Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-TTLB/GTXD

Hà Nội , ngày 27 tháng 3 năm 1984

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - XÂY DỰNG SỐ 73-TTLB/GTXD NGÀY 27-3-1984 HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC ĐẦU TƯ VỐN VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

Ngày 20-1-1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 10-HĐBT quy định việc phân loại, đầu tư vốn và phân cấp quản lý các hệ thống đường bộ.

Căn cứ vào các Điều 9 và 11 của Nghị định, liên Bộ Giao thông vận tải và Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn và giải thích để các ngành có liên quan, các địa phương và các đơn vị thi hành đúng nội dung của Nghị định về việc đầu tư vốn và quản lý hệ thống đường đô thị.

I- PHẠM VI GIỚI HẠN CỦA HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

Theo điểm 5 Điều 2 của Nghị định, hệ thống đường đô thị bao gồm: "Tất cả các loại đường phố, đường giao thông (trừ đường quốc lộ) nằm trong phạm vi nội thành, nội thị theo địa giới hành chính của thành phố, thị xã, thị trấn", liên Bộ xác định cụ thể phạm vi hệ thống đường đô thị như sau:

1- Đối với các thành phố trực thuộc trung ương thì căn cứ vào địa giới hành chính các quận nội thành và các phường trong thị xã, thị trấn thuộc thành phố hoặc huyện ngoại thành đã được Nhà nước quy định để xếp các đường phố và đường giao thông vào hệ thống đường đô thị.

Đối với các thành phố, thị xã thuộc tỉnh và thị trấn thuộc huyện thì căn cứ vào địa giới hành chính của các phường trong thành phố, thị xã, thị trấn đã được Nhà nước quy định để xếp các đường phố và đường giao thông vào hệ thống đường đô thị.

2- Đối với đường quốc lộ chạy xuyên qua nội thành nội thị được giữ nguyên về lý trình và hướng tuyến theo danh bạ đường quốc lộ đã được Bộ Giao thông vận tải quy định. ở những thành phố, thị xã lớn có nhiều đường phố thì Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh) cùng thống nhất xác định đoạn đường quốc lộ chạy xuyên qua nội thành nội thị (mặc dù vẫn mang tên đường phố như các đường phố khác của hệ thống đường đô thị).

3- Đối với đường chuyên dùng của các cơ quan, xí nghiệp... nằm trong phạm vi nội thành nội thị (tính từ cổng cơ quan, xí nghiệp đến các đường phố hoặc đường giao thông) theo điểm b điều 10 của Nghị định, thì đường chuyên dùng nào mà Sở giao thông vận tải và Sở công trình đô thị hay Sở xây dựng xét về các mặt kinh tế, văn hoá... đồng thời theo đề nghị của cơ quan, xí nghiệp chủ quản, sẽ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mới được xếp vào hệ thống đường đô thị.

4- Đối với các cụm dân cư trú tập trung dọc theo các đường quốc lộ, đường tỉnh hoặc gần khu công nghiệp lớn... mà chưa được Nhà nước quy định là thị xã, thị trấn thì những đường phố đó chưa được xếp vào hệ thống đường đô thị.

Tiêu chuẩn phân loại các đường phố của hệ thống đường đô thị sẽ do Bộ Xây dựng quy định cụ thể sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh để các địa phương làm căn cứ xếp các đường phố vào cho đúng loại.

II- NỘI DUNG VIỆC ĐẦU TƯ VỐN VÀ QUẢN LÝ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

1- Việc đầu tư vốn: Theo Nghị định, toàn bộ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn quản lý và sửa chữa đường đô thị do ngân sách địa phương đài thọ. Sở giao thông vận tải và Sở công trình đô thị (hay Sở xây dựng) phối hợp xây dựng các loại vốn đối với hệ thống đường đô thị, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt.

a) Đối với một số đường phố chính thuộc các thành phố lớn nếu ngân sách địa phương không đủ đài thọ muốn xin trung ương trợ cấp thêm thì Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt, đồng thời gửi cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng tham gia ý kiến.

b) Đối với các đoạn đường quốc lộ chạy xuyên qua nội thành, nội thị thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn quản lý và sửa chữa đường do ngân sách trung ương đài thọ (thông qua Bộ Giao thông vận tải).

c) Đối với đường chuyên dùng của các cơ quan, xí nghiệp... khi đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định xếp vào hệ thống đường đô thị (như điểm 3 phần I của thông tư này) thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản (nếu mở rộng, nâng cấp) và vốn sửa chữa quản lý đường sẽ do ngân sách địa phương đài thọ.

2- Việc xây dựng mới và cải tạo đường độ thị: Căn cứ vào quy hoạch đô thị đã được Nhà nước duyệt (đối với thành phố, thị xã) và Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt (đối với thị trấn). Sở công trình đô thị (hay Sở xây dựng) có trách nhiệm lập luận chứng kinh tế kỹ thuật mạng lưới đường đô thị (kể cả đoạn đường quốc lộ chạy xuyên qua nội thành, nội thị và đường xe điện nếu có), Sở giao thông vận tải có trách nhiệm tham gia về các mặt tiêu chuẩn kỹ thuật của các đường phố, đường giao thông chủ yếu và đường xe điện (nếu có). Sau đó Sở công trình đô thị (hoặc Sở Xây dựng) lập hồ sơ trình cấp trên xét duyệt.

Trường hợp quy hoạch đô thị chưa được Nhà nước duyệt, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh tạm thời quy định các số liệu ban đầu về kinh tế kỹ thuật của các đường phố hoặc đường giao thông để làm luận chứng kinh tế.

Những đường chuyên dùng của các cơ quan, xí nghiệp... trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt phải thông qua Sở giao thông vận tải và Sở công trình đô thị (hay Sở Xây dựng) xem xét về các mặt để bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới đường đô thị chung của thành phố, thị xã và bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện cũng như nhân dân đi lại.

Sau khi luận chứng kinh tế được duyệt thì:

- Sở công trình đô thị (hay Sở xây dựng) có nhiệm vụ thiết kế toàn bộ mạng lưới đường đô thị, mạng lưới cấp thoát nước (ngầm và nổi) và các công trình ngầm khác (thông qua các cơ quan chủ quản những công trình này). - Sở giao thông vận tải có nhiệm vụ thiết kế chắp nối các đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện... với mạng lưới đường đô thị, các nút giao thông quan trọng và thiết kế kỹ thuật nền mặt đường phố, đường giao thông, đường xe điện (nếu có).

Hai Sở cần kết hợp chặt chẽ trong các khâu thiết kế để bảo đảm nền mặt đường ổn định, bền vững, nhất là trong mùa mưa cần thoát nước kịp thời, đồng thời bảo đảm an toàn cho các công trình ngầm. Đối với các đường phố lớn có luận chứng kinh tế kỹ thuật do Hội đồng Bộ trưởng duyệt, căn cứ vào quyết định phân giao thiết kế của Hội đồng Bộ trưởng. Hai bộ sẽ giao cho các đơn vị thiết kế chuyên ngành của hai bộ thiết kế và phối hợp giải quyết các mối liên quan giữa các công trình nền mặt đường, vỉa hè, cấp thoát nước, các công trình ngầm hoặc giao vượt nhau, cây xanh, điện chiếu sáng... trình hai Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng xem xét.

Sở Giao thông vận tải và Sở Công trình đô thị (hay Sở Xây dựng) phối hợp xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm mạng lưới đường đô thị với các công trình kiến trúc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh và chuẩn bị để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt đối với các thành phố trực thuộc trung ương hoặc thành phố lớn thuộc tỉnh nếu cần xin thêm kinh phí của trung ương.

3- Xây dựng, sửa chữa, khai thác, cải tạo, quản lý hệ thống đường đô thị.

Theo Điều 9 của Nghị định, trách nhiệm của 2 Sở Giao thông vận tải và Sở Công trình đô thị (hoặc Sở Xây dựng) trong việc xây dựng, sửa chữa, khai thác, cải tạo và quản lý hệ thống đường đô thị, như sau:

a) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm Xây dựng, sửa chữa, khai thác, cải tạo, quản lý nền đường (tính từ mép vai đường hai bên), mặt đường (tính từ mép đường của phần đường xe chạy) kể cả đường xe điện nếu có, các biển báo hiệu, đèn tín hiệu điều khiển giao thông, đảo hướng dẫn giao thông, các dải phân chia đường và biển nhắc nhở luật lệ giao thông.

b) Sở Công trình đô thị (hay Sở Xây dựng) có trách nhiệm xây dựng, sửa chữa, khai thác, cải tạo, quản lý hè phố (kể cả bó vỉa), điện chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp thoát nước nổi và ngầm, các công trình ngầm khác (như điện lực, điện thoại... thông qua các cơ quan chủ quản), trồng cây xanh và vệ sinh đường phố (kể cả đoạn đường quốc lộ chạy xuyên qua nội thành nội thị).

- Khi sửa chữa, xây dựng công trình của riêng từng ngành mà không ảnh hưởng tới công trình của ngành khác như sửa chữa hoặc rải mặt đường phố của ngành giao thông vận tải, sửa chữa hay lát vỉa hè đặt công trình ngầm - nổi ở phạm vi hè phố của ngành công trình đô thị... thì ngành đó duyệt thiết kế, nhưng trong quá trình thi công cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để không ảnh hưởng tới giao thông trên đường phố hoặc vỉa hè và thông thoát nước ở cống rãnh; đồng thời khi xong đến đâu phải thu dọn, vệ sinh đường phố, vỉa hè đến đó - không được kéo dài quá thời hạn cho phép và chỉ khi nào chuẩn bị đủ vật tư thiết bị mới được khởi công.

- Nếu khi xây dựng, sửa chữa công trình của ngành này có ảnh hưởng tới công trình của ngành khác như trường hợp sửa chữa lớn, xây dựng công trình cấp thoát nước ngầm ở dưới lòng đường hoặc dưới vỉa hè cần để vật liệu trên mặt đường xe chạy ảnh hưởng tới giao thông, thoát nước mặt đường cống rãnh và trường hợp sửa chữa lớn, xây dựng nền mặt đường (thay đất cát gia cố móng nền đường) có ảnh hưởng tới công trình cấp thoát nước ngầm dưới lòng đường... thì phải có sự thoả thuận của hai Sở Giao thông vận tải, Sở Công trình đô thị (hay Sở Xây dựng) về mặt thiết kế kỹ thuật và thiết kế tổ chức thi công (đặc biệt là vấn đề bảo đảm giao thông trên đường phố đang thi công khi phải phân luồng xe chạy sang đường phố khác cần phối hợp với ngành Công an) và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt.

- Khi cấp giấy phép cho sử dụng vỉa hè để xe đạp, xe máy, vật liệu, hàng hoá, bán hàng... Sở Công trình đô thị (hay Sở Xây dựng) phải thống nhất với Sở Giao thông vận tải để quy định từng đường phố hoặc khu vực không ảnh hưởng tới giao thông trên lòng đường.

- Các quận, huyện muốn xin lập chợ trên đoạn đường phố vắng phải được sự thoả thuận của Sở Giao thông vận tải, Sở Công trình đô thị (hay Sở Xây dựng) trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt. Mọi việc để vật tư, hàng hoá, xe cộ... trên mặt đường phố phải xin phép Sở Giao thông vận tải.

- Các cơ quan, xí nghiệp... có công trình cần xây dựng hoặc cải tạo bất kỳ công trình nào (ngầm hoặc nổi) ở phần đường xe chạy phải xin phép Sở Giao thông vận tải và phần trên vỉa hè phải xin phép Sở Công trình đô thị (hay Sở Xây dựng). Khi có giấy phép đầy đủ và chuẩn bị xong vật liệu thiết bị mới được tiến hành khởi công và phải bảo đảm đúng thời gian hoàn thành.

Nếu quá thời gian quy định mà chưa xong phải xin phép lại kịp thời (trước thời hạn quy định) nhưng cũng không được quá một phần ba thời gian cho phép lần đầu. Trường hợp để kéo dài sẽ bị xử phạt theo điểm 21 của Điều lệ bảo vệ đường bộ (theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và quy tắc trật tự giao thông công cộng của thành phố, tỉnh). Sau khi công trình làm xong cơ quan, xí nghiệp... phải làm lại mặt đường, mặt hè bảo đảm chất lượng kỹ thuật như cũ. Hết thời hạn lần thứ hai nếu cơ quan xí nghiệp... không sửa lại mặt đường mặt hè thì Sở Giao thông vân tải hay Sở Công trình đô thị (hoặc Sở Xây dựng) tiến hành sửa chữa, thu dọn và cơ quan, xí nghiệp... có công trình phải thanh toán trực tiếp hoặc qua Ngân hàng bằng hình thức nhờ thu không chấp nhận mọi phí tổn, ngoài ra còn bị xử phạt.

Để bảo đảm trật tự trên đường phố, hè đường, bảo vệ các công trình giao thông, công trình đô thị và an toàn cho nhân dân, các phương tiện đi lại, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành lập các đơn vị kiểm tra quy tắc trật tự giao thông vận tải, công trình công cộng có các ngành giao thông vận tải, công trình đô thị (hay xây dựng), công an, quân đội, tài chính... tham gia làm nhiệm vụ kiểm tra, giáo dục, xử lý kịp thời những vi phạm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan phản ánh cho liên Bộ biết những vướng mắc để nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Đình Doãn

(Đã ký)

Nguyễn Thu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tich 73-TTLB/GTXD năm 1984 hướng dẫn đầu tư vốn và quản lý hệ thống đường đô thị do Bộ giao thông vận tải-Bộ xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 73-TTLB/GTXD
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 27/03/1984
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Đình Doãn, Nguyễn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản