Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 74/2003/TTLT-BTC-TLĐLĐVN

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM SỐ 74/2003/TTLT-BTC-TLĐLĐVN NGÀY 01 THÁNG 8 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN PHƯƠNG THỨC THU, NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH

Căn cứ vào Điều 153 Bộ luật lao động sửa đổi ngày 02 tháng 04 năm 2002;
Căn cứ vào Điều 2 Quyết định số 1102/2002/QĐ-TTg ngày 19/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí để trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh;
Để tạo điều kiện cho cơ quan công đoàn thu đủ kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Liên tịch Bộ Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

1. Việc thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện theo Điều 153 Chương XIII - Công đoàn của Bộ luật Lao động sửa đổi ngày 02 tháng 04 năm 2002, cụ thể như sau: ở những doanh nghiệp đang hoạt động chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất sau sáu tháng, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động có hiệu lực và ở những doanh nghiệp mới thành lập thì sau sáu tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn sớm được thành lập. Trong thời gian chưa thành lập được thì công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành chỉ định Ban chấp hành công đoàn lâm thời để đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thành lập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp.

2. Giám đốc doanh nghiệp ngoài quốc doanh có trách nhiệm tính, trích đủ 2% quỹ tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả cho người lao động chuyển cho công đoàn cơ sở của doanh nghiệp để công đoàn cơ sở quản lý, sử dụng theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Ban chấp hành công đoàn của doanh nghiệp ngoài quốc doanh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp trích nộp kinh phí công đoàn theo đúng quy định cho công đoàn cơ sở.

4. Trường hợp cần thiết, cơ quan công đoàn có thể thoả thuận với cơ quan thuế để phối hợp tổ chức thu hoặc để uỷ nhiệm thu hộ kinh phí công đoàn. Chi phí thu hộ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định thống nhất hướng dẫn cho các đơn vị trong ngành dọc của mình thực hiện.

5. Mức trích, căn cứ trích, phương thức trích nộp, thời điểm trích, nộp, hạch toán kinh phí công đoàn thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 76/1999/TTLT/TC-TLĐ ngày 16/6/1999 của Liên tịch Bộ Tài chính - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn.

6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể việc phân phối, sử dụng nguồn thu kinh phí công đoàn của hệ thống công đoàn ngoài quốc doanh.

7. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Các quy định khác về trích nộp kinh phí công đoàn được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 76/1999/TTLT/TC-TLĐ ngày 16/6/1999 của Liên tịch Bộ Tài chính - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn An Lương

(Đã ký)

Nguyễn Công Nghiệp

(Đã ký)