Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/TT-LB

Hà Nội , ngày 30 tháng 5 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ  LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH - UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC (NAY LÀ BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) SỐ 17/TT-LB NGÀY 30 THÁNG 5 NĂM 1994
HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH CẤP VÀ CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA THƯƠNG BỆNH BINH, NGƯỜI TÀN TẬT THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 15/TTG NGÀY 20-10-1992 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật; Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 09/TT-LB ngày 17 tháng 5 năm 1993; Để rõ hơn thủ tục xem xét cấp phát và cho vay vốn, cách chuyển vốn cấp và vốn vay, Liên Bộ hướng dẫn cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP VÀ VAY VỐN

1. Cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật được thành lập theo Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ, có đủ các điều kiện đã nêu trong Thông tư hướng dẫn số 09/TT-LB ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước.

2. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật đã được thành lập theo Quyết định số 284/CP ngày 23-12-1974 và Thông tư số 202/CP ngày 26-11-1966 của Chính phủ, đang hoạt động có đủ các điều kiện đã nêu trong Thông tư Liên Bộ số 09/TT-LB nói trên.

3. Các trường Trung tâm dạy chữ dạy nghề dành riêng cho thương bệnh binh, người tàn tật, có đề án tổ chức sản xuất kết hợp với đào tạo nghề cho thương binh, bệnh binh, người tàn tật cũng được xét vay vốn.

II. QUY ĐỊNH VỀ CẤP VỐN VÀ CHO VAY VỐN

1. Mức vốn cấp

Việc cấp vốn chỉ thực hiện một lần cho cơ sở. Mức cấp vốn được xác định căn cứ vào số lượng đối tượng được cấp vốn hỗ trợ ở thời điểm xét duyệt và định mức vốn cấp trên 1 đối tượng theo quy định tại điểm 1, phần II Thông tư 09/TT-LB ngày 17-5-1993 của Liên Bộ.

2. Mức vốn cho vay

Thực hiện theo quy định tại điểm 1 phần II của Thông tư Liên Bộ số 09/TT-LB ngày 17-5-1993. Riêng đối với cơ sở thu hút đông thương bệnh binh, người tàn tật có mức vốn lớn hơn 200 triệu đồng theo quy định hiện hành, phải có ý kiến thoả thuận của Liên Bộ, trước khi Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định phê duyệt.

3. Nguồn vốn cấp và cho vay

Nguồn vốn cấp và cho vay.

Nguồn vốn cấp và cho vay đối với các đối tượng quy định tại phần I nói trên của Thông tư này, lấy từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm được bố trí trong ngân sách hàng năm.

Đối với phần vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật vay, được xác định cụ thể trong chỉ tiêu phân bổ vốn vay giải quyết việc làm thông báo cho các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Lãi suất cho vay

Đối với các cơ sở này không tính lãi, nhưng phải chịu phí vay của quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo quy định của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước. Mức cụ thể do Bộ Tài chính quy định (hiện tại thực hiện theo Quyết định số 364TC/CĐTC ngày 18 tháng 6 năm 1993).

5. Thời hạn cho vay

Tuỳ thuộc vào chu kỳ sản xuất kinh doanh của dự án, nhưng không vượt quá thời hạn tối đa quy định tại Thông tư Liên Bộ số 10/TT-LB ngày 24-7-1992 và số 17/TT-LB ngày 9-9-1992.

6. Thu hồi vốn và phí vay

Thu hồi vốn và phí vay được áp dụng theo quy định của Nhà nước về vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

7. Nguyên tắc sử dụng các loại vốn

Các loại vốn nói trong Thông tư này là tài sản của Nhà nước giao cho đơn vị quản lý. Các đơn vị, địa phương được giao quản lý sử dụng các loại vốn này phải thực hiện đúng các nguyên tắc sau:

- Phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng đã ghi trong Thông tư Liên Bộ số 09/TT-LB ngày 17-5-1993 và thể hiện trong dự án đã được phê duyệt.

- Phải bảo toàn vốn cấp và phải hoàn trả đầy đủ vốn và phí vay khi đến hạn đối với vốn vay.

8. Chuyển vốn cấp và cho vay

Hàng năm Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào nguồn và hướng sử dụng quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt để cân đối vốn trợ cấp, và vốn vay đối các dự án về về sản xuất kinh doanh, dạy nghề cho thương bệnh binh và người tàn tật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển vốn cấp và cho vay hàng năm được thực hiện như sau:

a. Đối với vốn vay:

- Quy trình xét duyệt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/TT-LB ngày 12 tháng 5 năm 1993.

- Quyết định duyệt vốn cho vay của Chủ tịch uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là căn cứ để Bộ Tài chính cấp lệnh chuyển vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm sang Cục Kho bạc Nhà nước làm nguồn vốn cho vay theo các dự án, đã được phê duyệt.

- Cục Kho bạc Nhà nước, căn cứ vào thông báo chuyển vốn của Bộ Tài chính để thực hiện hạch toán kế toán và chuyển vốn đến chi nhánh Kho bạc Nhà nước nơi có dự án được duyệt để tổ chức việc cho vay theo dự án đã được phê duyệt và theo các quy định về cho vay từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

b. Thủ tục cấp, thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ.

- Căn cứ vào Quyết định duyệt cấp vốn hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cấp phát vốn từ nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm về các Sở Tài chính - vật giá địa phương (theo hình thức cấp phát kinh phí uỷ quyền) làm nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án, đã được phê duyệt.

- Các Sở Tài chính - vật giá căn cứ vào thông báo cấp phát của Bộ Tài chính để cấp phát vốn cho từng cơ sở theo thông báo được duyệt.

- Việc quyết toán nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 80/TC-NSNN ngày 24 tháng 9 năm 1993 của Bộ Tài chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ sở sản xuất kinh doanh - Dạy nghề của thương bệnh binh, người tàn tật

Các cơ sở thuộc đối tượng nêu ở phần I của Thông tư này muốn được xét cấp, hoặc vay vốn đều phải làm tờ trình và có dự án kèm theo. Dự án đề nghị hỗ trợ vốn không được đồng thời là dự án vay vốn.

- Tờ trình phải nêu rõ: Ngành nghề sản xuất kinh doanh giảng, dạy, tổng số cán bộ công nhân viên chức, tổng số đối tượng là thương bệnh binh, người tàn tật, khả năng phát triển ngành nghề, nguồn nguyên liệu, nguồn tiêu thụ sản phẩm... và các nội dung cần trình của dự án để đề nghị Nhà nước hỗ trợ.

- Dự án phải lập theo hướng dẫn quy định tại Thông tư này (mẫu số 1); Có bản thống kê danh sách các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người tàn tật hiện đang làm việc tại cơ sở (mẫu số 2).

2. Chủ dự án

Để dự án được tổ chức thực hiện đúng với mục đích yêu cầu đề ra, đơn vị cơ sở chủ trì dự án phải cử người đại diện làm chủ dự án.

Chủ dự án phải là người phụ trách đơn vị (cơ sở) có đầy đủ trình độ, năng lực và uy tín để đề xướng và thực hiện dự án phù hợp với mục tiêu và sự hướng dẫn của Nhà nước. Chủ dự án có quyền hạn và trách nhiệm sau:

a. Quyền hạn:

- Chủ trì, phối hợp hoặc độc lập xây dựng hoàn chỉnh mọi thủ tục về dự án theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản đồng thời bảo vệ dự án đó với cấp có thẩm quyền.

- Trực tiếp triển khai thực hiện dự án đã được phê duyệt.

- Được thiết lập mối quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện dự án.

- Quản lý các nguồn vốn và tài sản của dự án theo quy định của Nhà nước.

b. Trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về sự đúng đắn của các vấn đề được đề cập trong dự án, về việc thực hiện các mục tiêu và tính hiệu quả của dự án.

- Khi dự án được duyệt, tổ chức làm các thủ tục để vay vốn của Kho bạc Nhà nước theo đúng Thông tư về thể lệ cho vay bằng nguồn vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm số 1360/TC-XHCN ngày 27-7-1992 của Bộ Tài chính (đối với dự án vay vốn). Tổ chức tiếp nhận nguồn vốn từ Sở Tài chính - vật giá (đối với dự án được cấp vốn hỗ trợ).

- Chịu trách nhiệm bảo toàn vốn đã được cấp hỗ trợ, hoàn trả đủ vốn vay và phí vay đúng hạn định.

- Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện dự án với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định và quy trình quản lý thực hiện dự án.

3. Phòng tổ chức Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện

Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về việc chứng nhận danh sách các đối tượng của cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật đóng trên địa bàn (người tàn tật được xác định theo Thông tư Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế số 34/TT-LB ngày 29 tháng 12 năm 1993).

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì cùng các ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở xây dựng dự án, kiểm tra, thẩm định và ghi xác nhận về mục tiêu và tính khả thi vào từng dự án của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dạy nghề của thương bệnh binh, người tàn tật.

- Tổng hợp trình uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố (trực thuộc Trung ương) quyết định đối với dự án vay vốn, xét duyệt đề nghị Liên Bộ giải quyết vốn cấp đối với dự án cấp vỗn hỗ trợ.

- Gửi quyết định phê duyệt dự án vay vốn (kèm theo hồ sơ liên quan và biểu tổng hợp dự án được duyệt theo mẫu số 3) về Liên Bộ để làm cơ sở chuyển vốn cho vay và công văn đề nghị cấp vốn hỗ trợ (cùng với hồ sơ liên quan và biểu tổng hợp theo mẫu số 4) để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước làm cơ sở xét duyệt cấp vốn hỗ trợ.

- Thực hiện việc bảo lãnh vay vốn đối với các cơ sở không có tài sản thế chấp và có trách nhiệm về số vốn vay của cơ sở này.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ liên quan

- Xem xét thủ tục và mức đề nghị vay vốn đã được uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố (trực thuộc Trung ương) quyết định để thông báo cho Bộ Tài chính làm thủ tục chuyển vốn; Xét duyệt và ra Quyết định thực hiện đối với dự án xin hỗ trợ vốn.

Khi phát hiện có dự án không đúng, không đủ thủ tục hoặc mức đề nghị vay hay xin cấp vốn không hợp lý thì chỉ rõ lý do và làm công văn đề nghị uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố (trực thuộc Trung ương) xử lý tiếp, tiến hành kiểm tra thẩm định lại một số dự án khi cần thiết.

- Tổ chức kiểm tra theo dõi việc cấp cho vay và sử dụng các loại vốn đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả.

- Chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ với Chính phủ về lĩnh vực này. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ nghiêu cứu giải quyết.

Nguyễn Lương Trào

(Đã ký)

Trần Xuân Giá

(Đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

HƯỚNG DẪN

VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN VAY VỐN HOẶC CẤP VỐN HỖ TRỢ THEO THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 17 NGÀY 30-5-1994 CỦA LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH - UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC (NAY LÀ BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ)

MẪU SỐ 1

THEO HƯỚNG DẪN TT: 17/TTLB NGÀY 30-5-1994

Việc xây dựng dự án, lập hồ sơ dự án phải làm trình tự theo mẫu thống nhất chung toàn quốc. Mỗi loại nhu cầu (vay vốn hoặc xin cấp vốn hỗ trợ phải lập dự án riêng, không làm cùng trong 1 dự án cả 2 nhu cầu).

Phần dưới đây hướng dẫn cách xây dựng dự án có tính chất kỹ thuật, giúp cho các địa phương, các cơ sở nghiên cứu xây dựng dự án cụ thể:

I. NỘI DUNG DỰ ÁN

Nội dung các văn kiện dự án bao gồm những yếu tố cơ bản về luận chứng phải theo một trình tự thống nhất bắt buộc như sau:

1. Khái quát ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh được lựa chọn để phát triển, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh tăng thêm thu nhập cho các thành viên (phải nêu được tầm quan trọng của ngành nghề được chọn ở địa phương nguồn nguyên liệu, khả năng tiêu thụ sản phẩm...).

2. Các mục tiêu của dự án:

a. Mục tiêu trước mắt (ngắn hạn).

b. Mục tiêu lâu dài (dài hạn).

3. Tên, địa chỉ của chủ dự án, số liệu tài khoản, tại ngân hàng, địa bàn và phạm vi triển khai dự án (xã, huyện, tỉnh hoặc phường, quận, thành phố).

4. Trình bày về khả năng hiện có của cơ sở, bao gồm:

- Vốn cố định.

- Vốn lưu động.

- Nhà xưởng, thiết bị, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh.

- Số lao động đang làm việc - Tỷ lệ đối tượng là thương bệnh binh, người tàn tật.

5.a. Nhu cầu vay vốn:

- Mục đích sử dụng vốn vay (vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm thiết bị, tiền công dịch vụ, cải tạo nhà xưởng cho phù hợp với công nghệ mới, không được dùng để trả lương cho thành viên tham gia dự án...).

- Thời gian về thời hạn vay và hoàn trả vốn vay phí vay.

5.b. Nhu cầu hỗ trợ vốn (Dùng cho dự án xin cấp vốn). Mục đích, nhu cầu, nội dung sử dụng vốn, hiệu quả...

6. Dự kiến kết quả đạt được nếu dự án được thực hiện (hiệu quả kinh tế xã hội).

- Phát triển sản xuất kinh doanh.

- Khả năng nâng tỷ lệ đối tượng %

TBB

+

TT

Tổng số CBCNVC

- Khả năng thu nhập bình quân? Thăm thêm?

- Tỷ suất vốn vay cho một chỗ làm việc (đồng/chỗ làm việc).

7. Các cam kết:

- Duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh

- Thu hút lao động (chủ yếu là thương bệnh binh và người tàn tật).

- Thu nhập bình quân

- Sử dụng vốn (đúng mục đích, hoàn trả đúng thời hạn)

- Về chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

II. HỒ SƠ VÀ CÁC VĂN BẢN DỰ ÁN

1. Hồ sơ của dự án vay vốn gồm:

- Tờ trình

- Dự án

- Danh sách đối tượng là thương bệnh binh, người tàn tật đang làm việc tại đơn vị.

Mẫu số 2

2. Hồ sơ của dự án xin trợ giúp vốn gồm:

- Tờ trình

- Dự án

- Danh sách đối tượng là thương bệnh binh, người tàn tật đang làm việc tại đơn vị

Mẫu số 2

3. Mẫu trang bìa của dự án:

- Tên dự án

- Mã số của dự án

- Họ và tên chủ dự án

- Địa điểm thực hiện dự án

- Cơ quan thực hiện dự án

- Cơ quan chuyên môn kỹ thuật giúp cho đơn vị thực hiện dự án (nếu có)

- Cơ quan chủ quản của dự án đơn vị

- Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc của dự án

- Số vốn đã có thể thực hiện dự án:

+ Bằng tiền:

+ Bằng hiện vật (quy ra tiền)

- Yêu cầu tổng vốn vay hoặc vốn cấp (nếu là dự án xin hỗ trợ vốn).

- Địa chỉ liên hệ:

- Số tài khoản: tại Ngân hàng:

Telex: Fax:

4. Số lượng và nơi gửi hồ sơ dự án: a. Đối với hồ sơ vốn vay:

- 3 bản:

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

+ Uỷ Ban Kế hoạch Tỉnh, Thành phố (trực thuộc Trung ương)

+ Sở Tài chính - vật giá.

- 3 bản:

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

+ Bộ Tài chính

+ Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước

- 1 bản:

+ Chi cục Kho bạc Nhà nước: Nơi chủ dự án sẽ giao dịch

- 1 bản:

+ Chủ dự án giữ để triển khai thực hiện.

b. Đối với hồ sơ xin trợ giúp vốn:

- 3 bản:

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

+ Uỷ Ban Kế hoạch Tỉnh

+ Sở Tài chính - vật giá

- 3 bản:

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

+ Bộ Tài chính

+ Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước

- 1 bản:

+ Chủ dự án giữ để triển khai thực hiện.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 17/TT-LB năm 1994 hướng dẫn chính sách cấp và cho vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật theo Quyết định 15/TTg do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 17/TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 30/05/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Lương Trào, Nguyễn Sinh Hùng, Trần Xuân Giá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 20/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản