Hệ thống pháp luật

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thực hiện như thế nào ?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: SHTT63

Câu hỏi:

Thưa luật sư, em có tình huống về luật sở hữu trí tuệ muốn nhờ Luật sư tư vấn ạ! Tình huống như sau:

Ông Nguyễn Xuân Minh đã tìm tòi và sử dụng khuôn ép để tạo dáng thành công dưa hấu hình hồ lô với kiểu dáng độc đáo. Sản phẩm này có thể sản xuất được với số lượng lớn.

Ông Minh sau khi trồng thử nghiệm đã trưng bày tại triển lãm nông sản của địa phương và bán được số lượng lớn sản phẩm này tại triển lãm. Khi đánh giá sản phẩm dưa hấu này có khả năng khai thác thương mại cao, ông Minh mới tính đến việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ". Hãy phân tích và đánh giá:

1. Hình dáng dưa hồ lô do ông Minh sáng tạo ra có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không? Vì sao?

2. Hình dáng dưa hồ lô nói trên có đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hay không?

3. Hãy đưa ra ý kiến tư vấn trong trường hợp ông Minh muốn đăng ký khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp.

Em xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005

Luật sở hữu trí tuệ SĐBS năm 2009

Nghị định 100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan

Thông tư 01/2007/TT-BKHCN Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp

2. Nội dung tư vấn

a. Hình dáng dưa hồ lô do ông Minh sáng tạo ra có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không? Vì sao?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, quy định: "2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm." và Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 "Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng kí hay chưa đăng kí".Như vậy, điều kiện để được bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đó là tính mới, tính sáng tạo, tính hữu ích.

Theo như nội dung cung cấp thì tác phẩm được xem xét là hình dáng dưa hấu hồ lô do ông Minh sáng tạo ra. Hình dáng dưa hấu hồ lô thể hiện bằng đường nét, hình khối là giống như cái bình hồ lô (hình dáng hồ lô đã có trước đó, ví dụ: bầu hồ lô) nên không đảm bảo tính mới. Thêm vào đó, xét khía cạnh tính năng hữu ích của tác phẩm này: hình dáng dưa hấu mà ông Minh sáng tạo ra chỉ đáp ứng được nhu cầu về mặt thẩm mĩ đó là nhìn mới lạ, bắt mắt từ đó thu hút khách hàng chứ nó không làm thay đổi về chất lượng của quả dưa như: độ ngọt, ít hạt… Cho nên nếu xét về tính năng hữu ích của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì hình dáng của dưa hấu hồ lô chưa đáp ứng được yêu cầu này. Do đó hình dáng dưa hấu hồ lô của ông Minh không được coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và không được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này.

b. Hình dáng dưa hấu hồ lô nói trên có đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hay không?

Theo khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ SĐBS năm 2009 thì "kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này". Kiểu dáng công nghiệp có chức năng thẩm mỹ: hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng bằng tính độc đáo, vẻ đẹp, sự bắt mắt… Sản phẩm được hiểu là đồ vật dụng cụ phương tiện… được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp, có kết cấu chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập mà ở đây cụ thể là quả dưa hấu hình hồ lô. Khi đánh giá sản phẩm này có khả năng khai thác thương mại cao, ông Minh muốn đăng kí sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp quả dưa hấu hình hồ lô của mình.

Theo điều 63 luật SHTT 2009, để hình dáng quả dưa hấu hình hồ lô được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng 3 tiêu chí:

• Có tính mới,

• Có tính sáng tạo,

• Có khả năng áp dụng công nghiệp

Dưới đây ta sẽ xét từng yếu tố:

Tính mới: Theo Thông tư 01/2007/TT-BKHCN để đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp trùng lặp/tương tự gần nhất dùng làm kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin. Như vậy, hình dáng quả dưa hấu hồ lô phải chưa từng được công bố trên thế giới, không được đồng nhất hoặc tương tự gần giống đến mức gây nhầm lẫn với các kiểu dáng đã tồn tại trước đó. Vì vậy cần phải xem xét đã có nơi nào tạo ra dưa hấu hình hồ lô chưa, có thể ở địa phương ông Minh, hình dáng dưa hấu hồ lô là hoàn toàn mới, nhưng có thể ở địa phương khác, hoặc trên thế giới, người ta đã tạo được dưa hấu hình hồ lô trước, khi đó kiểu dáng công nghiệp đã mất tính mới. Ở đây ta cũng cần xét quả dưa hấu hình hồ lô sau khi đươc ông Minh trưng bày, đã được buôn bán với số lượng lớn, sau đó mới đi đăng ký kiểu dáng thì kiểu dáng công nghiệp không còn đáp ứng được tính mới nữa vì theo khoản 4 điều 65 luật SHTT năm 2009, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố (trưng bày tại triển lãm nông nghiệp địa phương) ông Minh phải nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Tính sáng tạo: kiểu dáng dưa hấu hồ lô là thành quả sáng tạo của ông Minh. Bình thường quả dưa hấu có hình tròn, elip… tuy nhiên ônh Minh đã tạo hình dáng quả dưa hấu thành hình hồ lô, điều này đáp ứng được điều kiện kiểu dáng công nghiệp phải tạo ra bước tiến rõ rệt về mặt kỹ thuật so với kiểu dáng của các sản phẩm cùng loại trước đó. Tuy nhiên cần phải xem xét nó có được tạo ra một cách dễ dàng đối với một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng hay không, nếu có thì kiểu dáng dưa hấu hồ lô không có tính sáng tạo. Hiện nay người ta đã sản xuất được các loại quả có hình dáng đặc biệt như dưa hấu hình vuông, dưa hình thỏi vàng, bưởi hồ lô… Vì vậy có thể thấy việc tạo hình dưa hấu hồ lô đã mất bớt tính sáng tạo, tuy nhiên để khuyến khích sự sáng tạo của người dân hơn nữa thì trường hợp này vẫn có thể coi là có tính sáng tạo

Khả năng áp dụng công nghiệp: do sản phẩm của ông Minh có thể sản xuất với số lượng lớn bằng phương pháp thủ công nghiệp có kiểu dáng là kiểu dáng công nghiệp đó vì vậy nó có khả năng áp dụng công nghiệp. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng tạo hình dáng lạ cho nông sản thì không thể sản xuất hàng loạt.

Hơn nữa, nếu đăng kí kiểu dáng công nghiệp cho hình dáng hồ lô nói trên thì mọi hành vi làm ra cái kiểu dáng đó trên mọi vật, mọi loại quả đều vi phạm. Hay trong tự nhiên mà có quả dưa hấu hình dáng hồ lô (không do tác động) thì nghiễm nhiên hình dáng quả dưa hấu hồ lô đó cũng bị vi phạm.

Dựa vào các căn cứ đã phân tích ở trên thì hình dáng dưa hấu hồ lô nói trên không đáp ứng được các điều kiện để được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.

c. Hãy đưa ra ý kiến tư vấn trong trường hợp ông Minh muốn đăng ký khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp.

Vì không thể đăng ký kiểu dáng dưa hình hồ lô nên người có kiểu dáng trái cây kì lạ có thể đăng ký bảo hộ khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp. Bởi người có độc quyền kiểu dáng khuôn chỉ có thể độc quyền về cái khuôn, người khác không có quyền sản xuất, mua bán cái khuôn tương tự cái khuôn này. Tuy nhiên, người khác vẫn có quyền dùng một công cụ khác, dùng cách khác để ép quả dưa, quả bưởi thành hình hồ lô. Thậm chí, người khác có quyền sản xuất ra cái khuôn có phần rỗng bên trong là hình hồ lô… nhưng bên ngoài có trang trí thêm thắt cho khác với kiểu dáng bên ngoài của cái khuôn đã đăng ký. Bởi lẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bảo hộ bề ngoài nhìn thấy chứ không bảo hộ cái ruột bên trong. Ví dụ, vẫn là cái khuôn nhựa có ruột rỗng theo hình hồ lô nhưng bên ngoài phủ nhiều nhựa hơn, tròn trịa hơn, không còn góc cạnh khiến làm mất hình ảnh hồ lô thì không bị xem là vi phạm so với kiểu dáng đã đăng ký.

Đối với trường hợp của ông Minh nếu như muốn đăng ký cái khuôn ép để tạo ra dưa hấu hồ lô là kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ, nếu chưa có ai đăng ký cái khuôn ép để tạo ra hình dáng hồ lô. Hoặc nếu có người đã đăng ký khuôn ép hình hồ lô rồi thì ông Minh có thể sử dụng một vài chi tiết trang trí để cho khác với cái khuôn ép đã được đăng ký bảo hộ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM