Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT

Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 42/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 28 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và giải pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng;[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Định mức tiêu hao năng lượng cho các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát trong giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 - đến hết năm 2025.

2. Phương pháp xác định suất tiêu hao năng lượng trong các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát.

3. Thông tư này không áp dụng đối với các sản phẩm nước tinh khiết và nước khoáng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ sở sản xuất, tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) là tổng mức năng lượng tiêu hao để sản xuất một đơn vị sản phẩm.

2. Định mức tiêu hao năng lượng là chỉ số suất tiêu hao năng lượng (SEC) tiên tiến ứng với từng giai đoạn do Bộ Công Thương quy định trong Thông tư này.

3. 01 hecto lít (1hl) là đơn vị đo thể tích bằng 100 lít (100l).

Chương II

ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT

Điều 4. Xác định suất tiêu hao năng lượng

1. Suất tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia được xác định theo phương pháp tại Phụ lục I.

2. Suất tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát được xác định theo phương pháp tại Phụ lục II.

Điều 5. Định mức tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát giai đoạn đến năm 2025

1. Định mức tiêu hao năng lượng giai đoạn đến hết năm 2020

TT

Ngành công nghiệp

 

Định mức

(MJ/hl)

 

Quy mô công suất

(triệu lít)

 

1

Bia

> 100

140

20 - 100

215

< 20

306

 

Loại hình sản xuất

 

2

Nước giải khát

Có ga hoặc cả hai loại sản phẩm có ga và không có ga

55

Không có ga

111

2. Định mức tiêu hao năng lượng giai đoạn từ năm 2021 - đến hết năm 2025

TT

Ngành công nghiệp

 

Định mức

(MJ/hl)

 

Quy mô công suất

(triệu lít)

 

1

Bia

> 100

129

20 - 100

196

< 20

286

 

Loại hình sản xuất

 

2

Nước giải khát

Có ga hoặc cả hai loại sản phẩm có ga và không có ga

52

Không có ga

107

Điều 6. Yêu cầu về đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng giai đoạn đến hết năm 2025

1. Suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp bia và nước giải khát giai đoạn từ nay hết năm 2025 không được vượt quá định mức tiêu hao năng lượng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Trường hợp suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp bia và nước giải khát cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng với từng giai đoạn thì cơ sở sản xuất phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

3. Suất tiêu hao năng lượng của các dự án đầu tư mới hoặc các dự án cải tạo mở rộng không được vượt quá định mức tiêu hao năng lượng quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát

1. Các giải pháp về quản lý bao gồm:

a. Tăng cường quản lý các hoạt động sử dụng năng lượng tại các cơ sở;

b. Xây dựng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng tại các cơ sở.

2. Các giải pháp về kỹ thuật công nghệ bao gồm:

a. Tối ưu hóa quy trình công nghệ;

b. Sử dụng các thiết bị sử dụng hiệu quả năng lượng.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân áp dụng các giải pháp cải thiện nâng cao hiệu suất năng lượng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 7 và Phụ lục III (đối với ngành công nghiệp sản xuất bia) hoặc Phụ lục IV (đối với ngành sản xuất nước giải khát) ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Tổng cục Năng lượng

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung của Thông tư này.

2. Trên phạm vi cả nước, Tổng cục Năng lượng phối hợp với Sở Công Thương các địa phương kiểm tra tình hình thực hiện định mức năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo định mức năng lượng theo lộ trình (khi cần thiết).

3. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Năng lượng báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với những trường hợp không thực hiện đúng quy định tại Điều 5 Thông tư này và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Phối hợp với Tổng cục Năng lượng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các nội dung của Thông tư này.

2. Hàng năm, chủ trì thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện định mức năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo định mức năng lượng theo lộ trình (đối với các cơ sở sản xuất chưa đạt định mức) của các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát tại các địa phương.

3.[2] Tổng hợp tình hình thực hiện định mức năng lượng ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát tại địa phương và báo cáo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính về Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) trước ngày 31 tháng 01 hằng năm theo quy định tại Phụ lục V Thông tư này.

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát phải có kế hoạch để đáp ứng các quy định tại Điều 5 tại Thông tư này.

2.[3] Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm, các cơ sở sản xuất trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương địa phương. Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) bằng văn bản được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính về tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng của đơn vị theo quy định tại Phụ lục VI Thông tư này.

3. Các cơ sở không đạt định mức tiêu hao năng lượng tại thời điểm quy định và không đưa ra được các kế hoạch khả thi để đảm bảo các định mức theo lộ trình quy định tại Điều 5 của Thông tư này sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 12. Hiệu lực thi hành[4]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2016.

2. Các dự án có Quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền sau ngày Thông tư này có hiệu lực phải đáp ứng Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Phạm vi đánh giá: khu vực sản xuất sản phẩm bia, không bao gồm khu vực hành chính và khu vực sản xuất các sản phẩm khác.

2. Thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng của đối tượng đánh giá là một năm (từ tháng 01/01 tới tháng 31/12). Trong trường hợp cần kiểm định suất tiêu hao, thời gian kiểm định được quyết định là thời gian cần thiết để thực hiện hết một chu trình sản xuất.

3. Các thông số để xác định suất tiêu hao năng lượng trong các cơ sở sản xuất bia:

Bảng 1.1. Các dữ liệu cần để xác định suất tiêu hao năng lượng cho cơ sở sản xuất bia

Thông số

Ý nghĩa

Đơn vị

e1

Lượng điện tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

kWh

e

Lượng điện tiêu thụ toàn cơ sở sản xuất (khi không thể xác định được e1) đối với cơ sở sản xuất chỉ có khu vực sản xuất và hành chính (không có thêm các khu vực tiêu thụ năng lượng khác)

kWh

t1

Nhiên liệu tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Xem dưới đây

t1-than

Lượng than tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn và loại

t1 (dầu FO)

Lượng dầu FO tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn hoặc 1000 lít

t1 (dầu diesel)

Lượng dầu diesel tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn hoặc 1000 lít

t1 (khí hóa lỏng)

Lượng khí hóa lỏng tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn

t1 (hơi)

Lượng hơi tiêu thụ (không phải do công ty sản xuất mà mua từ bên ngoài) tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn và áp suất

t1 (nhiên liệu khác)

Lượng các nhiên liệu khác như củi hoặc sinh khối tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng.

Không bao gồm năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, khí sinh học, gió...)

Tấn và loại nhiên liệu

p

Sản lượng bia các loại trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

hl

p1

Sản lượng bia chai trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

hl

p2

Sản lượng bia lon trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

hl

p3

Sản lượng bia hơi trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

hl

4. Sản phẩm quy đổi: sản phẩm quy đổi trong các cơ sở sản xuất bia là sản phẩm bia chai, các sản phẩm khác sẽ được quy đổi về sản phẩm bia chai khi cần thiết để tính toán suất tiêu hao năng lượng.

5. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) của các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất bia được xác định theo công thức 1.1 dưới đây:

SECcơ sở sản xuất =                       [MJ/hl]        (Công thức 1.1)

Trong đó:

- E1: năng lượng điện quy đổi tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian khảo sát, MJ;

- T1: năng lượng nhiệt quy đổi tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian khảo sát, MJ;

- P(e): sản lượng của sản phẩm quy đổi theo thành phần điện, hl;

- P(t): sản lượng của sản phẩm quy đổi theo thành phần nhiệt, hl.

6. Xác định các giá trị E1, T1, P(e) và P(t):

a) Xác định năng lượng điện E1

Năng lượng điện tiêu thụ tại khu vực sản xuất (e1) trong thời gian khảo sát được quy đổi ra đơn vị đo MJ như sau:

E1 = e1 ´ 3,6                                              [MJ]            (Công thức 1.2)

Trong đó:

- E1: năng lượng điện quy đổi tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian khảo sát (MJ);

- e1: lượng điện tiêu thụ tại khu vực sản xuất của sản phẩm trong thời gian khảo sát (kWh);

- 3,6 (MJ/kWh) là hệ số chuyển đổi theo IPCC.

Trường hợp cơ sở sản xuất không có số liệu e1, không có các hoạt động vận chuyển, căng tin và không sản xuất các sản phẩm khác ngoài bia thì e1 có thể được tính theo lượng điện toàn cơ sở sản xuất e như sau:

e1 = 0,95 ´ e                                              [kWh]          (Công thức 1.3)

Trong đó:

- e1: năng lượng điện tiêu thụ quy đổi tại khu vực sản xuất trong thời gian khảo sát (kWh);

- e: năng lượng điện tiêu thụ toàn cơ sở sản xuất trong thời gian khảo sát (kWh);

- 0,95 là hệ số chuyển đổi.

b) Xác định năng lượng nhiệt T1

Năng lượng nhiệt tiêu thụ cho khu vực sản xuất (T1) trong thời gian khảo sát được quy đổi ra đơn vị đo MJ như sau:

T1 = åt1 (nhiên liệu i) ´ k (nhiên liệu i)          [MJ]           (Công thức 1.4)

Trong đó:

- T1: lượng nhiệt năng tiêu thụ quy đổi tại khu vực sản xuất thời gian khảo sát (MJ);

- t1 (nhiên liệu i): lượng nhiên liệu tiêu thụ tại khu vực sản xuất thời gian khảo sát;

- k (nhiên liệu i): hệ số chuyển đổi quy định trong bảng 1.2.

Bảng 1.2. Hệ số chuyển đổi k (nhiên liệu i)

Nhiên liệu

Loại

Đơn vị

Hệ số chuyển đổi, MJ/đơn vị

t1 (than)

Than cám 1,2

Tấn

29.309

Than cám 3,4

Tấn

25.122

Than cám 5,6

Tấn

20.935

t1 (DO)

Dầu diesel (DO)

Tấn

42.707

 

1000 lít

36.846

t1 (FO)

Dầu nhiên liệu (FO)

Tấn

41.451

 

1000 lít

39.358

t1 (LPG)

Khí hóa lỏng

Tấn

45.638

t1 (hơi)

Hơi (áp suất tuyệt đối 6 bar)

Tấn

3.674

Hơi (áp suất tuyệt đối 7 bar)

Tấn

3.681

Hơi (áp suất tuyệt đối 8 bar)

Tấn

3.690

Hơi (áp suất tuyệt đối 9 bar)

Tấn

3.696

t1 (nhiên liệu khác)

Gỗ/trấu/sinh khối

Tấn

15.600

Sinh khối khác

Tấn

11.600

c) Xác định sản lượng sản phẩm quy đổi P(e), P(t)

Sản lượng quy đổi P(e) được tính như sau:

P(e) = p1 + p2 ´ 0,72 + p3 ´ 0,91                [hl]              (Công thức 1.5)

Trong đó:

- P(e): sản lượng quy đổi theo thành phần điện năng về sản phẩm quy đổi trong thời gian khảo sát (hl);

- p1: sản lượng bia chai trong thời gian khảo sát (hl);

- p2: sản lượng bia lon trong thời gian khảo sát (hl);

- p3: sản lượng bia hơi trong thời gian khảo sát (hl);

- 0,72: hệ số chuyển đổi theo thành phần điện năng từ bia lon sang bia chai;

- 0,91: hệ số chuyển đổi theo thành phần điện năng từ bia hơi sang bia chai.

Sản lượng quy đổi P(t) được tính như sau:

P(t) = p1 + p2 ´ 0,59 + p3 ´ 0,88                 [hl]              (Công thức 1.6)

Trong đó:

- P(t): sản lượng quy đổi theo thành phần nhiệt năng về sản phẩm quy đổi trong thời gian khảo sát (hl);

- p1: sản lượng bia chai trong thời gian khảo sát (hl);

- p2: sản lượng bia lon trong thời gian khảo sát (hl);

- p3: sản lượng bia hơi trong thời gian khảo sát (hl);

- 0,59: hệ số chuyển đổi theo thành phần nhiệt năng từ bia lon sang bia chai;

- 0,88: hệ số chuyển đổi theo thành phần nhiệt năng từ bia hơi sang bia chai.

 

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT NGÀNH CÔNG NGHIỆP NƯỚC GIẢI KHÁT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Phạm vi đánh giá: khu vực sản xuất sản phẩm nước giải khát (NGK), không bao gồm khu vực hành chính và khu vực sản xuất các sản phẩm khác.

2. Thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng của đối tượng đánh giá là một năm (từ tháng 01/01 tới tháng 31/12). Trong trường hợp cần kiểm định suất tiêu hao, thời gian kiểm định được quyết định là thời gian cần thiết để thực hiện hết một chu trình sản xuất.

3. Các thông số để xác định suất tiêu hao năng lượng trong các cơ sở sản xuất NGK:

Bảng 2 Các dữ liệu cần để xác định suất tiêu hao năng lượng cho cơ sở sản xuất NGK

Thông số

Ý nghĩa

Đơn vị

e1

Lượng điện tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

kWh

e

Lượng điện tiêu thụ toàn cơ sở sản xuất (khi không thể xác định được e1) đối với cơ sở sản xuất chỉ có khu vực sản xuất và hành chính (không có thêm các khu vực tiêu thụ năng lượng khác)

kWh

t1

Nhiên liệu tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Xem dưới đây

t1 - than

Lượng than tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn và loại

t1 (dầu FO)

Lượng dầu FO tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn hoặc 1000 lít

t1 (dầu diesel)

Lượng dầu diesel tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn hoặc 1000 lít

t1 (khí hóa lỏng)

Lượng khí hóa lỏng tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn

t1 (hơi)

Lượng hơi tiêu thụ (không phải do công ty sản xuất mà mua từ bên ngoài) tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

Tấn và áp suất

t1 (nhiên liệu khác)

Lượng các nhiên liệu khác như củi hoặc sinh khối tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng.

Không bao gồm năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, khí sinh học, gió...)

Tấn và loại nhiên liệu

p

Sản lượng NGK các loại trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng

hl

p1

Sản lượng NGK có ga trong thời gian xác định suất tiêu hao

hl

p2

Sản lượng NGK không ga trong thời gian xác định suất tiêu hao

hl

p3

Sản lượng NGK được đóng chai không thu hồi trong thời gian xác định suất tiêu hao

hl

p4

Sản lượng NGK được đóng chai có thu hồi trong thời gian xác định suất tiêu hao

hl

p5

Sản lượng NGK được đóng lon trong thời gian xác định suất tiêu hao

hl

p6

Sản lượng NGK được đóng gói dưới các hình thức khác trong thời gian xác định suất tiêu hao

hl

4. Sản phẩm quy đổi: sản phẩm quy đổi trong các cơ sở sản xuất NGK là sản phẩm nước đóng chai không thu hồi. Sản phẩm nước đóng chai có ga sẽ được chọn để quy đổi trong trường hợp cơ sở sản xuất sản xuất cả hai sản phẩm NGK có ga và không có ga.

5. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) của các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất NGK được xác định theo công thức 2.1 dưới đây:

SECcơ sở sản xuất =                       [MJ/hl]        (Công thức 2.1)

Trong đó:

- E1: năng lượng điện quy đổi tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian khảo sát, MJ;

- T1: năng lượng nhiệt quy đổi tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian khảo sát, MJ;

- P(e): sản lượng của sản phẩm quy đổi theo thành phần điện, hl;

- P(t): sản lượng của sản phẩm quy đổi theo thành phần nhiệt, hl.

6. Xác định các giá trị E1, T1, P(e) và P(t)

a) Xác định năng lượng điện E1

E1 được tính theo các công thức 1.2 và 1.3 trong Phụ lục I.

b) Xác định năng lượng nhiệt T1

T1 được tính theo công thức 1.4 trong Phụ lục I.

c) Xác định sản lượng sản phẩm quy đổi P(e), P(t)

Trường hợp cơ sở sản xuất chỉ sản xuất một loại nước giải khát có ga hoặc không có ga:

Sản lượng quy đổi P(e) được tính như sau:

P(e) = p3 + p4 + p5 ´ 0,99 + p6                  [hl]             (Công thức 2.2)

Trong đó:

- P(e): sản lượng quy đổi theo thành phần điện năng về sản phẩm quy đổi trong thời gian khảo sát (hl);

- p3: sản lượng nước ngọt được đóng chai không thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p4: sản lượng nước ngọt được đóng chai có thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p5: sản lượng nước ngọt được đóng lon trong thời gian khảo sát (hl);

- p6: sản lượng nước ngọt được bao gói dưới hình thức khác trong thời gian khảo sát (hl);

- 0,99: hệ số chuyển đổi điện từ đóng lon sang đóng chai không thu hồi.

Sản lượng quy đổi P(t) được tính như sau:

P(t) = p3 + p4 ´ 3,89 + p5 + p6                   [hl]             (Công thức 2.3)

Trong đó:

- P(t): sản lượng quy đổi theo thành phần nhiệt năng về sản phẩm quy đổi trong thời gian khảo sát (hl);

- p3: sản lượng nước ngọt được đóng chai không thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p4: sản lượng nước ngọt được đóng chai có thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p5: sản lượng nước ngọt được đóng lon trong thời gian khảo sát (hl);

- p6: sản lượng nước ngọt được bao gói dưới hình thức khác trong thời gian khảo sát (hl);

- 3,89: hệ số chuyển đổi nhiệt từ chai thu hồi sang chai không thu hồi.

Trường hợp cơ sở sản xuất sản xuất cả hai loại nước giải khát có ga và không ga:

Sản lượng quy đổi P(e) được tính như sau:

P(e) = 0,5 ´ (p1 + p2 ´ 1,31 + p3 + p4 + p5 ´ 0,99 + p6)  [hl]  (Công thức 2.4)

Trong đó:

- P(e): sản lượng quy đổi theo thành phần điện năng về sản phẩm quy đổi trong thời gian khảo sát (hl);

- p1: sản lượng NGK có ga trong thời gian khảo sát;

- p2: sản lượng NGK không ga trong thời gian khảo sát;

- p3: sản lượng nước ngọt được đóng chai không thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p4: sản lượng nước ngọt được đóng chai có thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p5: sản lượng nước ngọt được đóng lon trong thời gian khảo sát (hl);

- p6: sản lượng nước ngọt được bao gói dưới hình thức khác trong thời gian khảo sát (hl);

- 1,31: hệ số chuyển đổi điện từ nước ngọt không ga sang nước giải khát có ga;

- 0,99: hệ số chuyển đổi điện từ nước ngọt đóng lon sang nước ngọt đóng chai không thu hồi.

Sản lượng quy đổi P(t) được tính như sau:

P(t) = 0,5 ´ (p1 + p2 ´ 0,96 + p3 + p4 ´ 3,89 + p5 + p6)  [hl]  (Công thức 2.5)

Trong đó:

- P(t): sản lượng quy đổi theo hệ số nhiệt về sản phẩm quy đổi trong thời gian khảo sát (hl);

- p1: sản lượng NGK có ga trong thời gian khảo sát;

- p2: sản lượng NGK không ga trong thời gian khảo sát;

- p3: sản lượng nước ngọt được đóng chai không thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p4: sản lượng nước ngọt được đóng chai có thu hồi trong thời gian khảo sát (hl);

- p5: sản lượng nước ngọt được đóng lon trong thời gian khảo sát (hl);

- p6: sản lượng nước ngọt được bao gói dưới hình thức khác trong thời gian khảo sát (hl);

- 0,96: hệ số chuyển đổi nhiệt từ nước ngọt không ga sang có ga;

- 3,89: hệ số chuyển đổi nhiệt từ nước ngọt trong chai thu hồi sang nước ngọt trong chai không thu hồi.

 

PHỤ LỤC III

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG VỀ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ ĐIỂN HÌNH CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Lắp đặt bảo ôn cho đường ống dẫn hơi và đường ống dẫn lạnh.

2. Mua hơi từ các đơn vị dịch vụ bên ngoài.

3. Tiết kiệm năng lượng với đèn hiệu suất cao.

4. Sử dụng biến tần và các giải pháp tiết kiệm điện.

5. Tối ưu hóa quá trình làm lạnh dịch nha từ 1 bước thành 2 bước.

6. Sử dụng hệ thống lạnh phân tầng.

7. Sử dụng khí nén thiên nhiên, trấu, viên củi nén, trấu nén để thay thế dầu DO làm nhiên liệu lò hơi.

8. Sử dụng bơm nhiệt công nghiệp để cung cấp nước nóng cho thời gian thanh trùng.

9. Thu hồi nhiệt từ quá trình nấu hoa.

10. Kiểm soát/tận dụng khí dư từ nồi hơi.

11. Lắp đặt máy nén hơi cho nồi nấu.

12. Thu hồi dịch nha loãng.

13. Sử dụng khí sinh học từ công trình xử lý nước thải để chạy máy phát điện hoặc đốt lò.

14. Các giải pháp điển hình cho các cơ sở công suất dưới 20 triệu lít:

a) Lắp đặt bình tích cho máy nén khí.

b) Thay thế hệ thống chiết rót cũ.

 

PHỤ LỤC IV

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG VỀ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ ĐIỂN HÌNH CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP NƯỚC GIẢI KHÁT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình đối với sản xuất nước giải khát có ga:

1. Điều chỉnh vận hành của hệ thống làm lạnh siro.

2. Lắp đặt thiết bị thu hồi nhiệt từ nồi hơi.

3. Tối ưu hóa vận hành hệ thống nén khí.

4. Thay thế dây chuyền chiết rót thủ công.

5. Thay thế nồi hơi.

6. Cải tiến hệ thống chiếu sáng.

7. Thu hồi nước ngưng.

8. Bảo ôn ống dẫn hơi.

9. Sử dụng biến tần và các giải pháp tiết kiệm điện.

10. Sử dụng bơm nhiệt công nghiệp để sản xuất nước nóng cho quá trình sản xuất, CIP.

11. Sử dụng hệ thống lạnh phân tầng.

12. Thay thế máy nén khí Piston NH3 bằng máy nén khí trục vít hiệu suất cao.

II. Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình đối với sản xuất nước giải khát không có ga:

1. Thu hồi nước ngưng.

2. Cải tiến hệ thống chiếu sáng.

3. Sửa chữa và thay thế bẫy hơi.

4. Lắp đặt thiết bị kiểm soát khí dư cho nồi hơi.

5. Bảo ôn ống dẫn hơi.

6. Sử dụng biến tần và các giải pháp tiết kiệm điện.

7. Lắp đặt thiết bị đun nước sơ bộ từ khí thải.

 

PHỤ LỤC V

MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT (Dùng cho Sở Công Thương)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT NĂM 20...

Kính gửi: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững[5], Bộ Công Thương

Thực hiện quy định của Thông tư số .../.../TT-BCT ngày.... tháng.... năm 2016 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát, Sở Công Thương.... báo cáo tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát thuộc địa bàn quản lý như sau:

I. Tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia:

- Số cơ sở báo cáo:

- Số cơ sở không báo cáo:

TT

Tên cơ sở

1

 

2

 

3

 

...

 

- Số cơ sở chưa đạt định mức tiêu hao năng lượng:

TT

Tên cơ sở

Suất tiêu hao năng lượng

(MJ/tấn)

Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thời gian thực hiện

1

 

 

 

2

 

 

 

3

 

 

 

...

 

 

 

II. Tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp nước giải khát:

- Số cơ sở báo cáo:

- Số cơ sở không báo cáo:

TT

Tên cơ sở

1

 

2

 

3

 

...

 

- Số cơ sở chưa đạt định mức tiêu hao năng lượng:

TT

Tên cơ sở

Suất tiêu hao năng lượng

(MJ/tấn)

Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thời gian thực hiện

1

 

 

 

2

 

 

 

3

 

 

 

...

 

 

 

 

 

Ngày báo cáo [.../../....]
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng đấu)

 

PHỤ LỤC VI

MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT BIA VÀ NƯỚC GIẢI KHÁT (Dùng cho các cơ sở sản xuất trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG NĂM 20...

Kính gửi: Sở Công Thương tỉnh/thành phố...

[Tên cơ sở] báo cáo kế hoạch năm [xxxx]               Ngày lập báo cáo [..../..../......]

Ngày tháng năm nhận báo cáo

[Dành cho Sở Công Thương ghi]

Ngày tháng năm xử lý, xác nhận

[Dành cho Sở Công Thương ghi]

Phân ngành:...........................................................................................................

Tên cơ sở:..............................................................................................................

Địa chỉ:............................................ [Tên Huyện.........]             [Tên Tỉnh.....................]

Điện thoại:.......................... Fax:.................................,          Email:.............................

Trực thuộc (tên công ty mẹ):................................................................................

Địa chỉ:........................................ [Tên Huyện............]              [Tên Tỉnh......................]

Điện thoại:............................. Fax:................................., Email:..........................

Chủ sở hữu: (Nhà nước/thành phần kinh tế khác)

I. Thông tin về cơ sở và sản phẩm

Năm đưa cơ sở vào hoạt động

 

Năng lực sản xuất của cơ sở

(Chọn đơn vị đo phù hợp với loại sản phẩm là tấn/năm; m/năm; m2/năm; m3/giờ v.v...)

Năng lực SX

Tên sản phẩm

Đơn vị đo

Sản lượng theo thiết kế

Sản lượng năm báo cáo

 

 

 

 

 

 

 

 

......

 

 

 

Mức tiêu thụ năng lượng hiện tại (Số liệu báo cáo thực hiện trong năm trước)

Loại nhiên liệu

Khối lượng

Đơn vị

Sử dụng cho mục đích gì

Điện

 

kWh

 

Than đá

 

tấn

 

Dầu FO

 

tấn

 

Dầu Diezen

 

tấn

 

Xăng

 

tấn

 

Khí đốt

 

m3

 

Than cốc

 

tấn

 

Khí than

 

m3

 

Hơi nước mua ngoài

 

tấn

 

...

 

 

 

II. Tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng năm 201..... [xxxx]

a) Suất tiêu hao năng lượng (SEC) (tính toán theo các công thức 1.1 trong Phụ lục I , hoặc công thức 2.1 trong Phụ lục II tùy theo ngành công nghiệp).

b) Tỷ lệ cải thiện suất tiêu hao năng lượng so với năm trước:

(= [(SECnăm trước - SEChiện tại)/SECnăm trước] ´ 100%).

III. Báo cáo việc lập kế hoạch và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đạt định mức tiêu hao năng lượng tại giai đoạn hiện hành (nếu phải thực hiện)

a) Đề xuất giải pháp và kế hoạch thực hiện để đạt được định mức tiêu hao năng lượng.

b) Dự kiến SECdự kiến năm tiếp theo.

c) Xác định thời gian đạt được định mức tiêu hao năng lượng theo kế hoạch thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng do Doanh nghiệp đề xuất.

 

 

Người lập báo cáo
(Ký và ghi rõ họ, tên)

Ngày báo cáo [...../....../......]

Giám đốc đơn vị
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng đấu)

 



[1] Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Nghị định s 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ;

[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.

[4] Điều 37 Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành có hiệu lực từ ngày 05 tháng 02 năm 2020 quy định như sau:

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.

2. Bãi bỏ các quy định sau:

a) Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 33/2016/TT-BCT ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BCT ngày 28 tháng 10 năm 2015 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh.

b) Điều 4 Thông tư số 51/2018/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

c) Khoản 20 Điều 1 Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2013 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

d) Điều 29 Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực

3. Các chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực Công Thương hiện hành phải đảm bảo thời gian chốt số liệu báo cáo theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để được hướng dẫn, giải quyết./.”

[5] Cụm từ “Tổng cục Năng lượng” được thay thế bởi cụm từ “Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững” theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 24/VBHN-BCT năm 2020 hợp nhất Thông tư quy định về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 24/VBHN-BCT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 24/03/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: 11/04/2020
  • Số công báo: Từ số 355 đến số 356
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản