Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/TT-LB

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VÀ BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 21/TT-LBNGÀY 19 THÁNG 8 NĂM 1995 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 26/CP VỀ CHUYỂN GIAO NHIỆM VỤ QUẢN LÝ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI TỪ BỘ LĐTBXH SANG BAN TCCB CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 26/CP ngày 17-4-1995 của Chính phủ về việc điều chuyển một số nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang các Bộ có liên quan;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện chuyển giao nhiệm vụ quản lý chế độ, chính sách tiền lương công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý Nhà nước (kể cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp) và các tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quản lý như sau:

I- NGUYÊN TẮC BÀN GIAO:

- Bàn giao các nội dung công việc nói trên từ Trung ương đến địa phương. Quá trình chuyển giao phải đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Không để ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức Nhà nước.

- Công chức, viên chức đang làm các công việc trên được chuyển giao sang Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố.

II- NỘI DUNG CÔNG VIỆC BÀN GIAO:

A. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao sang Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ nhiệm vụ quản lý chế độ chính sách tiền lương của công chức, viên chức các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp tổ chức xã hội theo biên bản kèm theo.

B. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao sang Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các nội dung sau:

1- Bảng lương chức vụ dân cử từ tỉnh đến cấp huyện: hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp: (Hành chính; Lưu trữ; Tư pháp; Thanh tra; Tài chính; Nông nghiệp; Kiểm lâm; Thuỷ lợi; Xây dựng; Khoa học kỹ thuật; Khí tượng thuỷ văn; Giáo dục và đào tạo; Y tế; Văn hoá - Thông tin; Thể dục thể thao), gồm:

- Tổ chức, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện và đề nghị giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Trả lời đơn thư khiếu tố của công chức, viên chức; chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội tại địa phương.

2- Nghiên cứu trình UBND tỉnh, thành phố đề nghị Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan thoả thuận phân loại các tổ chức, sự nghiệp có nguồn kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp và các tổ chức sự nghiệp công không thuộc các đối tượng áp dụng của Luật doanh nghiệp Nhà nước, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

3- Chế độ phụ cấp lương.

- Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức vụ bổ nhiệm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

- Chế độ phụ cấp thâm niên tái cử theo nhiệm kỳ, phụ cấp làm đêm.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh, thành phố để đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên giải quyết chế độ phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động. Hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp nói trên đối với công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

4- Hướng dẫn, theo dõi, tổ chức thực hiện các chế độ.

- Tiền công thuê mướn lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Chế độ đối với công chức, viên chức đi học, bị đình chỉ công tác, tạm giam, tạm giữ, chế độ thôi việc, mất việc làm.

- Chế độ tập sự của công chức, viên chức Nhà nước hưởng lương từ ngân sách.

- Chế độ đối với công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách công tác ở miền núi, hải đảo, biên giới và vùng có nhiều khó khăn.

- Chế độ đặc thù đối với công chức, viên chức làm việc một số ngành, nghề trong khu vực hành chính, sự nghiệp.

- Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất hoặc thường xuyên cho gia đình công chức, viên chức Nhà nước.

5- Định kỳ báo cáo UBND, Hội đồng Nhân dân và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tình hình thực hiện chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức theo các nôi dung nói trên.

6- Tham gia vào việc thực hiện, chính sách tiền lương của các cơ quan Đảng, đoàn thể trong phạm vi tỉnh, thành phố.

7- Toàn bộ các hồ sơ, tài liệu văn bản hướng dẫn liên quan đến nhiệm vụ quản lý chế độ chính sách tiền lương công chức, viên chức.

8- Về nhân sự: Số lượng công chức, viên chức của Sở Lao động - Thương binh xã hội đang làm công việc nói trên (kể cả số hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế) kèm theo danh sách và hồ sơ của từng công chức, viên chức.

III- VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1- Ở Trung ương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thực hiện việc bàn giao các nội dung đã ghi trong biên bản.

2- Ở địa phương.

Căn cứ Nghị định 26/CP và Thông tư hướng dẫn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức chính quyền tiến hành bàn giao nội dung công việc và nhân sự từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Ban Tổ chức chính quyền quản lý.

Việc bàn giao phải hoàn thành trước ngày 15-9-1995 và báo cáo kết quả (kèm theo biên bản bàn giao) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để theo dõi quản lý.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các địa phương phản ánh về Liên Bộ để xem xét giải quyết.

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 21/TT-LB năm 1995 triển khai Nghị định 26/CP về chuyển giao nhiệm vụ quản lý chế độ chính sách tiền lương công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội từ Bộ LĐTBXH sang Ban TCCB Chính phủ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 21/TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 19/08/1995
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đỗ Quế Lượng, Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/09/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản