Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65/2004/TTLT-BQP-BNV

Hà Nội , ngày 13 tháng 5 năm 2004

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ NỘI VỤ SỐ 65/2004/TTLT-BQP-BNV NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BIỆT PHÁI SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Thi hành Nghị định số 165/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về biệt phái Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định 165/CP); sau khi thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện như sau:

I. XÁC ĐỊNH NHU CẦU BỐ TRÍ SĨ QUAN BIỆT PHÁI

1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của từng giai đoạn, tính chất nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) về nhu cầu bố trí sĩ quan biệt phái trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Các cơ quan, tổ chức, cơ quan Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước đã được bố trí sĩ quan biệt phái trước ngày Nghị định 165/CP có hiệu lực, thì giữ nguyên tổ chức, biên chế sĩ quan biệt phái như hiện nay; khi nhiệm vụ thay đổi cần điều chỉnh tổ chức, tăng hoặc giảm nhu cầu bố trí sĩ quan biệt phái, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có văn bản gửi Bộ Quốc phòng tổng hợp và trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để Bộ Quốc phòng thực hiện.

II. QUẢN LÝ SĨ QUAN BIỆT PHÁI

1. Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều động, kéo dài thời hạn biệt phái của từng sĩ quan; quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền tuyển chọn, quản lý sĩ quan biệt phái (sau đây gọi tắt là đơn vị cử sĩ quan biệt phái) ở từng cơ quan, tổ chức ngoài quân đội (sau đây gọi tắt là cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái.

2. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài quân đội xác định nhu cầu bố trí sĩ quan biệt phái, quản lý đội ngũ sĩ quan biệt phái, giải quyết những vấn đề liên quan đến sĩ quan biệt phái.

3. Đơn vị cử sĩ quan biệt phái có trách nhiệm:

a. Phối hợp với cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái quản lý toàn diện đối với sĩ quan biệt phái; hàng năm trao đổi với cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái đế thống nhất đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quản lý phẩm chất đạo đức, năng lực, sức khoẻ, tình hình hậu phương gia đình của sĩ quan biệt phái; định kỳ nghe sĩ quan biệt phái báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ biệt phái.

b. Xét đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều động, kéo dài thời hạn biệt phái, thăng quân hàm, năng lượng, tiếp nhận và bố trí công tác khi sĩ quan biệt phái hết thời hạn biệt phái; thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 165/CP.

4. Cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái có trách nhiệm:

a. Trực tiếp Phân công công tác, quản lý mọi mặt hoạt động, đánh giá, nhận xét, đề nghị hướng sử dụng tiếp theo đối với sĩ quan biệt phái;

b. Thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 165/CP; tạo mọi điều kiện thuận lợi để sĩ quan biệt phái hoàn thành nhiệm vụ được giao.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

a. Quản lý công tác chuyên môn, quản lý số lượng, chất lượng đội ngũ sĩ quan biệt phái làm nhiệm vụ quản lý và giảng dạy môn giáo dục quốc phòng;

b. Tham gia ý kiến với Bộ Quốc phòng về quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ sĩ quan biệt phái, sử dụng, bổ nhiệm sĩ quan biệt phái giữ các chức danh chủ chốt trong hệ thống tổ chức quản lý và giảng dạy môn giáo dục quốc phòng.

6. Sĩ quan biệt phái có trách nhiệm:

Thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác theo quy định của Thủ trưởng cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả công tác với Thủ trưởng đơn vị cử sĩ quan biệt phái và báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị cử sĩ quan biệt phái.

III. THỰC HIỆN THỜI HẠN BIỆT PHÁI CỦA SĨ QUAN

1. Thời hạn biệt phái của mỗi sĩ quan là 5 năm, được tính bằng 60 tháng kể từ tháng có quyết định điều động đi làm nhiệm vụ biệt phái. Trước 3 tháng sĩ quan hết thời hạn biệt phái, đơn vị cử sĩ quan biệt phải có trách nhiệm thông báo tới cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái để trao đổi thống nhất trình cấp có thẩm quyền quyết định điều động sĩ quan khác thay thế hoặc kéo dài thời hạn biệt phái.

2. Đối với sĩ quan được điều động làm nhiệm vụ biệt phái trước ngày Nghị định 165/CP có hiệu lực:

a. Những sĩ quan đã làm nhiệm vụ biệt phát trên 60 tháng được tính là hết một thời hạn biệt phái, nếu chưa có người thay thế thì thực hiện kéo dài thời hạn biệt phái để thay thế dần trong 5 năm; không ra quyết định kéo dài thời hạn biệt phái đối với sĩ quan thuộc đối tượng này.

b. Những sĩ quan làm nhiệm vụ biệt phái chưa đủ 60 tháng thì đến khi hết thời hạn biệt phái cấp có thẩm quyền xem xét quyết định điều động sĩ quan khác thay thế hoặc kéo dài thời hạn biệt phái theo quy định.

3. Khi cần kéo dài thời hạn biệt phái của sĩ quan hoặc điều động sĩ quan biệt phái về trước thời hạn, cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái hoặc đơn vị cử sĩ quan biệt phái căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình chủ động đề xuất, trao đổi thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

IV. ĐIỀU ĐỘNG, BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC VỤ ĐỐI VỚI SĨ QUAN BIỆT PHÁI

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định Điều động, kéo dài thời hạn biệt phái của sĩ quan. Sau khi thống nhất nhân sự với cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái, đơn vị cử sĩ quan biệt phái tổng hợp, báo cáo Tổng cục Chính trị (qua Cục Cán bộ) trình Bộ Quốc phòng quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Thủ trưởng cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với sĩ quan biệt phái, sau khi thống nhất nhân sự với đơn vị cử sĩ quan biệt phái, cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái quyết định theo thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho đơn vị cử sĩ quan biệt phái quyết định bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm và hệ số phụ cấp trách nhiệm chức vụ đã bổ nhiệm.

3. Khi xét nhân sự điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đối với sĩ quan biệt phái, cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái căn cứ vào tiêu chuẩn sĩ quan biệt phái quy định tại Điều 4 Nghị định 165/CP đề xuất tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của từng chức danh biệt phái, trao đổi thống nhất với đơn vị cử sĩ quan biệt phái để lựa chọn nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Khi đơn vị cử sĩ quan biệt phái hoặc cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái có công văn trao đổi lấy ý kiến về việc điều động, kéo dài thời hạn biệt phái, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đối với sĩ quan biệt phái, nếu sau một tháng không nhận được ý kiến trả lời thì đơn vị có công văn trao đổi lấy ý kiến trình cấp có thẩm quyền quyết định.

V. ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG SĨ QUAN BIỆT PHÁI

1. Đơn vị cử biệt phái có trách nhiệm: tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức quân sự cần thiết để sĩ quan biệt phái đủ tiêu chuẩn, điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nơi đến biệt phái; hàng năm triệu tập sĩ quan biệt phái tham gia tập huấn quân sự, nghe thông báo tình hình nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, dự các hội nghị quân chính, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; khi cần cử sĩ quan biệt phái đi học tập trung dài hạn, đơn vị cử sĩ quan biệt phái phải trao đổi thống nhất với cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái.

2. Cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái có trách nhiệm: bồi dưỡng kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức tập huấn và bố trí cho sĩ quan biệt phái tham gia các đợt học tập, sinh hoạt như đối với cán bộ, công chức thuộc quyền, tạo điều kiện để sĩ quan biệt phái có trình độ khả năng kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với nhiệm vụ của cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Thông tư này; định kỳ hàng năm và 5 năm sơ kết, tổng kết nhiệm vụ biệt phái sĩ quan và đề ra biện pháp thực hiện cho những năm sau.

2. Cục Cán bộ - Tổng cục Chính trị, Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, nắm tình hình; đề xuất nhu cầu biệt phái sĩ quan, tổ chức phối hợp giữa đơn vị cử sĩ quan biệt phái và cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái trong việc quản lý, thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, các quy định hướng dẫn trước đây về biệt phái sĩ quan trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các Bộ, cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan đến biệt phái và các đơn vị quân đội phản ánh kịp thời về liên bộ để xem xét giải quyết.

Nguyễn Trọng Điều

(Đã ký)

Nguyễn Văn Rinh nh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 65/2004/TTLT-BQP-BNV hướng dẫn Nghị định 165/2003/NĐ-CP về biệt phái sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ Quốc phòng và Bộ nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 65/2004/TTLT-BQP-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 13/05/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Trọng Điều, Nguyễn Văn Rinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản