Hệ thống pháp luật

Tư vấn thuế và thành lập công ty đối với phòng khám?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: KT110

Câu hỏi:

Chào luật sư, Em là Bs Răng Hàm Mặt, có giấy phép hành nghề do Sở Y tế cấp. Hiện tại em đang mở phòng khám, phòng khám hoat động được hơn 1 năm. Do tính chắt công việc nên em chưa tìm hiểu kỹ phòng khám cần phải nộp những khoản thuế nào? Thỉnh thoảng có đội thuế hay vào yêu cầu nộp khoản này khoản kia, rất mất thời gian, tiền bạc và phiền toái.
Vấn đề 1: Em đang tìm hiểu xem có nên thành lập công ty hay không? Nếu thành lập công ty thì hình thức công ty nào sẽ phù hợp? Các khoản thuế phải nộp là khoản nào? Có phải nộp thuế nhiều không ạ? Nếu không thành lập công ty, cứ để phòng khám hoạt động theo dạng hộ kinh doanh thì tiền nộp thuế so với trường hợp thành lập công ty là như thế nào ạ?
Vấn đề 2: Trường hợp thành lập công ty thì hồ sơ, thủ tục như thế nào để có thể tiết kiệm chi phí nhất cho việc nộp thuế mà không vi phạm ạ? Rất mong anh/chị tư vấn giúp em với ạ. Trân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, về các loại thuế phải nộp với phòng khám.
- Thuế môn bài, theo hướng dẫn tại văn bản hợp nhất 33/VBHN-BTC có hướng dẫn như sau:
Thuế môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể như sau:
Đơn vị: Việt Nam đồng.
Bậc thuế Thu nhập 1 tháng Mức thuế cả năm
1 Trên 1.500.000 1.000.000
2 Trên 1.000.000 đến 1.500.000 750.000
3 Trên 750.000 đến 1.000.000 500.000
4 Trên 500.000 đến 750.000 300.000
5 Trên 300.000 đến 500.000 100.000
6 Bằng hoặc thấp hơn 300.000 50.000
Về thuế khoán đối với hộ kinh doanh theo hướng dẫn tại điều 2 thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn như sau:

Điều 2. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
1. Nguyên tắc áp dụng
a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm....

2. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
a) Doanh thu tính thuế
a.1) Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.
a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
b) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
b.1) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
- Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
b.2) Chi tiết danh mục ngành nghề để áp dụng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm Thông tư này.
b.3) Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
c) Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Vậy đối với trường hợp hộ kinh doanh của bạn nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm thì bạn thuộc đối tượng phải nộp thuế khoán theo hướng dẫn đã nêu trên.
Thứ 2: Về vấn đề bạn muốn chuyển đổi loại hình kinh doanh thành doanh nghiệp.
- Về thuế GTGT
Khoản 9 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
"9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT."
Như vậy, đối với các dịch vụ sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế, ngoài những dịch vụ này, doanh nghiệp có hoạt động bán thiết bị y tế hoặc dụng cụ chuyên dụng trong y tế khác thì sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo quy định tại điều 1 Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế TNDN phải nộp = ( Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) ) x Thuế suất thuế TNDN
- Thuế môn bài:
Mỗi năm nộp 1 lần tuỳ theo mức vốn điều lệ, đối với năm đầu tiên còn tuỳ thuộc vào thời điểm thành lập, nếu sau thời điểm 30/06 chỉ phải nộp 1/2 mức thuế theo biểu thuế của năm. Mức thuế môn bài theo khung quy đinh như sau:
Bậc thuế môn bài Thu nhập 1 tháng Mức thuế cả năm
Bậc 1 Trên 10 tỷ 3.000.000
Bậc 2 Từ 5 tỷ đến 10 tỷ 2.000.000
Bậc 3 Từ 2 tỷ đến 5 tỷ 1.500.000
Bậc 4 Dưới 2 tỷ 1.000.000
Ngoài ra nếu doanh nghiệp có thuê mướn người lao động thì doanh nghiệp phải tiến hành nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại thông tư 111/2013/TT-BTC.
Thứ ba, về thủ tục thành lập doanh nghiệp
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:
- Công dân, tổ chức: nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận-hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ.
- Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy hẹn cho công dân, tổ chức.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ:
Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết.
Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và chuyển cho Bộ phận một cửa để trả cho công dân, doanh nghiệp.
Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ:
Công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa”.
Thời gian: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM