Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/2000/TTLT/BNN-BTC | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2000 |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 187/1999/QĐ-TTg ngày 16/9/1999 về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung chủ yếu như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG QUYẾT ĐỊNH 187/QĐ-TTG
Đối tượng áp dụng Quyết định 187/1999/QĐ-TTg gồm:
1- Các lâm trường quốc doanh;
2- Các doanh nghiệp nhà nước (Công ty, xí nghiệp ...) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao rừng và đất lâm nghiệp để sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; công ty có đơn vị thành viên là lâm trường quốc doanh hạch toán phụ thuộc.
II- TỔ CHỨC SẮP XẾP LẠI LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
Căn cứ vào thực trạng của các lâm trường hiện có, tổ chức sắp xếp lại thành 3 loại theo quy định tại Điều 3, Quyết định 187/QĐ-TTg, cụ thể như sau:
1- Duy trì, củng cố các lâm trường quốc doanh sau đây để hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp kinh doanh:
a- Các lâm trường quốc doanh đang quản lý rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, rừng phòng hộ ít xung yếu.
b- Các lâm trường quốc doanh trồng rừng nguyên liệu công nghiệp (nguyên liệu giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ, đặc sản, tre luồng...).
Lâm trường quốc doanh có nhiệm vụ chính là: quản lý, bảo vệ, gây trồng và nuôi dưỡng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản khác, cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng khác của nền kinh tế quốc dân. Ngoài nhiệm vụ chính trên đây, lâm trường được quyền kinh doanh tổng hợp các ngành nghề khác như: nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ ... nhằm sử dụng và phát huy có hiệu quả mọi tiền năng về lao động, kỹ thuật, đất đai và vốn rừng được giao.
Các lâm trường trên đây, nếu đang được giao quản lý các khu rừng phòng họ rất xung yếu và xung yếu nằm xen kẽ với rừng sản xuất, rừng phòng hộ ít xung yếu của lâm trường, nhưng có diện tích chưa đến 5000 ha để tách ra thành khu rừng phòng hộ có Ban quản lý riêng, thì tiếp tục giao diện tích rừng phòng hộ đó cho lâm trường quản lý theo quy chế rừng phòng hộ. Việc bảo vệ, gây trồng rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu được coi là nhiệm vụ công ích của lâm trường, được ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao.
2- Chuyển đổi các lâm trường quốc doanh sau đây thành Ban quản lý khu rừng phòng hộ:
a- Các lâm trường có diện tích đất lâm nghiệp từ 5000 ha trở lên thuộc quy hoạch vùng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu (được xác lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) và chiếm từ 70% trở lên diện tích đất lâm nghiệp của lâm trường được giao.
b- Đối với các lâm trường có diện tích đất lâm nghiệp từ 5.000 ha trở lên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu, nhưng chiếm dưới 70% tổng diện tích đất lâm nghiệp của lâm trường thì: Tách phần diện tích quy hoạch cho rừng phòng hộ để thành lập khu rừng phòng hộ có Ban quản lý riêng, hoặc chuyển giao diện tích rừng phòng hộ đó cho Ban quản lý khu rừng phòng hộ liền kề (nếu có), lâm trường chỉ quản lý phần diện tích quy hoạch rừng sản xuất và phòng hộ ít xung yếu còn lại. Trường hợp chưa có điều kiện thành lập Ban quản lý khu rừng phòng hộ riêng, thì tiếp tục giao diện tích khu rừng phòng hộ trên cho lâm trường quản lý theo quy chế rừng phòng hộ và được coi là nhiệm vụ công ích của lâm trường.
Khi chuyển đổi lâm trường thành Ban quản lý khu rừng phòng hộ, thì phần diện tích quy hoạch rừng sản xuất và phòng hộ ít xung yếu nằm xen kẽ trong khu rừng phòng hộ cũng giao ban quản lý khu rừng phòng hộ quản lý, bảo vệ, gây trồng, khai thác, sử dụng theo quy chế rừng sản xuất.
3- Chuyển đổi các lâm trường sau đây sang các loại hình kinh doanh khác:
Các lâm trường đang được giao quản lý đất lâm nghiệp có quy mô diện tích dưới 1000 ha, phân bố xen kẽ với đất nông nghiệp, nằm gần các khu dân cư và lâm trường đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì chuyển đổi sang các loại hình kinh doanh khác như: Xí nghiệp dịch vụ nông - lâm nghiệp, trạm thu mua nông - lâm sản, trạm ươm cây giống...., để làm dịch vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Khi chuyển đổi, lâm trường phải xây dựng phương án trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với lâm trường trực thuộc tỉnh), hoặc Bộ quản lý ngành (đối với lâm trường trực thuộc Trung ương) phê duyệt. Phương án phải xác định rõ nhu cầu đất đai cần sử dụng cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của tổ chức mới, đồng thời, xây dựng biện pháp giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên dôi ra khi sắp xếp lại lâm trường. Chuyển giao phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền địa phương để giao hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê theo pháp luật hiện hành.
III- RÀ SOÁT LẠI DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP; GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG CHO CÁC LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan của tỉnh tiến hành rà soát lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các lâm trường để sắp xếp lại lâm trường và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao rừng cho các lâm trường.
1- Nội dung rà soát:
a- Về đất: Xác định rõ diện tích, ranh giới trên bản đồ và trên thực địa các loại đất của lâm trường đang quản lý:
- Diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu bao gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng và đất chưa có rừng.
- Diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu bao gồm: Rừng tự nhiên, rừng trồng và đất chưa có rừng.
- Diện tích đất nông nghiệp và đất khác như: đất thổ cư, ruộng, rẫy cố định, ao hồ, vườn rừng... của các hộ dân.
- Diện tích đất lâm nghiệp lâm trường không có khả năng sử dụng.
b- Về rừng: xác định rõ ràng trạng thái, diện tích, chất lượng rừng của lâm trường đang quản lý. Đối với rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu là rừng tự nhiên: lâm trường phải xem xét điều chỉnh lại phương án điều chế rừng và lập phương án sản xuất kinh doanh cho từng giai đoạn 5 năm, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện. Định kỳ 5 năm phúc tra lại và lập phương án cho giai đoạn kế tiếp. Nội dung và phương pháp tiến hành theo quy định tại Chỉ thị số 15LS/CNR ngày 19/07/89 của Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác xây dựng phương án điều chế rừng đơn giản cho các lâm trường.
2- Phương pháp rà soát:
Dựa vào kết quả kiểm kê rừng theo Chỉ thị 286/TTg ngày 2/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 18/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm kê đất đai vào năm 2000, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Địa chính tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cùng với Uỷ ban nhân dân huyện và cơ quan chủ quan lâm trường (nếu có) chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã sở tại cùng với Giám đốc lâm trường rà soát, làm rõ các nội dung trên.
3- Giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với giao rừng cho các lâm trường quốc doanh.
Căn cứ kết quả rà soát, tách diện tích đất thổ cư, đất nông nghiệp, vườn rừng của các hộ gia đình, diện tích rừng và đất lâm nghiệp mà lâm trường không có khả năng sử dụng ra khỏi diện tích của lâm trường; chuyển giao lại cho chính quyền địa phương để giao hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuê theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành bản Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Nghị định 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của bản Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích nông nghiệp và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Diện tích rừng và đất còn lại, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh làm thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với giao rừng cho các lâm trường sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm, nông, ngư nghiệp.
Trình tự, thủ tục giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 62/2000/TTLT/BNN-TCĐC ngày 06/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Địa chính về việc hướng dẫn giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
4- Kinh phí thực hiện.
Nguồn kinh phí để rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các lâm trường do ngân sách địa phương cấp theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
IV- TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH TRONG VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG RỪNG ĐƯỢC GIAO
1- Lâm trường quốc doanh chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc bảo toàn và phát triển vốn rừng được giao Lâm trường được khai thác, sử dụng rừng theo quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, Điều 4 Quyết định 187/1999/QĐ-TTg.
2. Giám đốc lâm trường có trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao; phối hợp với cơ quan kiểm lâm để bố trí cán bộ kiểm lâm chuyên theo dõi lâm trường, giúp Giám đốc lâm trường chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của lâm trường tuần tra bảo vệ rừng, xử lý các trường hợp xâm phạm đến tài nguyên rừng, trong đó có việc buộc đương sự phải bồi thường thiệt hại và thu hồi tài sản cho chủ rừng theo quy định của pháp luật.
3- Trên cơ sở vốn rừng và đất lâm nghiệp được giao, phương án điều chế rừng được duyệt, các nguồn lực khác và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Giám đốc lâm trường tiến hành xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trình Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh (đối với lâm trường trực thuộc địa phương); Bộ, ngành (đối với lâm trường trực thuộc các Bộ, ngành); Tổng công ty (đối với lâm trường trực thuộc Tổng công ty) phê duyệt và thực hiện.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
1- Giải quyết đất ở cho các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên lâm trường.
Giám đốc lâm trường có trách nhiệm rà soát lại đất ở của các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên của lâm trường (kể cả số đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động) đang cư trú trên địa bàn lâm trường quản lý, đề nghị chính quyền địa phương giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ chưa có đất ở hoặc đang sử dụng đất của lâm trường để làm nhà ở theo pháp luật hiện hành:
a- Đối với các hộ chưa có đất ở, Giám đốc lâm trường phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã sở tại xem xét, làm thủ tục đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ như đối với người dân địa phương.
b- Đối với các hộ đang sử dụng đất của lâm trường để làm nhà ở, căn cứ vào quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lâm trường cùng với Uỷ ban nhân dân xã sở tại để nghị Uỷ ban nhân dân huyện xem xét, giải quyết hợp thức hoá để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ.
2- Giải quyết việc giao đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp cho các hộ công nhân viên lâm trường:
Căn cứ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giám đốc lâm trường có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã sở tại xem xét, đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp cho cán bộ, công nhân viên lâm trường phải nghỉ việc do sắp xếp lại sản xuất, tinh giảm biên chế chỉ được hưởng trợ cấp một lần hoặc chỉ được hưởng trợ cấp một số năm và con của cán bộ, công nhân viên lâm trường đến tuổi lao động nhưng chưa có việc làm thường trú trên địa bàn lâm trường quản lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993; Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 28/8/1998; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ, mức giao bằng mức diện tích bình quân giao cho hộ nông dân tại địa phương.
3- Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và đăng ký hộ khẩu cho cán bộ, công nhân viên lâm trường nghỉ việc:
a- Trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, đối với những cán bộ, công nhân viên dôi ra, lâm trường không bố trí được việc làm và cùng không có điều kiện đào tạo lại để chuyển đổi ngành nghề thì giải quyết cho thôi việc theo chế độ hiện hành. Những lâm trường gặp khó khăn, thiếu nguồn kinh phí để giải quyết chế độ và nếu người thôi việc chấp thuận, có thể thanh toán trợ cấp thôi việc bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng của lâm trường.
Khi thanh toán tiền trợ cấp bằng giá trị rừng trồng, lâm trường phải thành lập Hội đồng định giá rừng trồng tại thời điểm thanh toán, hạch toán giảm giá trị tài sản do lâm trường quản lý và làm các thủ tục bàn giao rừng cho người xin thôi việc. Sau khi khai thác rừng, người được thanh toán chế độ thôi việc bằng giá trị rừng trồng phải giao trả lại đất cho lâm trường và được lâm trường giao khoán tiếp (nếu có nhu cầu).
b- Nếu người thôi việc xin cư trú tại địa bàn lâm trường, thì chính quyền địa phương có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú và giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp như tiết 2 mục V trên đây.
4- Quỹ đất để giải quyết đất ở; đất sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ cán bộ, công nhân viên lâm trường.
Quỹ đất để cấp đất ở; đất sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên lâm trường tại tiết 1, tiết 2 trên đây, lấy trong quỹ đất hiện có của địa phương. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất, thì lâm trường để nghị chính quyền địa phương lấy đất của lâm trường để giao, nhưng phải theo quy hoạch, không được làm đất của lâm trường bị cắt manh mún và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh tách diện tích đất này ra khỏi diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho lâm trường.
1- Đối với lâm trường quốc doanh hạch toán kinh doanh và các doanh nghiệp Nhà nước khác có sử dụng đất lâm nghiệp và kinh doanh rừng.
Lâm trường quốc doanh là doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện quản lý tài chính theo Nghị định số 59/CP ngày 3 tháng 10 năm 1996, Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Qui chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp hoạt động công ích và các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn các Nghị định này, và các quy định sau đây:
a- Quản lý vốn và tài sản lâm trường quốc doanh:
- Tài sản của lâm trường quốc doanh gồm: Tài sản cố định, tài sản lưu động được hình thành bằng nguồn vốn đầu tư dài hạn, nguồn vốn đầu tư ngắn hạn, kể cả rừng trồng từ nguồn vốn Nhà nước và các nguồn vốn khác.
Rừng tự nhiên Nhà nước giao cho lâm trường quốc doanh quản lý là tài của quốc gia, lâm trường quốc doanh có trách nhiệm quản lý theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng và quy chế quản lý các loại rừng hiện hành.
Mọi tài sản do lâm trường quốc doanh đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi không phải là tài sản của lâm trường quốc doanh.
- Vốn pháp định của lâm trường quốc doanh là số vốn tối thiểu phải có để thành lập theo quy định của pháp luật.
- Vốn pháp định của lâm trường quốc doanh là số vốn tối thiểu phải có để thành lập theo quy định của pháp luật.
- Vốn điều lệ của lâm trường quốc doanh là vốn thuộc sở hữu Nhà nước ghi trong điều lệ lâm trường quốc doanh.
Lâm trường phải công bố công khai vốn điều lệ và các trường hợp thay đổi vốn điều lệ.
- Vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại lâm trường quốc doanh là tổng giá trị tài sản lâm trường quốc doanh đang quản lý và sử dụng trừ đi (-) các khoản nợ phải trả ở thời điểm báo cáo.
- Giao vốn cho lâm trường quốc doanh: Lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao vốn thuộc sở hữu Nhà nước hiện có tại lâm trường sau khi được kiểm tra, thẩm định theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trong đó bao gồm cả những khoản sau:
+ Các khoản vốn trồng rừng do ngân sách đầu tư hoặc có nguồn gốc ngân sách Nhà nước (kể cả trước đây và hiện nay) giao cho lâm trường quốc doanh quản lý sử dụng.
+ Khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, Nhà nước cấp lại cho lâm trường quốc doanh để phát triển rừng (không bao gồm phần thuế thu nhập doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động công ích) thuộc nguồn vốn Nhà nước giao cho lâm trường quốc doanh.
b- Quản lý về doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại các lâm trường quốc doanh:
- Quản lý về doanh thu:
Doanh thu của lâm trường quốc doanh gồm doanh thu từ hoạt động kinh doanh lâm nghiệp và thu nhập từ các hoạt động khác.
Các khoản thu nhập tiêu thụ lâm sản và thu khác từ rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu thuộc doanh thu của lâm trường quốc doanh.
Lâm trường quốc doanh phải hạch toán riêng phần doanh thu từ hoạt động kinh doanh nông nghiệp, hoạt động kinh doanh liên quan đến lâm nghiệp và hoạt động kinh doanh khác để xác định kết quả kinh doanh từng hoạt động kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh liên quan đến lâm nghiệp gồm: sản xuất nông nghiệp. lâm nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, du lịch và dịch vụ lâm nghiệp.
- Quản lý về chi phí và giá thành.
Chi phí hoạt động kinh doanh bao gồm các chi phí có liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh của lâm trường quốc doanh như: chi phí giống cây, nguyên nhiên liệu, vật liệu; khấu hao tài sản cố định; chi phí quản lý bảo vệ rừng; tiền lương, các khoản chi phí có tính chất lương; các khoản trích nộp theo quy định của Nhà nước như: bảo hiểm ytế và chi phí công đoàn; chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí bằng tiền khác...
Các khoản chi phí về trồng, chăm sóc rừng, quản lý bảo về, khoanh nuôi, tái sinh rừng phòng hộ rất xung yếu, xung yếu, các hoạt động công ích khác được Nhà nước giao và các khoản chi phí thuộc các nguồn kinh phí khác đài thọ phải hạch toán riêng, không hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của lâm trường.
c- Quản lý cấp phát và sử dụng nguồn vốn từ thuế thu nhập doanh nghiệp:
Khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm cả kinh doanh lâm nghiệp và kinh doanh, dịch vụ khác) Nhà nước cấp lại cho lâm trường quốc doanh để đầu tư tái tạo rừng và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ công ích theo dự toán do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành Trung ương phê duyệt.
Thuế thu nhập doanh nghiệp cấp lại cho lâm trường là số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước (quý hoặc năm). Lâm trường nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách cấp nào, thì ngân sách cấp đó cấp lại, khoản kinh phí này sử dụng không hết trong năm, được chuyển sang năm sau.
Trình tự cấp phát vốn thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 25/2000/TT-BTC ngày 30/3/2000 hướng dẫn hoàn trả các khoản thu đã nộp ngân sách nhà nước.
Hồ sơ cấp phát vốn bao gồm:
- Quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền.
- Văn bản giao kế hoạch về vốn và khối lượng của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh (đối với lâm trường trực thuộc địa phương), của Bộ, Ngành (đối với lâm trường trực thuộc Trung ương).
- Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành giữa lâm trường và hộ gia đình hoặc đơn vị nhận thầu (nếu có).
- Bản xác nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của cơ quan thuế và số thuế thực nộp ngân sách của kho bạc Nhà nước.
Căn cứ vào hồ sơ trên cơ quan tài chính thực hiện việc cấp phát như sau:
+ Đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp lâm trường đã nộp ngân sách, điều tiết vào ngân sách Trung ương, thì Bộ Tài chính thẩm định và cấp phát.
+ Đối với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp lâm trường đã nộp ngân sách, điều tiết vào ngân sách địa phương, Sở Tài chính- Vật giá thẩm định và cấp phát.
Riêng số thuế thu nhập doanh nghiệp của lâm trường quốc doanh Trung ương đã nộp và điều tiết vào ngân sách địa phương, thì Sở Tài chính - Vật giá làm thủ tục cấp phát và báo cáo với Bộ Tài chính.
d- Chế độ phân phối lợi nhuận sau thuế và quản lý các quỹ trong lâm trường quốc doanh.
Lợi nhuận thực hiện cả năm là kết quả kinh doanh của lâm trường quốc doanh bao gồm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận từ hoạt động khác.
Lợi nhuận hoạt động kinh doanh là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu và giá thành toán bộ của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ trong năm tài chính của lâm trường quốc doanh.
Lợi nhuận hoạt động khác là lợi nhuận từ hoạt động tài chính giữa số thu lớn hơn số chi của hoạt động tài chính gồm: cho thuê tài sản, kinh doanh chứng khoán, thu lãi tiền gửi, lãi cho vay, lợi tức cổ phần và lợi nhuận từ vốn góp liên doanh và hợp doanh, hoàn nhập số dư khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán.....
Lâm trường quốc doanh phải hạch toán riêng khoản lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh lâm nghiệp và lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác.
Lợi nhuận thực hiện của lâm trường quốc doanh sau khi nộp thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được phân chia vào các quỹ doanh nghiệp và sử dụng quỹ doanh nghiệp theo Thông tư số 64/1999/TT-BTC ngày 7/6/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận sau thuế và quản lý các quỹ trong các doanh nghiệp nhà nước.
e- Ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí theo dự toán được Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ, ngành Trung ương phê duyệt cho các lâm trường để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và thực hiện nhiệm vụ công ích bao gồm:
- Gây trồng, nuôi dưỡng bảo vệ rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất trên địa bàn qui hoạch rừng nguyên liệu tập trung (hệ thống đường trục, bến bãi, v.v...)
- Thực hiện nhiệm vụ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
g- Lâm trường quốc doanh được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để thực hiện dự án bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, làm giầu rừng tự nhiên như đối với Dự án trồng rừng nguyên liệu tập trung quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29/6/1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
2. Đối với Ban quản lý khu rừng phòng hộ:
Ban quản lý khu rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, thực hiện quản lý tài chính theo chế độ hiện hành, được trích một phần khoản chênh lệch thu lớn hơn chi theo quy định, để chi cho trồng và bảo vệ rừng.
Ngân sách nhà nước cấp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, nuôi dưỡng rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trồng rừng, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng của lâm trường quốc doanh và Ban quản lý khu rừng phòng hộ thực hiện theo Thông tư liên tịch số 28/1999/TT-LT ngày 3/2/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Quyết định số 251QĐ/TTg ngày 23/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi thủ tục thanh toán vốn cho việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và các văn bản pháp luật hiện hành.
VII- ĐỔI MỚI TỔ CHỨC QUẢN LÝ TRONG NỘI BỘ LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
1. Về tổ chức sản xuất:
a- Rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, lâm trường chủ yếu phải thực hiện giao khoán ổn định cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo Quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp nhà nước ban hành theo Nghị định 01/CP ngày 02/1/1995 của Chính phủ. Ngoài ra, lâm trường có thể áp dụng các hình thức khoán khác phù hợp với điều kiện và tình hình cụ thể của lâm trường. Khuyến khích các hộ gia đình công nhân và nông dân trên địa bàn nhận khoán hoặc liên doanh, liên kết với lâm trường kinh doanh theo mô hình trang trại.
Khi triển khai giao khoán rừng và đất lâm nghiệp, lâm trường phải cùng với bên nhận khoán lập và ký hợp đồng khoán, trong đó phải quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của bên giao khoán và bên nhận khoán, đảm bảo cho bên nhận khoán yên tâm đầu tư vốn, lao động vào việc chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng và được hưởng tỷ lệ sản phẩm thích đáng khi rừng được khai thác.
b- Ngoài hình thức khoán đến hộ gia đình, lâm trường được tổ chức các tổ, đội, đơn vị lao động chuyên nghiệp để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của lâm trường (quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng...) ở những vùng rừng khó khăn nếu khoán cho hộ gia đình hoặc các tổ chức, cá nhận khác thì không có hiệu quả và làm dịch vụ sản xuất cây, con; dịch vụ vật tư, kỹ thuật, đời sống; khai thác, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản...
c- Lâm trường quốc doanh được dùng đất lâm nghiệp chưa có rừng và sử dụng lợi thế của lâm trường (về vốn, kỹ thuật, thị trường.v v...) để liên doanh, liên kết với các hộ cán bộ, công nhân viên lâm trường, hộ gia đình nông dân và các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để gây trồng rừng, kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng, đồng thời, làm dịch vụ cho các thành phần kinh tế trên địa bàn gây trồng, bảo vệ và phát triển rừng.
2- Về tổ chức bộ máy:
Để phù hợp với tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý mới, bộ máy tổ chức quản lý của lâm trường cần được tổ chức lại gọn nhẹ và có hiệu lực, cụ thể như sau:
- Ở Lâm trường: có Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và một số chuyên viên kỹ thuật nghiệp vụ giúp việc.
- Ở đội sản xuất: có Đội trưởng và 1 cán bộ kỹ thuật giúp việc.
Đối với các lâm trường kinh doanh tổng hợp nhiều ngành nghề khác nhau, Giám đốc lâm trường có thể đề nghị cơ quan chủ quản trực tiếp cho phép thành lập các phòng, ban nghiệp vụ để giúp Giám đốc điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của lâm trường như các doanh nghiệp nhà nước khác.
Dựa vào hướng dẫn trên đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng giám đốc các Tổng công ty có lâm trường quốc doanh chủ trì cùng với Sở Tài chính Vật giá và các Ban, Ngành có liên quan của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu lâm trường trực thuộc địa phương), và Bộ quản lý ngành (nếu lâm trường trực thuộc Trung ương) phê duyệt. Đề án phải hoàn thành trong năm 2000 .
Nguyễn Văn Đẳng (Đã ký) | Trần Văn Tá (Đã ký) |
- 1Quyết định 85/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh thuộc ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 2Nghị định 64-CP năm 1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp
- 3Nghị định 59-CP năm 1996 ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước
- 4Nghị định 56-CP năm 1996 về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích
- 5Chỉ thị 286-TTg năm 1997 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 6Thông tư liên tịch 28/1999/TTLT hướng dẫn Quyết định 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Bộ Kế hoạch đầu - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Nghị định 27/1999/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 59/Cp
- 8Thông tư 64/1999/TT-BTC về chế độ phân phối lợi nhuận sau thuế và quản lý các quỹ trong doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 9Nghị định 43/1999/NĐ-CP về tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước
- 10Chỉ thị 24/1999/CT-TTg về tổng kiểm kê đất đai vào năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị định 85/1999/NĐ-CP sửa đổi quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài
- 12Quyết định 187/1999/QĐ-TTg về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Nghị định 163/1999/NĐ-CP về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp
- 14Thông tư 25/2000/TT-BTC hướng dẫn hoàn trả các khoản thu đã nộp ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 15Thông tư 62/2000/TTLT-BNN-TCĐC hướng dẫn giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông tư liên tịch 109/2000/TTLT/BNN-BTC hướng dẫn Quyết định 187/1999/QĐ-TTg về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 109/2000/TTLT/BNN-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 20/10/2000
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Văn Đẳng, Trần Văn Tá
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 45
- Ngày hiệu lực: 04/11/2000
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra