Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH-ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM | VIỆT |
Số: 40-TT-LB | Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1962 |
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC THỐNG NHẤT TRUYỀN THANH BƯU ĐIỆN Ở ĐỊA PHƯƠNG
Để thực hiện đầy đủ và nhanh, tốt quyết định của Hội đồng Chính phủ số 15-CP ngày 09-02-1962 giao việc quản lý các cơ sở kỹ thuật truyền thanh và nhiệm vụ phát triển sự nghiệp truyền thanh sang Bưu điện, Liên bộ ra thông tư này nêu rõ vấn đề và hướng dẫn thêm về những việc cần làm như sau:
I. QUAN ĐIỂM VỀ VẤN ĐỀ CHUYỂN GIAO
Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, căn cứ vào sự quan hệ mật thiết và tính chất giống nhau về kỹ thuật của Bưu điện và truyền thanh, cần thống nhất hai ngành để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sự nghiệp truyền thanh. Vì vậy việc chuyển bộ phận kỹ thuật truyền thanh sang Bưu điện không phải chỉ đơn thuần chuyển một số hệ thống đường dây, máy móc, cán bộ công nhân viên và kinh phí sự nghiệp truyền thanh sang Bưu điện quản lý, mà phần quan trọng và mấu chốt nhất là chuyển nhiệm vụ, chuyển sự nghiệp truyền thanh hóa sang Bưu điện. Do đó, ngành Bưu điện ngoài nhiệm vụ thông tin trước đây, còn có thêm nhiệm vụ quản lý, phát triển và cải tiến kỹ thuật truyền thanh.
Mục đích chủ yếu của công tác truyền thanh là đem tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến tận tai quần chúng cơ bản, cho nên nhiệm vụ truyền thanh hóa không những bao gồm việc xây dựng và phát triển các trung tâm phát xạ, các hệ thống truyền thanh quốc lập mà còn phải tổ chức xây dựng và phát triển màng lưới truyền thanh dân lập hoặc nửa dân lập, nửa quốc lập rộng khắp. Tính chất công tác truyền thanh là phục vụ trực tiếp cho yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, cho nên khi mới chuyển sang, mặc dầu Bưu điện đã tiến hành hạch toán kinh tế, hoạt động truyền thanh vẫn tạm thời giữ theo chế độ sự nghiệp hiện nay. Cần nhận thức rõ nhiệm vụ và tính chất sự nghiệp của truyền thanh để giải quyết tốt các mặt công tác sau khi chuyển sang Bưu điện.
Trong quá trình thực hiện thống nhất cần chú ý các yêu cầu và phương châm sau đây:
1. Phải làm cho cán bộ, công nhân viên nhất trí với chủ trương và tích cực thực hiện chủ trương, đoàn kết nội bộ, hăng hái làm nhiệm vụ trong tổ chức mới.
2. Phải đảm bảo duy trì cho công tác truyền thanh hoạt động bình thường trong lúc chuẩn bị cũng như lúc chuyển giao.
3. Trong lúc đầu mới thống nhất cần tránh những xáo trộn không cần thiết về tổ chức cũng như về cán bộ, công nhân viên cần chiếu cố đến hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương, đến tình cảm, tác phong và sinh hoạt của anh chị em truyền thanh khi mới sang Bưu điện.
4. Cần xác định rõ mối quan hệ giữa Bưu điện và Truyền thanh với các cơ quan có liên quan, nhất là cần quy định rõquan hệ công tác giữa bộ phận kỹ thuật với bộ phận biên tập.
5. Phải coi trọng công tác tư tưởng, làm tốt công tác tư tưởng và tổ chức, nhất là về mặt tư tưởng. Phải trên cơ sở nhất trí về mặt nhận thức tư tưởng mà tiến hành thống nhất về mặt tổ chức.
6. Phải làm khẩn trương nhưng có chuẩn bị chu đáo và tiến hành từng bước có kế hoạch, có lãnh đạo chặt chẽ.
Nội dung chuyển giao bộ phận kỹ thuật truyền thanh sang Bưu điện gồm các vấn đề:
1. Nhiệm vụ:
Trong khi chờ đợi quy định nhiệm vụ chi tiết cho các Sở, Ty Bưu điện và truyền thanh, căn cứ vào nhiệm vụ mà Hội đồng Chính phủ giao cho Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh, Liên bộ tạm thời quy định nhiệm vụ cho các Sở, Ty Bưu điện và Truyền thanh về công tác Truyền thanh như sau:
a) Nghiên cứu kế hoạch phát triển sự nghiệp truyền thanh của địa phương bằng các phương tiện thô sơ và hiện đại, thực hiện từng bước nhiệm vụ truyền thanh hóa địa phương.
b) Quản lý các hệ thống truyền thanh sẵn có của khu, tỉnh, thành, đảm bảo việc khai thác tốt các đài truyền thanh, phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên và đột xuất của địa phương, tiếp tục phát triển các hệ thống truyền thanh mới theo kế hoạch của địa phương.
c) Sửa chữa các phương tiện thu thanh, tăng âm của các cơ sở truyền thanh và của các cơ quan đoàn thể ở địa phương.
d) Đảm bảo mọi kế hoạch trang âm, phục vụ các đợt tuyên truyền cổ động, các cuộc mít tinh, các cuộc hội nghị lớn của địa phương.
e) Hướng dẫn và giúp đỡ các công , nông trường, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã trong việc xây dựng và quản lý các hệ thống truyền thanh ở cơ sở.
g) Hướng dẫn nhân dân trong việc sử dụng, bảo quản các phương tiện nghe đài, đề phòng tai nạn (chống sét) và phối hợp cùng cơ quan văn hóa trong việc tổ chức tổ nghe đài (Văn hóa, thông tin hướng dẫn về tổ chức, Bưu điện truyền thanh hướng dẫn về kỹ thuật).
2. Cơ sở vật chất và kỹ thuật:
Phòng Thông tin hoặc Đài Truyền thanh địa phương phải chuyển cho Sở, Ty Bưu điện toàn bộ tài sản thuộc về công tác truyền thanh bao gồm: các hệ thống đường dây, loa, trạm máy và các máy móc thiết bị, kho tàng, nhà cửa, phương tiện làm việc khác.
Trừ các máy móc thiết bị dùng vào việc xây dựng chương trình phát thanh hàng ngày như phòng bá âm, máy ghi âm và máy nổ nhỏ, dùng vào công tác ghi âm lưu động, thì giao cho bộ phận biên tập. Tuy nhiên, nếu xét thấy việc quản lý có trở ngại thì có thể giao cả cho Bưu điện song phải quy định cụ thể quan hệ sử dụng để khỏi gây ra khó khăn va chạm về sau.
Đối với tài sản trước đây vẫn dùng cho nhiều bộ phận thì Ủy ban hành chính căn cứ vào yêu cầu của mỗi tổ chức mà quyết định phân chia cho hợp lý. Tất cả tài sản chuyển giao đều phải kiểm kê (theo lối kiểm kê của cơ quan sự nghiệp). Tài sản chuyển giao sang Bưu điện nên quản lý riêng và thứ nào trước đây dùng vào việc gì thì nay vẫn tiếp tục sử dụng vào việc ấy, nếu xét cần có sự điều chỉnh để sử dụng hợp lý hơn thì nên bàn bạc nhất trí để tránh hiểu lầm lúc đầu.
3. Kế hoạch và ngân sách.
Dựa trên phần kế hoạch đã được duyệt cho công tác truyền thanh năm 1962 mà chuyển toàn bộ cho Bưu điện tiếp tục quản lý và thực hiện. Gặp trường hợp có khoản nào chưa được duyệt chính thức thì Ủy ban hành chính địa phương nghiên cứu xét và giải quyết dứt khoát.
Trong khi chờ đợi nghiên cứu chế độ kinh phí thích hợp cho công tác truyền thanh, hàng năm ngân sách địa phương vẫn tiếp tục đài thọ phần kinh phi sự nghiệp truyền thanh cho Bưu điện. Sở Ty Bưu điện và Truyền thanh sử dụng phần kinh phí truyền thanh theo chế độ sự nghiệp.
Việc dự trù kinh phí truyền thanh năm 1963 do các Sở, Ty Bưu điện và Truyền thanh lập và trình Ủy ban hành chính xét duyệt. Nếu khi làm kế hoạch mà việc chuyển giao chưa làm xong thì phòng Thông tin hoặc Đài Truyền thanh phối hợp cùng Sở, Ty Bưu điện để bàn bạc cùng làm.
4. Cán bộ công nhân viên:
Nguyên tắc chung là những cán bộ, công nhân, trước vẫn làm công tác truyền thanh (kể cả các cán bộ chuyên lo phát triển sự nghiệp và cán bộ kỹ thuật) thì nay chuyển cả sang Bưu điện. Trường hợp đặc biệt cần có sự điều hòa thì Ủy ban hành chính địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể mà quyết định, nhưng cần hết sức tránh việc rút bớt cán bộ, công nhân viên truyền thanh. Khi mới chuyển sang Bưu điện, nên để anh em tiếp tục công tác cũ của mình và chỉ điều chỉnh khi thấy thật cần thiết.
5. Tổ chức:
Tổ chức truyền thanh trong Sở, Ty Bưu điện sẽ do Ủy ban hành chính địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tính chất khối lượng công tác và đặc điểm tổ chức của địa phương để quyết định cho thích hợp, không nhất thiết áp dụng một hình thức tổ chức chung cho các địa phương, nhưng trong thời gian mới chuyển giao nói chung nên giữ riêng một bộ phận truyền thanh có cán bộ phụ trách trực thuộc với giám đốc hoặc trưởng ty Bưu điện và Truyền thanh.
6. Một số chế độ và chính sách:
Trong khi chờ đợi Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh có hướng dẫn cụ thể về các chế độ chính sách, giá cả, thể lệ, đối với công tác truyền thanh của địa phương, các chế độ chính sách hiện hành vẫn tiếp tục áp dụng không thay đổi.
Địa phương nào đã chuẩn bị tốt thì tiến hành thống nhất trước, địa phương nào chuẩn bị chưa tốt thì thống nhất sau nhưng cần xúc tiến chuẩn bị để việc chuyển giao khỏi kéo dài. Đối với các địa phương có cơ sở kỹ thuật lớn, cán bộ công nhân đông thì cần bàn bạc kỹ, chuẩn bị thật chu đáo để khi chuyển giao khỏi ảnh hưởng đến công tác và chất lượng nghiệp vụ.
Riêng đối với khu vực Vĩnh Linh thì Ủy ban hành chính khu vực nghiên cứu trao đổi với Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh để quyết định việc bàn giao cho thích hợp.
Sau khi đã thống nhất truyền thanh vào Bưu điện thì Sở, Ty, phòng Bưu điện (kể cả những phòng chưa có hệ thống truyền thanh) đều đổi tên là Sở, Ty hoặc phòng Bưu điện và Truyền thanh.
Đối với những địa phương đã thống nhất trước khi ban hành Thông tư này thì căn cứ vào tinh thần của Thông tư mà điều chỉnh những điểm chưa phù hợp.
Việc thống nhất truyền thanh vào Bưu điện và phát triển sự nghiệp truyền thanh là một quá trình tương đối phức tạp nên cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, của Ủy ban hành chính các cấp, đặc biệt là chỉ đạo về mặt tư tưởng.
Liên Bộ mong Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành lưu ý thực hiện chủ trương một cách tích cực. Nếu có khó khăn trở ngại gì thì phản ảnh cho Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh biết để tùy tính chất từng việc cần thiết, sẽ liên hệ với các Bộ, các cơ quan hữu quan để phối hợp giải quyết.
TỔNG BIÊN TẬP | KT.BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
K.T. BỘ TRƯỞNG | K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Thông tư liên tịch 40-TT-LB năm 1962 hướng dẫn thống nhất Truyền thanh Bưu điện ở địa phương do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh - Đài tiếng nói Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 40-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 24/08/1962
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam
- Người ký: Lê Tất Đắc, Trần Lãm, Trịnh Văn Bính, Ngô Huy Văn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 37
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra