Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2003/TTLT-BKH-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2003

THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH BỘ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 08/2003/TTLT-BKH-BTC NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 38/2003/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHUYỂN ĐỔI MỘT SỐ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI SANG HOẠT ĐỘNG THEO HÌNH THỨC CÔNG TY CỔ PHẦN

Căn cứ Nghị định 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ về việc chuyển đổi một số Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Căn cứ Nghị định 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số quy định tại Nghị định 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ về việc chuyển đổi một số Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần như sau:

Điều 1: Đối tượng áp dụng

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp) đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ về việc chuyển đổi một số Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Nghị định 38/2003/NĐ-CP) được xem xét để chuyển đổi sang hình thức Công ty cổ phần; riêng các Doanh nghiệp sau chưa được xem xét chuyển đổi:

a) Doanh nghiệp trong đó Bên nước ngoài hoặc các Bên tham gia liên doanh (đối với Doanh nghiệp liên doanh) hoặc nhà đầu tư nước ngoài (đối với Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam và Bên Việt Nam.

b) Doanh nghiệp có doanh thu thu trước như các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu đô thị mới; xây nhà để bán hoặc cho thuê thu tiền trước; xây dựng văn phòng, căn hộ cho thuê thu tiền trước; sân gôn; dịch vụ có bán thẻ hội viên; cho thuê lại đất thu tiền trước...

c) Doanh nghiệp đầu tư theo các hình thức BT, BOT, BTO

d) Doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư quy định tại Giấy phép đầu tư trên 70 triệu đô la Mỹ và dưới 1 triệu đô la Mỹ.

e) Doanh nghiệp có số lỗ lũy kế tại thời điểm xin chuyển đổi (sau khi đã dùng lãi của năm tài chính ngay trước năm chuyển đổi để bù đắp) lớn hơn hoặc bằng vốn của chủ sở hữu.

g) Doanh nghiệp có số nợ phải thu không còn khả năng thu hồi tại thời điểm xin chuyển đổi lớn hơn vốn của chủ sở hữu.

Điều 2. Hình thức chuyển đổi

Doanh nghiệp được chuyển đổi theo các hình thức quy định tại Điều 4 Nghị định 38/2003/NĐ-CP gồm:

1."Giữ nguyên giá trị doanh nghiệp và chủ đầu tư" được áp dụng đối với Doanh nghiệp:

a) Có số lượng chủ đầu tư tại thời điểm đề nghị chuyển đổi đáp ứng yêu cầu về số lượng cổ đông tối thiểu theo quy định đối với Công ty cổ phần;

b) Các chủ đầu tư không chuyển nhượng phần vốn góp cho cổ đông mới;

c) Không huy động thêm vốn điều lệ

Chủ đầu tư quy định tại Nghị định 38/2003/NĐ-CP và Khoản 1 Điều này là Bên nước ngoài, Bên Việt Nam trong các doanh nghiệp liên doanh, Nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc Điều lệ Doanh nghiệp.

Tỷ lệ nắm giữ cổ phần giữa các cổ đông sáng lập được xác định theo tỷ lệ góp vốn pháp định quy định tại Giấy phép đầu tư, hoặc theo thỏa thuận giữa các chủ đầu tư và được quy định trong Điều lệ Công ty cổ phần.

2. "Chuyển nhượng một phần giá trị doanh nghiệp cho các cổ đông mới" được áp dụng đối với Doanh nghiệp:

a) Cần bổ sung thêm cổ đông để đảm bảo đủ số cổ đông tối thiểu theo quy định đối với Công ty cổ phần hoặc có nhu cầu bổ sung cổ đông mới, và

b) Không huy động thêm vốn điều lệ.

Tỷ lệ nắm giữ cổ phần giữa các cổ đông sáng lập được xác định theo thỏa thuận và được quy định trong Điều lệ Công ty cổ phần.

3. "Giữ nguyên giá trị Doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng một phần vốn và phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn đầu tư" được áp dụng đối với doanh nghiệp:

a) Có nhu cầu tăng vốn điều lệ;

b) Vừa có nhu cầu huy động thêm vốn, vừa có nhu cầu tăng số lượng cổ đông.

Tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông sang lập mới được xác định theo thỏa thuận và được quy định trong Điều lệ Công ty cổ phần.

Trong các trường hợp chuyển đổi nêu tại các Khoản 1, 2 và 3 của Điều này, Công ty cổ phần phải đảm bảo quy định nêu tại Khoản 1 Điều 10 và Khoản 3 Điều 12 Nghị định 38/2003/NĐ-CP.

Điều 3. Giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi

1. Giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi là toàn bộ giá trị tài sản hiện có ghi trên sổ sách của doanh nghiệp đã được kiểm toán độc lập trong vòng 6 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ chuyển đổi.

2. Giá trị phần vốn của chủ đầu tư trước khi chuyển đổi là toàn bộ giá trị tài sản hiện có ghi trên sổ sách của doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập trong vòng 6 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ chuyển đổi sau khi đã trừ đi các khoản nợ phải trả.

3. Thời điểm định giá doanh nghiệp là thời điểm báo cáo tài chính đã được kiểm toán .

4. Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, việc kiểm kê, phân loại các loại tài sản, các khoản nợ phải thu, phải trả cần tuân thủ theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính - kế toán, thuế.

Phần giá trị các tài sản thiếu, mất mát, hư hỏng không thể sử dụng được (nếu có) sẽ được khấu trừ vào giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi sau khi trừ đi khoản đền bù trách nhiệm cá nhân.

Phần giá trị tài sản thừa (nếu có) sẽ được tính vào giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi.

Các khoản nợ phải thu có đủ căn cứ xác định không có khả năng thu hồi tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Các khoản nợ phải trả có đủ căn cứ là chủ nợ đã từ bỏ các quyền của mình đối với khoản nợ đó tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

5. Trường hợp doanh nghiệp liên doanh có Bên Việt Nam được phép dùng giá trị quyền sử dụng đất đẻ góp vốn vào liên doanh, nếu Bên Việt Nam là Doanh nghiệp Nhà nước thì phải hoàn thành thủ tục ghi vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn vào liên doanh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6. Trong khoảng thời gian tính từ ngày báo cáo tài chính được kiểm toán đến ngày Giấy phép đầu tư điều chỉnh có hiệu lực, có phát sinh các khoản lãi hoặc lỗ làm ảnh hưởng đến giá trị Doanh nghiệp thì Doanh nghiệp được điều chỉnh giá trị Doanh nghiệp để chuyển đổi tương ứng với phần lãi hoặc lỗ phát sinh đã được kiểm toán.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị chuyển đổi

1. Hồ sơ xin chuyển đổi được lập theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định 38/2003/NĐ-CP.

2. Hồ sơ xin chuyển đổi cần có thêm bản giải trình cụ thể trong Phương án chuyển đổi đối với các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp bổ sung thêm cổ đông sáng lập mới.

b) Doanh nghiệp có tỷ lệ phân chia lợi nhuận quy định tại Giấy phép đầu tư khác với tỷ lệ góp vốn pháp định của các Bên.

c) Doanh nghiệp bán cổ phần cho người lao động.

d) Doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để huy động thêm vốn điều lệ.

Điều 5. Trình tự và thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện chuyển đổi quy định tại Điều 1 Thông tư này gửi hồ sơ đề nghị chuyển đổi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25 tháng 3 năm 2004 để được xem xét, lựa chọn các doanh nghiệp chuyển đổi trước ngày 25 tháng 5 năm 2004.

2. Thời hạn thẩm định:

a) Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ tới các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các Bộ, ngành liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị chuyển đổi của doanh nghiệp; quá thời hạn nêu trên mà không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận đề nghị chuyển đổi của doanh nghiệp.

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ý kiến thẩm định lên Thủ tướng Chính phủ.

d) Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản tới doanh nghiệp đề nghị chuyển đổi.

3. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo chấp thuận việc chuyển đổi doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục chuyển đổi quy định tại Điều 23 Nghị định 38/2003/NĐ-CP và báo cáo kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được cấp Giấy phép đầu tư điều chỉnh chuẩn y việc chuyển đổi doanh nghiệp.

Quá thời hạn nêu trên, nếu Doanh nghiệp chưa thực hiện xong các thủ tục chuyển đổi quy định tại Điều 23 Nghị định 38/2003/NĐ-CP, Doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, quyết định. Trường hợp không báo cáo thì coi như Doanh nghiệp không có nhu cầu chuyển đổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chấm dứt việc xem xét đề nghị chuyển đổi của Doanh nghiệp.

4. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi của Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận việc chuyển đổi Doanh nghiệp thành công ty cổ phần dưới hình thức Giấy phép đầu tư điều chỉnh.

Thời hạn trên đây không bao gồm thời gian Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển đổi.

Mọi yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Doanh nghiệp về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển đổi được thực hiện bằng văn bản trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

5. Trong quá trình chuyển đổi, Doanh nghiệp tiếp tục duy trì cơ cấu tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và phải bảo đảm hoạt động kinh doanh bình thường cho đến khi được cấp Giấy phép điều chỉnh chuẩn y việc chuyển đổi doanh nghiệp.

Điều 6. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác đối với Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài và Giấy phép đầu tư.

2. Trường hợp Doanh nghiệp chuyển đổi theo hình thức chuyển nhượng một phần giá trị Doanh nghiệp cho các cổ đông mới, nếu phát sinh lợi nhuận do chuyển nhượng, Bên chuyển nhượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng vốn theo quy định của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Điều 7. Đồng tiền ghi mệnh giá cổ phiếu

1. Mệnh giá cổ phiếu của Công ty cổ phần phát hành tại Việt Nam phải ghi bằng Đồng Việt Nam.

Trường hợp cổ phiếu phát hành hoặc niêm yết tại nước ngoài, mệnh giá cổ phiếu được ghi bằng đô la Mỹ hoặc ngoài tệ tự do chuyển đổi.

2. Cổ phiếu ghi bằng ngoại tệ khi giao dịch tại Việt Nam phải được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá sau:

- Đối với đô la Mỹ là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam đối với đồng đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển đổi;

- Đối với ngoại tệ tự do chuyển đổi khác là tỷ giá của Đồng Việt Nam với các ngoại tệ này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 10 ngày một lần tại thời điểm chuyển đổi.

Điều 8. Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập nước ngoài

1. Trong quá trình hoạt động, cổ đông sáng lập nước ngoài được phép chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Điều 15 Nghị định 38/2003/NĐ-CP.

2. Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập nước ngoài phải được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thông qua và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.

3. Công ty cổ phần phải đảm bảo tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông sáng lập nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 và Khoản 3 Điều 12 Nghị định 38/2003/NĐ-CP. Trường hợp không đáp ứng được quy định nêu trên về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông sáng lập nước ngoài, Công ty cổ phần phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét, quyết định.

4. Trong quá trình hoạt động, trường hợp bị phát hiện không đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 10 và Khoản 3 Điều 12 Nghị định 38/2003/NĐ-CP, Công ty cổ phần phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Chế độ báo cáo

Công ty cổ phần thực hiện báo cáo tình hình hoạt động theo quy định chung đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và định kỳ 6 tháng, 1 năm, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về tình hình hoạt động, việc phát hành cổ phiếu, tỷ lệ cổ phần do cổ đông nước ngoài nắm giữ, việc tham gia thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề liên quan khác.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện, những vướng mắc được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

Nguyễn Bích Đạt

(Đã ký)