Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Mục 1. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 49. Bộ Tài chính

1. Thực hiện trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật quản lý nợ công:

a) Tham gia đàm phán, góp ý kiến về điều kiện vay, thỏa thuận vay đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã cung cấp theo quy định tại Điều 15, Điều 20 của Nghị định này.

b) Áp dụng các biện pháp quy định tại Nghị định này để thu hồi nợ và các chi phí phát sinh từ việc trả nợ thay Người được bảo lãnh, trong đó có việc yêu cầu ngân hàng phục vụ hoặc các ngân hàng nơi Người được bảo lãnh mở tài khoản cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của Người được bảo lãnh trả cho Quỹ Tích lũy trả nợ mà không cần có sự đồng ý của Người được bảo lãnh (chủ tài khoản).

c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, nguồn thực hiện nghĩa vụ của Người bảo lãnh theo quy định của Điều 47 Nghị định này.

d) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ vào quý II của năm liền kề tiếp theo về tình hình tổng hợp các khoản bảo lãnh đã phát hành theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 của Luật quản lý nợ công:

- Tình hình và số liệu cụ thể các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu đã cấp bảo lãnh trong năm trước đó;

- Số liệu lũy kế đến hết năm trước đó của tất cả các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

- Đánh giá chung tình hình thực hiện hạn mức bảo lãnh của năm trước đó;

- Đánh giá chung tình hình thực hiện nghĩa vụ của Người được bảo lãnh;

- Kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc về cấp và quản lý bảo lãnh và các kiến nghị.

2. Theo dõi việc rút vốn và trả nợ của Người được bảo lãnh đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

3. Tổ chức việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh.

4. Thẩm định hoặc có ý kiến với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý ngành và Người được bảo lãnh trước khi trình duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 của Nghị định này; có ý kiến với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý ngành và Người được bảo lãnh về các vấn đề có liên quan tới khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong quá trình triển khai thực hiện.

5. Tham khảo ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về doanh nghiệp, chương trình, dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh trong quá trình thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.

6. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh đột xuất trong quá trình quản lý khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

7. Hướng dẫn một số nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 32 và khoản 2 Điều 41 của Nghị định này.

Điều 50. Bộ Tư pháp

1. Tham gia đàm phán và có ý kiến về những vấn đề pháp lý trong dự thảo thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế đề nghị Chính phủ bảo lãnh và dự thảo Thư bảo lãnh.

2. Chủ trì trao đổi về nội dung ý kiến pháp lý và cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật với Người cho vay.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính xử lý các tranh chấp pháp lý phát sinh liên quan đến việc thực hiện Thư bảo lãnh.

Điều 51. Bộ Ngoại giao

Phối hợp với Bộ Tài chính chỉ định cơ quan đại diện thích hợp của Việt Nam ở nước ngoài làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh.

Điều 52. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về lãi suất của khoản vay trong nước của các doanh nghiệp đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ.

2. Phê duyệt đề án vay, đề án phát hành trái phiếu trong và ngoài nước của các tổ chức tín dụng Nhà nước hoặc tham gia ý kiến đối với đề án vay, đề án phát hành trái phiếu trong và ngoài nước của các tổ chức tín dụng, đề nghị Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước.

3. Thực hiện xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh cho Người được bảo lãnh sau khi Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh.

4. Tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về hệ số an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng đề nghị phê duyệt chủ trương hoặc đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ.

5. Phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cân đối ngoại tệ theo quy định của pháp luật cho các khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ cấp bảo lãnh trong trường hợp cần thiết để Người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Thư bảo lãnh theo đề nghị của Bộ Tài chính.

6. Cập nhật vào hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các thông tin liên quan tới tình trạng khoản vay của Người được bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 53. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành

1. Phê duyệt đề án vay, đề án phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc tham gia ý kiến đối với đề án vay, đề án phát hành trái phiếu trong và ngoài nước của các doanh nghiệp hoặc ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước với các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phê duyệt khoản vay của doanh nghiệp để đầu tư chương trình, dự án đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.

b) Cho ý kiến về tính hợp lý của các thông số tính toán của doanh nghiệp (giá bán hoặc nguồn thu dự kiến; công suất, tần suất vận hành máy móc thiết bị; khấu hao,...) để xây dựng phương án tài chính và dòng tiền trả nợ.

c) Đánh giá hiệu quả, khả năng trả nợ của chủ đầu tư và phương án tài chính của dự án.

d) Tính khả thi của các cam kết của doanh nghiệp trong thỏa thuận vay.

2. Đôn đốc Người được bảo lãnh là doanh nghiệp thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ đã cam kết đối với người cho vay và Bộ Tài chính.

3. Chủ trì kiểm tra, giám sát và chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới việc vi phạm nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay vốn được Chính phủ bảo lãnh thuộc quyền quản lý.

4. Thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản các quyết định, chính sách hoặc tình huống có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện dự án và tới khả năng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận vay và đề nghị phương án xử lý của doanh nghiệp thuộc quyền quản lý.

5. Có ý kiến với tư cách cơ quan đại diện chủ sở hữu trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có vốn góp của nhà nước dưới 100% vay vốn đề nghị Chính phủ cấp bảo lãnh.

6. Tham gia ý kiến về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến chương trình, dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ theo đề nghị của Bộ Tài chính trong quá trình thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh hoặc thẩm định cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp.

7. Phối hợp với Bộ Tài chính xử lý các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc thực hiện Thư bảo lãnh.

Điều 54. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố

1. Tham gia ý kiến về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đề nghị cấp bảo lãnh trên địa bàn (nếu có); về tình hình thực hiện các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư trên địa bàn của chủ đầu tư theo đề nghị của Bộ Tài chính.

2. Phối hợp xử lý tài sản thế chấp có liên quan thuộc diện quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

3. Giám sát doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án tuân thủ các quy định của pháp luật tại địa phương.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN ĐẾN BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ

Điều 55. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đề nghị cấp bảo lãnh

1. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của các số liệu, hồ sơ cung cấp cho Bộ Tài chính đề nghị xem xét, trình phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ, đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ theo quy định của Nghị định này và các văn bản hướng dẫn.

2. Tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính trước khi ủy quyền thu xếp vốn nếu có các điều kiện tài chính cụ thể của khoản vay dự kiến đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ sau khi đã được phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh.

3. Chủ trì đàm phán thỏa thuận vay trong và ngoài nước, thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế.

4. Cung cấp cho các cơ quan có liên quan các dự thảo thỏa thuận vay, dự thảo Thư bảo lãnh và ý kiến pháp lý (nếu có) của khoản vay trong và ngoài nước, khoản phát hành trái phiếu quốc tế chậm nhất 07 ngày làm việc trước khi tiến hành đàm phán.

5. Cung cấp cho Bộ Tài chính thỏa thuận vay trong và ngoài nước, thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế sau khi ký chính thức.

Điều 56. Nghĩa vụ của Người được bảo lãnh

1. Tổ chức phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế được Chính phủ bảo lãnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đề xuất với Bộ Tài chính ngân hàng phục vụ cho Dự án; mở và đăng ký với Bộ Tài chính Tài khoản Dự án tại Ngân hàng phục vụ, đồng thời thông báo toàn bộ tài khoản tiền gửi hiện có tại các tổ chức tín dụng kèm theo xác nhận của tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản cho Bộ Tài chính. Trường hợp thay đổi Ngân hàng phục vụ, Người được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo lý do bằng văn bản cho Bộ Tài chính để có ý kiến chấp thuận trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

3. Thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ của người vay, chủ thể phát hành trái phiếu theo thỏa thuận vay, thỏa thuận phát hành trái phiếu đã ký được Chính phủ bảo lãnh.

4. Đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật.

5. Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện dự án: Phải đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện Dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn chủ sở hữu; khi quyết toán công trình hoàn thành dự án phải đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ đã đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh.

6. Chuyển doanh thu của chương trình, dự án ngay khi phát sinh vào Tài khoản Dự án theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn vay được Chính phủ bảo lãnh trong tổng giá trị vốn vay của chương trình, dự án đó.

Cam kết duy trì số dư trong Tài khoản Dự án (bằng nguyên tệ hoặc bằng Đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi của Ngân hàng phục vụ) từ năm đầu tiên phát sinh nghĩa vụ trả nợ để đảm bảo trả nợ vay đúng hạn theo quy định.

7. Thường xuyên đánh giá các rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp, dự án và nghiên cứu thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro đối với khoản vay theo thẩm quyền để đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

8. Thực hiện các nghĩa vụ của Người được bảo lãnh với Bộ Tài chính:

a) Thực hiện thế chấp tài sản cho khoản vay, khoản phát hành được chính phủ bảo lãnh, thực hiện việc kê khai, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp, bổ sung tài sản thế chấp cho Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

b) Trả phí bảo lãnh đầy đủ và đúng hạn theo thông báo của Bộ Tài chính.

c) Thông báo cho Bộ Tài chính bất kỳ thay đổi nào có liên quan tới Thỏa thuận vay, Người vay (Người nhận bảo lãnh), cơ cấu cổ đông, cá nhân góp vốn trong doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh.

d) Thực hiện đầy đủ, đúng hạn chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính.

đ) Báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trước kỳ hạn nợ tối thiểu là 03 tháng trước ngày đến hạn trả nợ nhưng không có khả năng thanh toán hoặc dự kiến thanh toán không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, có nêu rõ lý do.

e) Nhận nợ bắt buộc với Bộ Tài chính trong trường hợp Bộ Tài chính cho vay tạm ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và chịu các chi phí phát sinh liên quan tới việc chuyển tiền trả nợ.

g) Chấp thuận và tuân thủ các chế tài cần thiết khác trong quá trình quản lý bảo lãnh theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

h) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình kiểm tra tình hình thực hiện chương trình, dự án khi cần thiết.

9. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ rút vốn cho Ngân hàng phục vụ xác nhận về sự phù hợp với hợp đồng thương mại và thỏa thuận vay đã ký trước khi gửi hồ sơ rút vốn cho Bên cho vay.

10. Trả phí dịch vụ cho Ngân hàng phục vụ và các khoản chi phí khác phát sinh (nếu có) cho các bên có liên quan theo quy định của Nghị định này.

11. Thực hiện kiểm toán hàng năm đối với dự án trong quá trình xây dựng, kiểm toán doanh nghiệp định kỳ hàng năm sau khi kết thúc dự án và gửi bản sao báo cáo kiểm toán cho Bộ Tài chính.

12. Thực hiện các quy định khác có liên quan của Nghị định này.

Điều 57. Trách nhiệm của công ty mẹ

1. Trường hợp Người được bảo lãnh là công ty thành viên theo hình thức công ty mẹ, công ty con, Công ty mẹ có trách nhiệm:

a) Thực hiện các nghĩa vụ của công ty mẹ theo văn bản cam kết đã phát hành gửi Bộ Tài chính trước khi thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.

b) Hỗ trợ tài chính cho Người được bảo lãnh để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, thực hiện các nghĩa vụ trả nợ đến hạn với Người cho vay khi Người được bảo lãnh gặp khó khăn.

2. Công ty mẹ có trách nhiệm giám sát và chỉ đạo Người được bảo lãnh thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với Người cho vay và Bộ Tài chính theo các văn bản đã ký kết.

Điều 58. Trách nhiệm của người cho vay, người nhận bảo lãnh

1. Người cho vay có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình đàm phán Thư bảo lãnh.

2. Người nhận bảo lãnh có trách nhiệm hợp tác với Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và trong thời gian Thư bảo lãnh có hiệu lực:

a) Gửi cho Bộ Tài chính bản sao chi tiết thông báo từng khoản rút vốn, lãi suất biến động (nếu có), yêu cầu trả nợ cùng thời điểm gửi cho người vay.

b) Gửi thông báo cho Bộ Tài chính về tình hình rút vốn, trả nợ và dự án của người vay nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra.

c) Gửi cho Bộ Tài chính các thông báo khác theo quy định của Thỏa thuận vay được Chính phủ bảo lãnh.

3. Người nhận bảo lãnh có trách nhiệm chia sẻ các thông tin cần thiết cho Bộ Tài chính về người vay, dự án và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, các báo cáo kiểm tra, giám sát trong phạm vi cho phép của mình để đảm bảo tiền vay được sử dụng đúng mục đích, người vay thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận vay.

Điều 59. Trách nhiệm của ngân hàng phục vụ

Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm:

1. Thực hiện các nhiệm vụ và phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trong quá trình quản lý chương trình, dự án, các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có liên quan theo các quy định tại Nghị định này.

2. Cung cấp cho Bộ Tài chính Báo cáo chi tiết của Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình tín dụng của Người được bảo lãnh vào cuối mỗi năm tài chính.

3. Thực hiện các chế tài cần thiết theo yêu cầu của Bộ Tài chính phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này để thu hồi các khoản nợ vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ mà Quỹ Tích lũy trả nợ đã cho Người được bảo lãnh vay để trả nợ và các chi phí phát sinh từ việc trả nợ thay cho Người được bảo lãnh.

4. Đối xử ngang bằng trong quản lý khoản vay, thu hồi và thanh toán nợ, thực hiện các biện pháp bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh như đối với các khoản vay vốn khác của Người được bảo lãnh tại Ngân hàng phục vụ.

Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

  • Số hiệu: 04/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 06/02/2017
  • Số công báo: Từ số 121 đến số 122
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH