Hệ thống pháp luật

Không đồng ý với việc cho thôi việc của công ty thì nộp đơn khởi kiện ở đâu ?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: LD77

Câu hỏi:

Chào luật sư. Luật sư cho em hỏi vấn đề liên quan tới luật lao động. Nguyên vào tháng 11/2015 em có người quen giới thiệu em cho công ty vận tải tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng 11/2015 người đại diện công ty đó liên lạc với em mời em về làm cùng với người giới thiệu em cho công ty Vận tải này tại Chi nhánh Đồng Nai. Sau đó có kí hợp đồng với em từ ngày 01/12/2015 đến 01/12/2016 và có quyết định kèm theo chức vụ Trưởng phòng Điều Hành. Trong hợp đồng có ghi rõ mức lương và thời gian nhận lương 2 kì/1 tháng. Sau một tháng giữa người giới thiệu em và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty có mâu thuẫn về cách làm việc và xin nghỉ. Ngay lập tức công ty mượn lại quyết định và hợp đồng của em bảo chỉnh sửa theo qui định mới năm 2016. Sau đó công ty thông báo miệng chuyển em xuống làm phó phòng( nhưng vẫn phụ trách phòng) cho dù em làm rất tốt không vi phạm kỉ luật gì.Tiếp sau đó, một tuần công ty đưa nhân sự mới về và thông báo qua Trưởng phòng hành chính là bảo em là do người giới thiệu em nghỉ thì em cũng nghỉ đi. Ngay lập tức hôm sau em có lên lại chi nhánh công ty và em thông báo em vào làm do công ty mời về làm( em công tác tại cty vận tải khác đã 5 năm) nay nghỉ công ty phải ra quyết định nghỉ việc cho em.Sau đó công ty không ra quyết định mà yêu cầu em lên Tổng công ty làm viêc sau đó em nghĩ lên để xem công ty giải quyết dứt điểm trong khi em đang làm việc tại tổng công ty thì các nhân viên khác nhận được chỉ đạo báo cáo qua gmail lúc 15 h thì tới 16 h thì thấy có biên bản lập em vì lỗi không báo cáo, có hình ảnh và file đính kèm mà trong khi đó công ty đang mời em lên công ty trên Thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày em lên em thấy không đúng với nôi dung công việc mong muốn lấy quyết định nghỉ việc. Sau đó công ty cho mời em thêm 5 lần nữa mà gửi qua gmail .Thời gian không đúng ,và một tờ biên bản lập kỉ luật em là không chấp hành công việc lên đề nghị sa thải em Em thấy công ty đang làm sai luật lao động em yêu cầu cho em nghỉ phải có quyết định và bồi thường cho em 1 tháng lương khi không thông báo trước cho em 30 ngày, và 2 tháng lương hỗ trợ tìm việc mà công ty không đồng ý. Trong quá trình làm việc lương cũng không được trả đúng thời hạn ( hợp đồng tháng lãnh 2 lần) thì chỉ lãnh 1 lần vào cuối tháng. Vậy em muốn kiện công ty thì đơn gửi lên Liên Đoàn Lao Động Thành phố Hồ Chí Minh, hay ở Biên Hòa Đồng Nai. Kính mong luật sư giúp đỡ tư vấn cho em. Em xin trân trọng cảm ơn luật sư

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Điều 126 Bộ luât lao động quy định như sau:

Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

"Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động."

Theo như những thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi bạn chưa nêu rõ nên có thể chia ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Sau khi công ty đã có thông báo cho bạn 5 lần mà bạn vẫn đi làm đi làm thì công ty không được phép sa thải bạn.

Trường hợp 2: Sau khi công ty đã có thông báo mời bạn mà bạn lại nghỉ việc liên tiếp 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm thì lúc này công ty sẽ có căn cứ để sa thải bạn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011:

“Điều 31. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.

3. Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.”

và Khoản 1 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành

“Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này."

Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản."

Dưạ trên những căn cứ pháp luật trên mà chúng tôi đưa ra thì bạn có thể khởi kiện công ty tới Tòa án nơi công ty Vận tải này đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM