Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ

Hà Nội , ngày 01 tháng 11 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - THƯƠNG MẠI - NỘI VỤ - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 1997 VỀ VIỆC DÁN TEM HÀNG NHẬP KHẨU

Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 25-4-1994 của Chính phủ về tổ chức lại công tác chỉ đạo quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và Quyết định số 96/TTg ngày 18-02-1995 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép;
Căn cứ Điểm 4 Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới, giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai sớm biện pháp dán tem để quản lý một số mặt hàng trọng điểm;
Căn cứ Công văn số 5422/KTTH ngày 28-10-1997 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc dán tem hàng nhập khẩu;
Liên Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:

A. ĐỐI TƯỢNG PHẢI DÁN TEM HÀNG NHẬP KHẨU

1. Kể từ ngày 01-12-1997, những mặt hàng Rượu chai (bao gồm cả hũ, bình), Xe đạp nguyên chiếc, Quạt điện các loại do các tổ chức và cá nhân kinh doanh nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường bao gồm hàng đang trong kho, đang bày bán, đang vận chuyển trên đường đều phải được dán tem hàng nhập khẩu theo đúng quy định.

1.1. Việc dán tem hàng nhập khẩu vào rượu chai, xe đạp nguyên chiếc và quạt điện nhập khẩu do cơ quan Hải quan thực hiện tại nơi kiểm tra hàng hoá và phải dán xong trước khi hoàn thành thủ tục hải quan. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh nhập khẩu phải tạo mọi điều kiện cho cơ quan Hải quan tiến hành các thủ tục dán tem được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn đúng các quy định tại Thông tư này.

1.2. Tổ chức và cá nhân kinh doanh các mặt hàng rượu chai, xe đạp nguyên chiếc và quạt điện các loại nhập khẩu còn tồn lại đến trước ngày 01-12-1997 phải kiểm kê, lập tờ khai (theo mẫu kèm theo) gửi cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Thuế trực tiếp quản lý để được dán tem hàng nhập khẩu theo quy định như sau:

- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp tờ khai tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, HTX nộp tờ khai tại chi cục thuế quận, huyện, thị xã.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp tờ khai tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn.

Cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Thuế cử cán bộ có mặt thường xuyên tại nơi nhận tờ khai để tiếp nhận kịp thời các tờ khai của cơ sở kinh doanh đến nộp.

Thời hạn nộp tờ khai bắt đầu từ 8 giờ ngày 15-11-1997 và chậm nhất là 16 giờ ngày 30-11-1997 phải tổ chức dán tem xong đối với hàng còn tồn lại.

Cơ quan Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra tờ khai với hàng hoá thực tế còn tồn lại. Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm dán tem. Nếu kê khai thấp hơn số thực tế thì chỉ dán tem bằng số kê khai. Số hàng hoá không kê khai phải lập biên bản để xử lý tịch thu. Nếu số lượng kê khai cao hơn số thực tế còn tồn lại thì cũng lập biên bản xác định số thực có và phạt vi phạm hành chính. Tổ chức và cá nhân kinh doanh phải chủ động kiểm kê, kê khai và đề nghị cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra, cơ quan Thuế dán tem để không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

1.3. Rượu chai, xe đạp nguyên chiếc, quạt điện các loại nhập khẩu sau khi bị tịch thu phải dán tem. Cơ quan ra quyết định tịch thu phải thông báo với cơ quan Thuế về số hàng tịch thu để được cơ quan Thuế dán tem trước khi đưa đi tiêu thụ trong nội địa.

2. Rượu chai, xe đạp nguyên chiếc, quạt điện các loại nhập khẩu không phải dán tem trong các trường hợp sau:

2.1. Tổ chức và cá nhân nhập khẩu thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nếu đem bán thì phải khai báo với cơ quan Hải quan để nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và phải dán tem trước khi bán.

2.2. Bán tại các cửa hàng miễn thuế.

2.3. Vận chuyển quá cảnh, hoặc do Hải quan di lý từ cửa khẩu đầu tiên đến địa điểm kiểm tra phải kèm theo quyết định của thủ trưởng cơ quan Hải quan và hàng hoá vận chuyển phải được niêm phong kẹp chì hải quan hoặc có cán bộ hải quan áp tải.

3. Để phân biệt rượu chai, xe đạp nguyên chiếc, quạt điện sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu, các tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh phải thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 636/TN-QLCL ngày 26-7-1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về quy chế nhãn sản phẩm đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường.

B. TEM HÀNG NHẬP KHẨU VÀ DÁN TEM

1. Quy định về dán tem:

Các mặt hàng rượu chai, xe đạp nguyên chiếc và quạt điện các loại nhập khẩu được quy định dán tem như sau:

1.1. Rượu chai (bao gồm cả hũ, bình): vị trí dán tem vắt qua nút chai.

1.2. Xe đạp nguyên chiếc: vị trí dán tại phía trên gióng xiên, cách mép nối (rắc co) khoảng 0,5 cm.

1.3. Quạt điện các loại: vị trí dán tem là phía trên của bầu quạt. Đối với những quạt sản xuất theo dạng hộp (như quạt thông gió) vị trí dán tem là mặt trước góc trái phía trên.

2. Phát hành và quản lý tem:

2.1. Tem hàng nhập khẩu do Bộ Tài chính thống nhất phát hành. Tổng cục thuế có trách nhiệm in, cấp phát đầy đủ, kịp thời tem hàng nhập khẩu cho ngành Hải quan để tổ chức dán tem theo quy định.

Mọi trường hợp in ấn, phát hành và tiêu thụ tem giả, sử dụng tem giả đều bị xử lý theo pháp luật.

2.2. Tem hàng nhập khẩu được quản lý và sử dụng theo Quyết định số 529 TC/TCT ngày 22-12-1992 về chế độ quản lý ấn chỉ thuế và Quyết định số 839a TC/QĐ/TCT ngày 31-10-1997 về ban hành, in ấn, quản lý, sử dụng tem hàng nhập khẩu của Bộ Tài chính. Nghiêm cấm việc giao tem cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự dán.

2.3. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh có nhập khẩu hàng hoá theo quy định tại điểm 1.1. phần A Thông tư này phải nộp một khoản chi phí dán tem. Mức cụ thể do Bộ Tài chính quy định.

C. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

1. Xử lý vi phạm:

1.1. Kể từ ngày 1-12-1997 trở đi, rượu chai, xe đạp nguyên chiếc, quạt điện các loại nhập khẩu lưu thông trên thị trường bao gồm hàng tồn kho, đang bầy bán, đang vận chuyển không có tem dán theo quy định đều bị coi là hàng nhập lậu và bị tịch thu.

1.2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định dán tem hoặc tiếp tay cho tổ chức và cá nhân tiêu thụ, hợp thức hoá rượu chai, xe đạp nguyên chiếc và quạt điện các loại nhập khẩu không dán tem sẽ bị xử lý theo pháp luật.

1.3. Thẩm quyền xử lý vi phạm do cơ quan chủ trì kiểm tra phát hiện ra quyết định xử lý.

2. Khen thưởng:

Tổ chức và cá nhân phát hiện hoặc giúp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát phát hiện, truy bắt rượu chai, xe đạp nguyên chiếc và quạt điện không dán tem được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

3. Đối với hàng tịch thu:

Rượu chai, xe đạp nguyên chiếc, quạt điện nhập khẩu vi phạm quy định dán tem bị tịch thu. Việc quản lý hàng hoá tịch thu và sử dụng nguồn thu này thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện việc dán tem đối với hàng còn tồn lại; kiểm tra việc lưu thông trên thị trường thuộc địa bàn quản lý những mặt hàng quy định phải dán tem hàng nhập khẩu.

2. Tổng cục Hải quan hướng dẫn và chỉ đạo việc dán tem những mặt hàng theo quy định của Thông tư này.

3. Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Thông tư này.

4. Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường) chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Bộ Nội vụ (Tổng cục CSND) kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng nhập khẩu quy định phải dán tem lưu thông trên thị trường nội địa.

5. Trong quá trình triển khai thực hiện, các ngành, các địa phương theo dõi và tổng hợp ý kiến phản ảnh về Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan để rút kinh nghiệm triển khai việc dán tem hàng nhập khẩu một số mặt hàng khác.

6. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Đỗ Như Đính

(Đã ký)

Vũ Mộng Giao

(Đã ký)

 

Nguyễn Đức Minh

(Đã ký)

Võ Thái Hoà

(Đã ký)

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

TỜ KHAI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU PHẢI DÁN TEM CÒN TỒN LẠI ĐẾN NGÀY...../11/1997

Tên đơn vị (hoặc cá nhân) kinh doanh:.............

Địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh:...........

S TT

Mặt hàng

Số lượng hàng còn tồn

Ghi chú

1

Rượu (chai, hũ, binh)

(chai)

 

2

Xe đạp nguyên chiếc

(chiếc)

 

3

Quạt điện các loại

(chiếc)

 

 

Xác nhận của cơ quan quản lý thị trường

...ngày...tháng 11 năm 1997

Số lượng thực tế

Thủ trưởng đơn vị

Rượu (chai, hũ, bình):

(hoặc chủ hộ KD)

Xe đạp nguyên chiếc:

(Ký tên)

Quạt điện các loại:

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ về dán tem hàng nhập khẩu do Bộ Tài Chính-Thương Mại-Nội Vụ-Tổng Cục Hải Quan ban hành

  • Số hiệu: 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 01/11/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đỗ Như Đính, Nguyễn Đức Minh, Võ Thái Hoà, Vũ Mộng Giao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 16/11/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 02/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản