Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116-TT/LT | Hà Nội , ngày 21 tháng 4 năm 1997 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Thi hành Nghị định số 80/CP ngày 05/12/1996 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông - vận tải, căn cứ Điều 6 của Nghị định này Bộ Giao thông - Vận tải và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về tổ chức và biên chế của thanh tra chuyên ngành giao thông - vận tải đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.
Thanh tra chuyên ngành giao thông - vận tải đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra các đối tượng, tổ chức, cá nhân là người Việt Nam (kể cả tổ chức, cá nhân người nước ngoài) hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam chấp hành các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải về bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông vận tải đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa; xử lý các vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông theo quy định của pháp luật
- Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải trong phạm vi cả nước.
B. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA GIAO THÔNg
Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 80/CP ngày 5/12/1996 quy định tổ chức và hoạt động Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải và quy định cụ thể của Bộ Giao thông - Vận tải.
C. HỆ THỐNG TỔ CHỨC THANH TRA GIAO THÔNG CÁC CẤP. THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
1. Hệ thống tổ chức Thanh tra giao thông vận tải đường bộ bao gồm:
a. Ban Thanh tra giao thông đường bộ trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam có chức năng quản lý công tác thanh tra, kiểm tra an toàn giao thông về chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.
Ban Thanh tra giao thông đường bộ do Trưởng ban phụ trách, giúp việc Trưởng ban có các Phó trưởng ban.
b. Thành lập Thanh tra giao thông đường bộ trực thuộc khu quản lý đường bộ II, VI, V, VII (trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam). Thanh tra giao thông đường bộ có chức năng quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện và phối hợp với thanh tra giao thông thuộc các Sở Giao thông vân tải, Giao thông công chính trong việc thanh tra, kiểm tra các đối tượng các tổ chức, cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài hoạt động trên địa bàn, chấp hành các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải đường bộ, theo sự hướng dẫn và quản lý nghiệp vụ của Ban Thanh tra giao thông Cục đường bộ Việt Nam.
Thanh tra giao thông vận tải đường bộ các cấp do Trưởng Thanh tra phụ trách, giúp việc Trưởng Thanh tra có Phó thanh tra.
c. Thanh tra giao thông đường bộ có bộ phận trực thuộc hoặc đại diện đặt tại các phân khu, trạm cân xe, trạm thu phí...
Thanh tra giao thông đường bộ hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.
2. Trưởng ban thanh tra giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ giao thông - Vận tải bổ nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Phó trưởng ban Thanh tra giao thông đường bộ do Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra giao thông đường bộ.
Trưởng và phó thanh tra giao thông đường bộ cấp dưới do Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam bổ nhiệm.
II. THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
1. Hệ thống tổ chức Thanh tra giao thông vận tải đường sắt bao gồm:
a. Ban thanh tra giao thông vận tải đường sắt tạm thời đặt ở Liên hiệp đường sắt Việt Nam là cơ quan thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt trên toàn tuyến đường sắt quốc gia.
Ban thanh tra giao thông đường sắt do Trưởng ban phụ trách, giúp việc Trưởng ban có các Phó trưởng ban.
b. Thành lập thanh tra giao thông đường sắt khu vực I,II và III trực thuộc Ban Thanh tra giao thông đường sắt có trụ sở đặt tại các xí nghiệp Liên hợp vận tải đường sắt 1, 2 và 3 có chức năng, tổ chức thực hiện và phối hợp với Thanh tra giao thông các Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính), thanh tra, kiểm tra các đối tượng hoạt động trên địa bàn thuộc khu vực quản lý chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Thanh tra giao thông đường sắt hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên ngành đường sắt.
2. Trưởng ban Thanh tra giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt; Phó trưởng ban Thanh tra giao thông đường sắt do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra giao thông đường sắt.
Trưởng và Phó thanh tra giao thông đường sắt cấp dưới do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt bổ nhiệm.
III. THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNGĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA
1. Hệ thống tổ chức Thanh tra giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, bao gồm:
a. Ban Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam có chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường thuỷ nội địa trong phạm vi cả nước, đồng thời trực tiếp phụ trách thanh tra giao thông tại khu vực các tỉnh phía Bắc.
b. Thành lập "Ban Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa" phía Nam có trụ sở đặt tại Chi cục đường sông phía nam để thực hiện nhiệm vụ ở khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam, Ban Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa phía nam có chức năng quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp với Thanh tra giao thông địa phương thuộc các Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính), thanh tra, kiểm tra các đối tượng, hoạt động trên đường thuỷ nội địa thuộc địa bàn được giao chấp hành các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Ban Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa do Trưởng bản phụ trách, giúp việc Trưởng ban có Phó trưởng ban.
c. Thành lập tổ, đội Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa theo vùng (trực thuộc Ban thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa) đặt trụ sở tại Cảng vụ, đoạn quản lý đường sông.
Thanh tra giao thông vận tải đường thuỷ nội địa hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam.
2. Trưởng ban Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải bổ nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng Cục đường sông Việt Nam; Phó trưởng ban thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa do Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban. Trưởng và Phó thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa cấp dưới do Cục trưởng Cục đường sông Việt Nam bổ nhiệm.
IV- THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG (TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG) GỌI CHUNG LÀ TỈNH
1. Hệ thống tổ chức Thanh tra giao thông của địa phương, bao gồm: Ban thanh tra giao thông vận tải trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải (Sở Giao thông - Công chính) có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW quản lý công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải của địa phương, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phối hợp với thanh tra chuyên ngành giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa của Trung ương trên phạm vi lãnh thổ.
Ban thanh tra giao thông trực thuộc Sở có bộ phận thanh tra chuyên ngành giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa hoặc hỗn hợp (dặt tại các vùng, hoặc các đoạn quản lý đường bộ, đoạn quản lý đường sông, bến tàu sông, bến xe, bãi đỗ xe, các huyện, thị trấn).
Thanh tra giao thông của địa phương các cấp hoạt động theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải, chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương và sự quản lý trực tiếp của Giám đốc Sở.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc thành lập Ban thanh tra giao thông trực thuộc Sở và quy định cơ cấu tổ chức của Ban.
2. Trưởng ban thanh tra giao thông trực thuộc Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTCC). Phó ban Thanh tra giao thông trực thuộc Sở và phụ trách các tổ chức Thanh tra trực thuộc ban thanh tra giao thông do Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTCC) bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban thanh tra giao thông.
V- BIÊN CHẾ CỦA HỆ THỐNG TỔ CHỨC THANH TRAGIAO THÔNG CÁC CẤP
Biên chế của Ban Thanh tra giao thông trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải (GTCC) được tính vào biên chế quản lý hành chính của các Cơ quan đó.
Biên chế cụ thể của các Ban Thanh tra giao thông do Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quy định theo kế hoạch biên chế hàng năm, bảo đảm tinh gọn, đáp ứng yêu cầu triển khai công việc, và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ, tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt Việt Nam căn cứ vào Pháp lệnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp, Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông và các văn bản pháp quy có liên quan (Nghị định 36/CP, 39/CP, 40/CP, 80/CP của Chính phủ) để tổ chức các Ban thanh tra chuyên ngành giao thông đủ sức thực hiện tốt phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao.
2. Hệ thống tổ chức Thanh tra giao thông các cấp, quản lý thanh tra viên tuân thủ nghiêm ngặt thể chế, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành trong thực thi công vụ; đồng thời luôn giữ mỗi quan hệ gắn bó mật thiết với các cơ quan thẩm quyền của Trung ương và địa phương có liên quan (lực lượng quốc phòng, cảnh sát giao thông...) để đảm bảo chức trách, nhiệm vụ được giao.
3. Thông tư này thực hiện kể từ ngày ban hành. Những quy định và hướng dẫn trước đây về các nội dung trên trái với Thông tư này thì thực hiện theo Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề nghị bổ sung, sửa đổi phản ánh về Bộ Giao thông - Vận tải và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cùng xem xét, quyết định.
Đỗ Quang Trung (Đã ký) | Lê Ngọc Hoàn (Đã ký) |
- 1Nghị định 80-CP năm 1996 quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải
- 2Quyết định 1467/2003/QĐ-BGTVT quy định tạm thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và hình thức xử lý vi phạm đối với cá nhân trong hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BGTVT-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của thanh tra giao thông vận tải ở địa phương do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Nội vụ ban hành
- 4Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BGTVT-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của thanh tra giao thông vận tải ở địa phương do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Nghị định 80-CP năm 1996 quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải
- 2Quyết định 1467/2003/QĐ-BGTVT quy định tạm thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và hình thức xử lý vi phạm đối với cá nhân trong hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư liên tịch 116-TT/LT năm 1997 về việc tổ chức và biên chế thanh tra giao thông các cấp do Bộ Giao thông vận tải- Ban tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 116-TT/LT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 21/04/1997
- Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đỗ Quang Trung, Lê Ngọc Hoàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra