Hệ thống pháp luật

Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi thu mua hàng hóa, tự ý dán nhãn thương hiệu đã được bảo hộ bị xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DN9

Câu hỏi:

Nước mắm Phú Quốc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý năm 2007. Ngày 23/10/2015, Hiệp hội Nước nắm Phú Quốc phát hiện doanh nghiệp X tại Nghệ An thu mua nước nắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phú Quốc và các địa phương khác đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “Nước nắm đậm đà hương vị Phú Quốc” để bán ra thị trường. Hành vi doanh nghiệp X có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) không

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 94 Luật Sở hữu trí tuệ thì nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện việc quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Trong trường hợp này, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Như vậy, có thể thấy, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc là chủ thể đã được Nhà nước trao quyền quản lí chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền sau:

a) Tổ chức, cá nhân được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý đó có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.” Với quy định này thì Hiệp hội nước mắm Phú Quốc có quyền cho phép người khác sử dụng hoặc ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc của địa phương mình.

Ngày 23/10/2015, Hiệp hội Nước nắm Phú Quốc phát hiện doanh nghiệp X tại Nghệ An thu mua nước nắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phú Quốc và các địa phương khác đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “Nước nắm đậm đà hương vị Phú Quốc” để bán ra thị trường. Hành vi của doanh nghiệp X đã xâm phạm quyền SHTT mà cụ thể là quyền đối với chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc.

Để xác định một hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý nói riêng và quyền đối với sở hữu trí tuệ nói chung, căn cứ vào Điều 5 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi đáp ứng 4 điều kiện sau:

Về điều kiện thứ nhất, đối tượng xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, đối tượng cần xem xét đó là chỉ dẫn địa lý đối với Nước mắm Phú Quốc. Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2007 đến năm 2015 thì phát hiện hành vi sản xuất nước mắm mang nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” của doanh nghiệp X. Theo quy định tại Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ về hiệu lực của văn bằng bảo hộ thì văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tại khoản 7 Điều luật này có quy định: “Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.” Theo quy định này thì Chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc được cấp cho Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc vẫn đang được bảo hộ tại thời điểm có hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X.

Về điều kiện thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Yếu tố xâm phạm là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Cụ thể, yếu tố xâm phạm là sản phẩm, quy trình hoặc một phần, bộ phận cấu thành sản phẩm hoặc quy trình được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì “yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn được bảo hộ”. Trong trường hợp này cần xác định hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X. Theo quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn được bảo hộ bao gồm:

a) Sử dụng chỉ dẫn được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.”

"c) sử dụng bất kì dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ ku vực địa lý đó.”

Trong trường hợp này, doanh nghiệp X đã mua nước mắm từ khu vực địa lý của chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc và các địa phương khác, đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” đây là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc. Việc doanh nghiệp X này dán nhãn như trên đối với sản phẩm của mình tức là đã sử dụng dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc. Nhãn hiệu “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” của doanh nghiệp X có thể làm cho người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm nước mắm xuất xứ từ Phú Quốc. Ngoài ra theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ thì hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dáu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Ở đây, có thể thấy, nước mắm của doanh nghiệp X là hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc. Bởi:

Thứ nhất, doanh nghiệp X không thuộc khu vực có chỉ dẫn địa lý là nước mắm Phú Quốc và việc sử dụng chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phú Quốc của doanh nghiệp X không được sự cho phép của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc – chủ thể quản lý chỉ dẫn địa lý. Thứ hai, ở đây hai sản phẩm đều là nước mắm có chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ giống nhau. Thứ ba, tên nhãn hiệu cho sản phẩm của công ty X trùng với địa danh chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nước mắm mà Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã được cấp Giấy phép đăng kí.

Hành vi của doanh nghiệp X là hành vi cố ý làm cho người tiêu dùng tưởng rằng nước mắm mà doanh nghiệp X sản xuất có nguồn gốc từ Phú Quốc. Như vậy có thể thấy trong trường hợp này đã có yếu tố xâm phạm đến chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc.

Về điều kiện thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét trong tường hợp này là doanh nghiệp X. Doanh nghiệp này không nằm trong khu vực địa lý của chỉ dẫn Nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ, không được sự cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nhãn hiệu “ Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” chưa đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc . Mặt khác, doanh nghiệp X đã pha chế nước mắm mua về từ các cơ sử ở Phú Quốc với các loại nước mắm khác, việc làm này đã làm thay đổi chất lượng, giá trị của Sản phẩm Nước mắm Phú Quốc nên hành vi của doanh nghiệp X cũng không thuộc trường hợp được cho phép theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp X không phải là chủ thể được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ.

Về điều kiện thứ tư, hành vi xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi của doanh nghiệp X là hành vi cần xem xét. Hành vi pha chế, dán nhãn và đem bán ra thị trường sản phẩm nước mắm có nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phú Quốc” được doanh nghiệp X tiến hành tại trụ sở của mình tại Nghệ An. Như vậy, hành vi cần xem xét ở đây xảy ra tại Việt Nam.

Từ việc phân tích ở trên có thể thấy, hành vi của doanh nghiệp X đã đáp ứng đầy đủ các cơ sở để xác định một hành vi xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Như vây, doanh nghiệp X đã có hành vi xâm phậm quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể trong trường hợp này là hành vi xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM