Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
 VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 126/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2009

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 135/2004/NĐ-CP NGÀY 10/6/2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH THEO PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ngày 09 tháng 12 năm 2000, Luật phòng, chống ma túy đã được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2001. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với chức năng quản lý nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy, trong đó có Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh. Để có cơ sở sửa đổi nghị định theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương tổng kết, báo cáo và phối hợp với một số Bộ, ngành có liên quan kiểm tra đánh giá, báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định 135/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:

I. BAN HÀNH VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp … đã ban hành 8 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 135/2004/NĐ-CP như: chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh; hướng dẫn công tác dạy nghề, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm; quy định về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma túy, người bán dâm vào cai nghiện tại Trung tâm; hướng dẫn phòng, chống lao, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục vv…. Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn ban hành hai quyết định: về chế độ báo cáo thống kê định kỳ về công tác cai nghiện phục hồi và quy định: nội quy, quy chế mẫu tại các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội (Trung tâm) (Phụ lục kèm theo).

II. BAN HÀNH CÁC CHÍNH SÁCH, ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ KIỆN TOÀN BỘ MÁY TỔ CHỨC

1. Ban hành các chính sách

1.1. Quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ làm việc tại Trung tâm

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số: 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 20/8/2007 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy, quy định cụ thể về từng trường hợp như phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi y tế, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp ưu đãi với cán bộ, viên chức làm công tác quản lý.

1.2. Chính sách đóng góp và hỗ trợ cho học viên

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 1/10/2007 (Thay thế thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính) hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma túy, người bán dâm khi tham gia cai nghiện tại Cơ sở chữa bệnh hoặc tại gia đình và cộng đồng, chế độ và miễn, giảm tiền ăn, tiền thuốc, tiền học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách vv…..

2. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật

2.1. Tình hình về mạng lưới trung tâm

- Số lượng và quy mô Trung tâm: Hiện nay, cả nước có 124 Trung tâm cai nghiện (kể cả cơ sở quản lý sau cai nghiện) trong đó: 80 trung tâm thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý; 10 trung tâm thuộc lực lượng thanh niên xung phong; 34 Trung tâm cấp huyện do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý, khả năng tiếp nhận cai nghiện của các trung tâm từ 50.000 – 55.000 đối tượng, chiếm 20 – 40% số có hồ sơ quản lý.

- Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng: cụ thể như sau

+ Có 34 Trung tâm trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa gồm các trung tâm thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng …;

+ Có 65 Trung tâm vừa nâng cấp, sửa chữa, vừa mở rộng nâng quy mô kể cả Trung tâm cấp tỉnh và cấp huyện như các Trung tâm tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, …;

+ Có 25 Trung tâm xây dựng mới như tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, …

- Kinh phí đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng cụ thể:

+ Năm 2006, kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa, mở rộng là 250,176 tỷ đồng, trong đó: kinh phí địa phương là 186,896 tỷ, chiếm 74,71%; Trung ương hỗ trợ 63,280 tỷ đồng (25,29%).

+ Năm 2007 địa phương đề nghị đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng kinh phí 576,341 tỷ đồng, thực tế được cấp 228,972 tỷ đồng (bằng 31,79%); trong đó kinh phí địa phương là 186,896 tỷ đồng (chiếm 74,7%), Trung ương hỗ trợ là 62,250 tỷ đồng (chiếm 25,3%).

+ Năm 2008 kinh phí phê duyệt trong kế hoạch của địa phương để nâng cấp, sửa chữa các trung tâm: 359,3 tỷ đồng, thực tế được cấp 281,3 tỷ đồng (bằng 78,2%) trong đó kinh phí của địa phương 206,406 tỷ (chiếm 73,36%); kinh phí Trung ương hỗ trợ 74,953 (chiếm 26,63%).

+ Năm 2009 kế hoạch cho đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp các trung tâm là 453,303 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương đã hỗ trợ 100 tỷ (chiếm 22%).

2.2. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật

Các tỉnh, thành phố đã dành 6.855.352 m2 đất để các Trung tâm đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó: nhà làm việc 86.627,8m2; nhà y tế (khu khám, chữa bệnh) trên 57.512,4m2; nhà ở cho đối tượng (khu sinh hoạt đối tượng), trên 365.674,8m2; hội trường, câu lạc bộ 60.727,4m2; nhà dạy nghề, sản xuất 91.957,6m2; khu thể thao 202.586,6m2.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hầu hết các trung tâm đều có hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cai nghiện phục hồi. Nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do các hoạt động của các Trung tâm ở vùng sâu, vùng xa đi lại cách trở, hạ tầng cơ sở còn yếu kém.

3. Bộ máy tổ chức

3.1. Tổ chức bộ máy

Các trung tâm đã thành lập tổ chức bộ máy quản lý, gồm 5 phòng: (1) Tổ chức – Hành chính – Kế toán; (2) Y tế - Phục hồi sức khỏe; (3) Giáo dục – Tái hòa nhập cộng đồng; (4) Dạy nghề - Lao động sản xuất; (5) Bảo vệ. Một số các trung tâm lớn như Trung tâm của Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh thành lập thêm phòng Kế hoạch – Lao động sản xuất hoặc phòng Kế hoạch – Tài chính.

3.2. Đội ngũ cán bộ

- Trong những năm qua đã tuyển dụng 5.709 cán bộ vào làm việc tại các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội, trong đó: 5.206 chỉ tiêu biên chế; 418 hợp đồng và 35 cán bộ chiến sỹ của lực lượng công an biệt phái nhằm hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự cho một số trung tâm (chiếm 0,6%).

- Trình độ cán bộ: 1.111 cán bộ Đại học và trên Đại học (chiếm 20%); 2.243 cao đẳng và Trung cấp (chiếm 39%); 2.355 sơ cấp (chiếm 41%);

- Chuyên môn nghiệp vụ: 252 cán bộ tâm lý, xã hội (chiếm 5%); 207 cán bộ sư phạm (chiếm 4%); 156 cán bộ luật (chiếm 25%); 2.818 cán bộ không qua đào tạo (chiếm 48%).

Cán bộ y tế chỉ có 724 cán bộ trong đó: 88 bác sỹ; 384 y sỹ; 150 y tá, điều dưỡng; 26 Hộ lý; 41 Dược sỹ (Dược tá). So với chỉ tiêu đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho đối tượng thì số cán bộ y tế không đủ.

- Về chất lượng cán bộ: Từng năm chất lượng được nâng lên về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cụ thể: năm 2000 chỉ có 14% có trình độ Đại học, Cao đẳng; năm 2005 đã tăng lên 45,6%; năm 2009 là 56% cán bộ có trình độ Cao học hoặc hai bằng Đại học. Số cán bộ có trình độ đã tăng rõ rệt qua các năm.

III. KẾT QUẢ CỤ THỂ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 135/2004/NĐ-CP

1. Số lượng người được cai nghiện, thời gian cai nghiện

- Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội sau 5 năm kể từ khi ban hành Nghị định 135/2004/NĐ-CP, đến nay đã tổ chức cai nghiện cho 92.937 lượt người, số người được cai nghiện năm sau nhiều hơn năm trước, cụ thể:

Năm 2005: 16.745 lượt người;

Năm 2006: 17.321 lượt người;

Năm 2007: 17.525 lượt người;

Năm 2008: 21.346 lượt người;

Năm 2009: 20.000 lượt người;

Thời gian cai nghiện trước đây bắt buộc chủ yếu từ 6 tháng đến 1 năm, theo quy định, từ khi có Nghị định 135/2004/NĐ-CP thời gian cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm tăng từ 1-2 năm, với thời gian này mới thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện. Đến tháng 9 năm 2009, hầu hết các địa phương đều thực hiện thời gian cai nghiện bắt buộc theo Nghị định, cụ thể: 40/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện bắt buộc là 2 năm; 23 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện bắt buộc: 1 năm, không có tỉnh, thành phố nào tổ chức cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm dưới 1 năm, đối với cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm thời gian ít nhất 6 tháng.

2. Thành lập hội đồng tư vấn:

100% cấp huyện đều thành lập Hội đồng tư vấn (trừ thành phố Hồ Chí Minh) theo đúng các trình tự, thủ tục và đều đảm bảo theo quy trình; do đó không có khiếu kiện, khiếu nại về lập hồ sơ và trình tự thủ tục xét duyệt đưa người nghiện ma túy, người bán dâm vào Trung tâm.

3. Hoạt động y tế

Phần lớn các Trung tâm thực hiện hai chức năng, vừa cai nghiện vừa quản lý sau cai nghiện. Hoạt động y tế được các Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các Bệnh viện, Trung tâm y tế địa phương phân loại sức khỏe khi tiếp nhận, căn cứ tình trạng sức khỏe và mức độ nghiện để lập hồ sơ bệnh án, xây dựng kế hoạch tổ chức điều trị cắt cơn, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trong những năm qua các Trung tâm đã khám, chữa bệnh 88.450 lượt đối tượng; khám theo yêu cầu của thân nhân 1.430 lượt đối tượng; chụp XQ cho 1.460 đối tượng; các loại bệnh thường mắc: các bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh lây qua đường tình dục, viêm da, viêm gan, viêm phế quản, phổi, bệnh tim mạch, lao; điều trị ARV cho hàng ngàn người nhiễm HIV/AIDS.

Các hoạt động khác được thực hiện thường xuyên như truyền thông phòng chống HIV/AIDS, chương trình điều trị thuốc ARV, điều trị thuốc chống tái nghiện; thành lập phòng tham vấn, xét nghiệm tự nguyện, xét nghiệm phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao phổi; phòng chống ngộ độc thực phẩm; lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, đối với cán bộ và đối tượng làm công tác nấu ăn được khám sức khỏe định kỳ; phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức xét nghiệm nước sinh hoạt, phòng dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường vv… do làm tốt công tác phòng dịch nên nhiều năm qua chưa có Trung tâm nào xảy ra dịch bệnh hoặc nhiễm trùng, nhiễm độc do ăn uống.

4. Hoạt động giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách

Hoạt động giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách được các Trung tâm coi là nhiệm vụ trọng tâm, có địa phương đã biên soạn Bộ tài liệu, giáo trình phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy như Thành phố Hồ Chí Minh, và hình thức giáo dục rất phong phú: tập trung trên lớp, giao ban (DAYTOP), giáo dục cộng đồng trị liệu, giáo dục thông qua sinh hoạt nhóm, thi tìm hiểu tiểu phẩm, thơ ca ..; giáo dục thông qua các hoạt động rèn luyện thể chất văn hóa, văn nghệ, thể thao; lao động sản xuất, lao động trị liệu … nên nhận thức của đối tượng có nhiều chuyển biến, các hành vi vi phạm được uốn nắn, sửa đổi kịp thời. Tỷ lệ trốn, kỷ luật giảm.

Bên cạnh công tác giáo dục, công tác quản lý đối tượng, được các Trung tâm quan tâm, với phương châm quản lý, giám sát chặt chẽ nên hạn chế được tình trạng trốn, quậy phá và các tiêu cực khác giảm đi khá nhiều (trước năm 2004 là 5 – 7%, đến nay giảm xuống còn 0,8%).

Hàng tháng các Trung tâm tổ chức lấy ý kiến dân chủ của đối tượng trên tất cả các mặt hoạt động, từ đó kịp thời điều chỉnh kế hoạch và góp ý cho cán bộ để tăng cường vai trò trách nhiệm trong quản lý giáo dục gắn với tình thương, luôn gần gũi, cảm thông, chia sẻ với đối tượng.

5. Công tác dạy văn hóa

Đối tượng mù chữ chiếm tỷ lệ khá cao, trung bình trên 10%; tiểu học 38,8%; trung học cơ sở 34,1%; trong những năm qua hầu hết các trung tâm đã tổ chức thực hiện chương trình xóa mù chữ (các lớp 1, 2, 3) cho 9.258 người, Thành phố Hồ Chí Minh trên 40%, Khánh Hòa 30%, Long An, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình cũng tích cực dạy văn hóa thông qua công tác xóa mù phổ cập, bổ túc thêm văn hóa đã có tác động tốt, nâng cao được nhận thức cho đối tượng, hiểu biết đầy đủ về pháp luật, trách nhiệm công dân; thấy được tác hại của tệ nạn xã hội từ đó thay đổi hành vi; biết tôn trọng kỷ luật và tích cực tham gia các hoạt động của trung tâm.

6. Công tác dạy nghề

Các Trung tâm đã liên kết với các cơ sở dạy nghề của các ngành ở địa phương như: Trường Cao đẳng, Trung tâm dạy nghề … đã tổ chức và đào tạo các lớp nghề: hàn, điện dân dụng, nề, mộc, nấu ăn, may …. Trong 5 năm qua đã dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 22.000 đối tượng. Ngoài ra còn 26.000 đối tượng được dạy nghề bằng phương pháp cầm tay chỉ việc, truyền nghề của những nghệ nhân, người có tay nghề nhiều năm của làng nghề ở địa phương.

IV. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

1. Những mặt tích cực

- Từ khi Nghị định 135/2004/NĐ-CP ban hành, thời gian cai nghiện đã tăng lên (1 – 2 năm) để đủ thời gian giúp người cai nghiện có điều kiện học tập, chữa bệnh, học nghề và tham gia các hoạt động có ích cho bản thân, sớm trở về gia đình, hội nhập với cộng đồng.

- Trong thời gian cai nghiện tại Trung tâm người nghiện ma túy được chữa bệnh, học tập, tư vấn, giúp đỡ, sửa đổi thói quen sử dụng ma túy, học nghề, phục hồi sức khỏe.

- Giúp cho gia đình người nghiện ma túy, xã hội không tổn hại về kinh tế do người nghiện ma túy sử dụng số tiền để mua ma túy, bình quân 1 người nghiện ma túy phải tiêu tốn 100.000đ/ngày để mua ma túy, 1 tháng 1 người nghiện ma túy phải tiêu tốn 3.000.000đ/tháng; 1 năm 1 người nghiện ma túy tiêu tốn 36.000.000đồng/năm. Vì vậy, nếu 50.000 người nghiện chữa trị tại Trung tâm thì sẽ tiết kiệm được 1.800 tỷ đồng cho gia đình và xã hội (50.000 người x 36.000.000đ/năm).

- Giảm tội phạm, như trộm cắp, cướp giật do người nghiện ma túy gây ra, góp phần giữ vững an ninh trật tự, xã hội.

- Đặc biệt góp phần làm giảm lây nhiễm HIV do người nghiện chích ma túy gây ra, giảm lây lan các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm gan B, bệnh lao ra cộng đồng.

- Giảm số người nghiện mới phát sinh tại cộng đồng trước đây do người nghiện ma túy lôi kéo.

2. Khó khăn, vướng mắc

- Đa số người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm đã được cai nghiện nhiều lần. Số có tiền án, tiền sự chiếm 60%, có Trung tâm chiếm tới 65% do vậy số này thường quậy phá, lười lao động, chống người thi hành công vụ, tìm cách trốn khỏi Trung tâm vv…

- Tình trạng người nghiện ma túy sau khi cai nghiện ma túy về cộng đồng lại tái nghiện và không thể đưa trở lại cai nghiện tại trung tâm, vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 135/2004/NĐ-CP thời hiệu phải sau 2 năm mới đưa đối tượng là người nghiện chưa đủ 18 tuổi; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên vào trung tâm được. Vì vậy, số đối tượng này ở ngoài cộng đồng tiếp tục sử dụng ma túy và quậy phá, làm mất an ninh trật tự ở cộng đồng.

- Các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn vv… cho các doanh nghiệp để tạo việc làm cho người cai nghiện tại Trung tâm, tuy Nghị định đã hướng dẫn, nhưng hầu hết các địa phương chưa thực hiện. Chỉ có 4 địa phương là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Ninh thực hiện một số chính sách, thu hút các doanh nghiệp tham gia tạo việc làm cho người cai nghiện và người sau cai tại Trung tâm.

- Hầu hết gia đình học viên không muốn đóng góp các khoản theo quy định tại Nghị định, đặc biệt là tiền ăn. Trong khi học viên do sức khỏe yếu chưa lao động để tự trang trải được, nên một số các Trung tâm chỉ tổ chức cai nghiện thời gian 01 năm, hoặc giao khoán cho Trung tâm tự lo tìm kiếm việc làm trang trải mọi sinh hoạt, đời sống cho đối tượng nên nhiều hoạt động ở Trung tâm không triển khai được hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả không cao vì thời gian dành cho lao động chiếm tỷ trọng cao ở một số Trung tâm đặc biệt là những địa phương gặp khó khăn về thu ngân sách.

- Thiếu cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, thiếu cán bộ được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm như ngành y, luật, xã hội học, tâm lý học …. Đồng thời, do đặc thù các Trung tâm đại đa số đóng tại vùng sâu, vùng xa nên cán bộ không yên tâm công tác, một số Trung tâm cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khá nhiều.

- Giáo dục hành vi nhân cách: các Trung tâm đã tổ chức thực hiện nhưng nội dung chương trình còn nghèo; các kỹ năng tư vấn, tâm lý, khám chữa bệnh còn hạn chế do cơ sở vật chất thiếu thốn và lạc hậu, trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

- Dạy văn hóa: mặc dù đã có quy định, nhưng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy nên nhiều địa phương còn lúng túng đặc biệt là việc cấp chứng chỉ, công nhận tốt nghiệp.

- Công tác dạy nghề: do trình độ học vấn đối tượng không đồng đều, đại đa số học hết tiểu học, phổ thông cơ sở tiếp thu lý thuyết và thực hành nghề hạn chế, trang thiết bị dạy nghề tại các Trung tâm còn quá thiếu, nên đa số Trung tâm chỉ dạy nghề ngắn hạn hoặc truyền nghề là chủ yếu, vì vậy khi đối tượng tái hòa nhập cộng đồng các nghề học trong Trung tâm không phát huy được.

- Lao động sản xuất: Gặp nhiều khó khăn; chưa có chính sách thu hút đầu tư (trừ thành phố Hồ Chí Minh), nên các doanh nghiệp không muốn hợp tác với các Trung tâm lâu dài, cầm chừng, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ chậm, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu để cạnh tranh thị trường, thu nhập thấp làm ảnh hưởng đến đời sống học viên ở trung tâm.

- Trang thiết bị: đặc biệt trang thiết bị y tế, trang thiết bị dạy nghề tại các Trung tâm trong nhiều năm qua không được đầu tư đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dạy nghề, tạo việc làm tại Trung tâm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Kiến nghị

Qua 5 năm thực hiện Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ đã tạo ra một sự chuyển biến mới trong công tác cai nghiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi một số điểm tại Nghị định 135/2004/NĐ-CP như sau:

- Về chế độ: Những đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, Nhà nước nên hỗ trợ tiền ăn thời gian 24 tháng. Trước đây, Nghị định chỉ hỗ trợ người nghiện ma túy thuộc hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng.

- Những đối tượng nhiều tiền án, tiền sự có tính chất côn đồ, hung hãn, khi lập hồ sơ thì chuyển đối tượng này sang Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an quản lý theo quy định hiện hành.

- Đề nghị sửa Khoản 1, Điều 3, Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004, khi đối tượng từ Trung tâm trở về cộng đồng nếu tái nghiện, lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện tiếp.

- Một số tỉnh nghèo, khó khăn có số người nghiện ma túy nhiều như các tỉnh miền núi phía Bắc, Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt về ngân sách Trung ương đối với các địa phương này, nhất là xây dựng mở rộng nâng cấp các Trung tâm quản lý sau cai.

- Đối tượng là người dân tộc ít người, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nên có chính sách không phải đóng góp các khoản kinh phí khi đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm.

Trên đây là những kết quả đạt được và những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
- Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Vụ Khoa giáo Văn xã – VPCP;
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VP Bộ, Cục PCTNXH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 135/2004/NĐ-CP NGÀY 10/06/2004 CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo báo cáo số 126/BC-LĐTBXH ngày 18 tháng 11 năm 2009)

Số TT

Hình thức và số văn bản

Ngày, tháng, năm

Trích yếu nội dung

Ghi chú

A

THÔNG TƯ, THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 

 

1.

Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH

01/10/2007

Hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy.

Thay thế Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT/BLĐTBXH-BTC

2.

Thông tư liên tịch số 22/2004/TTLT/BLĐTBXH-BCA

31/12/2004

Hướng dẫn một số điều của Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

 

3.

Thông tư liên tịch số 32/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT

09/11/2005

Hướng dẫn phòng chống lao, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Trung tâm – Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội.

 

4.

Thông tư số 12/2004/TT-BLĐTBXH

02/11/2004

Hướng dẫn thực hiện tổ chức công tác dạy nghề tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội.

 

5.

Thông tư liên tịch số  19/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA

29/12/2006

Hướng dẫn công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ cho Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục và Lao động xã hội.

 

6.

Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BYT

18/01/2006

Hướng dẫn công tác dạy nghề, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy

 

7.

Thông tư số 11/2006/TT-BLĐTBXH

12/9/2006

Hướng dẫn xếp hạng các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy

 

8.

Thông tư liên tịch số 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV

08/10/2008

Hướng dẫn chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội.

 

B.

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BLĐTBXH

 

 

1.

Quyết định số 1160/2004/QĐ-BLĐTBXH

11/8/2004

Quy định chế độ báo cáo thống kê định kỳ và chế độ ghi chép ban đầu công tác cai nghiện phục hồi.

 

2.

Quyết định số 60/2008/QĐ-BLĐTBXH

25/7/2008

Ban hành các quy chế mẫu về quản lý học viên tại Trung tâm CBGDLĐXH.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 126/BC-LĐTBXH về kết quả thực hiện Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 126/BC-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/11/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản