Hệ thống pháp luật

Tư vấn quyền cá nhân đầu tư tài chính trong tác phẩm điện ảnh

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: SHTT82

Câu hỏi:

Chào luật sư ! Tôi là một sinh viên của trường Sân khấu điện ảnh. Năm 2015, nhóm chúng tôi ( gồm 4 người ) có quay 1 đoạn phim ngắn về đề tài sinh viên và rất may mắn, bộ phim được nhiều bạn trẻ yêu thích, được một nhà đầu tư muốn ký hợp đồng phân phối tác phẩm. Thực chất, khi quay bộ phim, toàn bộ vật chất, tiền đi lại, ăn uống và máy móc đều do bản thân tôi đầu tư, vì vậy nên khoản tiền thu được tôi lấy một nửa, còn 1 nửa chia đều cho 3 người kia. Tuy nhiên, 3 người còn lại bắt tôi phải chia đều số tiền cho cả 4, vì họ cho rằng cả 4 người đều là đồng tác giả của bộ phim.

Xin luật sư tư vấn cho tôi làm như vậy có đúng quy định pháp luật không ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Điều 14 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định: " Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự ... là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác " .

Điều 21 Luật sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009 ) quy định:

" 1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.

Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này."

Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009 ) quy định:

" 1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. "

2. Áp dụng tình huống:

Tác phẩm điện ảnh được sáng tạo bởi tập thể tác giả. Những người tham gia sáng tạo tác phẩm điện ảnh bao gồm: người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh. Như vậy, 4 người các bạn là đồng tác giả của phim ngắn này, được hưởng các quyền nhân thân đối với phần sáng tạo của mình.

Tuy nhiên, theo thông tin cung cấp từ bạn, không những bạn là đồng tác giả của bộ phim, mà còn là " đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh ". Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 nêu trên, bạn là chủ sở hữu các quyền quy định tại Khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

Lưu ý, khi thực hiện quyền này, bạn có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận. Như vậy, bạn có quyền hưởng số tiền thu lại từ việc phân phối bộ phim, nhưng phải trả thù lao cho 3 người còn lại. Việc 50% số tiền thu được chia cho 3 người, nếu số tiền mỗi người lớn hơn mức thù lao đáng nhẽ họ được hưởng, thì hoàn toàn hợp pháp. Ngược lại, nếu thù lao họ bỏ ra nhiều hơn số tiền bạn chi trả cho họ, thì bạn nên xem xét thỏa thuận một mức thù lao phù hợp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM