Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 50/2010/TTLT-BTC-BXD

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG; KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN; KHAI THÁC, SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG; QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT; QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN NHÀ VÀ CÔNG SỞ

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 6/10/2005 của Chính phủ Quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;
Căn cứ Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ Thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (sau đây gọi chung là lĩnh vực xây dựng) và việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính cho công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ.

2. Đối với các vụ vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu, việc hỗ trợ kinh phí cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Điều 2. Thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính

1. Việc thu, nộp tiền phạt; quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 6/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và quy định tại Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.

2. Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan tài chính cấp huyện có trách nhiệm theo dõi số tiền phạt do các lực lượng có thẩm quyền của cấp xã tiến hành xử phạt để thanh toán chi phí và hỗ trợ kinh phí hoạt động của thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn theo quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ Thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

1. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng sau khi nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước được sử dụng để thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ và hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này, số còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước các cấp theo quy định.

2. Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu được của lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã và của xã, phường, thị trấn được sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Chi phí hợp lý, hợp lệ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính

1. Chi phí xác minh, bắt giữ gồm: chi thông tin liên lạc cho cán bộ tham gia xử lý; chi giám định, kiểm định vật tư, vật liệu xây dựng, chất lượng công trình, tang vật, phương tiện vi phạm; chi lưu kho, lưu bãi; chi bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; chi thiết bị, máy móc, công nghệ, xăng, dầu cho phương tiện kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng; chi sửa chữa phương tiện kiểm tra bị hư hỏng khi tiến hành kiểm tra, truy đuổi, bắt giữ.

2. Chi phí mua tin: mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền phạt và tối đa không quá 5.000.000đ (năm triệu đồng).

Việc thanh toán chi phí mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán khoản chi mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng đơn vị trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc.

3. Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 5. Nội dung và mức chi hỗ trợ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính

1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xây dựng.

2. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức và người trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

3. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

4. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

5. Hỗ trợ cho các cá nhân bị thương, chết, tai nạn khi tham gia xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

6. Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Mức chi không quá 1.000.000 đồng/người/tháng.

7. Chi tiền làm ngoài giờ theo quy định của pháp luật.

8. Chi bồi dưỡng cho thanh tra viên xây dựng và những người được cấp có thẩm quyền điều động trực tiếp tham gia cưỡng chế những công trình vi phạm pháp luật về xây dựng. Mức chi bồi dưỡng bằng 10% mức lương tối thiểu do nhà nước quy định cho mỗi ngày tham gia cưỡng chế.

9. Chi phí mua sắm, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

10. Chi phí cho công tác thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

11. Chi hỗ trợ các đơn vị liên quan phối hợp trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

12. Các khoản chi khác phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Mức chi cho các nội dung quy định tại Điều này được thực hiện theo tiêu chuẩn, chế độ, định mức do nhà nước quy định; đối với những nội dung nhà nước chưa quy định mức chi thì Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 6. Thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ và hỗ trợ kinh phí cho công tác xử phạt vi phạm hành chính

1. Trước ngày 05 hàng tháng, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan tài chính cùng cấp về số thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng của tháng trước.

2. Trước ngày 10 hàng tháng, căn cứ số tiền phạt thực tế thu được do Kho bạc Nhà nước thông báo, cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, quyết định và lập chứng từ để thực hiện việc tạm trích 30% số tiền phạt đã nộp vào tài khoản tạm giữ; Kho bạc Nhà nước căn cứ vào hồ sơ, chứng từ của cơ quan tài chính, thực hiện chuyển ngay số tiền tạm trích cho cơ quan, tổ chức chủ trì xử lý vi phạm để sử dụng cho các nội dung quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này.

3. Trước ngày 15 của tháng đầu mỗi quý, cơ quan, tổ chức chủ trì xử lý vi phạm căn cứ vào số tiền phạt thực nộp vào Kho bạc Nhà nước và thực tế chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm hành chính của quý trước để lập dự toán kinh phí hỗ trợ và chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này và có văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp.

4. Căn cứ vào số thu tiền phạt vi phạm hành chính của từng đơn vị đã thực nộp vào tài khoản tạm giữ và số đã tạm trích; trên cơ sở văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí của cơ quan, tổ chức chủ trì xử lý vi phạm, cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm kiểm tra và thanh toán các chi phí theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này. Việc thanh toán và hỗ trợ kinh phí được thực hiện chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ, chứng từ liên quan của cơ quan, tổ chức chủ trì xử lý vi phạm. Trường hợp không thanh toán hoặc không hỗ trợ kinh phí thì phải có văn bản thông báo rõ lý do cho cơ quan, tổ chức chủ trì xử lý vi phạm.

Điều 7. Hạch toán, quyết toán kinh phí được thanh toán và hỗ trợ từ nguồn tiền phạt vi phạm hành chính

1. Các lực lượng xử lý vi phạm hành chính được thanh toán chi phí và hỗ trợ kinh phí hoạt động từ nguồn tiền thu phạt vi phạm hành chính phải mở sổ sách để theo dõi, quản lý số kinh phí được hỗ trợ quy định tại Thông tư này và thực hiện công khai tại cơ quan, đơn vị.

2. Cuối năm, các lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm hành chính được thanh toán chi phí và hỗ trợ kinh phí từ nguồn tiền phạt vi phạm hành chính phải quyết toán việc sử dụng kinh phí được thanh toán và hỗ trợ từ tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền phạt kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính. Thực hiện theo dõi, hạch toán khoản thu, chi tiền phạt vi phạm hành chính theo đúng chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

3. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm theo dõi việc thu, nộp, quản lý và tạm trích kinh phí hoạt động cho lực lượng thanh tra xây dựng từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo đúng quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Sơn

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;  
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- TAND Tối cao, VKSND Tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Sở Xây dựng, KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Văn phòng BCĐ trung ương về phòng chống tham nhũng
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính; Website Bộ Xây dựng
- Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 50/2010/TTLT-BTC-BXD hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở do Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 50/2010/TTLT-BTC-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/04/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 244 đến số 245
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 16/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản