Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1045/BC-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔ CHỨC RÀ SOÁT THỰC TRẠNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN, ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT, RỪNG, TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, ĐỜI SỐNG CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ VÀ DÂN DI CƯ TỰ DO CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN”.

Triển khai kế hoạch thực hiện kết luận số 12.KL/TW về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây nguyên giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên thực hiện Chuyên đề “Tổ chức rà soát thực trạng hạ tầng nông thôn, đánh giá tình hình sử dụng đất, rừng; tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do"; kết quả như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH CHUNG:

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng; với diện tích tự nhiên 54.650 km2 (chiếm 16,5% diện tích của cả nước). Trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 1.993.796 ha, đất lâm nghiệp: 2.830.311 ha, đất khác: 640.001 ha. Dân số 5.265.800 người. Gồm có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc Kinh 3.325.511 người, chiếm 63,15%; dân tộc thiểu số (DTTS) 1.940.289 người, chiếm 36,85% (trong đó DTTS tại chỗ có 1.280.201 người chiếm 25,52% dân số toàn vùng). Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội (KTXH), quốc phòng an ninh (QPAN), môi trường sinh thái của đất nước. Hiện có 61 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 5 thành phố, 4 thị xã, 52 huyện), 722 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 77 phường, 47 thị trấn và 598 xã), 7.616 thôn, tổ dân phố (trong đó có 2.464 buôn, làng đồng bào DTTS); có 12 huyện và 32 xã biên giới giáp Lào và Campuchia, có đường biên giới dài khoảng 580 km.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị (Khóa IX) “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tỉnh Tây nguyên đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng: Kinh tế toàn vùng không ngừng phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân chung vùng Tây nguyên giai đoạn 2007-2011, đạt 13.4% (cao nhất tỉnh Kon Tum 14.81%, thấp nhất Đăk Lăk:12.42%); thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) 23,27 triệu đồng/người/năm (thu nhập cao nhất tỉnh Lâm Đồng: 25.5 triệu/người/năm, thấp nhất tỉnh Kon Tum: 17.76 triệu/người/năm); Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm dần; ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng. Sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư tăng dần qua từng năm, nhất là về lĩnh vực giao thông, trường học, thuỷ lợi, bệnh viện, điện, nước.. .góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng được tăng cường, an ninh biên giới được giữ vững.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, những thành tựu mà nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Kinh tế- xã hội vẫn trong tình trạng chậm phát triển và mất cân đối. Nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc như: chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bào Kinh với đồng bào DTTS ngày càng tăng. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở nhiều nơi kết quả đạt thấp, chưa vững chắc; việc quản lý đất đai, khai thác khoáng sản và quản lý bảo vệ rừng còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện (TCKK) về đất đai giữa người dân sở tại với người dân DCTD, giữa người dân với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp với nhau. Đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được xem xét giải quyết kịp thời, có nơi, có lúc đã hình thành “điểm nóng” về an ninh nông thôn (ANNT) tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ LĨNH VỰC ĐẾN NĂM 2011:

1. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn:

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị về tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, cùng với quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, sự hưởng ứng của các thành phần kinh tế. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2011 hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt được kết quả như sau:

- Giao thông: Toàn vùng Tây Nguyên có 12.277 km đường giao thông nông thôn phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hoá và đi lại của người dân: Trong đó 598 xã có đường xe ô tô về đến trung tâm xã, đạt 100% số xã; số xã có đường ô tô đi lại thuận lợi quanh năm có 588 xã đạt 98.3% so với tổng số xã (tỷ lệ của cả nước là 97,1%). Số xã có đường nhựa, bê tông hóa đến trụ sở UBND có 517 xã đạt 86,5% (tỷ lệ của cả nước 87.3%)

Đường trục thôn, buôn có đường ô tô đi đến được 5870 buôn thôn, đạt 96,7% (tỷ lệ cả nước 89,5%).

Mục tiêu của các tỉnh đến năm 2015: tiếp tục đầu tư mở mới 3.294 km và nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa đến trụ sở UBND các xã còn lại 50%; đường trục thôn, buôn, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn 30% đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện.

- Thủy lợi: Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có 2038 công trình hồ đập, 4989 km kênh mương cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống cho người dân (không kể các công trình trình tự tạo của người dân: như giếng đào, đập dâng . . .) mới đáp ứng được trên 50% diện tích có nhu cầu tưới.

Nông nghiệp hiện nay vẫn là ngành sản xuất chủ lực ơ các tỉnh Tây Nguyên. Trong thời gian tới nhu cầu đầu tư hồ đập 1149 công trình và 3191 km kênh mương để đáp ứng nhu cầu tưới cho khoảng trên 75% diện tích canh tác toàn vùng.

- Điện: Theo báo cáo toàn vùng có khoảng 1822 trạm biến áp các loại và 3983 km đường dây điện, đảm bảo 100% số xã có lưới điện quốc gia; 5966 thôn, bon có điện chiếm 98,3% tổng số thôn, bon, có khoảng 96% trong tổng số hộ ở nông thôn được sử dụng điện; trong đó, số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn khoảng 90% số hộ. Để đáp ứng được nhu cầu phục vụ 100% hộ dân được sử dụng thường xuyên và an toàn, trong thời gian tới tiếp tục đầu tư 627 trạm biến áp và 2447 km đường dây dẫn điện các loại.

- Nước sinh hoạt: Nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh toàn vùng Tây Nguyên mới đáp ứng được 70.75% tổng số hộ, những năm tiếp theo các tỉnh tiếp tục xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, giếng, khoan, bể chứa . . .

Việc được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, hạn chế các bệnh liên quan đến nguồn nước không hợp vệ sinh, tiết kiệm được ngân sách cho y tế, nâng cao sức khỏe và những tác động tích cực khác, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ dân chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh ở vùng nông thôn các tỉnh còn khá lớn 14.25 %. Để giảm tỷ lệ này, trong thời gian tới các tỉnh cần đầu tư xây dựng thêm một số công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đến năm 2015 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85%, trong đó nước sạch đạt từ 75% trở lên phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Trường học: Toàn vùng hiện có 1.094.067 m2 trường học, nhu cầu đến 2015 đầu tư mở mới 446.786 m2, xã có trường có trường tiểu học đạt 98,5%, xã có trường THCS đạt 95,3%, xã có THPT đạt 13,9%. Mục tiêu về tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 của các tỉnh: nhà trẻ, trường mầm non đạt 20- 25%; trường tiểu học đạt 50-55%; trường trung học cơ sở đạt 20-25%; trường trung học phổ thông đạt 15-20%

- Trạm y tế: Toàn vùng hiện có 57.128 m2 trạm xá, nhu cầu đến 2015 đầu tư mở mới 1519 m2; xã có trạm y tế đạt 99,8%, trong đó xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: 59,2%; thôn bản có cán bộ y tế đạt: 91%. Mục tiêu của các tỉnh đến năm 2015 là từ 90-100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Các hạ tầng khác như thông tin liên lạc, văn hóa thể thao... nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu tối thiểu thiểu của người dân. Để từng bước nâng cao nhu cầu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung các địa phương đã qui hoạch, tiếp tục đầu tư cho các năm tiếp theo, nhằm đạt chuẩn theo quy định của bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới.

2. Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ:

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và địa phương thông qua các chương trình, chính sách...đã đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo với nhiều giải pháp, mô hình có hiệu quả như: phát triển cao su tiểu điền, tăng cường khuyến nông, đưa giống, cây trồng, vật nuôi năng suất cao vào sản xuất tại các buôn làng; giao đất, giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn, làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã từng bước được cải thiện, trình độ dân trí của đồng bào DTTS được nâng lên, bà con tích cực trong lao động sản xuất, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật...thu nhập bình quân đầu người DTTS ngày càng cao (giá thực tế): 9.78 triệu/người/năm (cao nhất tỉnh Đăk Lăk 15.28 triệu đồng, thấp nhất Đăk Nông 6.06 triệu); tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS đã giảm từ 44,49% xuống còn 38.02% .

Tuy nhiên, do phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, trình độ sản xuất, khả năng nắm bắt các tiến bộ khoa học- kỹ thuật còn hạn chế, nên nhìn chung sản xuất, đời sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giải quyết việc làm còn nhiều hạn chế; việc bảo đảm không gian sinh sống cho các buôn làng, giữ gìn và phát huy tinh hoa và bản sắc văn hóa các dân tộc còn nhiều vấn đề bất cập. Qua rà soát, toàn vùng hiện còn 149.578 hộ đồng bào DTTS tại chỗ, các hộ dân di cư tự do (DCTD) là hộ nghèo và một bộ phận lớn thuộc diện cận nghèo. Sự chênh lệch mức sống, trình độ dân trí, điều kiện hưởng thụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ giữa đồng bào DTTS tại chỗ với các bộ phận dân cư khác ngày càng cách xa hơn đang trở thành vấn đề đáng quan tâm.

Hiện nay, còn khoảng 31.069 hộ đồng bào DTTS thiếu 17.516 ha đất sản xuất. Mặc dù các tỉnh đã vận dụng nhiều chính sách, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển chăn nuôi, giao khoán rừng để giảm áp lực về đất sản xuất... nhưng vẫn chưa giải quyết được nhu cầu sử dụng đất của đồng bào DTTS tại chỗ.

Do phong tục tập quán, thói quen trong đời sống sản xuất, đại bộ phận đồng bào DTTS mang nặng tâm lý thụ động, thoả mãn với cuộc sống hiện tại, do đó nhiều chương trình mục tiêu phát triển KTXH vùng dân tộc được triển khai nhưng chỉ mang tính “ban đầu”, thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ về vốn, thị trường, tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trình độ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật lạc hậu, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thiên về thuần nông (trên 75%), sản xuất phân tán, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường nên khả năng cạnh tranh hàng hoá, tiêu thụ nông sản là một thách thức lớn. Giá trị hàng hoá nông nghiệp không cao, thu nhập thấp nên khoảng cách chênh lệch ngày càng rõ rệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. Một số nơi, do công tác quản lý lỏng lẻo đã có một số hộ sau khi được giải quyết đất sản xuất, vin vào khó khăn đã sang nhượng cho người Kinh lấy tiền chi dùng, góp phần tăng “áp lực ảo” về thiếu đất trong đồng bào DTTS, làm tiềm ẩn nguy cơ người Kinh chiếm đất của đồng bào. Đây thực sự là vấn đề cấp thiết trong chiến lược ổn định và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

3. Tình hình sản xuất và đời sống của dân di cư tự do

Theo kết quả khảo sát tổng số dân di cư tự do (DCTD) đến Tây Nguyên trong hơn 15 năm qua là 44.799 hộ/206.328 khẩu[1]. Với sự nỗ lực của các địa phương, đến nay đã bố trí đất ở, đất sản xuất, thực hiện nhiều dự án, sắp xếp cho 18.695 hộ, hơn 80.000 khẩu, từng bước ổn định. Hiện còn 22.868 hộ/hơn 110.000 khẩu chưa được bố trí[2]. Nhìn chung việc thực hiện các dự án bố trí ổn định dân DCTD trong thời gian qua đã hình thành được các khu dân cư mới theo tiêu chí phát triển bền vững. Qua đánh giá của các tỉnh, dân DCTD trước mắt đã bổ sung nguồn lực lao động, truyền đạt phương pháp, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ, góp phần tăng khối lượng sản phẩm hàng hoá, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Tuy nhiên, dân DCTD đến phần lớn ở trong rừng sâu dựng lán trại hình thành những điểm dân cư tự phát, điều kiện đi lại và sinh hoạt hết sức khó khăn, đau ốm, đói nghèo, phá rừng, săn bắn trái phép, tệ nạn xã hội, ma tuý...ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) mà hầu hết chính quyền sở tại không thể quản lý được. Họ đã phá rừng sau đó sang nhượng, cho thuê, một số nơi đã xảy ra tình trạng tranh chấp với đồng bào DTTS tại chỗ. Phần lớn dân DCTD đều theo tôn giáo, làm gia tăng tình trạng truyền đạo, sinh hoạt tôn giáo trái phép, nhất là cộng đồng người Mông; tăng tỉ lệ hộ nghèo, cùng với gia tăng các nhu cầu bảo đảm y tế, giáo dục...ảnh hưởng kế hoạch phát triển KTXH của các địa phương. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và đấu tranh với một số đối tượng liên quan đến hoạt động của tổ chức phản động Mông thuộc các tỉnh phía Bắc di cư đến Tây Nguyên.

4. Về quản lý sử dụng đất, rừng

- Giao đất: Thực hiện Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 và Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, Quyết định số 1592/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; đến nay, các tỉnh Tây nguyên đã giải quyết đất ở và đất sản xuất cho 59.164 hộ, diện tích 26.376 ha, trong đó: đất ở 14.184 hộ diện tích 474.2ha, cụ thể:

+ Thực hiện theo Quyết định số 132, các tỉnh đã giao 19.126 ha cho 42.593 hộ, trong đó: đất sản xuất 18819 ha, cấp cho 34655 hộ; đất làm nhà ở 306.72 ha, cho 7938 hộ. Số hộ còn lại, được chuyển sang thực hiện theo Chương trình 134.

+ Thực hiện theo Quyết định số 134, các tỉnh đã giao 5610 ha đất cho 14241 hộ; trong đó: giao đất ở 167.3 ha cho 6246 hộ, giao đất sản xuất 5443 ha cho 7955 hộ.

+ Thực hiện theo Quyết định số 1592, giao 1640 ha đất sản xuất cho 2330 hộ.

Tuy nhiên do một số diện tích đất sản xuất cấp cho các hộ cách xa nơi ở; đất có tầng canh tác mỏng, tỷ lệ đá cao, không có nguồn nước tưới; công tác khuyến nông chưa được quan tâm … nên hiệu quả sử dụng đất chưa cao, có một số diện tích còn bỏ hoang và sang nhượng cho người khác.

- Tình hình đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất: Công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn các tỉnh chỉ mới dừng lại ở Chương trình 134 đã kết thúc vào năm 2009 và tiếp tục thực hiện Quyết định 1592. Tính đến nay, số hộ thiếu đất phát sinh mới là 31.069 hộ, với nhu cầu đất sản xuất là 17.516 ha (theo định mức đất sản xuất của Quyết định số 134 và theo Đề án 1592 của các tỉnh). Trong số diện tích đất còn thiếu, các địa phương có thể giải quyết được 3707 ha cho 6576 hộ (từ các nguồn: mua đất dân doanh, khai hoang, thu hồi đất doanh nghiệp, giao khoán bảo vệ và trồng rừng, hộ tự san sẻ) Số hộ còn lại thiếu đất sản xuất các địa phương đang nghiên cứu các giải pháp thay thế như: hỗ trợ học nghề; đi xuất khẩu lao động; hỗ trợ máy móc, nông cụ chuyển đổi ngành nghề.

- Giao rừng, khoán bảo vệ rừng: Thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh Tây nguyên từ năm 2006 đến nay, các tỉnh đã giao 610.683 ha cho 47.485 hộ gia đình. Bao gồm:

+ Giao đất rừng cho 4694 hộ/ 87.199 ha.

+ Trồng rừng cho 16.461 hộ / 11.801 ha.

+ Giao khoán bảo vệ 26.330 hộ /511.682 ha.

Về cơ bản các đối tượng nhận rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được hưởng lợi theo quy định của Luật đất đai và quy định của Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chưa đạt được hai mục đích là giữ rừng và nâng cao đời sống cho đồng bào.

III. MỘT SỐ HẠN CHẾ VÀ TỒN TẠI TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH:

1. Về cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất và phúc lợi xã hội:

Nhìn chung hạ tầng khu vực nông thôn vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của nhân dân; ở vùng sâu, vùng xa và biên giới càng khó khăn hơn. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn chưa đồng đều, các huyện nghèo và huyện biên giới vẫn gặp rất nhiều khó khăn (như giao thông còn khoảng 3% số xã gặp khó khăn đi lại trong mùa mưa và 14% số xã chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đến trung tâm xã).

2. Về Văn hóa - Xã hội

- Công tác xóa đói giảm nghèo tuy đã đạt được nhiều kết quả, song tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên đến nay vẫn còn 226.315 hộ chiếm 18,9%; trong đó hộ đồng bào DTTS 149.578 chiếm 38.02% và đang là một vấn đề tồn tại lớn, khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung và nhóm dân cư khác chưa được thu hẹp, thậm chí có xu hướng dãn ra.

Ngoài ra việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục cũng như cơ hội việc làm cho người dân nông thôn còn thấp, nhất là đồng bào dân lộc thiểu số và đồng bào di cư tự do.

- Công tác sắp xếp, ổn định dân di cư: tình hình dân di cư diễn biến còn rất phức tạp, đến nay các tỉnh Tây nguyên còn khoảng 22.868 hộ, 110.000 khẩu chưa được sắp xếp, ổn định. Do vốn hỗ trợ của TW không đáp ứng được nhu cầu của các địa phương, bên cạnh đó tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vẫn tiếp tục diễn ra, gây khó khăn cho các địa phương cũng như ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

3. Về giao khoán bảo vệ rừng

- Công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn, theo số liệu thống kê năm 2011, diện tích rừng các tỉnh Tây Nguyên bị suy giảm với tổng diện tích 16.397 ha chủ yếu do phá rừng và chuyển đổi rừng sang mục đích sử dụng không phải là lâm nghiệp (không kể diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích trồng cao su).

- Hiện chưa có cơ chế chính sách đồng bộ, hiệu quả để bảo vệ và phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

- Việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả thấp, kết quả rừng vẫn mất, đời sống của đồng bào không được cải thiện, do mức khoán quá thấp, không gắn được lợi ích và trách nhiệm của người được khoán; người dân tham gia rất khó khăn nhất là trong giai đoạn khó khăn về tài chính hiện nay.

- Các hộ gia đình nhận rừng, hầu hết thiếu nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và tổ chức kinh doanh rừng theo phương án để rừng bị phá, lấn chiếm không báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý.

4. Về hệ thống các chính sách:

Mặc dù hệ thống các chính sách trong thời gian qua đã kịp thời giải quyết được những khó khăn vướng mắc cho đồng bào DTTS và dân DCTD. Đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên một số chính sách không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, chính sách còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tập trung một đầu mối, giữa nguồn lực và chính sách không tương xứng, nguồn lực chỉ đáp ứng được từ 30 - 50% nhu cầu. Một số cơ chế chính sách chưa có tác dụng khuyến khích sự phấn đấu vươn lên của đồng bào DTTS , mà tạo ra tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Về chuẩn nghèo: Với mức quy định hiện nay 400.000đ/ người/tháng đối với khu vực miền núi như hiện nay, chưa đánh giá đúng thực trạng nghèo của khu vực này.

5. Về cấp đất sản xuất còn thiếu cho đồng bào DTTS:

Hạn chế trong công tác này là chưa xác định được mức hạn điền bao nhiêu ha/ hộ đồng bào dân tộc, để từ đó xác định diện tích thiếu cần cấp bổ sung; nguyên nhân đến nay vẫn còn trên 31.069 hộ, thiếu 17.516 ha đất sản xuất, là do: Công tác thống kê ban đầu của các địa phương thiếu chính xác, do hộ đồng bào ở chung với cha mẹ nay tách hộ để hưởng các chế độ chính sách, các hộ đã được cấp nhưng đã sang nhượng, cấp đất xấu, xa nơi ở và một phần cấp chồng lấn đất có chủ nên hộ dân không nhận được.

6. Về đào tạo nghề cho đồng bào DTTS:

- Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Do trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt của đồng bào nên việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm không hiệu quả. Nguyên nhân:

+ Thời lượng đào tạo, chính sách hỗ trợ trong thời gian đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc chưa phù hợp.

+ Tập quán của đồng bào chưa thích nghi với môi trường lao động công nghiệp.

+ Các Doanh nghiệp cũng không mặn mà để tuyển dụng công nhân là đồng bào DTTS vào làm việc lâu dài trong doanh nghiệp, chủ yếu tuyển dụng theo thời vụ trong ngành cao su, cà phê . . .

IV. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH:

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại góp phần giải quyết các khó khăn, thách thức nêu trên, các địa phương và Đoàn công tác đề xuất một số cơ chế chính sách như sau:

1. Về cơ sở hạ tầng:

- Cần có thêm các chính sách để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông thủy lợi, trường học, y tế...cho vùng nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

- Để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực Tây nguyên Bộ Nông nghiệp tập trung rà soát thực hiện các quy hoạch thủy lợi đã phê duyệt trên địa bàn: Quy hoạch sử dụng nguồn nước lưu vực sông Sê San, sông Ba, sông Srepok và tiến tới “Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên thích ứng biến đổi khí hậu” nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể về thủy lợi phù hợp, ứng phó với diễn biến phức tạp của khí hậu làm căn cứ đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

- Điều chỉnh Luật Ngân sách nhà nước (khoản 3 điều 8) theo hướng các tỉnh Tây Nguyên được phép huy động vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng. Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

2. Về kinh tế:

- Do vị trí địa lý của các tỉnh Tây nguyên các lợi thế về kinh tế kém hơn so với các vùng khác, hơn nữa đây là khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng nên khả năng thu hút vốn đầu tư kém, nhất là thu hút vốn FDI, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù đối với khu vực Tây Nguyên nhằm phát triển KTXH khu vực này.

- Chính sách phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu khu vực Tây Nguyên, nhằm giao thương, mở rộng hợp tác với các địa phương trong Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Cam phu chia.

- Kinh tế các tỉnh Tây nguyên chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tập trung vào các cây trồng chủ lực như cà phê, hố tiêu, cao su... Trong những năm qua, tình hình giá cả các mặt hàng nông sản thường xuyên biến động đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ bình ổn giá đối với các mặt hàng nông sản chủ lực này, thực hiện chính sách bảo hiểm ngành hàng xuất khẩu. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển bền vững đối với các cây trồng chủ lực cho vùng Tây nguyên.

- Trong lĩnh vực Lâm nghiệp, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế, các chủ rừng đầu tư bảo vệ, phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

- Rà soát toàn bộ diện tích khoán bảo vệ rừng; khoán đất lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và các quy định khác của Nhà nước. Kiên quyết thanh lý hợp đồng khoán bảo vệ rừng, khoán đất lâm nghiệp không đúng đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng.

- Tổng kết thực tiễn, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để các công ty lâm nghiệp đủ năng lực, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, kinh doanh rừng có hiệu quả; nâng cao và gắn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng.

3. Về xã hội cần có các chính sách:

- Các Bộ ngành Trung ương cần nghiên cứu một Chính sách tổng thể về giảm nghèo bền vững cho khu vực Tây nguyên (chú trọng chuyển đổi nghề đề giảm “áp lực ảo” về thiếu đất trong đồng bào DTTS), phải đảm bảo hạn chế những mặt khiếm khuyết của các chính sách nêu trên.

- Các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo để phù hợp tình hình thực tế nhằm đánh giá đúng thực trạng nghèo trong phạm vi cả nước.

- Về ổn định dân di cư tự do: Hiện nay còn 23.565 hộ, 106.000 khẩu chưa được sắp xếp, ổn định, bên cạnh đó diễn biến dân từ các tỉnh di cư tự do đến địa bàn còn rất phức tạp. Vì vậy, đề nghị Trung ương:

+ Cấp bổ sung kinh phí ổn định dân di cư tự do theo đề án đã được phê duyệt

+ Sớm tổ chức hội thảo giữa các địa phương có dân đi và địa phương có dân đến nhằm đưa ra phương hướng chung trong việc giải quyết vấn đề dân di cư tự do.

+ Những năm gần đây, nhà nước luôn bị động trong việc ổn định dân di cư tự do; dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Vì vậy, cần có cơ chế điều hòa dân cư trong phạm vi cả nước.

+ Về quỹ đất để bố trí sắp xếp dân di cư tự do: Hầu hết dân di cư tự do đến các tỉnh Tây nguyên hiện đang cư trú và sinh sống trên đất lâm nghiệp, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất nông nghiệp là rất khó khăn, do vậy nếu các vùng dân di cư tự do đến đã được lập dự án quy hoạch bố trí sắp xếp ổn định dân cư, thì đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà dân di cư tự do khai phá hiện đang canh tác, có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp để giải quyết kịp thời việc sắp xếp các khu dân cư và bố trí đất sản xuất ổn định, lâu dài.

+ Chính phủ cần kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 30a của các tỉnh biên giới phía Bắc về tính hiệu quả. Vì tình hình dân DCTD của các huyện nghèo phía Bắc vẫn tiếp tục di cư vào Tây nguyên.

- Về Chính sách đối với đồng bào dân tộc:

+ Tổ chức điều tra tổng thể kinh tế - xã hội đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên; để các Bộ, ngành TW có thông tin chính xác về đồng bào DTTS tại chỗ, tham mưu Chính phủ có giải pháp giải quyết cho vấn đề dân tộc Tây nguyên.

+ Phân cấp cho địa phương chủ động về hình thức đầu tư của Chương trình đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg là: mỗi hộ được đầu tư một lần, mức đầu tư là 7-10 triệu đồng/hộ nghèo, 5-6 triệu đồng/hộ cận nghèo; có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ cận nghèo để thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo, nhất là hỗ trợ cây giống, con giống.

+ Tăng cường hơn nữa các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn tri thức bản địa để nâng cao nhận thức của hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách định canh định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg: Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã được hỗ trợ theo Chương trình 132, 134 nhưng đang thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang sống trong các nhà dài cần tách hộ, đang thiếu đất sản xuất, đất ở, đời sống gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ du canh du cư. Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ để đảm bảo bền vững vẫn ưu tiên cho đào tạo nghề; khoán quản lý bảo vệ rừng theo hình thức đồng quản lý (cả hộ dân và lực lượng của chủ rừng), đồng hưởng lợi, tạo sự gắn kết trách nhiệm và kỹ năng trong tuần tra, xử lý vi phạm Lâm luật.

+ Tiếp tục đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2013 - 2015 với mức đầu tư cao hơn.

+ Đề nghị Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg theo các nội dung sửa đổi mới đến năm 2015; hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai thực hiện các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn theo Đề án đã được phê duyệt.

Trên đây, là nội dung báo cáo rà soát thực trạng hạ tầng nông thôn, tình hình sử dụng đất, rừng; tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên và một số ý kiến đề xuất của địa phương về cơ chế chính sách để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị; kính đề nghị Ban Chỉ đạo Tây nguyên xem xét, tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để B/c);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để B/c);
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban Dân tộc;
- UBND các tỉnh Tây Nguyên;
- Đảng Ủy Bộ;
- Lưu VT, Cục KTHT, VP Bộ, VP BCĐ TN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỦ
TRƯỞNG




Nguyễn Đăng Khoa

 



[1] tỉnh Đắk Nông từ 1996 đến tháng 5/2011 có 22.404 hộ/104.245 khẩu. Riêng dân tộc Mông có 3.880 hộ/22.628 khẩu; tỉnh Kon Tum Từ 2001 đến 30/6/2011 đã có 4.149 hộ/15.672 khẩu; tỉnh Đắk Lắk từ 2000 đến tháng 3/2012 có 14.092 hộ/71.285 khẩu (trong đó dân tộc Mông có 4.830 hộ/27.622 khẩu); Tỉnh Gia Lai từ 2005 đến 2011 đã có 3.059 hộ - 10.955 khẩu; Tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua có 7.897 hộ - 32.756 hộ đến tỉnh (trong đó có cả dân di cư theo kế hoạch).

[2] Tỉnh Đắk Nông còn 11.741 hộ/54.944 khẩu; Đắk Lắk còn 6.408 hộ/31.922 khẩu; Kon Tum còn 1.874 hộ/8.847 khẩu; Gia Lai còn 1.027 hộ/7.936 khẩu; Lâm Đồng còn 818 hộ.