Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/1997/TT-BLĐTBXH-BTCCBCP

Hà Nội , ngày 29 tháng 12 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI -BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 22/1997/TT-LĐTBXH-TCCB NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY LÀM CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG THUỘC CƠ QUAN LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở ĐỊA PHƯƠNG.

Thi hành Điều 4, Quyết định số 727/TTg ngày 04-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công thuộc cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội các cấp ở địa phương như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) thành lập hệ thống tổ chức chuyên trách làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công trực thuộc Ngành Lao động - Thương binh và xã hội trên cơ sở phòng Chính sách thương binh, liệt sỹ hoặc phòng Thương binh xã hội hiện nay để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về lĩnh vực thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định của Nhà nước và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

2. Tổ chức chuyên trách làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ở cấp tỉnh là Phòng Thương binh liệt sỹ và người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

3. Nhiệm vụ công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ở cấp huyện, quận, thị xã (gọi chung là cấp huyện) do Phòng Lao động - Thương binh và xã hội hoặc Phòng Tổ chức lao động - Thương binh và xã hội cấp huyện đảm nhiệm, không có tổ chức chuyên trách riêng.

4. Nhiệm vụ công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) do Uỷ ban nhân dân xã đảm nhiệm.

5. Số lượng biên chế của tổ chức chuyên trách làm công tác Thương binh, liệt sỹ và người có công do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nằm trong tổng số biên chế của tỉnh, trên cơ sở khối lượng công việc được giao, nguồn kinh phí chi trả, số lượng các đối tượng và địa dư hành chính.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BIÊN CHẾ LÀM CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG Ở ĐỊA PHƯƠNG:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Thương binh, liệt sỹ và người có công trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

a. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về lĩnh vực thương binh, liệt sỹ và người có công thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Lao động - Thương binh và xã hội địa phương để Giám đốc Sở trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã được duyệt.

- Giúp Giám đốc Sở trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định các quy trình về thủ tục xác nhận người có công; tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đối với các đối tượng.

- Tổ chức lưu trữ hồ sơ, danh sách, thống kê, tổng hợp, điều chỉnh chế độ cho thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định; thực hiện thông tin báo cáo định kỳ và hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra việc lập danh sách người có công ở cấp huyện và cấp xã.

- Lập kế hoạch phân bổ các nguồn kinh phí thuộc lĩnh vực thương binh, liệt sỹ và người có công để trình Giám đốc Sở, đồng thời tham gia quyết toán nguồn kinh phí này ở địa phương theo quy định hiện hành.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chi trả các chế độ ưu đãi và sử dụng các khoản kinh phí cho lĩnh vực này ở địa phương.

- Trả lời đơn thư khiếu nại của tập thể, cá nhân về việc thực hiện các chính sách, chế độ thuộc lĩnh vực thương binh, liệt sỹ và người có công theo thẩm quyền.

- Lập danh sách, sơ đồ mộ chí ở các nghĩa trang liệt sỹ; hướng dẫn việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài, bia ghi tên liệt sỹ và phân giao theo dõi, kiểm tra việc quản lý các công trình này. Thực hiện báo tin phần mộ liệt sỹ; tổ chức, hướng dẫn việc thăm viếng mộ và nghĩa trang liệt sỹ.

Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ.

- Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng thuộc địa phương quản lý.

- Giúp giám đốc Sở phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công ở địa phương.

- Giúp Giám đốc Sở sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công; tổ chức hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác này ở địa phương.

b- Tổ chức biên chế:

- Phòng Thương binh, liệt sỹ và người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội có một Trưởng phòng và một đến hai Phó trưởng phòng.

- Căn cứ vào nhiệm vụ theo quy định tại điểm 5, mục I nói trên, Sở Lao động - Thương binh và xã hội bố trí người làm chuyên trách cho Phòng thương binh, liệt sỹ và người có công. Biên chế của phòng nằm trong tổng biên chế chung của Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công của Phòng Lao động - Thương binh và xã hội hoặc phòng Tổ chức Lao động - Thương binh và xã hội huyện.

a- Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Xây dựng chương trình kế hoạch dài hạn, hàng năm, hàng quý, hàng tháng về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và xã hội và sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện; tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch đã được duyệt.

- Hướng dẫn, kiểm tra thẩm định hồ sơ thủ tục, quy trình xác nhận các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi người có công để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Lập và lưu giữ quản lý danh sách người có công, thống kê tổng hợp, điều chỉnh chế độ được hưởng cho các đối tượng người có công, thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ, hướng dẫn việc lập danh sách người có công ở cấp xã.

- Tổ chức thực hiện việc chi trả các chế độ ưu đãi và các khoản kinh phí cho lĩnh vực thương binh, liệt sỹ và người có công; thanh toán, quyết toán theo quy định của chế độ tài chính Nhà nước hiện hành.

- Trả lời, giải quyết đơn thư, khiếu nại của tập thể, cá nhân về chính sách, chế độ thương binh, liệt sỹ và người có công theo thẩm quyền.

- Lập danh sách mộ liệt sỹ, sơ đồ mộ chí ở nghĩa trang liệt sỹ, hướng dẫn việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài, bia ghi tên liệt sỹ, hướng dẫn quản lý, giữ gìn các công trình ghi công này ở cấp huyện; thực hiện báo tin và tổ chức việc thăm viếng mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

Phối hợp với các cơ quan liên quan trong huyện thực hiện khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ.

- Giúp Uỷ ban nhân dân huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, thi đua, xây dựng các mô hình, các phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn huyện.

- Thực hiện sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về lĩnh vực thương binh, liệt sỹ và người có công, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ở cấp xã theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và xã hội và sự chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân huyện.

b. Tổ chức biên chế:

- Số lượng biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công thuộc Phòng Lao động - Thương binh và xã hội hoặc Phòng Tổ chức Lao động - Thương binh và xã hội phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Nhiệm vụ thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công ở cấp xã do Uỷ ban nhân dân huyện quy định và theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội cùng với Trưởng Ban Tổ chức chính quyền sớm trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh về tổ chức, biên chế làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ở địa phương theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội cần soát xét lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Thương binh, liệt sỹ thuộc Sở để bổ sung hoàn thiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện các chính sách được bình thường, liên tục, đặc biệt là việc chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công.

3. Việc sắp xếp tổ chức, biên chế làm công tác Thương binh, liệt sỹ và người có công ở các cấp địa phương phải hoàn thành trước ngày 31-01-1998 và có báo cáo về Liên Bộ.

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc thì báo cáo về Liên Bộ để xem xét giải quyết.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 22/1997/TT-BLĐTBXH-BTCCBCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công thuộc cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội ở địa phương do Bộ Lao Động-Thương Binh Xã Hội-Ban Tổ Chức Cán Bộ Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 22/1997/TT-BLĐTBXH-BTCCBCP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 29/12/1997
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đỗ Quang Trung, Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 13/01/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản