trường đất và nước để trồng rau là chưa đáp ứng tiêu chuẩn để sản xuất RAT. Việc này đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng trồng RAT theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để bảo đảm chất lượng rau.

Về tồn dư hóa chất: Kết quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả tại các chợ đầu mối, các siêu thị và vùng sản xuất tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận trong năm 2008 cho thấy, trong 412 mẫu rau các loại được kiểm tra phát hiện 48 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), 1 mẫu có dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng Endosunfal (chiếm 0,2%); trong 99 mẫu quả được kiểm tra có 15 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%) ([20]).

Theo số liệu từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong số mẫu chưa đạt yêu cầu, bên cạnh các nguyên nhân ô nhiễm khác thì nguyên nhân ô nhiễm do tồn dư hóa chất BVTV giai đoạn 2004-2006 là 4,9%, giai đoạn 2007-2008 là 5,72%; ô nhiễm do hóa chất bảo quản là 0,005%; ô nhiễm do dụng cụ, bao gói là 0,01% (trong 2 năm 2007-2008). Trong giai đoạn 2007-2008, hoạt động lấy mẫu giám sát đã được tăng cường và tập trung vào các địa điểm có nguy cơ ô nhiễm cao nên đã kịp thời phát hiện, cảnh báo nhiều trường hợp ô nhiễm do tồn dư thuốc BVTV. Ô nhiễm do hóa chất bảo quản và do dụng cụ, bao gói đối với rau là không đáng kể. Theo báo cáo của 22 tỉnh, thành phố, với 11.716 mẫu kiểm tra thì tồn dư hóa chất trong rau năm 2008 chiếm 7,08%, đây là mức cao nhất trong 4 năm gần đây (Xem Phụ lục VI.a).

Kết quả phân tích số liệu trong báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trung bình số mẫu rau quả tươi đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 91,0 %, giai đoạn 2007-2008 là 90,5%. (Xem Phụ lục VI.b).

Nhìn chung, các quy định về sản xuất, kinh doanh rau, quả được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực hiện không đúng các quy định về sử dụng thuốc BVTV và thời gian cách ly trước khi thu hoạch rau quả nên tồn dư hóa chất trong rau, quả vẫn ở mức cao. Thực tiễn giám sát cho thấy, việc quy hoạch vùng sản xuất RAT còn chậm; việc xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối RAT, quản lý chất lượng RAT trên thị trường còn chưa được thực hiện tốt, tình trạng giả thương hiệu RAT vẫn xẩy ra gây tâm lý không an tâm cho người tiêu dùng.

1.2. Trong sản xuất một số nông sản chủ lực

Đối với một số nông sản chủ lực như lúa gạo, ngô... của nước ta cơ bản đạt yêu cầu VSATTP do kiểm soát được thuốc BVTV trong canh tác ([21]) và áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản. Vì vậy mà mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 4,5 - 5 triệu tấn/năm, đứng thứ 2 trên thế giới. Riêng năm 2008, tổng sản lượng lúa đạt 38,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD.

1.3. Trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, số lượng gia súc, gia cầm giết mổ trong năm 2008 được kiểm soát giết mổ đạt 58,1%. Tỷ lệ gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát tuy có tốt hơn trước nhưng vẫn còn thấp. Theo báo cáo của các địa phương (Xem Phụ lục V.a), tuy số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn trước nhưng kết quả thanh tra 6.891 cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm cho thấy số cơ sở đạt yêu cầu giảm từ 61,8% (giai đoạn 2004-2006) xuống 51,8% (giai đoạn 2007-2008). Một số địa phương đã có quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung nhưng triển khai gặp nhiều khó khăn, không duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ do giá thành quá cao, nhiều địa phương khác vẫn chưa có quy hoạch giết mổ ([22]). Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm ở các lò mổ tư nhân không đảm bảo điều kiện VSATTP là phố biến. Hiện nay, chỉ có 617 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 3,6% tổng số cơ sở giết mổ trong cả nước), trong đó 20 cơ sở có đủ điều kiện để giết mổ xuất khẩu; 16.512 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm tươi sống không tuân thủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội. Có nơi, có lúc, việc kiểm tra vệ sinh thú y, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc thú y trong thịt và sản phẩm từ thịt còn mang tính hình thức, hành chính,([23]) chưa kịp thời, thường xuyên. Công tác kiểm dịch động vật còn kém hiệu quả. Ở nhiều địa phương vẫn có tình trạng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sai quy định; trang thiết bị cho các chi cục thú y, trạm, chốt kiểm dịch còn hạn chế, hoạt động kiểm dịch chủ yếu vẫn dựa trên giấy tờ hoặc theo cảm quan.

Ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thịt và sản phẩm thịt: Tại Hà Nội, trong số 72 mẫu thịt lợn được kiểm tra có 3 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 4,1%) và 4 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 5,5%); trong số 72 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,3%) và 7 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 9,7%). Tại TP Hồ Chí Minh, trong số 69 mẫu thịt lợn có 4 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 5,8%) và 37 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 53,6%); trong số 69 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,7%) và 41 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 59,4%) ([24]). Số liệu trên cho thấy, điều kiện giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống hiện nay vẫn còn là một khâu yếu trong chuỗi cung cấp sản phẩm thịt.

Ô nhiễm hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, một số hoóc môn tăng trưởng như Salbutamol và Clenbuterol là chất cấm sử dụng do có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt ([25]).

Theo số liệu từ báo cáo của các tỉnh, thành phố, tồn dư hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt tươi sống (trong đó có thủy sản) giai đoạn 2004-2006 là 3,91%, giai đoạn 2007-2008 là 6,39% (đặc biệt với 2.275 mẫu kiểm tra ở 19 tỉnh trong năm 2008, số mẫu thịt và sản phẩm thịt tươi sống có tồn dư hóa chất chiếm 11,08% là cao nhất trong 5 năm gần đây); ô nhiễm hóa chất bảo quản thực phẩm giai đoạn 2004 – 2006 là 19,43%, giai đoạn 2007-2008 là 8,87%; ô nhiễm do dụng cụ, bao gói giai đoạn 2004- 2006 là 5,13%, giai đoạn 2007-2008 là 15,27%. Như vậy, tồn dư hóa chất và hóa chất bảo quản thực phẩm trong thịt và sản phẩm động vật tươi sống là vấn đề rất cần được quan tâm (Xem Phụ lục VI.a).

Số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cũng cho thấy, trung bình số mẫu thịt, sản phẩm từ thịt tươi sống (trong đó có thủy sản) đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 68,2%, giai đoạn 2007-2008 là 62,9% (Xem Phụ lục VI.b).

Như vậy, từ khi Pháp lệnh Thú y có hiệu lực thi hành (10/2004), công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y có được cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch giết mổ tập trung còn chậm, thực hiện quy định về vệ sinh thú y còn chưa nghiêm túc, quản lý thuốc thú y còn chưa tốt, việc trộn chất kích thích sinh trưởng bị cấm trong thức ăn chăn nuôi vẫn xẩy ra ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Do vậy, tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt còn cao và khó kiểm soát.

1.4. Trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tươi sống

Việc kiểm soát chất lượng VSATTP được thực hiện thông qua các chương trình như Chương trình an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, Chương trình kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi, Chương trình kiểm soát sản phẩm thủy sản sau thu hoạch, các quy định về điều kiện vùng nuôi,.. nên chất lượng VSATTP đối với sản phẩm thủy sản được cải thiện rõ rệt, đặc biệt chất lượng thủy sản xuất khẩu ngày càng có uy tín ([26]). Vì vậy, sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, trong đó thủy sản nuôi trồng đứng thứ 2. Riêng năm 2008, xuất khẩu thủy sản đạt 4,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng VSATTP đối với thủy sản tiêu dùng nội địa vẫn còn bất cập như tình trạng sử dụng ure để bảo quản, sử dụng chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Năm 2007, kết quả phân tích 571 mẫu thủy sản sau thu hoạch với hơn 1.870 lượt chỉ tiêu phân tích, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu kháng sinh bị cấm như Chloramphenicol, Nitrofuran, hoá chất bảo quản (urê) cho thấy có 1 mẫu nhiễm dẫn xuất của nitrofuran (chiếm 0,17%); 1 mẫu có hàm lượng Cadimi vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 0,17%). Kiểm tra về vi sinh vật gây bệnh thấy có 21 mẫu vượt mức cho phép (chiếm 3,68%), 17 mẫu có kết quả TPC, Coliforms vượt mức cho phép (chiếm 2,98%); 2 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 0,35%), 2 mẫu nhiễm E.coli (chiếm 0,35) ([27]).

Thực trạng trên cho thấy, yêu cầu kiểm soát chất lượng VSATTP đối với thủy sản xuất khẩu rất cao nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thực hiện nghiêm túc vì nếu không bảo đảm chất lượng VSATTP thì hàng bị trả lại gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, với thủy sản nội địa, mặc dù quy định của pháp luật là đầy đủ nhưng việc kiểm tra và xử lý vi phạm chưa được chú trọng nên chất lượng VSATTP của thủy sản tiêu thụ nội địa còn chưa cao.

2. Quản lý chất lượng VSATTP trong xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm

2.1. Trong xuất khẩu thực phẩm

Việc kiểm soát VSATTP xuất khẩu được thực hiện theo hợp đồng. Việc tự kiểm soát chất lượng VSATTP sản phẩm xuất khẩu được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Hiện tại, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo, thủy sản, chè, cà phê, hồ tiêu, điều, thịt lợn, mật ong ([28]), v.v... Nhìn chung, sản phẩm thực phẩm xuất khẩu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng VSATTP, tỷ lệ hàng bị trả về hoặc phải tiêu hủy thấp. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản năm 2008 ước đạt 10,2 tỷ USD.

2.2. Trong nhập khẩu thực phẩm

Năm 2008, cả nước nhập khẩu các loại sản phẩm nông nghiệp trị giá 1.558,7 triệu USD (sữa và sản phẩm sữa 553,9 triệu USD, lúa mỳ 292,6 triệu USD, bột mỳ 25,5 triệu USD, dầu mỡ động thực vật 665,5 triệu USD, đường 35,8 triệu USD) ([29]). Việc nhập khẩu thực phẩm được thực hiện theo các quy định của pháp luật về VSATTP, về hải quan, về thương mại, về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về thú y,... Kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP của thực phẩm nhập khẩu được giao cho 12 cơ quan nhà nước do Bộ Y tế chỉ định. Hiện tại, các cơ quan này mới chỉ tập trung vào kiểm soát thực phẩm nhập khẩu chính ngạch và kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 0,07% số lượng thực phẩm không đạt yêu cầu ([30]). Việc quản lý nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, phát hiện, phòng chống buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ ([31]). Tình trạng nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có giấy xác nhận chất lượng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra nhà nước..., nhập lậu động vật và sản phẩm động vật, hoa quả tươi không qua kiểm dịch còn xảy ra([32]). Qua khảo sát thực tế của Đoàn giám sát ở một số cửa khẩu, tình trạng chung là trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu, thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động, thiết bị kiểm tra nhanh. Việc kiểm tra chất lượng VSATTP chủ yếu dựa vào cảm quan. Mặt khác, tình trạng thiếu kho ngoại quan tại các cửa khẩu cũng là trở ngại lớn cho việc kiểm soát VSATTP vì khi hàng hoá được đưa về kho của chủ hàng để đợi kết quả kiểm tra thì nhiều trường hợp chủ hàng phát tán hàng hóa trước khi có kết quả kiểm tra. Bên cạnh đó, theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới giữa các nước có chung đường biên thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới trị giá dưới 2 triệu VNĐ không phải khai báo thủ tục hải quan. Quy định này cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát VSATTP ở các tỉnh biên giới.

Nhìn chung, văn bản pháp luật quy định đối với nhập khẩu thực phẩm khá đầy đủ, tuy nhiên, trong việc thực thi pháp luật còn một số điểm chưa hợp lý. Ví dụ: rau quả tươi, trứng, động vật và sản phẩm động vật... ngoài việc kiểm tra chất lượng VSATTP do cơ quan y tế thực hiện còn đồng thời phải kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y do cơ quan nông nghiệp thực hiện. Do vậy, vấn đề thủ tục nhập khẩu đối với hàng hóa thực phẩm cần được xem xét, thống nhất đầu mối để tránh gây phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm hiệu quả quản lý.

3. Quản lý chất lượng VSATTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm

3.1. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm; cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm

Việc quản lý chất lượng VSATTP đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được thực hiện thông qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập:

- Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm còn chậm, tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý (Năm 2006, số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP mới chỉ đạt 0,3% ([33]), năm 2008 có tiến bộ nhưng cũng chỉ đạt 11,2%). Tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh (ví dụ ở Đà Nẵng đạt 76.1%, ở Quảng Trị đạt 56,7%, ở TP. Hồ Chí Minh đạt 50,6%, ở Đắc Lắc đạt 22,3%) và giữa các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (hiện nay, có tới 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP) ([34]). Điều này cho thấy đây là khâu yếu trong tổ chức thực hiện. Mặc dù khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh VSATTP quy định kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện, nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP lại không được coi là điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh. Vì vậy, nhiều địa phương Đoàn đến giám sát đề nghị nên quy định Giấy chứng nhận này là một điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh.

- Việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm cũng ở tình trạng tương tự, trong hàng chục ngàn sản phẩm thực phẩm mới chỉ có 25.224 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm ([35]). Sở dĩ có tình trạng trên là do việc phân công, phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận còn chưa hợp lý, nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác này còn hạn chế.

3.2. Đối với thực phẩm chế biến thủ công và thực phẩm chế biến công nghiệp

Số liệu từ báo cáo của một số tỉnh cho thấy, số mẫu thực phẩm chế biến công nghiệp đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 91,3%, giai đoạn 2007-2008 là 89,7%; số mẫu thực phẩm chế biến thủ công đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 77,9%, giai đoạn 2007-2008 là 83,5% (Xem Phụ lục VI.b). Như vậy, 2 năm gần đây thực phẩm chế biến thủ công có nhiều tiến bộ nhưng độ an toàn của thực phẩm chế biến thủ công thấp hơn thực phẩm chế biến công nghiệp.

Về ô nhiễm sản phẩm chế biến thủ công do hóa chất tồn dư và do dụng cụ, bao gói là cao hơn so với sản phẩm chế biến công nghiệp; ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm trong chế biến công nghiệp là cao hơn so với chế biến thủ công (Xem Phụ lục VI.a), cụ thể là:

- Tồn dư hóa chất trong sản phẩm chế biến thủ công giai đoạn 2004-2006 là 1,10%, giai đoạn 2007-2008 là 2,45%. Ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm giai đoạn 2004-2006 là 5,59%, giai đoạn 2007-2008 là 3,35%. Ô nhiễm do dụng cụ, bao gói giai đoạn 2004-2006 là 15,21%, giai đoạn 2007-2008 là 10,22%. Như vậy, tồn dư hóa chất có chiều hướng tăng, ô nhiễm do hóa chất bảo quản và do dụng cụ, bao gói có chiều hướng giảm.

- Tồn dư hóa chất trong sản phẩm chế biến công nghiệp giai đoạn 2004-2006 là 0,73%, giai đoạn 2007-2008 là 0,81%. Trong đó, ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm giai đoạn 2004-2006 là 6,22%, giai đoạn 2007-2008 là 13,29%; ô nhiễm do dụng cụ, bao gói giai đoạn 2004-2006 là 1,91%, giai đoạn 2007-2008 là 2,10%. Như vậy, tồn dư hóa chất và ô nhiễm do dụng cụ, bao gói có chiều hướng tăng nhẹ, đối với hóa chất bảo quản thực phẩm tăng nhiều hơn.

Việc sản xuất, kinh doanh loại thực phẩm là thức ăn chín, chế biến ăn liền đã được cải thiện so với những năm trước đây, tuy nhiên, việc sử dụng các chất bị cấm sử dụng trong chế biến thức ăn chín vẫn còn phổ biến... Theo báo cáo của Bộ Y tế, kết quả kiểm tra thức ăn đường phố các năm 2005-2008 cho thấy tình trạng sử dụng một số hóa chất bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vẫn ở tỷ lệ cao ([36]).

3.3. Đối với chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm

Chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nguyên liệu thực phẩm được kiểm tra năm 2008 là 27.587.658 kg/298 lô. Việc quản lý VSATTP đối với chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm còn bất cập: văn bản QPPL trong lĩnh vực này còn thiếu cụ thể; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên; phương tiện, trang thiết bị kiểm tra còn hạn chế. Tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng còn phổ biến ở các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thủ công. Đoàn giám sát được các địa phương phản ảnh, có nhiều loại phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng VSATTP vẫn lưu thông trên thị trường.

3.4. Đối với rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai

Nhìn chung, các quy định quản lý chất lượng VSATTP; tiêu chuẩn đối với rượu, nước giải khát, nước uống đóng chai được ban hành khá đầy đủ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống quy mô công nghiệp tuân thủ khá đầy đủ các quy định về VSATTP. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhưng phần lớn cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai quy mô nhỏ, thủ công còn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về VSATTP.

Sản xuất rượu thủ công vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (250-300 triệu lít/năm) ([37]) và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Tuy nhiên, việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu còn chưa tốt. Hiện tại, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công. Do vậy, tình trạng tử vong do ngộ độc rượu còn cao ([38]). Lượng rượu giả bị thu giữ tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nước giải khát kém chất lượng bị thu giữ ngày càng tăng ([39]). Các vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này là vi phạm quy định về ghi nhãn, quy trình sản xuất, dụng cụ, bình chứa không bảo đảm VSATTP, vị trí sản xuất không bảo đảm cách ly với khu vực gây ô nhiễm (có cơ sở sản xuất bia, nước uống đóng chai Đoàn giám sát đến làm việc có địa điểm sản xuất nằm sát nghĩa trang). Gần đây, qua kiểm tra của nhiều tỉnh, thành phố đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm nghiêm trọng các quy định về VSATTP như các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải ([40]).

3.5. Đối với thực phẩm chức năng và sữa

- Đối với thực phẩm chức năng:

Thực phẩm chức năng xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, chủ yếu là nhập khẩu (riêng thực phẩm chức năng nhập khẩu được kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP năm 2008 đã là 7.887.000 kg/106 lô) nhưng tiêu chí và phương thức quản lý loại thực phẩm này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. Quy định về quản lý thực phẩm chức năng còn thiếu cụ thể, như quy định về việc bán hàng đa cấp, quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng,... Bên cạnh đó, do năng lực của các cơ sở kiểm nghiệm còn hạn chế nên nhiều khi không xác định được các hoạt chất của mẫu kiểm tra để xác định đó là thực phẩm hay dược phẩm để có phương thức quản lý thích hợp. Do vậy, việc quản lý loại thực phẩm này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc xử lý vi phạm.

- Đối với sữa:

Lượng sữa ở Việt Nam chủ yếu do nhập khẩu. Năm 2008 sữa nhập khẩu chiếm 72% (trong đó 50% là sữa bột nhập về để hoàn nguyên thành sữa lỏng, 22% là sữa thành phẩm - nhập khẩu 553 triệu USD), 28 % là sữa tươi tự sản xuất trong nước ([41]). Tiêu thụ sữa của Việt Nam tăng 14,1%/năm, 78% sản phẩm sữa do trẻ em tiêu thụ. Tính trung bình người Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,5 lít sữa/người/năm (Thái Lan tiêu thụ 25 lít/người/năm, Pháp tiêu thụ 130 lít/người/năm, Australia tiêu thụ 320 lít/người/năm).

Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản phẩm sữa là hàng giả, hàng kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng đáng kể: năm 2004 là 967 hộp, năm 2005 là 9.666 hộp, năm 2006 là 3.043 hộp, năm 2007 là 21.998 hộp, năm 2008 là 71.728 hộp ([42]).Kinh doanh sản phẩm sữa có nhiễm melamine, sữa có hàm lượng protein thấp, không đúng tiêu chuẩn công bố,... là vấn đề cần có các biện pháp kiểm soát để bảo vệ người tiêu dùng. Tồn dư thuốc kháng sinh, các chất độc hại khác như melamine, chất độc do vi khuẩn thải ra trong sữa là vấn đề rất cần được quan tâm trong quản lý chất lượng VSATTP.

3.6. Đối với các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện

Hiện tại, việc tổ chức bếp ăn tập thể đông người đã được người đứng đầu cơ sở quan tâm nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp vẫn có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2004-2008 số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình xảy ra tại khu công nghiệp là 7 - 32 vụ/năm với số người mắc là 905 - 3.589 người/năm (trung bình 113 người/vụ) ([43]). Trong 5 năm qua có 1 trường hợp tử vong.

Điều kiện VSATTP tại các bếp ăn tập thể của cơ quan, trường học... đã được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu chế biến bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, nhiều bếp ăn, căng tin của bệnh viện chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

3.7. Đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, khu du lịch

Hoạt động bảo đảm VSATTP đối với các cơ sở này đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện theo Chỉ thị 05/2005/CT-BYT về việc tăng cường công tác bảo đảm VSATTP của thức ăn đường phố và các quy định về điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hiện tại, 48/63 tỉnh trên cả nước đã triển khai xây dựng phường điểm về VSATTP thức ăn đường phố. Do vậy, VSATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống đã được cải thiện so với những năm trước đây ([44]).Tuy nhiên, tỷ lệ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các phường điểm này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP vẫn còn thấp (chiếm 16,5%), còn trung bình năm 2008 tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của cả nước đối với thức ăn đường phố là 6,1%.

3.8. Đối với các khách sạn, nhà hàng

Các khách sạn, nhà hàng đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến nên cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo đảm VSATTP. Do vậy, trong nhiều năm qua, ít có các vụ ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, việc chế biến, sử dụng thực phẩm tại một số khách sạn, nhà hàng còn một số tồn tại như sử dụng nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không có trong danh mục được phép sử dụng để chế biến thức ăn…

3.9. Đối với các chợ, các siêu thị

Tính đến nay, trong cả nước đã xây dựng được 8.333 chợ các loại, trong đó có 86 chợ đầu mối. Việc xây dựng các chợ đầu mối đã góp phần kiểm soát chất lượng VSATTP của nguồn nguyên liệu thực phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về VSATTP tại các chợ ở nông thôn, nội đô, chợ cóc, chợ tạm hiện vẫn còn bất cập. Vẫn xảy ra tình trạng tư thương sử dụng các hóa chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là với hoa quả, nội tạng động vật. Nhiều trường hợp không qua kiểm tra vẫn đóng dấu vệ sinh thú y, bán vé kiểm dịch tại chợ...

Hiện nay, cả nước có 386 siêu thị, 103 trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn ([45]), nhiều hệ thống siêu thị lớn đã có sự đầu tư cho việc kiểm soát chất lượng VSATTP đối với nguồn nguyên liệu cung cấp cho siêu thị nên nhìn chung thực phẩm tại siêu thị đáp ứng yêu cầu về VSATTP.

4. Tình hình ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm

4.1. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP)

Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2004-2008 đã có 906 vụ NĐTP, trung bình 181,2 vụ/năm, số người bị NĐTP là 6.036 người/năm, số người chết là 267 người (53,4 người/năm), tính trung bình tỷ lệ người bị NĐTP cấp tính là 71 người/1 triệu dân/năm (Xem Phụ lục VII.a). Riêng 2008 có 205 vụ ngộ độc với 7.828 người bị mắc, trong đó NĐTP do vi sinh vật 7,8%, do hóa chất 0,5%, do độc tố tự nhiên 25,4% và không rõ nguyên nhân 66,3%.

 Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành phố, số vụ ngộ độc 2004-2008 là 2.160 vụ, trung bình là 432 vụ/năm; số người bị ngộ độc là 8.565,6 người/năm; số người chết do ngộ độc là 391 người (78,2 người/năm). Riêng năm 2008, số vụ ngộ độc là 468 vụ, với 8.656 người mắc, số người chết là 89 người. Kết quả thống kê cũng cho thấy số vụ NĐTP có xu hướng tăng, tuy nhiên trong 3 năm gần đây số người bị ngộ độc có xu hướng giảm dần (Xem Phụ lục VII.b).

Phân tích nguyên nhân NĐTP giai đoạn 2004-2008 của 1.489 vụ thì:

- Tỷ lệ vụ NĐTP do vi sinh vật giảm, giai đoạn 2004-2006 là 46,5%, giai đoạn 2007-2008 là 36,8 %.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do thực phẩm biến chất giảm, giai đoạn 2004-2006 là 10,0%, giai đoạn 2007-2008 là 9,3 %.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do hóa chất tồn dư giảm, giai đoạn 2004-2006 là 10,2%, giai đoạn 2007-2008 là 9,3 %.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do độc tố tự nhiên tăng, giai đoạn 2004-2006 là 23,8%, giai đoạn 2007-2008 là 30,2%.

- Tỷ lệ vụ NĐTP do nguyên nhân khác, giai đoạn 2004-2006 là 9,5%, giai đoạn 2007-2008 là 14,3%.

Nhìn chung, NĐTP do vi sinh vật, thực phẩm biến chất, hóa chất tồn dư có xu thế giảm, do độc tố tự nhiên có xu thế tăng. Riêng năm 2008, NĐTP do vi sinh vật là 36,3%, do độc tố tự nhiên là 30,3%, do hóa chất tồn dư là 11,7% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây, do thực phẩm biến chất là 9,1% và do nguyên nhân khác là 12,7% (Xem Phụ lục VII.c).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 116 ca tử vong do NĐTP gây ra trong 2 năm 2007 và 2008, thì tử vong do ăn tại gia đình chiếm 87,1%, do ăn tại nhà hàng, khách sạn, nhà trẻ, bếp ăn trường học chiếm 0,0%, do ăn tại bếp ăn tập thể chiếm 1,7%, do ăn thức ăn đường phố 1,7%, do ăn tại đám cưới, đám giỗ 1,7%, do ăn tại các nơi khác là 7,8%. Phân tích nguyên nhân tử vong của 80/116 người chết (chiếm 69%) vì ngộ độc do độc tố tự nhiên cho thấy, có tới 58 người chết không do ăn thực phẩm từ sản xuất, chế biến trong chuỗi thực phẩm gây ra ([46]).

Số liệu báo cáo của Chính phủ, của các bộ và các tỉnh cho thấy có sự khác nhau. Điều đó chứng tỏ việc điều tra, thống kê, chia sẻ dữ liệu về ngộ độc thực phẩm giữa các cơ quan quản lý nhà nước là chưa thống nhất.

4.2. Các bệnh truyền qua thực phẩm

Bệnh truyền qua thực phẩm là nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người và giống nòi do sử dụng lâu dài thực phẩm không bảo đảm VSATTP. Hiện có tới 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm... Hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa có con số thống kê, đánh giá về vấn đề này.

Mặc dù đã có quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm VSATTP, quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm nhưng việc tuân thủ các quy định trong lĩnh vực này còn chưa nghiêm túc. Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng còn chưa cao. Còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ra ngộ độc thực phẩm, nguồn kinh phí để thực hiện công tác này.

III. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

1. Kết quả đạt được

Nhìn chung, trong 5 năm 2004-2008, công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đã có những kết quả đáng kể trên nhiều lĩnh vực, cụ thể là:

1.1. Hệ thống văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP được ban hành với số lượng lớn tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng VSATTP từ “trang trại đến bàn ăn”, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP và yêu cầu hội nhập quốc tế.

1.2. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP đang từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các Bộ và địa phương nên đã phát huy hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng VSATTP.

1.3. Đã có thanh tra chuyên ngành VSATTP tại Trung ương và đang triển khai thành lập ở cấp tỉnh. Mặc dù lực lượng thanh tra, kiểm tra còn rất mỏng nhưng công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường hơn trước, góp phần nâng cao chất lượng VSATTP trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng thực phẩm, thể hiện qua các năm chất lượng VSATTP đã được tăng dần.

1.4. Hình thành được mạng lưới kiểm nghiệm chất lượng VSATTP ở Trung ương và khu vực với sự tham gia của nhiều phòng thí nghiệm của các thành phần kinh tế; trang thiết bị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước đang từng bước được đầu tư, nâng cấp.

1.5. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP đã bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

1.6. Công tác quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP có tiến bộ rõ rệt: một số nông sản, thực phẩm chủ lực như lúa gạo, ngô... cơ bản đáp ứng yêu cầu VSATTP. Điều kiện VSATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bước đầu được cải thiện hơn. Diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, số lượng chợ đầu mối, siêu thị kinh doanh thực phẩm tăng dần theo từng năm. Chất lượng VSATTP của thực phẩm chế biến công nghiệp được kiểm soát tốt. Ô nhiễm vi sinh vật trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản... có chiều hướng giảm; số người bị ngộ độc thực phẩm trong một năm có xu hướng giảm dần; tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có tiến bộ.

2. Những tồn tại và yếu kém

2.1. Việc ban hành quá nhiều văn bản QPPL với hiệu lực pháp lý khác nhau nên có sự chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc bỏ sót một số lĩnh vực... gây khó khăn cho việc áp dụng; việc triển khai thực hiện còn chậm và thiếu kiên quyết. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu. Việc chuyển đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về VSATTP còn chậm.

2.2. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên ngành quản lý chất lượng VSATTP còn chưa hoàn thiện. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP còn thiếu đáng kể, lại phân tán theo nhiều nhiệm vụ quản lý khác nhau như thanh tra chuyên ngành về VSATTP, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về thú y...; việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết.

2.3. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP tuy đã có chuyển biến nhưng hiện chỉ mới tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan về quản lý chất lượng VSATTP ở Trung ương và địa phương còn chưa tốt, chưa đảm bảo quản lý một cách liên thông theo chuỗi cung cấp thực phẩm.

2.4. Đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng VSATTP rất hạn chế: kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP ở mức quá thấp; trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu; thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh.

2.5. Công tác xã hội hóa một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự tham gia của các lực lượng trong xã hội, nhất là sự tham gia của các hội, hiệp hội và doanh nghiệp lớn.

2.6. Chất lượng VSATTP của một số sản phẩm thực phẩm chế biến thủ công, quy mô nhỏ tuy có được cải thiện nhưng vẫn là một khâu yếu. Tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện. Tỷ lệ cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát tuy đã có cải thiện nhưng còn ở mức rất thấp. Tỷ lệ số người sản xuất, kinh doanh dịch vụ, người tiêu dùng nhận thức đúng về VSATTP tuy có tiến bộ nhưng ở mức trung bình; trách nhiệm của người sản xuất quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP và tỷ lệ hàng hóa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ở mức rất thấp; phương thức quản lý thực phẩm chức năng còn bất cập.

IV. NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Nguyên nhân chủ quan

1.1. Hệ thống văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP nhiều, nhưng chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh toàn diện các vấn đề về quản lý chất lượng VSATTP nên việc đồng thời phải áp dụng 337 văn bản QPPL có liên quan để quản lý chất lượng VSATTP từ sản xuất đến tiêu dùng là rất khó khăn.

1.2. Nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng VSATTP nên sự chỉ đạo thiếu kiên quyết. Lãnh đạo của các Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ TW đến địa phương hầu hết là kiêm nhiệm. Hiện tại, chưa có quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền với công tác quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn quản lý.

1.3. Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP của một số bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP còn chưa được xây dựng theo khung logic để dễ dàng triển khai theo hệ thống; việc phân công nhiệm vụ chưa đi liền với xây dựng tổ chức bộ máy và đầu tư kinh phí; chưa có sự phối hợp một cách hiệu quả giữa các cơ quan chức năng cho nên việc thực hiện và đánh giá kết quả còn gặp khó khăn, còn mang tính định tính.

1.4. Bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành về VSATTP còn chưa hoàn thiện; có nhiều đầu mối tham gia quản lý nhà nước về VSATTP nhưng việc phân công trách nhiệm quản lý VSATTP ở một số lĩnh vực và đối với một số sản phẩm còn chồng chéo, ví dụ như đối với sữa tươi, chế biến thủy sản...

1.5. Năng lực quản lý của cơ quan nhà nước còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng VSATTP còn chậm đổi mới; việc triển khai thực hiện văn bản QPPL về VSATTP còn chậm. Việc thanh tra, kiểm tra, điều tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm còn chưa thường xuyên, kịp thời; việc xử phạt chưa kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

1.6. Quản lý chất lượng VSATTP là hoạt động đồng bộ, toàn diện, trong đó vai trò của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng, nhất là trong việc quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào của chuỗi sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tại sự tham gia của chính quyền cấp xã đối với hoạt động này chưa được coi trọng, cấp xã chưa được phân bổ kinh phí để hoạt động. Công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng nên một số vấn đề rất bức xúc nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Ví dụ, như quy định về việc vận chuyển gia súc, gia cầm tươi sống trong quận nội thành thì tp. Hồ Chí Minh làm tốt do UBND Thành phố có sự đầu tư và chỉ đạo kiên quyết, nhưng cũng vấn đề này với nhiều thành phố khác vẫn chưa được giải quyết.

1.7. Đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP còn thiếu nghiêm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Ngân sách cho quản lý chất lượng VSATTP chưa được tách thành mục riêng trong chi ngân sách, lại phân tán trong nhiều nhiệm vụ chi khác nhau ở nhiều bộ nên công tác quản lý chất lượng VSATTP thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

1.8. Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP còn thiếu và lạc hậu; trình độ cán bộ chuyên môn và năng lực phân tích của các phòng thử nghiệm trong nước còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vẫn còn phải thuê phòng thử nghiệm ở nước ngoài phân tích đối với một số chỉ tiêu phân tích hóa chất độc hại trong thực phẩm.

1.9. Công tác xã hội hoá một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP chưa được cụ thể hóa thành chính sách để huy động nguồn lực về chuyên môn, tài chính từ các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện, trường đại học, v.v...

1.10. Công tác nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược quản lý chất lượng VSATTP; công tác quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; cảnh báo, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm... chưa được chú trọng đúng mức.

1.11. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao, một mặt là do người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng; mặt khác do việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ, chưa kiên quyết.

2. Nguyên nhân khách quan

2.1. Do nước ta đang chuyển đổi từ nền sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn thủ công; quy hoạch cho sản xuất thực phẩm chưa được xây dựng đồng bộ nên việc bảo đảm VSATTP còn gặp nhiều khó khăn.

2.2. Do tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm VSATTP.

Sự gia tăng số lượng nhà máy, các khu công nghiệp lớn, tập trung người lao động tác động trực tiếp tới vấn đề VSATTP của các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp.

2.3. Do bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên môi trường nói chung và môi trường đất, nước để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nói riêng vẫn còn bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng cũng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm.

2.4. Nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”; việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giá thành cao khó cạnh tranh với thực phẩm thông thường, vì vậy chưa tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

2.5. Hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu thương mại hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng; đồng thời việc có hơn 4.500 km đường biên giới trên đất liền, nhiều cửa khẩu đường sông, biển nên việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu rất khó khăn, đặc biệt là kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Phần II

GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

I - GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp về thể chế chính sách

1.1. Giải pháp trước mắt

- Ban hành Luật An toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm, chú trọng tập trung làm rõ 4 vấn đề: cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chất lượng VSATTP; trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chế tài xử lý vi phạm.

- Sửa đổi một số điều của pháp luật có liên quan làm cơ sở để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP (ví dụ như quy định về thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra, quy định về quyền khởi kiện của hội, hiệp hội trong Bộ luật Tố tụng dân sự,…).

- Sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp; bổ sung những quy định còn thiếu (Xem Phụ lục II).

- Hướng dẫn thi hành các điều có liên quan đến việc khởi tố đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP của Bộ luật Hình sự.

- Đầu tư kinh phí nâng cấp một số phòng thí nghiệm để đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho việc quản lý chất lượng VSATTP.

1.2. Giải pháp lâu dài

- Nhà nước có chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng sản xuất lớn, quy mô trang trại, gắn với việc phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn.

- Khuyến khích, hỗ trợ hoặc cho vay vốn để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GAP, GMP, GHP, ISO; xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn...

- Đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc phục vụ kiểm soát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ; trong sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn...

2. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

2.1. Giải pháp trước mắt

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; gắn kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về chất lượng VSATTP đối với người quản lý, người SXKD, người tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của người SXKD thực phẩm đối với cộng đồng.

- Trên cơ sở điều kiện thực tiễn của Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm, mô hình quản lý chất lượng VSATTP của một số nước trên thế giới (Xem Phụ lục VIII và Phụ lục IX):

+ Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp – PTNT, Bộ Công thương.

+ Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về VSATTP theo hướng nâng cấp Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế đủ năng lực, đủ thẩm quyền để quản lý VSATTP đối với thực phẩm từ sau công đoạn sơ chế, chế biến đến tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu như mô hình của một số nước hiện nay trên thế giới.

+ Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các Bộ có liên quan ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm mà sự phân biệt giữa các công đoạn của chuỗi thực phẩm không rõ ràng (như rau quả tươi, sữa, thịt chó...) thì cần quy định phân công cụ thể các bộ quản lý đối với từng loại thực phẩm.

+ Phân cấp mạnh cho địa phương đồng thời với việc đầu tư nguồn lực để bảo đảm hiệu quả quản lý trong một số hoạt động, nhất là phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, kiểm nghiệm, thử nghiệm,...

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng VSATTP; trong khi chưa kiện toàn được hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP, cần có cơ chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng thanh tra của các bộ và với lực lượng quản lý thị trường.

- Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý VSATTP; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm chất lượng VSATTP,...

2.2. Giải pháp lâu dài

- Xây dựng chiến lược quốc gia về bảo đảm VSATTP giai đoạn từ 2011 đến năm 2020 (có sự lồng ghép với chiến lược phát triển KT-XH, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, y tế, chiến lược phát triển nguồn nhân lực) làm định hướng cho việc đổi mới quản lý chất lượng VSATTP; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn…

- Đổi mới công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP theo hướng kiểm soát nguy cơ ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; việc quản lý dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý chất lượng VSATTP như vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, thuốc thú y... trong sản phẩm nông sản; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm, thực phẩm có nguy cơ cao và thực phẩm chức năng...

3. Nhóm giải pháp về nguồn lực

3.1. Giải pháp trước mắt

- Có mục chi riêng ngân sách cho quản lý chất lượng VSATTP trong mục lục ngân sách nhà nước hàng năm.

- Bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về VSATTP, chú trọng đầu tư cho công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP, trang thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP,…

 - Bố trí đủ nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ công tác quản lý nhà nước về VSATTP.

3.2. Giải pháp lâu dài

- Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế, các thỏa thuận song phương, đa phương trong lĩnh vực VSATTP; về công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

- Đưa nội dung đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành về quản lý chất lượng VSATTP vào chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu,…

- Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp trong một số hoạt động dịch vụ công phục vụ công tác quản lý chất lượng VSATTP.

II. KIẾN NGHỊ

1. Với Quốc hội

1.1. Ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội hoặc thể hiện trong Nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hàng năm bảo đảm cho về việc tăng cường các biện pháp hữu hiệu thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

1.2. Ban hành Luật An toàn thực phẩm đồng thời sớm sửa đổi, bổ sung, một số luật có liên quan đến thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm, khởi tố như Luật Thanh tra, Bộ luật Tố tụng dân sự,... để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong việc quản lý chất lượng VSATTP.

1.3. Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về VSATTP và xử lý các kiến nghị giám sát.

1.4. Trong phân bổ kế hoạch ngân sách hàng năm, có dành một khoản kinh phí hợp lý hơn chi thường xuyên cho hoạt động quản lý chất lượng VSATTP (trước mắt khoảng 9.000 đồng/người và tăng dần hàng năm cùng với tăng thu của ngân sách nhà nước) để công tác VSATTP đảm bảo hiệu quả thiết thực.

1.5. Giao Chính phủ xem xét, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chất lượng VSATTP đến cấp xã.

2. Đối với Chính phủ

2.1. Xây dựng chiến lược quốc gia về bảo đảm VSATTP giai đoạn từ 2011 đến năm 2020 làm định hướng cho công tác xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng VSATTPP.

2.2. Xây dựng một mục chi ngân sách riêng cho quản lý chất lượng VSATTP trên cơ sở tính đúng, tính đủ nguồn ngân sách đã chi cho các bộ được phân công làm cơ sở để Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách hàng năm.

2.3. Chỉ đạo các cơ quan rà soát các văn bản QPPL có liên quan tới quản lý chất lượng VSATTP còn chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp hoặc còn thiếu để quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội quyết định

2.4. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý CLVSATTP từ Trung ương đến địa phương theo hướng:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về CLVSATTP trong công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp – PTNT, Bộ Công thương.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về VSATTP theo hướng nâng cấp Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế đủ năng lực, đủ thẩm quyền để quản lý VSATTP đối với thực phẩm từ sau công đoạn sơ chế, chế biến đến tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu như mô hình của một số nước hiện nay trên thế giới.

- Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các Bộ có liên quan ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm mà sự phân biệt giữa các công đoạn của chuỗi thực phẩm không rõ ràng (như rau quả tươi, sữa, thịt chó...) thì cần quy định phân công cụ thể các bộ quản lý đối với từng loại thực phẩm.

- Phân cấp mạnh cho địa phương đồng thời với việc đầu tư nguồn lực để bảo đảm hiệu quả quản lý trong một số hoạt động, nhất là phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, kiểm nghiệm, thử nghiệm,...

2.5. Đề xuất chính sách về thuế và tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp SXKD các mặt hàng thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất theo định hướng sản xuất hàng hóa thực phẩm an toàn.

2.6. Tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trong thời gian qua và tăng cường chỉ đạo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

2.7. Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục kiến thức và pháp luật về VSATTP.

3. Đối với các cơ quan tư pháp

3.1. Tăng cường năng lực điều tra, khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VSATTP; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP.

3.2. Sớm có hướng dẫn thi hành các điều có liên quan đến việc khởi tố đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP của Bộ luật Hình sự.

4. Đối với các Bộ có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP

4.1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản theo thẩm quyền trong lĩnh vực được phân công quản lý; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP thuộc phạm vi quản lý.

4.2. Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trên cơ sở trách nhiệm đã được phân công, đặc biệt ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm.

4.3. Kiện toàn tổ chức thanh tra chuyên ngành về chất lượng VSATTP tại các bộ và tại các địa phương; có cơ chế phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành VSATTP với lực lượng quản lý thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; tập trung thực hiện tốt công tác tiền kiểm và coi trọng thỏa đáng hậu kiểm đối với hàng hoá thực phẩm.

4.4. Xây dựng hệ thống giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

4.5. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, truyền thông về VSATTP, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức kinh doanh của người SXKD thực phẩm, ý thức tiêu dùng thực phẩm bảo đảm VSATTP.

4.6. Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm; có “quy chế phát ngôn” để kịp thời phản hồi các thông tin sai lệnh, không chính xác nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn. Tăng cường việc đăng tải các thông tin về chất lượng VSATTP, đồng thời xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân đưa thông tin, quảng cáo không chính xác.

5. Kiến nghị đối với UBND cấp tỉnh

5.1. Ban hành kịp thời văn bản QPPL phù hợp với điều kiện địa phương và tổ chức tốt việc triển khai thực hiện; xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ quản lý chất lượng VSATTP trong kế hoạch hoạt động hàng năm, trong đó có phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra NĐTP quy mô lớn trên địa bàn quản lý.

5.2. Sớm thành lập Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại các tỉnh, thành phố.

5.3. Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm pháp luật về VSATTP trên địa bàn quản lý.

5.4. Bố trí hợp lý nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm dành cho công tác quản lý chất lượng VSATTP tại địa phương, đặc biệt là ở cấp xã; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn.

5.5. Huy động các nguồn lực của địa phương tham gia vào hoạt động quản lý và bảo đảm chất lượng VSATTP; phát huy vai trò của cơ quan thông tin đại chúng, của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội tham gia giám sát và phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật về VSATTP.

5.6. Xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc về VSATTP tại địa phương; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô trang trại và tăng cường công tác quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn, quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, quy hoạch các chợ đầu mối,... để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

5.7. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về VSATTP, ý thực chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

5.8. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý VSATTP tại địa phương, chú trọng nguồn nhân lực tại cấp huyện, xã.

6. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội

6.1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tăng cường trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

6.2. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội trong một số hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng VSATTP, giáo dục, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.

* *

 *

Trên đây là Báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trân trọng báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Kiên

 

[1] Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Đặng Vũ Minh, Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có đại diện Hội đồng dân tộc, Ủy ban KH,CN&MT, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn đã đến giám sát và làm việc với Ủy ban nhân dân 10 tỉnh, tp, bao gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội, Quảng Trị, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh; khảo sát thực tế tại 6 cửa khẩu, 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc các lĩnh vực chế biến sữa, sản xuất đường, bánh kẹo, nước uống đóng chai, rượu, sản xuất thực phẩm đóng hộp, sản xuất, kinh doanh nước mắm, mì ăn liền, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, rau an toàn, nuôi trồng, chế biến thủy sản; bếp ăn tập thể của một số doanh nghiệp và một số chợ thực phẩm...

[2] Hiện tại, Việt Nam tham gia một số tổ chức quốc tế liên quan tới chất lượng VSATTP như WHO, FAO, OIE, CODEX,…và ký kết một số hiệp định về công nhận, thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động liên quan tới VSATTP như SPS, TBT,...

[3] Theo Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chính phủ có 134 văn bản QPPL, nhiều địa phương chỉ thống kế được từ 13 văn bản trở lên để áp dụng, trong khi thực tế có tới 337 văn bản QPPL do các cơ quan Trung ương ban hành.

[4] Ví dụ: Quy định về tiêu chuẩn nước mắm đóng chai, quy định tiêu chuẩn vùng sản xuất rau an toàn (Viet GAP), tiêu chuẩn về điều kiện VSATTP đối với thức ăn đường phố là cao so với điều kiện thực tế. Phản ánh của các địa phương cho Đoàn giám sát sở dĩ thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP chỉ được 6,1% là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chỉ tiêu quá cao.

[5] Ví dụ: Nghị định 128/2005/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với cơ sở chế biến thủy sản 3 – 5 triệu đồng, tuy nhiên, Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 10-15 triệu, trong đó có thủy sản.

[6] Ví dụ Pháp lệnh VSATTP có hiệu lực thi hành từ 01/11/2003 nhưng đến 7/9/2004 mới có Nghị định 163/2004/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh VSATTP.

[7] Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

[8]  Nghị định 79/2008/NĐ-CP, ngày 18/7/2008 quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở Bộ Y tế có Cục an toàn vệ sinh thực phẩm; Bộ NN&PTNT có Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Bộ Công thương có Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Tổng cục Môi trường, Bộ KH&CN có Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trực thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL làm đầu mối.

[9] Tại một số địa phương, số người tham gia hoạt động quản lý chất lượng VSATTP cao (ví dụ tỉnh Cà Mau: ở cấp tỉnh có 24 người, trong khi theo báo cáo của Chính phủ trung bình cả nước là 7,1 người/tỉnh, ở cấp huyện có 38 người - gấp 3 lần trung bình cả nước; ở Bình Định cấp tỉnh có 11 người - gấp 1,5 lần trung bình cả nước, cấp huyện có 22 người - gấp 1,8 lần trung bình cả nước).

[10] Tính trung bình cho 642 huyện. (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2007, tr. 15.).

[11] Tính trung bình cho 10.999 xã. (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2007, tr. 15.).

[12] Ở TW có Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia; 04 Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm vùng; các phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và -PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ở địa phương có các phòng xét nghiệm của các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế, các phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế cấp huyện, Ngoài ra còn có các trung tâm kiểm nghiệm, các phòng xét nghiệm của các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, các phòng xét nghiệm tư nhân.

[13] Ví dụ, Đà Nẵng đầu tư thêm 4 tỷ đồng cho trang bị hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm; Tp. Hồ Chí Minh đầu tư thêm 5,529 tỷ đồng từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính và 2,99 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác bảo đảm VSATTP.

[14] Ở Nhật Bản có khoảng 13.000 thanh tra viên VSATTP từ TW đến địa phương; ở Thái Lan, riêng Thủ đô Băng Cốc có 5.000 thanh tra viên VSATTP; ở Trung Quốc có trên 50.000 thanh tra viên VSATTP; ở Mỹ, riêng Tổ chức FDA có khoảng 3.000 thanh tra viên VSATTP.

[15] Theo thống kê từ báo cáo của các địa phương, trung bình trong hai năm 2007-2008, số tiền bị phạt tại cơ sở ăn uống, nhà hàng, khách sạn là 900 ngàn đồng/cơ sở; SX thực phẩm là 1.041 ngàn đồng/cơ sở; chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm là 333 ngàn đồng/cơ sở; nuôi trồng thủy sản là 419 ngàn đồng/cơ sở; chăn nuôi gia súc, gia cầm là 1.158 ngàn đồng/cơ sở; SX-KD thuốc BVTV là 1.331 ngàn đồng/cơ sở; SX-KD thức ăn chăn nuôi là 4.143 ngàn đồng/cơ sở.

[16] Báo cáo số 16/BC-BCT ngày 3/3/2009 của Bộ Công thương cho thấy, trong 2 năm 2007-2008 số rượu bị thu giữ 14.702 chai; sữa hộp giả, kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng mạnh 3.043 hộp năm 2006, 21.998 hộp năm 2007 và 71.728 hộp năm 2008; nước mắm, nước chấm tăng 13.011 chai, lít năm 2006, 227.753 chai, lít năm 2007 và 215.711 chai, lít năm 2008.

[17] Ví dụ: Thanh Long của Bình Thuận, vú sữa của Tiền Giang,v.v…

[18] Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2008. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

[19] Nguồn: Báo cáo số 453/BC-BNN-QLCL ngày 2/3/2009 của Bộ NN&PTNT.

[20] Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình  mục tiêu quốc gia  về VSATTP năm 2008.

[21] Do thực hiện phương pháp canh tác ba giảm, ba tăng (giảm chi phí thuốc trừ sâu, phân bón, giảm chi phí lao động, giảm lượng giống; tăng chất lượng, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế). 

[22]  Ví dụ như: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, v.v...

[23] Hoạt động giết mổ tư nhân thường diễn ra ban đêm nhưng hoạt động kiểm tra vệ sinh thú y lại theo giờ hành chính (trừ các cơ sở giết mổ tập trung).

[24] Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07/4/2009 của Chinh phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý CLVSATTP.

[25] Theo báo cáo số 453/BC- BNN-QLCL ngày 2/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

[26]  Báo các tình hình kinh tế - xã hội năm 2008, nguồn: Tổng cục Thống kê).

[27] Báo cáo tổng kết chương trình có mục tiêu về VSATTP năm 2008.

[28] Xuất khẩu hạt điều đứng thứ 2, cà phê đứng thứ 2, hồ tiêu đứng thứ nhất trên thế giới.

[29] Báo cáo số 38/BC-BCT ngày 2//4/2009 của Bộ Công thương.

[30] Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các đơn vị kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP (8/12 đơn vị), trong tổng số lượng/lô thực phẩm đã qua kiểm tra nhà nước năm 2008 là 165.672.936 kg/13.684 lô thì số lượng/lô thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu là 116.963 kg/32 lô. Nguồn: Báo cáo số 213/BC-BYT ngày 30/3/2009 của Bộ Y tế.

[31] Theo báo cáo của Hải quan tp Hồ Chí Minh, theo thống kê chưa đẩy đủ thì lượng thực phẩm nhập khẩu qua cảng biển Sài gòn chiếm 80% thực phẩm nhập khẩu qua cảng biển cả nước nhưng cơ quan này cũng chỉ kiểm tra được với các kho ngoại quan trên địa bàn thành phố. Nguồn: Báo cáo Hội nghị VSATTP toàn quốc năm 2007.

[32] Riêng năm 2008, Chi cục Thú y vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai phối hợp với hải quan, bộ đội Biên phòng và các Chi cục Kiểm dịch động vật cửa khẩu đã bắt giữ và xử lý 624 vụ buôn lậu qua biên giới, tiêu huỷ hơn 72 tấn sản phẩm động vật các loại, 75 ngàn quả trứng gia cầm, trên 82 ngàn con gia cầm (Báo cáo số 453/BC-BNN-QLCL ngày 2/3/2009 của Bộ NN&PTNT).

[33] Trích Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về VSATTP năm 2007.

[34] Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh VSATTP của Bộ Y tế, trong 212.772 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong 6 tháng đầu năm 2007 được cấp mới là 3,6%, lũy tích là 6,1%, hiện còn 93,9% số cơ sở chưa được quản lý về VSATTP.

[35] Nguồn: Báo cáo số 107/BC- BYT ngày 23/2/2008 của Bộ Y tế.

[36] Kết quả lấy mẫu chủ động của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, trong số 1.110 mẫu (bao gồm các chủng loại thực phẩm như: bánh kẹo, mứt, nước giải khát, thịt và sản phẩm của thịt, hải sản, trứng, rau, củ, quả, rượu, hạt các loại và ngũ cốc), về phương diện hóa học, có 65% số mẫu (chủ yếu là giò chả và rau quả muối) có sử dụng hàn the; 19,4% số mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép; 7,8% số mẫu có sử dụng chất ngọt tổng hợp vượt quá giới hạn quy định hoặc sử dụng chất tạo ngọt không được phép (Cyclamat, Aspartame, Saccarin).

[37] Nguồn số liệu của Viện Chiến lược và chính sách y tế.

[38] Từ 29/9/2008 đến 29/10/2008, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận 11 ca tử vong trong tổng số 30 ca ngộ độc rượu. Nguồn: Sài gòn giải phóng online.

[39] Số rượu bị thu giữ là 18.126 chai (năm 2006), 8.278 chai (2007), 6.424 chai (2008), lượng nước giải khát các loại bị thu giữ là 33.874 chai (năm 2006), 41.714 chai (năm 2007), 46.962 chai (năm 2008). Nguồn: Báo cáo số 16/BC-BCT ngày 3/3/2009 của Bộ Công thương.

[40] Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện có khoảng 1.000 cơ sở SX nước uống đóng chai, qua kiểm tra 358 cơ sở phát hiện 150 cơ sở vi phạm quy định về VSATTP (27,9%). Nguồn: VnMedia.vn.

[41] Nguồn: http://www.nganhsuavn.org.vn ngày 24/4/2009

[42] Báo cáo số 16/BC-BCT ngày 3/3/2009 của Bộ Công thương.

[43] Báo cáo số 213/BC-BYT ngày 30/3/2009 của Bộ Y tế.

[44] So sánh với số liệu trong Báo cáo giám sát số 1381/UBKHCNMT11 ngày 21/10/2006 của Ủy ban KH,CN&MT.

[45] Báo cáo số 38/BC-BCT ngày 2/4/2009 của Bộ Công thương.

[46] Ngộ độc do ăn cá nóc làm chết 12 người, ăn con sam biển chết 6 người, ăn thịt cóc chết 4 người, ăn lá ngón chết 4 người, ăn nấm độc tự nhiên chết 28 người, ăn bột ngô mốc chết 4 người, uống rượu chết 22 người.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 225/BC-UBTVQH12 năm 2009 về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 225/BC-UBTVQH12
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/05/2009
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Đức Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản