Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGD&ĐT-BYT | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2006 |
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09/12/2000; Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002; Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 17/3/2003; Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (sau đây viết tắt là nghị định số 147/2003/NĐ-CP); nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Nghị định số 34/CP ngày 01/6/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người;
Sau khi có ý kiến của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tại Công văn số 1506/DSGĐTE-TE ngày 26/12/2005 và thỏa thuận của Bộ Tài chính và Công văn số 16177/BTC-HCSN ngày 12/12/2005; Bộ Y tế hướng dẫn công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
a) Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn về nội dung, chương trình và quản lý công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiên ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.
b) Đối tượng áp dụng:
- Người nghiện ma túy, người bán dâm bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, kể cả người nghiện ma túy, người bán dâm tự nguyện áp dụng biện pháp này tại cơ sở chữa bệnh.
- Người sau cai nghiện ma túy áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy quy định tại Điều 2 Nghị định số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
- Người nghiện ma túy cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện theo nội dung Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP.
Các cơ sở được quy định tại điểm b khoản 1 này bao gồm: Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (sau đây gọi chung là Trung tâm).
2. Phương pháp giáo dục: công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy là sử dụng tổng hợp các liệu pháp y học, liệu pháp tâm lý với các biện pháp giáo dục.
3. Nội dung giáo dục:
a) Học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm: các chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; bổ túc trung học cơ sở; bổ túc trung học phổ thông.
b) Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy (sau đây gọi chung là giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách) bao gồm: giáo dục chuyên đề; giáo dục nhóm; giáo dục cá biệt và sinh hoạt tập thể.
Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, giáo viên và quản học viên để bố trí số lượng người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy cho một lớp học. Mỗi lớp học không quá 50 người (không kể giáo dục cá biệt và sinh hoạt tập thể).
4. Phân loại học viên: người nghiện ma túy, người bán dâm sau thời gian điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe mà tham gia học văn hóa; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, được phân loại theo các tiêu chí như sau:
a) Theo độ tuổi, trình độ văn hóa và khả năng nhận thức;
b) Theo bệnh lý như mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không bảo đảm điều kiện học tập, giáo dục;
c) Người đã chữa trị, cai nghiện nhiều lần hay người có hành vi gây rối nguy hiểm hoặc có tiền án, tiền sự;
d) Theo kết quả cai nghiện, phục hồi sức khỏe trong quá trình chữa trị, cai nghiện tập trung đối với người sau cai nghiện ma túy.
Căn cứ kết quả phân loại theo các tiêu chí trên, Giám đốc Trung tâm chia ra các lớp có nội dung, chương trình phù hợp để đảm bảo kết quả công tác học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách tại cơ sở.
5. Chương trình giáo dục
a) Học văn hóa: thực hiện theo chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
b) Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách: thực hiện theo nội dung, chương trình giáo dục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.
6. Thời gian: học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách được bố trí phù hợp với chương trình chữa trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy như sau:
a) Đối với người nghiện ma túy, người bán dâm quy định tại đoạn 1 và đoạn 3 điểm b khoản 1 Mục I của Thông tư này thì thời gian học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách không quá 70% tổng số thời gian mà nguời nghiện ma túy, người bán dâm đang chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm.
b) Đối với người sau cai nghiện ma túy quy định tại đoạn 2 điểm b khoản 1 Mục I của Thông tư này thì thời gian học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách không quá 35% tổng số thời gian người sau cai nghiện ma túy đang sinh hoạt và lao động sản xuất tại Trung tâm.
7. Nguồn kinh phí: kinh phí thực hiện công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách theo quy định tại Thông tư này được bố trí trong dự toán ngân sáchnhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; từ nguồn cung ứng dịch vụ, lao động sản xuất; đóng góp của đối tượng và các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước.
II. DẠY VĂN HÓA, GIÁO DỤC PHỤC HỒI HÀNH VI, NHÂN CÁCH
1. Học văn hóa: người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy đang chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm với thời gian từ 6 tháng trở lên và đủ sức khỏe học tập, được quyền tham gia học văn hóa. Trung tâm có trách nhiệm tổ chức các lớp học văn hóa phù hợp với trình độ của từng đối tượng như sau:
a) Chương trình tiểu học:
Thực hiện theo chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy chưa biết chữ hoặc chưa biết hết chương trình tiểu học.
b) Chương trình trung học cơ sở:
Thực hiện theo chương trình bổ túc trung học cơ sở theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy đã học xong chương trình tiểu học hoặc chưa học hết chương trình trung học cơ sở.
c) Chương trình trung học phổ thông:
Thực hiện theo chương trình bổ túc trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy đã học xong chương trình trung học cơ sở hoặc chưa học hết chương trình trung học phổ thông.
d) Chương trình học văn hóa quy định tại khoản 1 mục II của Thông tư này được giãn thời gian của mỗi môn học hoặc từng phần của bài học, phù hợp đặc điểm tâm lý, sức khỏe của người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy, nhưng không quá 50% tổng thời gian theo yêu cầu mỗi khóa học và phải bảo đảm mục tiêu, nội dung và hướng dẫn của chương trình học văn hóa theo quy định.
2. Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách: người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy sau khi chữa trị, cai nghiện phục hồi, đủ sức khỏe học tập thì Trung tâm có trách nhiệm tổ chức giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách như sau:
a) Giáo dục chuyên đề:
- Nội dung, chương trình giáo dục chuyên đề bao gồm: giáo dục đạo đức, giáo dục công dân và pháp luật; xây dựng lối sống, nếp sống có văn hóa; quan hệ ứng xử trong đời sống gia đình và xã hội; giáo dục lao động và sinh hoạt; giáo dục sức khỏe và phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục lịch sử, an ninh quốc phòng và truyền thống dân tộc; quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy… nhằm phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, nguời bán dâm sớm tái hòa nhập cộng đồng.
- Nội dung, chương trình giáo dục chuyên đề chuyên sâu cần bổ sung hoặc giảm nhẹ hay tăng cường, để phù hợp đặc điểm từng nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy như sau:
+ Đối với người nghiện ma túy: nội dung, chương trình tăng cường giáo dục về đặc điểm tâm, sinh lý, những tác hại và yếu tố ảnh hưởng đối với người nghiện ma túy…
+ Đối với người bán dâm: nội dung, chương trình cần tăng cường giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản; lòng tự trọng, nhân phẩm.
+ Đối với người nhiễm HIV: nội dung, chương trình giảm nhẹ về an ninh quốc phòng, giáo dục pháp luật; tăng cường nội dung về tình thương yêu gia đình và cộng đồng; biện pháp, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS.
+ Đối với người cai nghiện nhiều lần, có hành vi gây rối trật tự công cộng hay có tiền án, tiền sự: nội dung, chương trình phải tăng cường giáo dục pháp luật về cai nghiện tập trung và áp dụng biện pháp quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
+ Đối với người cai nghiện ma túy: nội dung, chương trình bổ sung giáo dục về lao động và sinh hoạt; nhân cách, đạo đức và pháp luật; tăng cường các biện pháp phòng, chống tái phạm, tái nghiện ma túy.
- Đối với người học hết chương trình tiểu học và từ 16 tuổi trở xuống: nội dung, chương trình được giảm nhẹ, không đưa những nội dung phức tạp, khó hiểu so với trình độ và lứa tuổi, tăng cường về giáo dục tâm lý, giới tính và lứa tuổi; tình bạn, tình yêu trong đời sống thanh niên.
b) Giáo dục nhóm (tư vấn nhóm):
- Nội dung, chương trình giáo dục bao gồm: khả năng sống, quan hệ ứng xử, các giá trị cuộc sống, kiến thức và kinh nghiệm thay đổi lối sống, nâng cao nhận thức xã hội… trong sinh hoạt tại Trung tâm và cộng đồng.
- Đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy cần nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi, hoàn thiện nhân cách của từng người, được tổ chức từ 20 đến 30 người trên một lớp với hình thức giáo dục như tọa đàm, hội thảo, trao đổi thông tin, theo định mức của người hướng dẫn với thời gian 90 phút trên một buổi.
c) Giáo dục cá biệt (tư vấn cá nhân):
- Nội dung, chương trình giáo dục bao gồm: nâng cao nhận thức các giá trị cá nhân, quy tắc và giá trị xã hội về đạo đực, tinh thần, lối sống…
- Đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và ngưòi sau cai nghiện ma túy có hoàn cảnh, tâm lý đặc biệt hoặc những người vi phạm nội quy, quy chế của Trung tâm, với hình thức trao đổi thông tin, tham vấn và điều trị tâm lý theo định hướng của người hướng dẫn, trong thời gian từ 20 pút đến 45 phút trên một buổi.
d) Sinh hoạt tập thể:
- Nội dung, chương trình giáo dục bao gồm: lịch sử, truyền thống dân tộc, lòng yêu nước; tình hình thời sự, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…
- Đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy tham gia các buổi sinh hoạt tập thể nhân các ngày lễ, kỷ niệm của dân tộc; vui chơi giải trí, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ; các buổi học ngoại khóa, nâng cao đời sống tinh thần.
3. Kết quả học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách:
a) Về học văn hóa:
- Người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy hoàn thành chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì được xét công nhận, cấp giấy chứng nhận người biết chữ, công nhận học hết chương trình tiểu học.
- Người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy hoàn thành chương trình bổ túc trung học cơ sở, nếu đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì được xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy hoàn thành chương trình bổ túc trung học phổ thông, nếu đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì được dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và nếu đủ các điều kiện tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
b) Về giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách:
- Việc tổ chức các lớp giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách được quy định tại khoản 2 Mục II của Thông tư này, phải có thời gian thảo luận, thực hành, viết thu hoạch hoặc kiểm tra, hình thức viết hay trắc nghiệm cho mỗi lớp học hay khóa học.
- Giám đốc Trung tâm cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy, đồng thời làm căn cứ đánh giá, nhận xét quá trình chữa trị, cai nghiện phục hồi tại cơ sở.
III. CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
1. Trong quá trình xây dựng, quy hoạch, nâng cấp, mở rộng cơ sở chữa bệnh trên cơ sở quy mô tiếp nhận, các Trung tâm phải bố trí các phòng học văn hóa, giáo dục chuyên đề theo quy định của ngành giáo dục và sắp xếp các lớp học văn hóa, giáo dục chuyên đề luân phiên vào các buổi sáng, chiều, tối; riêng giáo dục nhóm, giáo dục cá biệt và sinh hoạt tập thể được bố trí phù hợp đặc điểm về cơ sở vật chất của từng cơ sở.
2. Thiết bị dạy học: phải bảo đảm thiết bị dạy học theo từng cấp học; các thiết bị âm thanh, đèn chiếu… cho các lớp dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; giấy bút, sách vở…
3. Thư vận: có phòng học và đầy đủ các dầu sách cho công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và những sách báo tham khảo cần thiết cho công tác này.
4. Chế độ, chính sách cho giáo viên, giảng viên, báo cáo viên… thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hàng năm các Trung tâm có trách nhiệm dự toán kinh phí bảo đảm đầy đủ thiết bị dạy học; giấy, bút, sách vở; tài liệu giảng dạy, học tập và tài liệu tham khảo; chế độ, chính sách cho cán bộ tham gia công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách tại cơ sở, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế có trách nhiệm triển khai nội dung, chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy tại các Trung tâm.
Đối với nội dung, chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách chưa được quy định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm phê duyệt, sau khi có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế, kể cả các dự án đào tạo, tập huấn trong nước và quốc tế đang thực hiện tại địa phương; đồng thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức triển khai tại các Trung tâm.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các cơ sở cai nghiện tự nguyện thực hiện công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy theo quy định tại Thông tư này.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên thỉnh giảng hỗ trợ dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách về đặc điểm tâm, sinh lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy tại các Trung tâm.
d) Chỉ đạo, xây dựng quy trình nhận xét, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách tại cơ sở.
2. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chỉ đạo thực hiện chương trình học văn hóa: tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, tổ chức xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm theo quy định của ngành giáo dục.
b) Phối hợp triển khai nội dung, chương trình giáo dục chuyên đề, cập nhật kiến thức, khả năng, thời lượng, phương pháp và hình thức hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cách thức đánh giá kết quả phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.
c) Chỉ đạo các Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh tạo điều kiện về giáo viên dạy văn hóa cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy, theo đề nghị của Giám đốc các Trung tâm.
d) Tạo điều kiện cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy, sau khi kết thúc thời hạn chữa trị, cai nghiện tại các Trung tâm được tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục do ngành giáo dục quản lý.
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng khả năng sư phạm, phương pháp giảng dạy, tâm lý giáo dục cho đội ngũ cán bộ giáo dục, quản học viên tại các cơ sở chữa trị, cai nghiện.
3. Trách nhiệm của Sở Y tế:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan y tế trong phạm vi quản lý, tổ chức khám sức khỏe, đánh giá, phân loại sức khỏe của người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy theo các Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe được ban hành kèm theo Quyết định số 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế, để các Trung tâm lựa chọn đối tượng, bố trí thời gian, phân chia lớp học phù hợp với từng nhóm người nghiên ma túy, người bán dâm và người sai cai nghiện ma túy; trừ các đối tượng nhiễm HIV đã phát triển sang giai đoạn AIDS, lao phổi tiến triển hoặc chưa chữa khỏi, cơ thể suy kiệt.
b) Hướng dẫn sử dụng tổng hợp các liệu pháp y học, liệu pháp tâm lý kết hợp với việc dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Trung tâm bố trí thời gian, phân chia lớp học phù hợp cho từng nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tập huấn, phổ biến, kiến thức về đặc điểm phục hồi sức khỏe; các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm do đội ngũ giáo viên, quản học viên của ngành lao động, thương binh và xã hội và ngành giáo dục thực hiện dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách tại các Trung tâm.
4. Trách nhiệm của các Trung tâm:
a) Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai có trách nhiệm: căn cứ số lượng người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy tại cơ sở, hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; đồng thời căn cứ nội dung, chương trình, thời gian tổ chức các lớp học, xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và tổ chức triển khai công tác này tại cơ sở.
b) Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện có trách nhiệm hàng năm thống kê số lượng người nghiện ma túy theo trình độ văn hóa, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ việc dạy văn hóa; riêng công tác giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế quản lý và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho đối tượng nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy, triển khai trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế nghiên cứu, khảo sát xây dựng các đề án tổ chức học văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy tại các Trung tâm trên địa bàn tỉnh, thành phố.
3. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt để tổ chức triển khai; Sở Tài chính chịu trách nhiệm bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác này tại địa phương.
4. Cục phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Vụ Giám đốc thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Vụ Điều trị - Bộ Y tế thường trực giúp lãnh đạo các Bộ hướng dẫn thực hiện Thông tư này; hàng năm tổ chức giao ban một lần, tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả lãnh đạo các Bộ.
5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 08/TT-LB ngày 22/04/1996 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về công tác xóa mù chữ (sau xóa mù chữ) cho người nghiện ma túy, người mại dâm tại các cơ sở chữa bệnh.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên bộ để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
Nơi nhận: |
|
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
- 3Nghị định 34/CP năm 1996 hướng dẫn pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (hiv/aids)
- 4Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 5Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003
- 6Nghị quyết số 16/2003/NQ-QH11 về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành
- 7Nghị định 147/2003/NĐ-CP về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện
- 8Nghị định 135/2004/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên, người tự nguyện vào cở sở chữa bệnh
Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BYT hướng dẫn công tác dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy do Bộ Lao động, thương binh và xã hội - Bộ Giáo dục và đào tạo - Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 01/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BYT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 18/01/2006
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế
- Người ký: Đàm Hữu Đắc, Nguyễn Văn Vọng, Nguyễn Thị Xuyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 19 đến số 20
- Ngày hiệu lực: 20/02/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra